Phạm Ngọc Tiến chia sẻ rằng viết về chiến tranh không bao giờ là công việc dễ dàng. Ngay cả khi bắt đầu viết “Tàn đen đốm đỏ”, ông cũng khá loay hoay để tìm cách viết khác đi.

“Tàn đen đốm đỏ” kể về câu chuyện của chính bản thân tác giả, bạn bè thế hệ ông, những hồi ức về chiến tranh, những người lính đi tìm lại đồng đội. Qua tiểu thuyết của mình, Phạm Ngọc Tiến muốn chia sẻ với bạn đọc một vấn đề tồn tại nhức nhối, hậu quả của cuộc chiến tranh đẫm máu không thể khắc phục. 

Với “Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính”, bộ mặt thật của chiến tranh được phơi bày một cách trần trụi. Cả vinh quang lẫn nước mắt, cả dũng cảm và hèn nhát. Trong hoàn cảnh cụ thể của mình, tác giả đã có những trang viết xúc động, đầy tự hào về tuổi trẻ Hà Nội trong những ngày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có chính ông.




Nguyễn Quang Vinh tâm sự ông khắc họa lại những ngày tháng ở Quảng Trị không vì mục đính văn chương mà như một nén hương lòng tưởng niệm và tri ân những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.

Theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, văn học gần đây có khuynh hướng thiên về ký sự, mô tả sự thật như nó vốn có. “Sự thật cuộc chiến đấu Quảng Trị năm 1972 hào hùng và tiêu biểu đến nỗi, không cần tới hư cấu và bởi không cần đến hư cấu nên lay động sâu xa tới người đọc. Cuốn “Quảng Trị 1972″ của Nguyễn Quang Vinh hấp dẫn từ đầu chí cuối, không chỉ có giá trị lịch sử mà còn góp phần khẳng định khuynh hướng mới có nhiều triển vọng trong đời sống văn học hiện nay”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại chia sẻ.

***
Nhân vật Ngọc trong truyện là tôi – một nhà văn hạng bét. Loại nhà văn bất tài, chỉ viết được khi đã rứt ra từng mẩu hồi ức nhập vào xác chữ. Trong thập cẩm hồi ức, hồi ức chiến trận bao giờ cũng tươi ròng, mới nguyên. Có lẽ vì đó là phần đời thật nhất. Phần đời đặc biệt, để lại được trong cuộc đời này, mang sang được thế giới bên kia – thế giới sau sự sống của kiếp người. Đó là phần đời gian khổ đến cùng cực nhưng hạnh phúc lại tột cùng. Phần đời mang nỗi buồn tưởng như vô hạn nhưng niềm vui lại lớn đến vô chừng. Duy nhất, phần đời ấy có thể trao đi, đổi lại, xóa nhòa ranh giới sống, chết. Còn nhiều nữa, bởi vậy, hồi ức kia mãi mãi đeo đẳng vào số phận những người đi ra khỏi cuộc chiến tranh.

Hòa bình đã gần được hai mươi năm. Rút cục, thời gian cũng dần trả lại cho cuộc đời những gì nó đang cất giữ. Chúng tôi đi hàng một, tiến đến ngôi mộ của người đàn bà không biết mặt. Người đàn bà giờ đây đã trở thành người thân của chúng tôi. Một ngôi mộ sơ sài. Đất đá cằn cứng. Thằng Bình phải vất vả, mới cắm được lên mộ nắm hương đang rạc đến tàn lửa cuối cùng.
 

Mời các bạn đón đọc Tàn Đen Đốm Đỏ của tác giả Phạm Ngọc Tiến.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.