New York, mùa xuân năm 2008

Cả nước Mỹ đang ngày đêm sôi sục trong cuộc bầu cử tổng thống mới thì Marcus Goldman, một nhà văn trẻ có nhiều thành công lâm vào giai đoạn mất cảm hứng tạm thời: anh không thể sáng tác được một tiểu thuyết mới cho nhà xuất bản trong vài tháng tới.

Khi sắp hết hạn, Marcus bất ngờ nhận được một cú điện thoại đã khiến cho mọi thứ hoàn toàn đảo lộn: Harry Quebert, giáo sư dạy anh hồi đại học, cũng là nhà văn lớn được cả đất nước kính trọng bị lật tẩy vì hành vi trong quá khứ: Ông bị kết tội giết một thiếu nữ 15 tuổi tên là Nola Kellergan sau khi có quan hệ tình ái với cô gái này.




Tin tưởng bạn mình vô tội, Marcus quyết định quay về bang NewHamsphire, tiến hành điều tra về những sự việc đã xảy ra tại thị trấn Aurora vào mùa hè năm 1975 để tìm cho ra “sự thật về vụ án Harry Quebert”.

Chỉ vài tuần sau khi ra mắt, Sự thật về vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola liên tục giành được những giải thưởng lớn: Giải Goncourt do học sinh trung học bình chọn và Giải thưởng dành cho tiểu thuyết của Viện hàn lâm Pháp. Điều này chứng tỏ đây là một tác phẩm có khả năng chinh phục từ những độc giả trẻ nhất ở các trường cấp ba, cho tới một hội đồng giám khảo khó tính của Viện hàn lâm Pháp. Làm thế nào Joël Dicker lại có khả năng gặt hái được thành công vang dội đến vậy?

Một cuộc điều tra đầy gay cấn với những chi tiết liên tục đánh lừa độc giả cùng những tình tiết bất ngờ thú vị xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, có lẽ là lời giải thích xác đáng nhất về thành công của tác phẩm này. Cũng giống như Marcus Goldman, người đọc sẽ nhanh chóng bị các sự kiện ly kỳ đến nghẹt thở nhấn chìm. Kẻ nào trong số hàng chục nghi phạm là hung thủ giết chết thiếu nữ Nola, mà phải hơn 30 năm sau, bộ hài cốt mới bất ngờ được khai quật. Giáo sư đại học từng là người dẫn dắt chỉ bảo cho Marcus Goldman trong suốt nhiều năm trời, truyền cho anh 31 lời khuyên quý báu để trở thành nhà văn bỗng bất ngờ bị kết tội giết người và bị cả đất nước nhạo báng…




Với cách viết “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” và văn phong kịch tính rùng rợn kiểu Mỹ, Sự thật về vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola được đánh giá là tác phẩm đã “thổi bay” Hỏa Ngục của Dan Brown khỏi vị trí đầu bảng ở châu Âu. Người đọc sẽ cùng trải nghiệm những suy nghĩ, trăn trở của chính tác giả về tình hình nước Mỹ, về những điều ngang trái trong xã hội hiện đại, về văn chương, về công lý và các phương tiện truyền thông.

Xét trên góc độ tình cảm, đây là một câu chuyện tình yêu lãng mạn, và dạt dào xúc cảm. Lấy bối cảnh tại một vùng quê bình lặng, tù túng và đạo đức giả của Mỹ những năm 1970, thiếu nữ Nola đại diện cho nhân vật đa nhân cách, một Lolita trinh trắng, một nàng thơ khêu gợi cảm hứng sáng tác và một nữ thần trong tổ ấm của Harry Quebert, người hơn nàng những 17 tuổi đời.

“Sự thật về vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola là “tiểu thuyết về nước Mỹ, tiểu thuyết về tình yêu, tiểu thuyết về quá trình học viết văn, tiểu thuyết về sự nổi tiếng, tiểu thuyết về sự thay đổi kì lạ trong cảm hứng, tiểu thuyết về những tiêu cực trong xã hội và truyền thông. Rất nhiều chủ đề được đề cập trong tác phẩm, nhưng trên hết, đó là kết quả từ khát vọng được kể một câu chuyện thật sự.” (Theo Landry Nicolas, Thạc sĩ ngôn ngữ học, Giáo viên tiếng Pháp).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *