HỌ MỞ MỘT CÁNH CỬA BƯỚC VÀO CẢ MỘT THẾ GIỚI
Narnia…một vùng đất bị đóng băng bởi mùa đông vĩnh cửu…một vùng đất đang chờ đợi để được giải phóng.
Bốn nhà thám hiểm bước qua cánh cửa của chiếc tủ áo và rơi vào vùng đất của Narnia – một vùng đất đang chịu sự thống trị bởi quyền năng của mụ Phù thuỷ Trắng. Nhưng khi mọi hy vọng gần như đã bị dập tắt thì Sư tử vĩ đại Aslan trở về, được xem là bắt đầu của những thay đổi lớn lao…
***
Biên niên sử về Narnia viết về một thế giới tưởng tượng, những phép màu và một thế giới song song cùng tồn tại với thế giới của chúng ta.
Biên niên sử về Narnia dựng nên một thế giới tưởng tượng, kỳ ảo nhưng có những cơ sở của hiện thực – điểm khác biệt với Harry Potter.
Biên niên sử về Narnia là một tác phẩm hư cấu có giá trị nghệ thuật cao trên nhiều phương diện:
Một tác phẩm có cấu trúc cân đối, hoàn chỉnh, tính tư tưởng quán xuyến từ đầu đến cuối ; là tinh thần đấu tranh cho chính nghĩa, cho con người, đặc biệt là một tình yêu thiên nhiên, hoà mình với thiên nhiên, coi cỏ cây hoa lá, muông thú cũng có tính bản thiện và có nhu cầu được cộng sinh trong thế giới của muôn loài và cho muôn loài. Một tư tưởng rất nhân bản và đang được nhân loại đề cao. Bộ sách Biên niên sử về Narnia giúp bạn đọc có ý thức tốt hơn về môi trường thiên nhiên cũng như môi trường văn hoá. Và đặc biệt có thể nhìn cuộc đời với một đôi mắt ” ngây thơ ” hơn.
Biên niên sử về Narnia hấp dẫn nhờ một cốt truyện cổ điển, có mâu thuẫn, cao trào và giải quyết mâu thuẫn, thể hiện một trí tưởng tượng rất cao, mang dấu ấn của cá tính sáng tạo của nhà văn. Từ tập 1 đến tập 7 của Biên niên sử về Narnia, thế giới tưởng tượng được xây dựng và phát triển một cách vừa khác biệt vừa nhất quán với toàn bộ và theo cấp độ tăng tiến, khiến người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với những hình tượng độc đáo, kỳ thú không hề bị lặp lại.
Bộ sách Biên niên sử về Narnia gồm có:
- Tập 1: Cháu trai Pháp Sư
- Tập 2: Sư Tử Phù Thủy và cái Tủ Áo
- Tập 3: Con Ngựa và Cậu Bé
- Tập 4: Hoàng Tử Caspian
- Tập 5: Trên con tàu hướng tới Bình Minh
- Tập 6: Chiếc ghế Bạc
- Tập 7: Trận chiến cuối cùng
Biên niên sử về Narnia đưa ra một hệ thống nhân vật phong phú, có cá tính : không có nhân vật nào lẫn với nhân vật nào, dù là con vật hay con người đều có những nét đặc biệt đáng ghi nhớ.
Lối giải quyết mâu thuẫn của tác giả, tự nhiên, không gượng ép và đặc biệt là nhẹ nhàng, thoải mái không gây nên những cảnh quá dữ dội có thể ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ thơ.
Theo bình chọn của tạp chí Big Reader : Biên niên sử về Narnia có tên trong danh sách 21 cuốn sách được độc giả Anh yêu thích nhất (trong danh sách 100 tiểu thuyết thế giới).
Bộ truyện được chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh trở thành là bộ phim ăn khách của thế kỷ 21.
***
Clive Staples Lewis sinh năm 1898 tại Belfast. Ông làm nghiên cứu sinh và là trợ giảng bộ môn Văn học Anh tại trường Magdalen, Oxford và sau này là giáo sư bộ môn Văn học thời kỳ Trung cổ và Phục hưng tại Đại học Cambridge, nơi ông làm việc cho đến khi qua đời vào năm 1963.
Clive Staples Lewis viết rất nhiều sách về phê bình văn học và Đạo cơ đốc, với tác phẩm nổi tiếng “The Screwtape Letters”, cùng với bốn cuốn tiểu thuyết khác dành cho người lớn.
Bộ truyện “Biên niên sử Narnia”, gồm 7 tập, là bộ truyện duy nhất ông viết cho trẻ em.
Đã từng có bốn đứa trẻ tên là Peter, Susan, Edmund và Lucy. Câu chuyện này kể về một chuyện đã xảy ra với chúng trong thời gian chúng bị đưa đi khỏi London để tránh những trận công kích. Chúng sơ tán đến nhà một giáo sư già sống ở trung tâm đất nước, cách ga xe lửa gần nhất 10 dặm và cách bưu điện 2 dặm. Ông không có vợ con và sống trong một tòa nhà rộng mênh mông với một bà quản gia tên là Macready và ba người giúp việc. (Tên họ là Iry, Margaret và Betty nhưng họ không xuất hiện trong chuyện này nhiều). Giáo sư tuổi đã già, rất già, tóc râu bờm xờm, bạc trắng cả trên mặt lẫn trên đầu và bọn trẻ đem lòng quý mến ông ngay lập tức. Nhưng vào cái buổi tối đầu tiên, khi ông đứng chờ đón chúng ở cửa trước, trông ông lạ đến nỗi Lucy (cô em út) cảm thấy hơi sờ sợ, còn Edmund (đứa áp út) thì lại buồn cười và nó phải giả tảng là đang hỉ mũi để che giấu điều này.
Ngay sau khi chúc giáo sư ngủ ngon, bọn trẻ lên lầu ngủ đêm đầu tiên và bọn con trai đã kéo sang phòng con gái để tán chuyện.
– Chúng ta đã đi đến nơi đến chốn. – Peter nói.- Mọi chuyện rồi sẽ tuyệt lắm đấy! Chà chà, ông già này sẽ để cho chúng ta muốn làm gì tùy thích.
– Em nghĩ đấy là một ông già đáng mến!- Susan nói.
– Ồ, đừng giở cái giọng ấy ra đi!- Edmund nói, nó đang mệt mà lại phải giả vờ là không mệt, điều này bao giờ cũng khiến nó trở nên cáu bẳn, khó chịu.- Đừng có tiếp tục cái kiểu ăn nói như thế.
– Như thế là thế nào? – Susan hỏi.- Dù sao thì cũng đến giờ em đi ngủ rồi đấy.
– Cứ làm như mẹ người ta ấy, Edmund dấm dẳn. – Chị là cái thớ gì mà bảo tôi đi ngủ? Chị đi ngủ đi!
– Cả mấy anh em mình cùng đi ngủ không hơn sao?- Lucy hỏi.- Chắc chắn là lại cãi vã nếu chúng ta tiếp tục nói chuyện theo kiểu này.
– Không, khoan hãy đi ngủ.- Peter nói.- Để anh bảo cho các em biết, đây là một kiểu gia đình không có ai để ý đến việc chúng ta làm đâu. Dù sao họ cũng không nghe thấy chúng ta đâu. Từ đây đi xuống phòng ăn cũng mất đến mười phút cùng với đủ loại cầu thang và hành lang.
– Có tiếng động gì vậy?- Lucy giật mình lên tiếng. Đó là ngôi nhà lớn hơn bất cứ căn nhà nào mà nó đã thấy và ý nghĩ về tất cả những hành lang dài dằng dặc cùng một dãy các cánh cửa dẫn vào những căn phòng trống trải khiến nó cảm thấy hơn rờn rợn.
– Chỉ là một con chim thôi, đồ ngốc,- Edmund nói.
– Đó là một con cú, – Peter nói. – Đấy là một nơi tuyệt vời dành cho chim chóc. Anh đi ngủ đây. Anh nói thế đấy, hãy mở một cuộc thám hiểm nơi này vào sáng ngày mai. Các em có thể tìm thấy bất cứ cái gì ở một nơi như thế này. Có nhìn thấy những dãy núi trên đường chúng ta đi đến không? Còn những cánh rừng nữa? Có thể có đại bàng. Có thể có hươu đực. Sẽ có cả chim ưng nữa.
– Và con lửng! – Lucy reo lên.
– Cáo!- Edmund đế thêm.
– Và thỏ nữa!- Susan nói.
Nhưng sáng hôm sau chỉ có một cơn mưa dai dẳng, xám xịt làm thành một bức màn dày và khi nhìn qua cửa sổ bạn chẳng nhìn thấy núi, cũng chẳng nhìn thấy rừng cây thậm chí cả dòng suối chảy qua vườn cũng không.
Mời các bạn đón đọc Sư Tử, Phù Thủy Và Cái Tủ Áo của tác giả C. S. Lewis.
Leave a Reply