“Sống hay chết, đó mới là vấn đề!”. Đây là một lời thoại kinh điển trong vở bi kịch “Hamlet” nổi tiếng của Shakespeare – nhà viết kịch vĩ đại nước Anh, đã trở thành “mệnh đề Hamlet” bất hủ của nhân loại, vấn đề sự sống – cái chết đã được vô số các học giả khắp đông, tây, kim, cổ nghiên cứu và đưa ra rất nhiều kiến giải phong phú, trong đó có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với tư tưởng của người Trung Quốc phải kể đến ba trường phái Nho, Phật, Đạo.
Từ xuất phát điểm trên, chúng tôi đã trân trọng tiến hành chỉnh lý, giải nghĩa cuốn “Trung ấm văn giáo cứu độ đại pháp” – một kinh điển Phật giáo cổ xưa nói về cái chết và sự giải thoát. (Để dễ hiểu hơn, cuốn sách được gọi với cái tên thông tục là “Tây Tạng sinh tử kỳ thư” – Cuốn sách nói về sự sống và cái chết của Tây Tạng). Bằng việc mô tả hàng loạt cảnh tượng trong thế giới Trung ấm (bardo) và đưa ra những biện pháp ứng phó, cuốn sách muốn đem đến cho chúng ta một thông điệp: hoàn toàn có thể chuẩn bị cho cái chết ngay từ khi còn sống. Chúng ta không nên tiếp tục thiếu hiểu biết và giữ định kiến đối với cái chết, và sự sợ hãi, đau buồn hay tuyệt vọng càng không nên trở thành lựa chọn duy nhất của chúng ta mỗi khi cái chết ập đến. Không nên đợi đến khi những người thương yêu của chúng ta đau đớn giằng co bên ranh giới cuộc đời, ta mới kinh hoàng nhận ra sự tồn tại thật sự của cái chết; Cũng không nên để chính chúng ta khi nhắm mắt lìa đời, mới bị động, ngỡ ngàng trước một thế giới chết hoàn toàn lạ lẫm. Mà ngay trong khi còn sống, chúng ta phải biết tận dụng thời gian để chuyên tâm tu hành, đi sâu quan sát bản chất vô sinh, vô diệt của vạn vật, nhằm giác ngộ về sự vô ngã, vô thường của cuộc đời, từ đó giải thoát khỏi sống chết, đạt đến cảnh giới thành Phật, siêu việt khỏi sự sống và cái chết.
Nhằm tái hiện một cách hoàn chỉnh những tinh tuý của bộ kinh điển cổ xưa này, chúng tôi đã đặc biệt thêm vào hàng trăm hình vẽ và sơ đồ minh hoạ, kèm theo những chỉ dẫn tâm lý cụ thể, sinh động sau mỗi nội dung trình bày chính. Chúng tôi tin rằng, các bạn đọc có thể tìm thấy những tri thức bổ ích từ cuốn sách này, cho dù bạn không theo hoặc theo tôn giáo nào đi nữa. Đối với những người đã mất, đây chính là ngọn đèn chỉ lối để rũ bỏ nghiệp chướng vô minh, hướng đến con đường giải thoát; Còn đối với những người đang sống như chúng ta, những kiến thức và suy ngẫm về cái chết được trình bày tại đây sẽ giúp chúng ta hiểu sâu thêm về cuộc sống, biết lĩnh ngộ được những đạo lý sâu xa ngay từ trong cuộc sống đời thường, biết giữ một cái tâm thường hằng để nhìn nhận tất cả mọi chuyện vui buồn, được mất của nhân gian. Như vậy, sống hay chết sẽ không còn là vấn đề nữa.
***
Lời dịch giả:
Một trong những bộ sách đặc biệt của Tây Tạng là bộ Tử Thư (Tibetan Book of the Dead) viết về đời sống sau khi chết. Cuốn sách này đã được nhiều người nghiên cứu và phiên dịch nhưng vì nó quá hàm súc, khó hiểu nên một số học giả đã rút tỉa vài đoạn trong đó, khai triển rộng ra để an ủi những người đang đau khổ vì cảnh tử biệt. Phần dưới đây trích trong cuốn “To Those Who Mourn” của Giám Mục Charles Leadbeater, một nhà thần học nổi tiếng của thế kỷ 20
Bạn thân mến,
Tử thần vừa cướp mất của bạn một người mà bạn yêu quý nhất đời. Đối với bạn hiện nay đời sống bỗng trở nên trống rỗng vô vị, và có lẽ không còn lý do gì để sống nữa. Cuộc đời từ nay chỉ còn là những chuỗi ngày dài đăng đẳng, đầy tẻ nhạt chán chường. Hạnh phúc đã mất sẽ không bao giờ trở lại, những cử chỉ âu yếm, những câu nói yêu đương dường như đã chìm lặn trong màn sương ngăn cách hai thế giới. Có lẽ bạn đang nghĩ về bạn, về sự mất mát không thể vãn hồi vừa xảy ra, nhưng có thể bạn còn đang nghĩ không biết người bạn thương yêu đang lâm vào tình trạng nào? Tuy bạn biết người đó đã đi xa rồi, đi mất rồi nhưng bạn không biết là đi đâu, số phận người đó như thế nào? Bạn cầu mong người đó sẽ gặp được những sự bình an, tốt đẹp nhưng rồi bạn lại thấy vẫn còn một cái gì không ổn vì không ai có thể giải thích cho bạn một cách thỏa đáng về ý nghĩa của đời sống cũng như cái chết. Giáp mặt trước sự kiện này, bạn đâm ra hoảng hốt, và đời sống đối với bạn bỗng trở nên một gánh nặng không thể gánh vác một mình được nữa.
Này bạn, tâm trạng của bạn là một tâm trạng tự nhiên và thành thật. Tôi ước mong có thể chia sẻ với bạn về sự mất mát lớn lao này bằng sự giúp đỡ chân thành của tôi. Dĩ nhiên bạn nghĩ rằng: Làm sao tôi có thể an ủi bạn được! Làm sao một người như tôi có thể hiểu được nỗi đau khổ vô vàn của bạn kia chứ! Nhưng bạn hỡi, sự buồn rầu đau khổ của bạn đã xây dựng trên một hiểu lầm. Thưa vâng, một hiểu lầm tai hại và tôi mong khi hiểu rõ được điều này thì có lẽ bạn sẽ bớt đau khổ hơn. Tôi muốn trình bày cho bạn một quan điểm khác với quan niệm thông thường như sau.
Này bạn, sự đau khổ của bạn chỉ là một ảo giác rất lớn do sự thiếu hiểu biết về những định luật thiên nhiên, hay nói một cách khác, là đời sống bên kia cửa tử. Nếu bạn có một sự hiểu biết đúng đắn về sự kiện này thì có lẽ bạn sẽ không còn đau khổ nữa. Người phương Đông, nhất là người Tây Tạng, đã nghiên cứu về nó qua nhiều thế kỷ và ngày nay khoa học cũng bắt đầu chứng minh được rằng “có một đời sống sau khi chết”. Cửa tử không là một sự bí mật nữa vì cái thế giới bên kia, cái thế giới đầy bí mật đó đã không còn bí mật nữa. Cái thế giới đó thật sự hiện hữu, là một thế tương tự như thế giới hiện nay của chúng ta và dĩ nhiên cũng chịu sự chi phối của những định luật trong vũ trụ, tương tự như những định luật mà chúng ta đã biết. Tôi sẽ giải thích rõ rệt một vài nguyên tắc căn bản mà dĩ nhiên bạn có thể khảo sát thêm, nếu bạn muốn. Trước hết, tôi mong bạn hãy ngưng than khóc vì sự đau thương của bạn chỉ làm hại cho người mà bạn thương mến chứ không giúp được gì cho người đó đâu! Một khi bạn hiểu rõ điều mà tôi sắp trình bày thì có lẽ bạn cũng sẽ đống ý như vậy.
Có thể bạn cho rằng điều tôi sắp trình bày chỉ là những lời an ủi hay những dự đoán mơ hồ mà thôi. Nhưng tôi muốn hỏi bạn, sự đau khổ và suy nghĩ của bạn hiện nay đã được xây dựng trên nền tảng nào? Phải chăng bạn tin tưởng như vậy vì một vài người trong giáo hội của chúng ta đã dạy như thế, hoặc căn cứ trên một vài quyển sách, hoặc là sự tin tưởng của đa số người trong thời đại này rằng chết là hết, là thiên thu cách biệt, là vĩnh viễn chia tay? Nếu bạn suy nghĩ thật kỹ mà không bị các thành kiến chi phối, thì bạn sẽ thấy rằng quan niệm đó cũng chỉ là một dự đoán mơ hồ mà thôi.
Nếu đọc kỹ Thánh Kinh, bạn sẽ thấy một sự thật rằng, theo thời gian, đã có nhiều cách giải thích Kinh Thánh khác nhau. Cái quan niệm rằng chết là hết, là chấm dứt vĩnh viễn đã căn cứ trên sự hiểu biết nào? Được xây dựng từ thời đại nào? Quan niệm Thiên Đàng và Địa Ngục có từ lúc nào? Phải chăng đó cũng chỉ là những quan niệm như trăm ngàn quan niệm khác? Phải chăng vì đã được nhiều người tin tưởng nên người ta đ ành chấp nhận mà không đòi hỏi một sự giải thích nào? Nhưng sống và chết là một vấn đề trọng đại, liên quan mật thiết đến đời sống hiện nay. Vì lẽ đó, chúng ta không thể chấp nhận nó một cách dễ dãi được. Đây là một vấn đề lớn, đòi hỏi một sự nghiên cứu hết sức đích đáng và phân tích thật cẩn thận. Tôi không đòi hỏi bạn tin tưởng một cách mù quáng đâu. Tôi chỉ muốn trình bày những gì mà chính tôi biết là có thật, dựa theo kinh nghiệm của tôi và của những bậc thầy phương Đông mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ và học hỏi. Tôi mời bạn cùng quan sát nó.
Mời các bạn đón đọc Tây Tạng Sinh Tử Thư của tác giả Nguyên Phong.
Chia sẻ ý kiến của bạn