Bản dịch của dịch giả Tuấn Việt.
Ở Ai Cập vào năm 2000 trước công nguyên, cái chết được xem là mang lại ý nghĩa cho sự sống. Tại chân một vách đá là thi thể co quắp bấy nát của Nofret, thiếp yêu của một giáo sĩ. Trẻ, đẹp và ác dạ, hầu hết mọi người đồng ý rằng đó là định mệnh – cô ta đáng phải chết như một con rắn!
Tuy nhiên tại nhà của cha mình bên bờ sông Nile, cô con gái Renisenb của giáo sĩ lại nghĩ rằng cái chết của người phụ nữ thật đáng ngờ. Càng ngày cô càng tin mầm mống của cái ác nảy nở trong nhà mình – và chứng kiến một cách bất lực những mê đắm của gia đình trong cảnh chết chóc.
Agatha Christie sinh tưởng tại Devonshire nước Anh. Bà khởi sự viết văn từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trong suốt mấy chục năm cầm bút, bà đã làm cho thế giới kinh ngạc và thán phục không những về số lượng tác phẩm đồ sộ, về tài xếp đặt, bố trí các tình tiết một cách chặt chẽ, khéo léo, hay “nghệ thuật đánh lạc hướng” có một không hai – vốn là yếu tố quyết định sự thành công của một cuốn tiểu thuyết trinh thám – mà còn về nhãn quan sắc sảo tinh tế của bà về tâm hồn con người qua những xung đột, phát triển nội tâm về tính nhất quán và đột biến của hành vi con người. Chính do điều đó, một số tác phẩm của Agatha Christie không chỉ dừng lại ở phạm vi giá trị của thể loại tiểu thuyết trinh thám, chúng còn đặt ra những vấn đề về con người buộc chúng ta phải suy nghĩ, băn khoăn.
Là vợ của một nhà khảo cổ học tiếng tăm, bản thân bà cũng đã từng đi điền giã khảo cổ nhiều lần ở vùng Cận Đông. Lần này, trong “Tận cùng là cái chết”, bạn đọc sẽ được cuốn hút vào những tội ác xảy ra tại Ai Cập Cổ Đại, bên bờ sông Nile hai ngàn năm trước Công nguyên. Ở đây, Agatha Christie đã mô tả thật đặc sắc những uẩn khúc của tâm hồn con người, lột tả và lên án gay gắt thói ích kỷ, sự sụp đổ của nền tảng đạo đức, trật tự gia đình dưới sự chi phối của vật chất đến mức lên án của chế độ phong kiến, chế độ nô lệ. Tầng sâu của tư tưởng tác giả, qua “Tận cùng là cái chết”, còn nhằm tố cáo những khía cạnh suy đồi đó của xã hội tư sản, đế quốc đương thời, nơi mà “sự phát triển của con người không theo hướng tốt hơn, lớn lao hơn, mà nó nuôi dưỡng điều ác” – như lời Hori, một nhân vật trong tiểu thuyết đã nói.
Bạn đọc Việt Nam đã từng làm quen với Agatha Christie qua các tiểu thuyết “Cái chết trước sân gôn”, “Bí mật chiếc bình xanh”… Lần này chúng tôi giới thiệu Agatha Christie qua tiểu thuyết “tận cùng là cái chết” theo bản tiếng Việt của Tuấn Việt dịch.
***
Imhotep ngồi co quắp người lại. Trông ông già hơn nhiều, chỉ còn là một ông cụ còm cõi và rã rời. Nét mặt ông trông ngớ ngẩn thảm hại.
Henet mang thức ăn lại và cố ép ông ăn:
– Nào, nào, ngài Imhotep, phải giữ gìn sức khỏe mới được.
– Tại sao chứ? Mà sức khỏe là gì chứ? Ipy khỏe – khỏe, trẻ và đẹp – và giờ đây nó đang nằm trong buồng ướp xác. Con trai của ta, đứa con trai ta thương yêu nhất đời. Đứa con trai cuối cùng của ta.
– Không, không, ngài Imhotep, ngài còn có cậu Yahmose mà.
– Trong bao lâu nữa? Không, thằng Yahmose cũng sắp tiêu rồi. Tất cả chúng ta đều sẽ chết hết. Điều quỷ quái nào đó đổ lên trên chúng ta vậy nhỉ? Ta đâu có biết được những tai họa như thế này xảy ra khi ta đem cái con hầu đó về nhà? Đó là một chuyện ai cũng thừa nhận, một điều đúng đắn và phù hợp với luật của người cũng như luật của thần linh. Ta cũng trân trọng nó. Thế thì tại sao những điều này lại xảy đến cho ta? Hay là chính Ashayet đã trả thù ta? Chính nàng chứ không phải Nofret đã không tha thứ cho ta? Rõ ràng nàng đã không đáp lại lời thỉnh nguyện của ta. Những điều ác sẽ còn tiếp diễn nữa.
– Không, không, ngài không được nói như vậy. Mới một thời gian quá ngắn kể từ khi chúng ta dâng lễ vật với lời nguyện lên bà Ashayet. Ai lại chẳng biết việc xử kiện là việc làm tốn rất nhiều thời giờ, trước pháp đình việc kiện cáo nhiều khi hoãn đi hoãn lại mãi rồi đến các quan giám sát lại còn lâu hơn nữa. Công lý là công lý, trong đời này cũng như đời sau, một việc kiện tụng càng diễn ra chậm chạp thì lại càng được phân xử công minh vào lúc chung cục ngài ạ.
Imhotep vẫn cứ lắc đầu ngờ vực. Henet tiếp tục:
– Vả lại, ngài Imhotep ạ, ngài phải nhớ rằng cậu Ipy không phải là con của bà Ashayet – cậu là con của bà Ankh, vợ kế của ngài. Vì thế, làm sao mà bà Ashayet có thể hết mình lưu tâm vì cậu ta được? Nhưng với cậu Yahmose thì khác – cậu Yahmose sẽ lành bệnh, bởi vì bà Ashayet ở trên kia sẽ can thiệp để cậu ấy phải bình phục.
– Henet, ta phải thú nhận rằng lời mụ an ủi ta rất nhiều… mụ nói nhiều điều đúng lắm. Quả thật hiện giờ thằng Yahmose hàng ngày hồi phục được một ít. Nó quả là một đứa con tốt, trung thành. Nhưng mỗi khi ta nghĩ đến thằng Ipy của ta… một trí thông minh như vậy, một sắc đẹp như vậy… Imhotep lại rên rỉ.
– Trời ơi hỡi trời! Henet cũng rên lên trong niềm thông cảm với ông.
– Cái con đàn bà khốn nạn với sắc đẹp đáng nguyền rủa của nó! Ước chi ta đã đừng để mắt đến nó.
– Đúng vậy, đúng vậy, thưa chủ nhân. Nó đúng là con gái của ma vương. Nó có học ma thuật và bùa chú, điều đó thì không còn nghi ngờ gì nữa.
Có tiếng gậy đập lên nền nhà và Esa khập khiễng bước vào khách sảnh. Bà khịt mũi chế nhạo:
– Sao đấy, không còn một ai trong nhà này còn chút lý trí hay sao? Các người không có việc gì hơn là ngồi buông ra những lời nguyền rủa một cô gái bất hạnh, một cô gái quen thói thù vặt và ranh mãnh, được thúc giục thêm bởi cách xử sự ngu ngốc của những con vợ ngu ngốc của những đứa con trai ngu ngốc của con.
– Thói thù vặt và ranh mãnh, mẹ gọi như vậy được sao mẹ? Trời ơi, ba đứa con trai của tôi, hai đứa đã chết, còn một đứa thì đang chết. Thế mà mẹ tôi lại nói tôi những lời như vậy!
– Có lẽ phải cần có một người nào đó nói với con những điều như vậy, vì con không thể nhận thức sự việc đúng như nó vốn có. Hãy giũ sạch trong đầu óc con cái sự mê tín xuẩn ngốc về linh hồn của một cô gái trở về báo thù đi. Đây là một bàn tay người sống đã đè đầu thằng Ipy xuống hồ, và một bàn tay người sống đã rót thuốc độc vào trong rượu mà thằng Yahmose và Sobek uống. Con có một kẻ thù, đúng vậy, Imhotep ạ, một kẻ thù ở ngay trong nhà này. Và chứng cớ là từ khi con làm theo lời khuyên của Hori để con Renisenb nấu thức ăn cho thằng Yahmose, hoặc để cho một tên nô lệ nấu nhưng nó canh chừng rất kỹ và tự tay nó bưng cho thằng Yahmose ăn, từ khi đó, mẹ bảo con rõ, thằng Yahmose hồi phục lại sức khỏe ngày một. Cố gắng đừng tỏ ra ngốc nữa, con cứ ngồi rên rỉ và vò đầu bức tai mãi, về mấy chuyện này thì mụ Henet giúp con nhiều lắm…
– Ôi cụ Esa, cụ nói oan cho con lắm!
– Và mẹ bảo con, về chuyện này, Henet giúp con không biết là vì mụ cũng ngốc hay vì một lý do nào khác…
– Xin thần Re tha thứ cho cụ vì cụ đã tỏ ra độc ác với một người đàn bà đơn độc và bất hạnh.
Bất chấp Henet, Esa huơ cây gậy trong một cử chỉ mạnh mẽ:
– Imhotep, hãy cương nghị lên, và cố gắng suy nghĩ. Ashayet, người vợ đã khuất của con, nhận tiện đó là một người đàn bà rất đáng yêu và không ngốc tí nào, có thể gây ảnh hưởng cho con từ thế giới bên kia, nhưng khó có thể suy nghĩ thế cho con trong thế giới này! Chúng ta phải hành động Imhotep ạ, nếu chúng ta không muốn có thêm một người chết nữa trong nhà này.
– Một kẻ thù trong nhà này? Và là người sống? Mẹ thật sự tin như vậy sao mẹ? Nhưng như vậy thì nghĩa là tất cả chúng ta đều nguy hiểm?
– Chắc chắn rồi. Chúng ta bị nguy hiểm không phải bàn tay của hồn ma bùa quỷ gì cả mà bởi sức mạnh của con người, bởi những ngón tay người sống đã rót thuốc độc vào thức ăn thức uống, bởi một khuôn mặt người lò dò theo sau thằng Ipy đang từ làng trở về nhà giữa đêm khuya và ấn mạnh đầu nó xuống dưới hồ.
Imhotep trầm ngâm:
– Làm được vậy cần phải có sức mạnh.
– Trông bề ngoài thì đúng vậy, nhưng mẹ cũng không chắc lắm. Thằng Ipy đã say mèm vì rượu bia ở làng. Có thể nó bước thấp, bước cao đi về nhà, và không đề phòng gì người cùng đi với nó, nó bèn cúi đầu xuống hồ rửa mặt cho mát. Và lúc đo thì không cần nhiều sức lực lắm.
– Mẹ cố nói gì vậy mẹ? Mẹ muốn nói rằng chính một người phụ nữ đã làm điều đó? Nhưng, không thể được. Toàn bộ chuyện đó là không có thể! Không thể nào có kẻ thù trong nhà này, nếu có thì chúng ta phải biết, con phải biết.
– Con ạ, tội ác nằm ở nơi con tim chứ không biểu lộ trên nét mặt đâu.
– Mẹ muốn nói một trong bọn đày tớ hoặc nô lệ?
– Không phải đày tớ cũng không phải nô lệ, Imhotep ạ.
– Một trong chúng ta? Hoặc người khác… có phải mẹ muốn nói Hori hoặc Kameni? Nhưng Hori thì cũng như người trong gia đình. Nó xưa nay vẫn trung thành và đáng tin cậy. Còn Kameni? Nó là một người lạ thật đấy, nhưng nó thuộc đẳng cấp với chúng ta và nó đã chứng tỏ lòng nhiệt thành tận tụy của nó khi làm việc cho con. Mới sáng nay nó vừa đến gặp con đã thúc giục con bằng lòng cho nó cưới Renisenb.
– Ồ, thế hả? Esa tỏ ra chú ý – Và con trả lời sao?
– Con trả lời sao được? Imhotep sốt ruột. Lúc này có phải là lúc nói chuyện cưới hỏi đâu, con đã bảo nó vậy.
– Thế nó bảo sao?
– Nó bảo rằng theo ý nó thì đây chính là lúc nói chuyện cưới hỏi. Nó bảo Renisenb không an toàn trong nhà này.
– Mẹ tự hỏi – Esa nói – Mẹ tự hỏi rất nhiều… Có phải chính là con ấy không? Trước đây mẹ nghĩ nó là… – và Hori cũng nghĩ vậy – nhưng bây giờ.
…
Mời các bạn đón đọc Tận Cùng Là Cái Chết của tác giả Agatha Christie.
Chia sẻ ý kiến của bạn