Sống Để Kể Lại

Cuộc sống không chỉ là quãng thời gian ta đã sống, đã tồn tại, mà còn là những gì ta sẽ để lại dấu ấn của mình trong cuộc đời này. Trên chặng đường đó, ta được ước mơ, được trải nghiệm, được vượt qua thử thách, được thể hiện và sống thật với chính mình, cùng những nỗi buồn, hạnh phúc, sai lầm và nỗi đau. Để cuối cuộc đời chúng ta có quyền nhớ lại, hồi tưởng và kể lại những ký ức không quên đó.

…và chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ những ký ức tuyệt vời đó…

Gabriel Garcia Marquez




Marquez- Một tài nǎng vĩ đại với tấm lòng hồn nhiên, bao dung của trẻ thơ.

Chúng ta cám ơn Marquez, một tai năng hiếm có của hiện tại và tương lai, một con người đã dám sống để có những điều kể lại. Tự truyện Sống để kể lại đã được viết trong những ngày tháng ông phải chiến đấu với căn bệnh ung thư máu, giữa sự sống và cái chết.

Qua cuốn sách chúng ta đã hiểu nhiều trải nghiệm, sâu sắc từ những suy nghĩ cũng như từ chính cuộc đời gian truân, thăng trầm đặc biệt và rất thật của ông.




(Trích Lời giới thiệu của Fidel Castro)

***

Gabriel Garcia Márquez (sinh năm 1927) tại Aracataca, một thị trấn bên bờ biển Caribê, thuộc miền Bắc Columbia, ông là nhà văn nổi tiếng người Colombia. Ngoài viết văn ông còn là một nhà báo và một nhà hoạt động chính trị.




Ông được biết đến với các tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả, Mùa thu của vị trưởng lão, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Trăm năm cô đơn…

Gabriel Garcia Márquez sinh ra và lớn lên tại một gia đình trung lưu gồm 11 người con và ông là anh cả. Những năm đầu tiên học tại đại học Quốc gia Colombia Márquez đã bắt đầu tham gia viết báo và bắt đầu những tác phẩm văn học đầu tiên gồm 10 truyện ngắn nổi tiếng.

Sau khi học được năm kỳ, ông quyết định bỏ học rồi chuyển về Barranquilla thực sự bước vào nghề báo và viết tiểu quyết đầu tay La hojarasca (Bão lá). Trong năm 1955, ông tới Thụy Sỹ làm đặc phái viên của tờ El Espectador. Sau đó qua Ý học tại Trung tâm thực nghiệm điện ảnh rồi sang Paris sinh sống trong điều kiện vật chất vô cùng khó khăn. Trong thời gian này ông viết cuốn tiểu thuyết La mala hora (giờ xấu), đồng thời tách từ cuốn này viết nên El coronel no tiene quien le escriba (Ngài đại tá chờ thư).




Năm 1982 ông nhận giải Nobel văn học cho những cống hiến của mình. Sau đó ông vẫn tiếp tục sáng tác và có nhiều tác phẩm giá trị, ngày càng khẳng định được tên tuổi trên văn đàn thế giới.

***

Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:




– Ký sự về một cái chết đã được báo trước (tiểu thuyết), Nguyễn Mạnh Tứ dịch, NXB Văn Học, 1983.

– Ngài đại tá chờ thư (tập truyện), Nguyễn Trung Đức – Phạm Đình Lợi – Nguyễn Mạnh Tứ dịch, NXB Văn Học, 1983; 2001.

– Người chết trôi đẹp nhất trần gian, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Hải Phòng – NXB Đồng Nai, 1987.




– Giờ xấu (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Thanh Niên, 1989; NXB Văn Học, 2001.

– Tướng quân giữa mê hồn trận (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 1990; NXB Hội Nhà Văn, 1999.

– Mười hai truyện phiêu dạt (tập truyện), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1995; NXB Văn Học, 2004.




– Tình yêu thời thổ tả (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 1995; 2000.

– Trăm năm cô đơn (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức – Phạm Đình Lợi – Nguyễn Quốc Dũng dịch, NXB Văn Học, 1986; 1992; 1999; 2000.

– 36 truyện đặc sắc (tập truyện ngắn), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 2001.




– Tin tức về một vụ bắt cóc (tiểu thuyết), Đoàn Đình Ca dịch, NXB Đà Nẵng, 1998; NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2001.

– Những người hành hương kì lạ (tập truyện ngắn), Phan Quang Định dịch, NXB Thanh Niên, 2002.

– Tuyển tập truyện ngắn, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 2004.




– Sống để kể lại (hồi kí), Lê Xuân Quỳnh dịch, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2005.

– Ông già và đôi cánh khổng lồ, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Tập truyện ngắn nước ngoài chọn lọc, NX B Quân Đội Nhân Dân, 1998; Tuyển tập truyện ngắn Châu Mỹ Latinh, NXB Hội Nhà Văn, 1999.

– Làng này không có kẻ trộm, Quà Tết, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc – tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.




– Dấu máu em trên tuyết (tập truyện), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Đà Nẵng, 1997.

– Máy bay của người đẹp ngủ, Gió Bắc, Mùa hè hạnh phúc của bà Phorớt, Thánh bà, Người bạn Mutit của tôi, Thưa Tổng thống – chúc ngài thượng lộ bình an, Dấu máu em trên tuyết, Nguyễn Trung Đức dịch; Giấc ngủ trưa ngày thứ ba, Nguyễn Kim Thạch dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn Châu Mỹ Latinh, NXB Hội Nhà Văn, 1999.

– Chuyện buồn không thể tin được của Êrênhđira ngây thơ và người bà bất lương, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong cuốn Thời cơ của Matraga, NXB Mũi Cà Mau, 1986; Những truyện ngắn nổi tiếng thế giới, NXB Hội Nhà Văn, 1999.




– Buổi chiều tuyệt vời của Bantaxa, Dương Tường dịch; Thần chết thường ẩn sau ái tình, Người chết trôi đẹp nhất trần gian, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1999.

– Biển của thời đã mất, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc – tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1999; Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

– Bà Maria Dos Przeres, Đoàn Đình Ca dịch, in trong Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000.




– Đôi mắt chó xanh, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000; Truyện ngắn chọn lọc – tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

– Thần chết thường ẩn sau ái tình, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Truyện ngắn đặc sắc các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 2004.

***




Đằng sau “Sống Để Kể Lại”

Các bạn đang cầm trên tay cuốn tự truyện đặc biệt của Gabriel García Márquez – nhà văn vĩ đại người Columbia, tác giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng trên toàn thế giới như Trăm năm cô đơn đoạt giải Nobel Văn học năm 1982, Ngài đại tá chờ thư, Tình yêu thời thổ tả cùng nhiều tác phẩm khác… Đó là một người đặc biệt, một người mà trong suốt cuộc đời nhiều thăng trầm chìm nổi của mình đã trăn trở với từng con chữ, từng số phận nhân vật và khi cầm bút viết những trang hồi ký này đang phải chiến đấu giữa sự sống và cái chết trên giường bệnh với căn bệnh ung thư máu.

Márquez sinh ngày 6 tháng 3 năm 1927 trong một gia đình trung lưu đông anh em tại thị trấn Aracataca bên bờ biển Caribê xinh đẹp của Columbia. Thời niên thiếu của ông trải qua trong tình thương của một đại gia đình, từ ông ngoại – ngài cựu đại tá Nicolas Márquez từng phục vụ trong cuộc chiến Một ngàn ngày và khi về phục viên vẫn mong ngóng một cách vô vọng suất tiền hưu cho cựu chiến binh; bà ngoại Tranquilina – người phụ nữ kiểu trưởng lão thời trung cổ, cai quản chặt chẽ mọi việc trong gia đình, chăm chỉ và độc đoán nhưng không nề hà khó khăn nào trong cuộc sống; ông bố Gabriel Eligio Garcia – một nhân viên điện tín hào hoa, có nhiều tài lẻ nhưng cũng rất nghiêm khắc đối với con cái; bà mẹ Luisa Márquez – một phụ nữ quả cảm, yêu chồng thương con, luôn giữ được vẻ trẻ trung, thông minh trong giao tiếp; cho đến những người họ hàng xa gần khác.




Sống để kể lại là một cuốn tự truyện gồm tám chương kể về những thăng trầm trong cuộc đời của tác giả mà qua đó, chúng ta có thể hiểu được rất nhiều điều về con người, tính cách cũng như sự nghiệp văn chương của ông. Ký ức trong tám năm đầu đời của Márquez là nền tảng tạo nên tính cách của ông sau này. Márquez dành nhiều chương để viết về tuổi thơ dữ dội của mình, về người thân, bè bạn, về thị trấn nhỏ bé thấm đẫm chất châu Mỹ La-tinh với những đồn điền chuối xanh bạt ngàn, những đoàn tàu chậm chạp nóng nực nhả khói qua những nhà ga vắng ngắt, buồn tẻ…

Chính Marquez từng giải thích: “Tôi muốn lưu lại cái chất thơ trong cái thế giới đặc biệt của thời niên thiếu thật buồn đã qua, với một đứa em gái lạ thường chuyên bốc đất ăn, với người bà mê tín tự cho mình thấy trước được tương lai, và vô số người thân với tên gọi giống nhau nhưng không thể phân biệt rõ ràng giữa hạnh phúc và bất hạnh” .

Đó là những ký ức, những khám phá đầu tiên về gia đình, cuộc sống, tình yêu, tình bạn thời đi học và những trải nghiệm của một thanh niên mới lớn trong xã hội có nhiều biến động.




Những hiểu biết và khám phá ấy đã hình thành tính cách của một nhà văn thiên tài. Márquez khởi nghiệp văn chương từ khi còn là một sinh viên luật trường đại học tổng hợp Bogota. Một khoảng thời gian ngắn sau, vì chán ngán với các môn học khô khan mà Marquez đã quyết định bỏ học để rẽ hẳn sang lĩnh vực văn chương. Là một phóng viên chính của tờ El Espectador, Marquez dồn hết tâm trí cho công việc viết văn mà theo nhận xét của nhà văn Vargas Llosa, “đó cũng là lúc Marquez đam mê những sự việc và nhân vật kỳ lạ, khác thường, coi thực tế như tổng hòa những mẩu chuyện lạ” và “hoàn thiện kỹ năng viết ngắn gọn, súc tích với văn phong giản dị, trong sáng” . Kể từ thời điểm mang tính quyết định đó, cuộc đời ông đã sang một trang mới, với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng được bạn đọc trên toàn thế giới mến mộ.

Márquez đã lao động miệt mài không ngơi nghỉ, dù có những lúc ông sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, phải lo ăn từng bữa. Những tác phẩm đồ sộ của ông lần lượt ra đời: Nhật ký người chìm tàu (1970), Ngài Đại tá chờ thư (1961), Giờ xấu (1962), Trăm năm cô đơn (1967), Mùa thu của trưởng lão (1975), Cái chết được báo trước (1981), Tình yêu thời thổ tả (1985), Tướng quân giữa mê hồn trận (1989)…Tác phẩm Trăm năm cô đơn đã phản ánh khá sâu sắc cuộc sống nhiều mặt của các dân tộc châu Mỹ La-tinh và là đỉnh cao trong phong cách nghệ thuật của nhà văn nhờ kết hợp giữa hiện thực và hoang đường, giữa ngây thơ và trí tuệ để làm nên một chủ nghĩa hiện thực mà huyền ảo – nét đặc trưng của văn học châu Mỹ La-tinh hiện đại.

Đam mê viết văn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để được sống thực với từng mảnh đời, từng nhân vật là cốt cách của một con người vĩ đại giàu lòng nhân ái, bao dung. Với giọng văn tự sự mang chất hài hước, dí dỏm có phần cường điệu đúng chỗ, Márquez khiến chúng ta nhớ mãi hình ảnh về một ngài đại tá – nhân chứng sống sót của cuộc chiến tranh khốc liệt với những cuộc tình và hàng tá con rơi con vãi, để rồi vào một ngày kia họ tụ họp lại và được cụ bà Tranquilina đón tiếp như những người con ruột thịt của mình. Hay như những trang viết tái hiện lại ngôi nhà rộng lớn và buồn thảm của ông bà ngoại “ở mỗi góc nhà lại có nhiều người chết cùng nhiều ký ức, và sau sáu giờ chiều không ai dám đi lại trong nhà nữa. Đúng là một thế giới đầy nỗi kinh sợ (…). Ngôi nhà này như có nhiều người chết hơn là người sống…”




Toàn bộ sáng tác của Márquez xoay quanh trục chủ đề chính: cái cô đơn, được hiểu theo cái nghĩa là mặt trái của sự chia sẻ và tình thương yêu giữa con người. Cái cô đơn – hệ quả của thói ích kỷ, vụ lợi đến mức mất hết tính người trong xã hội tư bản được tác giả hình tượng hóa thành cái đuôi lợn của kẻ cuối cùng trong dòng họ Buendia, thành cái bộ lông thú mà ngài trưởng lão mang, ở thứ máu xanh lè của người bà độc ác bất lương. Đó là những loại người chưa thành người – hay đúng hơn, phát triển dưới mức người. Tác phẩm của Márquez còn có một tầng ý nghĩa sâu hơn mà nếu chỉ đọc qua vài lần không dễ gì nhìn thấy. Đó là tiếng gọi đoàn kết, yêu thương giữa con người và con người, là ước mong có một tư duy mới đối lập với loại “người chưa thành người” đó. Márquez đã vận dụng cốt truyện nhiều tầng, thể loại tự sự do nhiều nhân vật kể trong một không gian đa chiều, cùng với những biểu tượng đa nghĩa kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Márquez là một trong những nhà văn lớn của văn học Mỹ La-tinh hiện đại và sáng tác của ông tiêu biểu cho tiểu thuyết hiện thực của Châu Mỹ La-tinh từ sau Đại chiến thế giới lần thứ II.

Đọc Sống để kể lại chúng ta sẽ hiểu thêm về cuộc đời của con người huyền thoại. Đây là những ký ức, trải nghiệm đọng lại của một cuộc đời, một con người cô đơn với nhiều nỗi đau, ước mơ và khát vọng sống. Và đó không chỉ đơn thuần là những ký ức kỷ niệm, mà qua đó người đọc còn có thể cảm nhận và khám phá những ý tưởng, những trăn trở, những điều để lại và ý nghĩa cuộc sống ẩn chứa sau những sự kiện, những suy tư hoài niệm của một cuộc đời bôn ba, thăng trầm. Và chúng ta nhận ra rằng cuộc đời không chỉ là tồn tại – mà là hãy sống – để có thể sau này kể lại.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.




TRẦN ĐÌNH VIỆT

– Giám đốc NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh

Mời các bạn đón đọc Sống Để Kể Lại của tác giả Gabriel García Márquez.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.