Hoa Trôi Trên Sóng Nước
Hoa Trôi Trên Sóng Nước là cuốn sách nói về cuộc hành trình tìm đạo đầy gian khổ kéo dài hơn 40 năm của tác giả. Khi tạp chí Phật học Kyosho vừa khởi động loạt hồi ký này vào năm 1956, nó đã được các độc giả, nhất là độc giả phái nữ, say mê theo dõi. Lòng nhiệt thành và quyết tâm tìm đạo của bà là một tấm gương sáng cho tất cả những ai muốn bước chân vào cửa đạo. Ngoài ra, sự chứng đắc của bà đã đánh đổ quan niệm cổ hủ cho rằng chỉ có phái nam mới có thể thành công trên con đường tu học mà thôi.
***
T rong suốt bốn mưoi năm, tôi đã lang thang khắp Phù Tang tìm thầy học đạo. Tôi đã theo học với nhiều danh sư của các môn phái khác nhau nhưng không tìm được điều tôi muốn. Điều tôi muốn là con đường đưa đến sự chấm dứt mọi đau khổ, một con đường đã được khám phá hơn 2.500 năm nay nhưng mãi đến thời gian gần đây tôi mới ý thức được nó.
Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc tại sao một người sinh trưởng trong một quốc gia sùng mộ đạo Phật như Nhật Bản lại không biết đến điều này? Quả thật như thế, mặc dù vẫn đi chùa, tụng kinh, niệm Phật nhưng tôi như người ngủ mê, không ý thức một chút gì về con đường thoát khổ này. Giống như kẻ cùng tử [1] trong kinh Pháp Hoa, có hạt châu quý trong túi áo mà không biết, cứ cam chịu cuộc sống nghèo hèn, thì tôi cũng thế, cứ mê mải tìm kiếm hết thầy này đến thầy khác, hết lý thuyết này đến lý thuyết nọ.
May thay, tôi đã gặp được thiền sư Yasutani và được ngài hướng dẫn, nhờ đó tôi mới ý thức được rằng cái khả năng giải thoát khỏi mọi sự đau khổ vốn sẵn có trong tôi mà tôi nào biết, cứ tìm kiếm mãi tận đâu đâu. Vì lẽ đó, tôi viết lại cuộc đời mấy chục năm gian nan tìm đạo này để mong những người vẫn còn đang mê mải tìm kiếm, hết thầy này đến thầy nọ, hết tông phái này đến lý thuyết kia, hãy mau chóng tỉnh ngộ, dừng lại, quay trở về với cái khả năng giải thoát sẵn có nơi mình.
Tỳ kheo ni Satomi Myodo
Tokyo, tháng 10 năm 1956
***
“Hoa trôi trên sóng nước” là cuốn tự truyện tâm linh về Satomi Myodo của Sallie B. King đăng trên tạp chí Phật học Kyosho được các độc giả, nhất là độc giả nữ, say mê theo dõi.
Qua sự phóng tác của dịch giả Nguyên Phong (GS. John Vũ), tự truyện Michi của thiền sư Satomi Myodo là câu chuyện sâu sắc và cảm động với những ai đang đi tìm chân lý cuộc đời.
Hoa trôi trên sóng nước là tác phẩm được phóng tác từ tự truyện Michi của Satmoni Myodo – một trong những ni sư lỗi lạc nhất của Thiền Tông Nhật Bản. Cuốn sách kể về hành trình đi tìm đạo, chân lý giải thoát những nỗi thống khổ của ni sư Satomi Myodo trong hơn 40 năm.
Câu chuyện của ni sư Satomi Myodo có hai điều đặc biệt. Thứ nhất đó là việc ni sư Satomi Myodo vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại Hokkaido (Nhật Bản). Bà sinh ra trong thời đại mà việc tu học của phụ nữ không được khuyến khích và coi trọng. Tuy vậy, vượt qua hoàn cảnh, những định kiến, lề lối cũ, Satomi Myodo vẫn có được niềm tin mãnh liệt và quyết tâm tu đạo.
Trong Hoa trôi trên sóng nước là câu chuyện chiến thắng chính bản thân mình, đạt được kiến tánh (trực nhận thấy bản tính, trực nhận ra chân lý) của ni sư Satomi Myodo. Bởi, ở tuổi 40, Satomi Myodo đã trở thành một vị thầy của Thần Đạo, làm đồng cốt cho đền thờ Thánh Mẫu (Kami), đạt được nhiều công phu như nhìn được quá khứ vị lai và nhiều công phu khác.
Tuy vậy, bằng đôi mắt đầy trí tuệ, Satomi Myodo vẫn nhận ra con đường giác ngộ thật sự không dễ dàng. Từ sâu trong thâm tâm, Satomi Myodo nhận thấy những nỗi dằn vặt của bản ngã – thứ mà bà nghĩ rằng mình đã diệt được thực ra vẫn tiềm ẩn dưới một hình thức tinh tế không ngờ.
Chính vì lẽ đó mà Satomi Myodo ở tuổi trung niên quyết định rũ bỏ “công danh”, quyết tâm tìm kiếm cho mình một “minh sư” – người có thể tháo gỡ những khúc mắc trong quá trình tu tập của mình. Vượt qua rất nhiều gian truân và thử thách, Satomi Myodo đã gặp được thiền sư Yasutani (Bạch Vân lão sư) – một trong những thiền sư “huyền thoại” của Nhật Bản. Bà xuất gia, theo Phật giáo, tu hành theo phương pháp tọa thiền.
Dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Yasutani, ni sư Satomi Myodo đã khắc chế được 3 vấn đề lớn của mình: Đó là việc ưa lý luận, suy nghĩ nhiều; có lòng tham mong cầu đạt ngộ; thụ động do việc thực hành thiền ngoại đạo. Cuối cùng, ni sư Satomi Myodo đã đạt được “kiến tánh”. Kiến tánh chính là sự kết hợp giữa “định” và “tuệ”. Kiến tánh không phải là cảm giác thỏa mãn, vui sướng, tự đắc với những điều mình biết, đạt được mà là “một sự an lạc thầm kín, nhẹ nhàng không thể diễn tả”.
Cuốn sách Hoa trôi trên sóng nước là tác phẩm được dịch giả Nguyên Phong (GS. John Vũ) phóng tác từ chính cuốn tự truyện Michi kể về cuộc đời và hành trình tu học, giác ngộ của ni sư Satomi Myodo. Bằng một ngòi bút minh triết và lối kể chuyện tài tình, một lần nữa Nguyên Phong lại đem đến một bản phóng tác sâu sắc về tâm linh, tỉnh thức qua cuốn sách Hoa trôi trên sóng nước.
Trong cuốn sách này, những triết lý của Phật Giáo, thiền được thể hiện một cách sâu sắc, song cũng đầy chân thật, dễ hiểu thông qua những suy nghĩ, lời đối thoại của từng nhân vật, đặc biệt là ni sư Satomi Myodo. Từ đó có thể thấy được mình trong những vướng mắc tương tự và có một niềm tin vào sự giải thoát giống như tâm nguyện khiêm nhường của ni sư Satomi Myodo: “Nếu một kẻ già nua, quê mùa, hủ lậu như con mà cũng có thể kiến tánh được thì chắc chắn trên thế gian này, không có ai không thể kiến tánh”.
Hoa trôi trên sóng nước không chỉ là một câu chuyện xúc động về hành trình tu tập theo chân Đức Phật của ni sư Satomi Myodo mà chắc chắn còn là những trải nghiệm, chia sẻ sâu sắc và hữu ích với những người đang đi tìm chánh pháp, sự giác ngộ.
Ni sư Satomi Myodo (tục danh là Satomi Matsuno) sinh năm 1896, mất năm 1978.Bà được công nhận là một trong những ni sư lỗi lạc nhất của Thiền Tông Nhật Bản. Bà đã đào tạo nhiều thế hệ học trò và là người có ảnh hưởng đến giới tì kheo ni Nhật Bản đến tận ngày nay. Cuốn hồi ký Michi (Hoa trôi trên sóng nước) được đăng trên tạp chí Phật học Kyosho từ năm 1956. Nó đã được các độc giả, nhất là độc giả nữ, say mê theo dõi.
Dịch giả Nguyên Phong chính là GS. John Vũ. Giáo sư John Vũ là nhà khoa học nổi tiếng nước Mỹ. Ông từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu phần mềm của Đại học Carnegie Mellon, nghiên cứu viên kĩ thuật và kĩ sư trưởng Công nghệ Thông tin tại Boeing. Dưới bút danh Nguyên Phong, GS. John Vũ đã dịch và phóng tác nhiều tác phẩm thành công về tâm linh, tỉnh thức và sức mạnh tinh thần như Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết Sơn, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ Tuyết… và đặc biệt là cuốn sách Hành trình về phương Đông.
***
N i sư Satomi Myodo tiếp tục tu học với thiền sư Yasutani trong nhiều năm và đã giải được hơn 546 công án cần thiết để trở nên một vị thầy của dòng Tào Động. Bà được thiền sư Yasutani chứng nhận đã hoàn tất chương trình huấn luyện theo phương pháp của ông và thầy của ông, thiền sư Harada Sogaku. Không như những chương trình huấn luyện khác tại các thiền viện Nhật Bản, phương pháp này bao gồm cả hai truyền thống Tào Động và Lâm Tế, và được biết đến như một chương trình huấn luyện hết sức khó khăn vì nó đòi hỏi một kỷ luật vô cùng khắt khe và một ý chí cương quyết mãnh liệt. Dĩ nhiên một người đã được chứng nhận như thế có thể mở trường đào tạo học trò, hoặc làm trụ trì một ngôi chùa nào đó, nhưng ni sư Satomi Myodo đã không làm thế. Bà chỉ muốn tiếp tục tu tập và thực hành Chỉ Quán Đả Tọa. Chính thiền sư Yasutani đã công nhận bà là một trong những người thực hành Chỉ Quán Đả Tọa lỗi lạc nhất nước Nhật mà ông được biết.
Trái với khi xưa, lúc là vị thầy Thần đạo, bà đã có những chương trình hoạt động to tát, xây cất các đền thờ, thắng tích nổi tiếng, mở các khóa tu cho hàng ngàn người tham dự. Lần này, mặc dù có thể làm như vậy nhưng bà đã từ chối mọi sự mà chỉ khiêm tốn nhận chức quét dọn, nấu nướng tại chùa Taiheiji, hoặc phụ tá cho thiền sư Yasutani trong các khóa nhiếp tâm. Bà sống âm thầm giản dị và thường được mọi người biết đến như một trong hai thị giả nổi tiếng của thiền sư Yasutani. Người ta thường thấy bà mặc một tấm áo nâu cũ, trên vai đeo túi đựng kinh đi sau thiền sư Yasutani trong các khóa giảng dạy về thiền. Tuy không chính thức giảng dạy nhưng hành động, cử chỉ của bà đã là một tấm gương sáng cho nhiều người khác. Những ai đã đến chùa Taiheiji đều biết đến vị ni sư già lo việc nấu nướng, quét dọn, đun bếp với nụ cười an lạc trên môi và những người có dịp tiếp xúc với bà đều phải công nhận rằng bà là một trong những thiền sư lỗi lạc nhất của Nhật Bản trong cuối thế kỷ 20. Bà thường nói: “Ta đã tìm kiếm không ngừng con đường thoát khổ vì ta không thể hài lòng với những con đường hứa hẹn thật nhiều nhưng chẳng giải quyết được bao nhiêu. Ta không thể chấp nhận một cái gì xa vời, hão huyền rời xa thực tế vì những điều này không ăn nhập gì đến đời sống hiện tại. Điều ta muốn tìm là con đường giải thoát ngay trong đời sống hiện tại, vì ta biết khi tìm ra nó, người ta sẽ không còn đau khổ và đời sống sẽ là một ân sủng thay vì là một sự phấn đấu khôn nguôi”.
Năm 1978, sau khóa an cư kiết hạ, ni sư Satomi Myodo xin phép thiền sư Yasutani trở về thăm nhà vì đã đến lúc bà phải ra đi. Bà về Hokkaido, đi thăm mộ song thân, gặp lại con cháu một lần cuối rồi vào ngày 2 tháng 8 năm 1978, bà xếp bằng nhập thiền và trút hơi thở cuối cùng. Khi đó, bà vừa được tám mươi tuổi. Người con gái của bà đã viết:
“Mẹ tôi vốn là một người khắc khổ, lạnh lùng, suy nghĩ nhiều và thường ít nói; nhưng lần này khi trở về, bà là một con người khác hẳn. Mặc dù tuổi đã cao, trên mặt đầy nếp nhăn nhưng nét mặt của bà thật rạng rỡ, và đặc biệt lúc nào bà cũng mỉm cười khiến ai nhìn thấy cũng phải cười theo. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi sung sướng, thoải mái như lần này. Ngay trước khi qua đời, mẹ tôi vẫn còn vui đùa với hai đứa cháu ngoại một lúc rồi mới nhập thiền và trút hơi thở cuối cùng”.
[1] Đứa con khốn cùng.
[2] Chủng tử: nguyên nghĩa là hạt giống thực vật , Phật giáo mượn ý nghĩa này để làm ví dụ chỉ cho căn cứ khởi sinh ra các hiện tượng. Những hành vi ở thế gian, sau khi phát sinh sẽ để lại một năng lực tiềm tàng, giống như hạt giống được lưu giữ trong lòng đất, năng lực này sẽ làm nguyên nhân sinh khởi những hành vi tương lai hoặc ảnh hưởng đến những hành vi tương lai. Nguồn năng lực ấy gọi là chủng tử .
[3] Huân: Hơi thơm, xông khói bốc lên thấm dần. Tập: làm nhiều lần cho quen.
Huân tập là tập làm nhiều lần thấm dần cho quen.
Tâm tính con người thiện hay ác, không phải một ngày một buổi mà thay đổi được, phải trải qua nhiều lần hành động, tư duy, thì thiện ác ấy mới dần dần thấm vào, cũng như mặc áo đi ngoài sương, dần dần áo thấm ướt. Tính tình của con người cũng phải trải qua sự thấm thấu dần dần, một quá trình xông ướp, thì thiện hay ác mới trở thành thật sự.
Tụng kinh niệm Phật, cúng kiếng thường là phương pháp huân tập, cải tạo tính tình, hướng thiện và hướng thượng, vì tụng niệm lời lành, nhớ tưởng đức tính tốt đẹp của Phật để tư tưởng thiện lành, lời nói thiện lành, hành động thiện lành, huân tập cho tâm tính của mình trở nên thiện lành thực sự.
Nghĩa của huân tập giống như quần áo vốn không thơm, nếu đem quần áo này xông hương nhiều lần thì hương thơm dần dần thấm vào, làm cho quần áo trở nên thơm.
[4] Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) là anh em họ của Phật Thích Ca, từng gia nhập vào lãnh đạo tăng đoàn của Đức Phật, nhưng rồi về sau nảy sinh nhiều ý kiến không hợp, ly khai khỏi Phật Tổ để thành lập tăng đoàn khác.
[5] Truyền thống Nhật khi đó cho rằng người phụ nữ như một bông hoa phải nảy nở và kết trái; nói một cách khác, phải lập gia đình, thờ chồng và nuôi con, giữ gìn truyền thống thờ cúng tổ tiên. Việc một phụ nữ không có gia đình là một điều đáng xấu hổ.
Mời các bạn đón đọc Hoa Trôi Trên Sóng Nước của tác giả Myodo Satomi & Nguyên Phong.
Leave a Reply