Quá trình du nhập của Nho Giáo vào Việt Nam
LỜI NÓI ĐẦU
Nho giáo – một học thuyết triết học, chính trị – đạo đức khởi nguồn từ Trung Quốc, đã có mặt ở Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Từ lúc ban đầu bị phần lớn người dân Việt từ chối khi mới du nhập, sau thời Bắc thuộc, Nho giáo đã dẫn được các triều đại phong kiến Việt Nam tiếp nhận và sử dụng làm hệ tư tưởng, công cụ để trị nước, đào tạo ra những con người phục vụ cho mục đích cai trị của chế độ phong kiến. Trong nhiều thế kỷ được nhà nước phong kiến Việt Nam đề cao, Nho giáo được xem như một mô hình tổ chức và quản lý xã hội chính thống, một phương thức hoạt động và phát triển văn hóa đóng vai trò chủ đạo. Một mặt, các nguyên tắc chính trị – đạo đức của Nho giáo đã được vận dụng để xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ, hùng mạnh (các triều đại Lý – Trần – Lê – Nguyễn), góp phần gìn giữ và làm giàu di sản văn hóa nước nhà, nhưng mặt khác nó cũng phần nào kìm hãm sự phát triển của tư tưởng học thuật và tiến trình lịch sử nước ta. Ở Việt Nam, Nho giáo có lúc thịnh lúc suy, có lúc được coi là đỉnh cao của hệ tư tưởng thống trị, nhưng cũng có lúc bị phê phán nặng nề, bị coi là nguồn gốc của tư tưởng bảo thủ lạc hậu. Và theo thời gian, Nho giáo đã trở thành một trong những thành tố của truyền thống văn hóa Việt Nam, chi phối mạnh mẽ đến tư duy và thái độ ứng xử của người Việt. Giáo sư Phan Ngọc từng đánh giá: “Không có một dấu vết nào của văn hóa Việt Nam mà không mang một biểu hiện có thể xem là có tính chất Nho giáo, dù đó là văn học, chính trị, phong tục, nghi lễ, nghệ thuật, tín ngưỡng. Cũng không có một người Việt Nam nào, dù chống Nho giáo đến đâu mà lại không chịu ảnh hưởng của Nho giáo”.
Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Đây vừa là thời cơ cho sự hội nhập và phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời cũng là thách thức to lớn đối với vấn đề bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc trong bối cảnh mới. Trong xu hướng tất yếu của sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa, việc khẳng định và phát huy những yếu tố văn hóa bền vững, lâu dài làm nền tảng tinh thần cho sự tồn tại và phát triển của cả một dân tộc là hết sức thiết yếu. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ trương xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa “phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ” với mục tiêu “làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Nền văn hóa ấy tất yếu phải kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc mà trong đó sự đóng góp không nhỏ của Nho giáo. Do vậy, việc nghiên cứu về Nho giáo nói chung, quá trình du nhập của Nho giáo vào Việt Nam nói riêng, giúp chúng ta nhận thức rõ hơn đặc điểm, vị trí, vai trò và những ảnh hưởng của Nho giáo đối với đời sống xã hội Việt Nam, trên cơ sở đó có thái độ khách quan trong việc tiếp thu di sản của quá khứ, góp phần tạo ra nội lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Những nghiên cứu trong cuốn sách này còn nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm về sự tiếp thu, vận dụng của dân tộc ta đối với các yếu tố văn hóa, tư tưởng du nhập từ bên ngoài vừa để tránh bị đồng hóa văn hóa vừa để làm giàu thêm nền văn hóa của riêng mình, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại, khi mà một quốc gia nào dù có thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” cũng không thể ngăn nổi sự thẩm thấu của dòng chảy toàn cầu hóa văn hóa – một dòng chảy lớn cuốn hút mọi nền văn hóa cùng hội nhập.
Qua cuốn sách người đọc có thể nhận thức rõ hơn về vấn đề tiếp thu và biến đổi Nho giáo của người Việt trong lịch sử, từ đó làm cơ sở cho những nghiên cứu về Nho giáo ở Việt Nam nói riêng, về tư tưởng, văn hóa Việt Nam nói chung, đặc biệt là khi văn hóa trở thành mục tiêu động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay. Rất hy vọng nhận được những nhận xét, góp ý của quý độc giả để tác giả tiếp tục hoàn thiện những nghiên cứu của mình.
Tác giả
Phạm Thị Loan
Leave a Reply