“Cuốn sức mạnh của sự tử tế cho ta thấy một triết lý nhân quả rất rõ ràng, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Trong thế giới kinh doanh ngày nay, phần lớn các công ty đều sử dụng những chiêu thức làm sao chiêu dụ khách hàng, đánh bại đối thủ thì đâu đó vẫn có những con người tin rằng việc tử tế họ làm không chỉ đem lại sự thanh than trong con người họ mà còn có lợi cho việc kinh doanh của công ty mình. Sách được in tương đối, giấy in chất lượng chưa được tốt lắm.”
“Tôi mua sách “Sức mạnh từ sự tử tế” vì ấn tượng với tựa sách, qua cảm nhận của tôi, bài học của tác giả như là bài học về sự phát triển của bản thân, ở việc mình là người tử tế và đối xử chân thành với người khác. Ở câu chuyện về người bảo vệ, đó quả là một câu chuyện hay, tuy là chi tiết nhỏ nhưng ngẫm nghĩ, nếu mình cũng có thể làm được những việc nhỏ mà thành công không nhỏ thì thật tuyệt. Bìa sách in rất đẹp, giấy in tốt, mực in rõ ràng.”
Nguyên lí sức mạnh của sự tử tế – 1
Ấn tượng tích cực tựa như hạt giống
MỖI LẦN BẠN MỈM CƯỜI với một người đưa tin, bật cười khi nghe chuyện tếu của một đồng sự, cám ơn một trợ lí, hoặc đối xử với người lạ một cách lịch thiệp và trọng thị là một lần bạn phóng ra năng lượng tích cực. Năng lượng này tạo cho người ta một ấn tượng và ấn tượng này lại được chuyển tiếp qua vô số người mà anh ấy hoặc cô ấy sẽ gặp sau đó. Dấu ấn này có hiệu ứng khuyếch đại lên. Và cuối cùng những ấn tượng tốt đẹp ấy lại quay trở về với bạn. Như thế không có nghĩa là người phục vụ bàn từng được bạn bo sộp một ngày kia sẽ kiếm được một công ty Fortune 100 và mời bạn mua cổ phần ưu đãi (trừ phi bạn bo bạo khủng khiếp). Kết quả từ Sức mạnh của sự tử tế hiếm khi bộc lộ trực tiếp như vậy. Thực ra, bạn có thể chẳng nhận thấy có bất cứ tác động nào lên cuộc đời mình trong nhiều năm, ngoài cảm giác ấm áp trong lòng do sự tử tế đem lại cho bạn. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận ra rằng Sức mạnh của sự tử tế có hiệu ứng domino. Có thể bạn chẳng bao giờ lần ra được vận may của mình cụ thể là bắt nguồn từ đâu, nhưng chắc chắn Sức mạnh của sự tử tế đã rải nhiều cơ hội để lót đường cho bạn. Những ấn tượng tích cực đó cũng giống như hạt giống vậy đó. Bạn gieo chúng xuống rồi quên bẵng đi mất, thế nhưng bên dưới chúng cứ nảy mầm và vươn xa, thông thường sẽ theo cấp số nhân.
Dưới đây là một ví dụ Sức mạnh của sự tử tế đã giúp chúng tôi như thế nào. Cách đây không lâu chúng tôi đã ghi hình Melania, vợ của Donald Trump, trong đoạn phim quảng cáo cho Aflac theo yêu cầu của Daniel Amos – chủ tịch và cũng là CEO của Aflac. Chúng tôi dựng cho bà Trump – một trong những ngôi sao của phim quảng cáo – một đoạn phim cho riêng bà và cố gắng làm sao để bà được thoải mái nhất cũng như có tất cả những gì cần thiết. Nhóm chúng tôi đối xử tốt với Melania không phải vì bà là vợ của một người nổi tiếng, mà vì chúng tôi đã đặt ra phương châm: phải lịch sự và trọng thị tất cả những tài năng trong mỗi thước phim của mình. Mấy tháng sau, các nhà sản xuất của phim Người tập sự đã mời Linda làm người đánh giá trong một chương trình, trong đó các ứng viên cho vai người tập sự được yêu cầu làm một đoạn quảng cáo xe hơi. Linda kể:
Trước khi quay cảnh đầu tiên, tôi tự đến giới thiệu với Donald Trump, nhắc qua rằng chúng tôi là hãng đã cộng tác với vợ ông trong một đoạn phim quảng cáo con vịt Aflac. Thì ra Trump còn nhớ rất rõ lần trải nghiệm đó của vợ mình, nên ngay trước khi bắt đầu quay hình, ông ghé vào tai tôi mà rằng, “Các cô đã rất tốt với vợ tôi. Hãy chờ xem tôi lại quả thế nào nhé!”
Thế rồi ông lên truyền hình nói rằng The Kaplan Thaler Group là một trong những hãng làm quảng cáo hot nhất nước Mỹ! Sau đó ông còn kéo tôi vào những cuộc thảo luận được ghi hình. Tất cả chỉ vì chúng tôi đã đối xử tốt với vợ ông.
Nguyên lí Sức mạnh của sự tử tế – 2
Bạn không biết được đâu
Chắc bạn nghĩ, “Ừ, tốt với vợ của Trump thì sẽ được đền đáp thôi.” Nhưng chúng ta ai cũng đủ khôn để vây quanh các nhân vật quan trọng trong đời mình – là những người ta vẫn thường giao tiếp chẳng hạn như hàng xóm và đồng sự, những người có liên quan đến những giao dịch quan trọng như cánh môi giới thế chấp cùng các khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, chẳng mấy khi ta thèm để ý đến một người lạ mà ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Thông thường ta sẽ nghĩ, “Có sao đâu chứ?”
Diane Karnett không bao giờ nghĩ rằng người phụ nữ trẻ mà chị gặp trên chuyến tàu về New York City lại có thể thay đổi cuộc đời chị. Lúc đó, người phụ nữ ấy đang trên đường đi thăm bà của mình, và thật tình cờ, bà cụ lại sống gần nhà Diane, thế nên hai người đi chung một chiếc taxi cho rẻ. Lúc đến nhà bà mình, người phụ nữ trẻ nhờ Diane xách dùm mấy cái túi lên tầng năm mà chẳng có thang máy.
“Tôi nghĩ bụng, sao mình lại không giúp nhỉ?” Diane nói. Thế nhưng, lên đến tầng bốn thì chị đã nghĩ ra vô số lý do để thôi không giúp người kia nữa.
Hóa ra bà của cô kia – một bà lão tám mươi lăm tuổi tên là Millie Darling – vốn là showgirl của Ziegfeld. Bà cụ đâm mến Diane và chỉ cho chị xem một New York mà chị chưa bao giờ biết tới – New York của bà cụ. “Thế là suốt bao nhiêu năm tôi được coi là thượng khách trong các câu lạc bộ và salon nhạc jazz yêu thích của bà cụ đấy,” Diane kể.
Đó quả thực là sự đền đáp quá mức hậu hĩnh cho chuyện chị giúp xách vài cái túi lên cầu thang. Thế nhưng, bà Millie lại là mẹ của Chan Parker, vợ góa của huyền thoại nhạc jazz vĩ đại Charlie Parker. Khi Diane bị mất việc, Chan đã mời chị đến sống chung trong ngôi nhà nông thôn ở ngoại ô Paris. Diane nhận lời và nói với sếp cũ của mình chuyện này. Thế là họ bảo thì đằng nào chị cũng sang Paris, vậy sao không mở một cửa hàng liên doanh với họ ở đó luôn? Thế là Diane đã có bốn năm huy hoàng ở Paris, cuối tuần lại về nhà Chan Parker chơi, làm quen với những vị khách hào hoa quyến rũ – những huyền thoại nhạc jazz, những nhà báo, thậm chí chị còn gặp cả Clint Eastwood nữa. “Nếu ngày đó tôi cứ mặc kệ người phụ nữ lạ trên tàu tự xách đồ lên gác, thì tôi lấy đâu ra tất cả những thứ mình có sau đó chứ,” Diane nói.
Khi gặp người lạ ngoài đường, ta thường coi họ chẳng có gì quan trọng với mình. Khác với Diane, ta thường tránh dây dưa với người ngồi cạnh mình trên tàu, thậm chí ta còn chạy vội ra tranh taxi với họ lúc vừa đến ga. Ta thường nghĩ, “Chỉ là một cô gái chẳng có liên quan gì đến mình hết! Mình phải bắt được taxi đã, còn tỏ ra tốt bụng với cô ta thì quan trọng gì.”
Nhưng làm sao bạn biết trước được? Nhỡ đâu cô ta là em gái của sếp thì sao. Hoặc đó là người môi giới bất động sản đang biết một ngôi nhà nằm trong một khu mà bạn hằng tơ tưởng đến. Hoặc đó là người đứng đầu một quỹ có thể đem lại một sự đỡ đần cho công việc bảo trợ trẻ em của bạn trong lúc khó khăn thì sao. Rốt cục người xa lạ đó lại quan trọng đối với nhiều người đấy. Bạn cần phải đối xử với những người bạn gặp như thể họ là nhân vật quan trọng nhất trên đời – vì đúng là như thế mà. Nếu không phải là quan trọng với bạn thì chắc chắn sẽ quan trọng với ai đó; và nếu không phải hôm nay, thì có lẽ là ngày mai.
Nguyên lí Sức mạnh của sự tử tế – 3
Người ta thay đổi
Một sai lầm chung của người đời là luôn quan niệm rằng mình chỉ nên tử tế với người trên hoặc ngang cơ với mình thôi. Chả việc gì phải thân thiện với đám phụ tá hay nhân viên tiếp tân, còn cánh bảo vệ hay người quét dọn thì khỏi phải nói làm gì. Suy cho cùng họ cũng chẳng làm được gì cho bạn cả – bởi vì họ không có thực lực.
Vào thời điểm này chuyện đó có thể đúng hoặc không. Thế nhưng, bạn chẳng thể nào biết được ai trong số họ sẽ trở thành người hết sức quan trọng với bạn trong mười, hai mươi hoặc ba mươi năm nữa. Cách đây mấy năm, chúng tôi nhận được một cú điện thoại của một phụ nữ mà chúng tôi tưởng lầm là đang tìm việc. Chị ấy đề nghị được gặp chúng tôi, thế thôi. Hóa ra người phụ nữ ấy không đi tìm việc – mà chị đang tìm một hãng làm quảng cáo cho hai mảng công việc lớn mà chị đang nhắm đến. Đó là một dự án đem về hàng triệu đôla cho hãng. Tại sao chị lại chọn chúng tôi? Hóa ra hai mươi lăm năm trước chị ấy đã làm việc với Linda, được Linda đối xử rất tử tế và tôn trọng, dù chị chỉ là cấp dưới trong công ty. Và hơn hai thập kỉ sau, chúng tôi thu về 40 triệu đôla trong công việc của mình – chỉ vì một trong số chúng tôi đã từng cư xử tốt với một người vừa chập chững vào nghề quảng cáo. Đó chính là Sức mạnh của sự tử tế đấy.
Nguyên lí Sức mạnh của sự tử tế – 4
Lòng tốt phải tự nhiên
Mới đây, một người bạn đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện về ba công ty nọ tranh nhau một hợp đồng rất lớn. Một trong ba công ty đó rốt cuộc cũng rớt đài, mặc dù đã có màn ra mắt rất “choáng”. Tại sao thế? Họ thắc mắc. Hóa ra là khi khách hàng tiềm năng đến sân bay, quan chức của một công ty cạnh tranh đã không để ý tới việc giúp bà khách mang xách hành lý. Anh này mất hợp đồng ngay tắp lự. Bà khách hàng khó chịu với sự lỗ mãng và thiếu tế nhị của anh ta nên quyết định không muốn làm ăn với người như vậy. Nhóm của anh ta đã phải ngày đêm vất vả để có được một buổi ra mắt ấn tượng với khách hàng, thế mà mọi thứ đều hóa thành công cốc chỉ vì cái vali!
Vị quan chức sơ ý kia chắc chắn phải biết khách hàng này là một VIP rồi. Thế sao anh ta không xách hộ bà cái vali? Đơn giản lắm: chỉ vì anh ta không thạo nghệ thuật nhã nhặn, lịch sự. Nếu nghệ thuật đó vốn là một phần trong cách anh ta xử thế với mọi người thì chẳng lí nào lại sơ sảy như thế được. Xách hộ túi cho khách hàng phải là bản tính tự nhiên thứ hai của anh ta thay vì chỉ là một cử chỉ lâu lâu mới dùng riêng cho khách hàng, cho sếp và các yếu nhân. Đáng lẽ anh ta phải hiểu, rằng những cử chỉ và hành động nho nhỏ kiểu đấy cũng có thể tạo nên tác động mạnh mẽ thế nào.
Leave a Reply