TIỂU THUYẾT

Số trang: 385

Khổ sách: 13x19cm




NGUYỄN ĐỨC QUYẾT dịch

NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP KIÊN GIANG –

1989




NGUYÊN BẢN Tiếng Anh

Thomas Mine Reid “Oskeola, the Leader of Seminols”

LỜI GIỚI THIỆU




Tiểu thuyết Oskeola đến tay các bạn khi nó vừa tròn 130 tuổi.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng dư âm cuộc chiến hào hùng và bi thiết của một dân tộc thượng võ, yêu tự do chống tại xâm lăng da trắng bạo tàn và xảo quyệt vẫn dội lên trong trang sách của Thomas Reid.

Thomas Mine Reid sinh năm 1818 tại Irland xác xơ, nghẽo đói. Là một người rất giàu nhân ái, Reidcăm thù tận xương tủy bạo lựcvà độc tài trên đất nưóc mình, từ bỏ sắc áo thầy tu tin lành mà cha ông đã định trước. Hai mươi hai tuổi. Reid vượt biển sang Mỹ Châu, bắt đầu cuộc sống mới đầy phiêu lưu sóng gió. Trước khi trở thành cây bút bênh vực các cựu chủ nhân bất hạnh trên Tân lục địa, tác giả của những “Kỵ sĩ không đầu’’. “Thiếu nữ Cvarteron “Thủ lĩnh trắng”. “Chiếc vòng vàng”. “Trườn trên vách đá… lừng danh thế giới. Reid đã trải khá nhiều nghề.. Dạy học, buôn bán, làm nhà báo, diễn viên… Đặc biệt, chính Reid một thời cũng đã từng là lính, trong một trận đánh ngập máu với người da đỏ ông bị trọng thương, vùi giữa đống xác người và đã bị báo tử trên báo chí. May thay. “Con người một đời hai lần chết” (theo cách gọi của chính Reid.) ấy đã không sớm giã biệt,cuộc đời, nếu không hậu thế hẳn đã phải chịu thiệt thòi – thiếu những tác phẩm đầy hào khí da đỏ của ông.




Trước Reid đã không ít người viết về chiến tranh da đỏ. Nhưng những cuốn sách sặc mùi thực dân của họ. Thôngqua các captivity (tù binh của người da đỏ) và Indian hater (kẻ thù địch, bài xích người da đỏ)đã bóp méo lịch sử, trơ tráo bôi đen danh dự, đạo lý, phẩm cách của các dân tộc da đỏ.

Thomas Reid đã không làm như vậy. Tác phẩm của ông thấm đượm thiên cảm nồng nhiệt và kính phục chân thành đối với một dân tộc cao thượng, quả cảm, khẳng khái, giàu tình yêu, nhưng lịch sửbất công đã đang tâm áp đặt số phận hẩm hiu.

“Oskeola” là một tiểu thuyết sử thi, với thủ lĩnh huyền thoại mà lịch sử và nghệ thuật đã và còn truyền tụng. Trong cuộc đấu tranh bền bỉ, không cân sức của các dân tộc da đỏ chống lại người Mỹ da trắng tàn bạo, Oskeola nổi lên như một thủ lĩnh kiệtxuất. Là một người yêu nước nhiệt thành, một nhàquân sự tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc, một chiến binh quả cảm, một tâm hồn cao thượng, thủy chung… Oskeola đã trở thành linh hồn cho cuộc kháng chiến, là niềm tin yêu, kính trọng của cả cộng đồng, là mối khiếp sợvà nể phục đối với kẻ thù xâm lược cùng lũ tay sai phản bội đồng bào và là mối cảm hoài đầy thi hứng cho các thế hệ sau.




Trong cuốn tiểu thuyết không phải tất cả mọi chi tiết đều trung thành với sự thật lịch sử. Song điều có thật ấy là kẻ thù đã phải nhỏ lệ khi vĩnh biệt người con lỗi lạc của núi rừng da đỏ. Trước ngày Oskeola qua đời, lòng kính trọng sâu sắc đối với anh đã thôi thúc họa sĩ Jorge Ketlin hoàn tất chân dung chàng thủ lĩnh kiêu hùng lưulại cho hậu thế.

Cuốn tiểu thuyết có một sức lôi cuốn kỳ lạ. Bạn đọc không những chỉ quan tâm đến kết cục cuộc chiến vô cùng gian khổ và kiêu dũng của người da đỏ xeminol, mà còn nóng lòng muốn biết số phận trung úy Jorge Rendolf cùng mối tình đầu đằm nàn, nồng thắm của chàng đối với nàng tiên da đỏ mà nữ thần ái tình Aphrodite phải ngậm ngùi nhường nhan sắc – Maiuymi, em gái Oskeola; số phận của Virginia, tiểu thư da trắng “trái tính trái nết”, em gái Jorge Rendolf và là người để Oskeola chôn chặt một khối tình vô vọng: số phận đại úy Gallaher yêu đời, chân thành và máu mê đấu súng: số phận Jec Đen trung thành, can đảm cùng nàng Viola xinh đẹp ; số phận ông lão săn cá sấu Hicmen… Và dĩ nhiên, độc giả rất muốn biết và nóng lòng chờđợi giờphút trừng phạt tên Jec Vàng phản phúc, lòng lang dạ thú mà cá sấu đớp không chết, cũng nhưgãArens Ringgold đểu cáng, thâm hiểm…

Sau “Oskeola” đã có không biết bao nhiêu tiểu thuyết về người da đỏ bằng đủ các thứ tiếng khác nhau. Nhiều cuốn trong số đó đã từng vang bóng một thời, nhưng theo thời gian đã lùi dần vào quên lãng và an phận trong thư tịch, Riêng “Oskeola” cùng những tác phẩm tuyệt vời khác của Thomas Reid – những bài ca bất tuyệt về ý chí tự do, lòng nhân ái, và phẩm cách cao quí của con người – vẫn tràn đầy sinh lực, khỏe khoắn vượt qua bụi bặm của thời gian, đến với độc giả để chắc chắn chiếm lĩnh một góc tâm tư trân trọng và mến mộ.

1-1989

NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP KIÊN GIANG

***
Thomas Mayne Reid là một tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Scotland. Thomas Mayne Reid đã chiến đấu trong Chiến tranh Mỹ-Mexico. Nhiều tác phẩm của ông là về cuộc sống của người Mỹ. Trong các tác phẩm này, tác giả đã mô tả chính sách thuộc địa ở Hoa Kỳ, nỗi kinh hoàng của lao động nô lệ và cuộc sống của người da đỏ Mỹ.
***
Bố tôi là chủ một đồn điền indigo – trồng chàm. Ông tên là Rendolf, và tôi cũng tên như vậy: Jorge Rendolf.
Tôi mang trong mình dòng máu pha trộn với người da đỏ, bố tôi nguyên thuộc về dòng họ Rendolf vùng sông Roanoc, dòng dõi của công chúa Pocakhontas*. Ông rất tự hào về gốc gác da đỏ của mình, gần như kiêu hãnh nữa là khác. Có lẽ một người châu Âu bình thường sẽ cảm thấy điều đó có vẻ kỳ quặc, nhưng rõ ràng ở châu Mỹ những người da trắng, có tổ tiên da đỏ lại rất tự hào. Là một người metis* không phải là điều sỉ nhục, nhất là nếu anh ta có tài sản kha khá. Hàng trăm cuốn sách ca ngợi lòng cao thượng của người da đỏ cũng không thuyết phục bằng một sự thực giản dị là tất cả chúng tôi không một ai cảm thấy ngượng ngùng khi nhận mình là con cháu họ. Hàng trăm gia đình da trắng hiện giờ vẫn khẳng định họ là dòng dõi của công chúa miền Virginia ngày xưa. Nếu như những tự hào, gắn bó với họ là xác đáng thì công chúa Pocakhontas xinh đẹp thuở ấy hẳn phải là một kho báu vô giá đối với ông chồng.
Tôi nghĩ rằng bố tôi đích thực là con cháu của công chúa. Chí ít thì ông cũng xuất thân từ một gia đình thuộc địa danh giá cũ. Hồi trai trẻ ông đã có hàng trăm nô lệ da đen, nhưng lòng hiếu khách và tính hoang tàng đã làm ông tán gia bại sản. Không chịu được tình cảnh sa sút khốn khổ, ông nhặt nhạnh mớ tài sản còn sót lại rồi đi xuống phía nam, làm lại cuộc đời.
Tôi ra đời trước khi xảy ra biến cố đó, và quê hương tôi vẫn là Virginia, nhưng khi tôi bắt đầu nhận thức được thì gia đình tôi đã ở bên bờ sông Xuoni xinh đẹp, miền đất Florida*. Tuổi ấu thơ của tôi đã êm đềm trôi qua tại đây, cũng tại đây tôi đã đón nhận những niềm vui sướng đầu tiên của tuổi trẻ, đã ngất ngây, rạo rực với mối tình đầu.
Giờ đây tôi vẫn nhớ như in ngôi nhà gỗ sồi xinh xắn sơn màu trắng, vẫn thấy rõ những tấm rèm xanh bên khung cửa sổ. Quanh nhà có gác hiên với những cột gỗ khắc chạm công phu đỡ mái. Bên phải khu nhà là rừng cam, bên trái là cả một khu vườn mênh mông. Xa xa, phía ngoài bãi cỏ là khu rừng thưa xanh rì chạy thoai thoải tới tận bờ sông. Dòng sông tới đúng chỗ này thì gấp khúc, trông giống như một mặt hồ khá rộng với những cù lao nho nhỏ, hai bên bờ thấp thoáng rừng cây. Quanh hồ vô số chim chóc bay lượn rợp trời, từng bầy thiên nga nô giỡn ào ào trên mặt nước.
Dải rừng thưa cạnh nhà mọc đủ thứ cây – những cây cọ với những tàu lá dài nhọn hoắt, những cây dải quạt lá xòe rộng bản, những bụi mộc liên, bụi hồi trổ bông thơm ngát, những khóm dây cầu vồng sặc sỡ. Trong rừng còn có một cây sồi khổng lồ, cành cây mọc ngang thân với tán lá dầy xanh tốt quanh năm, che mát cả một khoảng rộng dưới bãi cỏ.
Tôi nhìn thấy dưới bóng sồi một cô bé xinh đẹp bận váy mỏng mùa hè. Chiếc khăn trắng trùm đầu không che kín những lọn tóc xoăn dài vàng óng. Đó là Virginia, em út và em gái duy nhất của tôi. Mớ tóc vàng óng ấy Virginia thừa hưởng của mẹ, nhìn mái tóc không ai có thể nghĩ rằng cô có gốc gác da đỏ. Cô đang giỡn với hai con thú yêu quí của mình – con hươu dama và chú hươu con bé xíu có bộ lông sặc sỡ. Virginia bóc cam cho hai mẹ con hươu ăn, chúng rất thích cam. Cạnh đó còn một con vật nữa mà Virginia cũng rất yêu – chú sóc đen lông mượt láng với cái đuôi luôn ngúc ngoắc. Chú sóc hiếu động nhảy thoăn thoắt, mỗi lần nhảy là mỗi lần làm hươu con hoảng sợ, nép sát vào hươu mẹ hay chay lại nhờ em gái tôi che chở.
Quanh nhà rộn tiếng chim lanh lảnh. Rồi tiếng chó sủa, tiếng mèo kêu, ngựa hí. Phía sau nhà là một cảnh tượng hoàn toàn khác, có thể không hấp dẫn bằng nhưng không kém phần sôi động. Mọi người đang làm việc. Sát nhà là một khoảng rộng, rào kín bằng cọc sắt. Chính giữa là một mái che khổng lồ tựa trên những dãy cột gỗ to và khỏe. Dưới mái che thấy rõ hàng dãy máng ngâm bằng gỗ trắc bá. Các máng ngâm xếp thành ba tầng, nối với nhau qua hệ thống vòi mở. Đó là nơi người ta ngâm chàm để chế phẩm nhuộm màu xanh.
Phía xa là những nếp nhà nhỏ xíu xếp thành dãy của người da đen. Những ngôi nhà bé nhỏ ấy dường như cố co lại, giấu mình trong khu rừng cam. Không khí thơm ngát mùi hoa rộ vàng, rồi mùa trái chín. Phía trên những mái nhà cũng lại những thân cọ đường bệ vươn cao hay ngả mình xòe lá giống hệt như ở bãi cỏ trước nhà.
Bên trong bức tường vây có mấy dãy nhà nữa, trông thô kệch, tường ghép gỗ súc sù sì, mái ván. Đó là khu chuồng ngựa, kho ngũ cốc và nhà bếp. Từ nhà bếp có một hành lang ngỏ ăn thông lên tòa nhà chính, mái hành lang lợp ván, cột đỡ dựng bằng gỗ bá hương.
Ra sau tường vây tới cánh đồng bát ngát, chạy tít tắp tới những viền rừng trắc bá che khuất chân trời. Đây chính là khu vực trồng chàm. Tuy vậy ở đây cũng có ngô, lúa, khoai tây, mía. Các loại lương thực đó chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tại chỗ chứ không bán.
Indigo trồng thành hàng lối thẳng tắp. Rừng chàm mọc không đồng bộ: chỗ thì vừa mới trồng, lá nhỏ xíu giống như cỏ chĩa ba, chỗ đã trưởng thành, cao đến hơn hai foot*, hoa nở rộ. Đôi khi hoa chàm nở giống hệt như những con bướm nhỏ, nhưng người ta không để cho chúng nở hết độ. Chúng phải chịu một số phận khắt khe: người ta sẽ cắt nghiền những cánh hoa màu huyết dụ không thương tiếc.
Bên trong bức tường vây và ngoài ruộng chàm hàng trăm người tất bật với công việc. Ngoại trừ một, hai người trong số họ, số còn lại đều là nô lệ người Phi. Đông nhất là dân đa đen, trong đó kể chung cả dân mulat, xambo, tertxeron, cvarteron*. Tuy nhiên, ngay những người thuần túy gốc Phi cũng không phải ai cũng đen cả, nhiều người da màu đồng. Một số trông khá dị hình – môi dày, trán thấp, mũi tẹt và dĩ nhiên không thể có vóc dáng cân đối. Nhưng số khác thân hình, khá đẹp, thậm chí có nhiều người trông rất hấp dẫn. Nhiều cô gái cvarteron trong số họ trông gần như da trắng.
Tất cả mặc quần áo lao động. Đàn ông mặc quần vải gai mỏng, sơ mi màu rực rỡ, đội mũ đan bằng lá cọ. Dăm ba người ăn bận khá bảnh, một số lại cởi trần trùng trục, nước da đen bóng láng dưới nắng trưa trông như phiến gỗ lim. Phụ nữ ăn mặc sặc sỡ hơn, họ mặc váy sọc hoa và quấn khăn vải kẻ ca rô. Nhiều người mặc váy thêu rất đẹp. Mái tóc quấn như khăn xếp càng làm cho họ có một vẻ đẹp đặc biệt.
Cả đàn ông và đàn bà đều làm việc ở đồn điền indigo. Họ cắt chàm và bó thành bó, tốp thợ khác kéo chàm về dưới mái che, quăng lên máng ngâm trên cùng. Rồi lại một tốp thợ nữa tiếp tục công việc – dẫn nước vào và “ép” chàm. Số thợ còn lại dùng xẻng gạt chất bột lắng vào cửa kênh tháo, chuyển xuống khâu cuối cùng là sấy khô và đổ khuôn. Mỗi người làm một việc nhất định, và phải nói là họ làm khá vui vẻ. Họ cười nói, đùa giỡn, hát hò suốt buổi.
Tuy nhiên, tất cả bọn họ đều là nô lệ của bố tôi. Bố tôi đối xử với họ rất tốt, rất hiếm khi ông dùng đến roi vọt, có lẽ vì thế mà đám thợ luôn vui vẻ và thoải mái.
Những hình ảnh dễ chịu ấy đã in sâu vào trí nhớ tôi. Chính nơi ấy tôi đã đi qua những tháng năm thơ bé, chính nơi ấy tôi đã khởi đầu cuộc sống có ý thức của mình.
 

Mời các bạn đón đọc Oskeola Thủ Lĩnh Da Đỏ của tác giảe Thomas Mayne Reid.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.