Đông Lai Bác Nghị – Dương Tấn Tươi
Nếu không có tài dàn xếp của bao sự ngẫu nhiên thì đâu có quyển Đông-Lai bác nghị nầy !
Đầu tiên, một vị túc nho của chốn Thần kinh, lúc tản cư vào Sài-thành, ngẫu nhiên đến trú ngụ cạnh phòng khám bịnh của chúng tôi. Đó là việc hệ trọng : vì đối với chúng tôi, bực đại nhân ấy là một người thầy đáng kính, mặc dầu Cụ vẫn có nhã ý tự xem mình là bạn vong niên ; vì đối với quyển sách này, bực lão thành ấy mới thật là người cha tinh thần, mặc dù Cụ ấy vẫn một mực chối từ không nhìn nhận.
Vả lại, vì muốn giữ vẹn cốt cách của nhà ẩn dật, Cụ yêu cầu chúng tôi đừng nêu danh Cụ vào trong sách ! Thật đáng phục thay đức tính khiêm tốn của bực nho phong, mà cũng khổ cho chúng tôi vì phải dài dòng nhắc lại tiểu sử của bổn dịch mà chỉ được phép dùng một chữ « Cụ » vỏn vẹn để kể cho tròn câu chuyện !
Thì cũng bởi vai tuồng quan trọng của vị túc nho ấy trong khi phiên dịch cho nên chúng tôi xin độc giả niệm tình tha thứ khi thấy chúng tôi lắm lời nói về thân thế của một người đương cầu xin đời đừng nhắc đến tên.
Sanh trưởng trong một thế gia của chốn đế đô, cha làm Thượng thơ bộ Lễ, thì khi vào sân Trình, Cụ chiếm bằng cử nhân, việc ấy, theo chúng tôi, cũng chưa đáng kể. Đáng nể là khi rời cửa Khổng để theo tân học, chỉ trong mấy năm Cụ theo kịp các bạn đồng niên nơi lớp tú tài « Tây » ! Rồi sang Pháp để trau giồi học mới, rồi xông pha nơi bể hoạn, rồi cuối cùng nối được chức của cha, thì với sức học đó, với thông minh đó, âu cũng là một việc có thể đoán trước được.
Ngày nay, đã chứng kiến bao cuộc bể dâu, Cụ chỉ còn giữ lại một ham muốn là tận hưởng chữ « nhàn » trong thời hưu trí. Muốn được thế, Cụ ẩn mình trong đám rừng người để thưởng thức một câu thơ đẹp với chén trà ngon hoặc cùng vài ba tri kỷ luận bàn về văn học. Cụ nhứt quyết chủ trương : « Lịch sử và địa dư đặt nước nhà vào giữa hai nguồn văn hóa, muốn trở nên một công dân đất Việt, chúng ta phải thâu thập cả đôi. Âu Tây giúp ta kỹ thuật, Á Đông cho ta nghệ thuật làm người ».
Để chứng minh lời nói, Cụ nhắc lại một gay cấn vừa xảy ra trong trường quốc tế, rồi chỉ rõ giải pháp của người xưa khi gặp cảnh ngộ tương tợ để bắt buộc kẻ đối thoại phải nhìn nhận : « Thiếu Hán học là một sự thiệt thòi rất lớn ».
Sẵn có quan niệm ấy nên Cụ nhận lời ngay khi chúng tôi ngỏ ý cầu học. Lối dạy của Cụ thật là đặc biệt. thường ngày Cụ dùng tiếng Việt để giảng bài, nhưng khi gặp áng văn quá bóng-bảy hay huyền-diệu thì Cụ dùng cả tiếng Pháp để diễn-tả tư-tưởng, mượn triết-học Đức để so-sánh, đem học-thuyết Hy-Lạp để chứng minh, cốt-yếu là giúp học trò hiểu cho thấu đáo, tận-tường. Khi gặp tư-tưởng thanh-cao hoặc áng văn bất-hủ, chúng tôi lật đật ghi rồi chép lại trong giờ nhàn rỗi để trình lên cho Cụ xem-xét. Cụ dò từng câu, đối-chiếu từng chữ để phê-bình. Nhờ Cụ tiến dẫn, chúng tôi mới « nuốt hận » chép thơ của Tư-mã Thiên, sụt sùi thảo tờ biểu xuất-sư của Gia-Cát, băn khoăn đứng trên lầu Nhạc-Dương với Trọng-Yêm, ngạo nghễ biên thơ từ-chức cùng Tạ-Phùng-Đắc.
*
Ngẫu-nhiên khéo sắp cho chúng tôi gặp được một bực thầy đáng kính, thì cũng nhờ ngẫu-nhiên chúng tôi lại gặp quyển sách đáng yêu.
Kẻ vừa nhập đạo thường không tiếc lời ca-tụng tôn-giáo mới của mình. Chúng tôi nào có tránh được thường tình đó trong khi hầu chuyện với ông Trương-Quan, một nhân vật mà giới mại bản Huê-kiều và làng « thanh sắc » bổn xứ vẫn còn nhớ tiếng. Nghe chúng tôi ca tụng nhân tánh của nền văn-hóa Trung-Hoa, Trương-quân đột-ngột hỏi : « Như thế chắc bác-sĩ đã đọc quyển Đông-Lai bác nghị rồi ? » Chúng tôi phải thẹn thùng nhìn nhận : « Chẳng những chưa được đọc mà như phần đông người Việt-Nam, chúng tôi chưa từng nghe đến tên ! »
Vì bác-sĩ khen ngợi văn học cổ Trung-Hoa, trí tôi vùng nhớ lại câu chuyện hai mươi năm về trước khi còn thơ ngây cặp sách vào trường để ăn mày chữ. Trong những giờ các bạn được nghỉ ngơi hoặc nô đùa chạy giỡn thì chúng tôi bị ông bác ngồi kèm bên cạnh ép buộc đọc một vài trang Đông-Lai bác nghị. Đó là lời phê-bình về hành vi và hạnh kiểm của các nhân vật đời Đông-Chu. Câu văn huyền diệu, lập luận chặt chẽ, tâm lý sâu sắc là ba đặc điểm của tác phẩm bất hủ đó. Nhưng đối với bộ óc non nớt của đứa trẻ lên mười thì làm sao thưởng thức nổi vẻ đẹp của câu văn hay và sự điêu-luyện của bài luận khéo ? Vậy mà, ông bác vẫn bắt buộc chúng tôi « ê » « a » đọc cho xong vì : « nơi trường, thầy dạy cháu làm văn ; nơi đây, bác dạy cháu làm người ». Lời của bác thật là chí lý ! Thời-đại Đông-Chu là khoảng đen tối nhứt của lịch-sử Trung-Hoa, vì lúc ấy, xã hội đương vươn mình thay đổi lốt, nên gây ra bao sự xáo trộn lớn lao. Bực thánh phải chung đụng với sát nhân, hiền triết phải ăn ở cùng gian tà, rồi tranh đấu chống chọi nhau nẩy sanh ra trăm ngàn việc, hay dở đều có. Tất cả hai mặt – tốt và xấu, thanh với tục – của con người đều phô bày. Nếu gặp một nhà phê-bình có cặp mắt tinh đời, có bộ óc sáng suốt, lại thông tâm lý, hiểu chánh trị, khảo sát thời kỳ ấy thì chắc chắn sẽ để lại cho đời một tác phẩm vô cùng hữu ích. Lữ Đông-Lai có đủ điều kiện ấy cho nên quyển Bác-nghị là một chiếc thuyền đã cắm sào ở ngoài dòng thời gian… Khi đọc quyển Đông-Lai, chúng ta có cảm giác đương nghe một tay thợ chuyên môn giải thích về các bộ phận trọng yếu của guồng « máy lòng » rồi chỉ cho chúng ta thấy các nguyên do thường làm cho động cơ ấy chạy. Cũng bởi « động cơ » và nguyên do ấy không thay đổi cho nên lời của Đông-Lai luận về một thời vẫn có thể giúp ích cho người trong muôn thuở. Vì lẽ đó, lúc trẻ, chúng tôi oán trách ông bác bao nhiêu, thì ngày nay, đã tránh được nhiều kinh nghiệm chua cay, chúng tôi lại cám ơn ông bác bấy nhiêu !
Đáp lời yêu cầu, ông Trương-Quan phải nhờ người về tận Thượng-hải mua giùm cho chúng tôi một bổn.
Của báu cầm tay, chúng tôi đến nhờ Cụ dẫn giải giùm điều thắc mắc : « Tại sao một tác phẩm giá trị dường kia, mà từ xưa, trong xứ ta chưa từng nói đến ? »
Cụ giảng : « Những sách Trung-Hoa được phiên dịch và truyền bá ở Việt-Nam phần nhiều vì ba cớ : Một là bởi có nhiều người bị bắt buộc phải đọc đến, cho nên bàn tới cũng nhiều, dịch ra không ít, đó là những sách có tên trong chương trình thi cử. Hai là các thứ sách quyến rủ người vì cốt chuyện, ấy là lịch sử tiểu thuyết tức là truyện. Còn về loại thứ ba là vận văn, vì đọc lên nghe êm tai, lại dễ nhớ, nên có nhiều người ưa thích.
« Đông-Lai bác nghị không đứng vào ba hạng đó. Vì là văn phê bình nên đòi hỏi ở độc giả một trí phán đoán mà người đời ít hay dùng đến. Và là văn nghị luận nên khô khan mà bắt buộc người đọc phải suy xét mới thưởng thức. Không có vần, thiếu cốt chuyện hấp dẫn, lại không được ghi vào chương trình thi cử, như vậy ít người biết đến thì cũng là một chuyện không lạ. Nói thế không phải bảo sách ấy không có độc giả ! Ngoài số thí sinh hiếu kỳ nên tìm Đông-Lai đọc trước khi vào đình thí, phần đông, các người mê thích sách đó toàn là những kẻ đã đỗ đạt, ra làm quan, ưa dùng quyển Bác-nghị để kiểm điểm hành động trong lúc chăn dân hay khi xử thế. Rồi đến lúc chiều tà bóng xế, khi đã mỏi mệt thì trí muốn yên nghỉ hơn là dịch sách ? Vả lại đối với các bực tiền bối ấy, dịch hay viết sách là một sự ngoài tưởng tượng. Đối với họ, học là hành nghĩa là đem ra áp dụng, để làm tròn bổn phận của mình, chớ không dám học để truyền cho ai cả. »
*
Rồi theo lệ thường, Cụ giải thích, chúng tôi ghi chép. Cả thảy được tám mươi bốn bài.
Mỗi bài là một sự ngạc nhiên. Trong văn chương Trung-Hoa, chúng ta thường bực mình vì gặp lời nhiều hơn ý. Với Lữ Đông-Lai, câu văn đẹp đẽ vẫn đi kèm với tư tưởng cao thâm. Lắm bài không đầy gang tấc mà chất chứa ý dài muôn vạn dặm. Càng suy xét, càng thấy sâu rộng. Về mặt tâm lý thực nghiệm và chánh trị thực hành, chưa chắc có quyển sách nào trong văn chương Âu-Mỹ sánh kịp Đông-Lai bác nghị. Ấy là chưa bàn đến lý luận, phần cốt yếu của sách. Mở đầu cho mỗi bài, tác giả nêu ra một tư tưởng căn-bản, nhiều khi không dính-líu với cốt chuyện đem ra phê-bình.
Độc-giả còn tưởng nhà văn lạc đề, thì chỉ vài câu, đã móc dính đầu-đề với ý-niệm căn-bản. Rồi dùng câu chuyện đem phê-bình để chú-thích tư-tưởng chánh ghi trên đầu bài.
Trước với sau, đầu với đuôi đều ăn khớp, các bộ-phận liên-lạc cùng nhau một cách tế-nhị làm cho độc-giả tưởng là đương nghe nhà toán-học khéo chứng-minh một định-lý của hình-học.
*
Rồi một hôm, mấy người bạn tình-cờ đến viếng giữa giờ giảng dạy của cụ, đó là ngẫu nhiên thứ ba.
Cũng như chúng tôi, các bạn đều bị câu văn trong-sáng và lập-luận huyền-diệu của Đông Lai hấp-dẫn nên mới khuyên chúng tôi cho xuất-bản. Từ-chối là sự dĩ-nhiên, vì bổn-tâm của chúng tôi là chỉ học cho mình… Lý-luận của các bạn thật cũng chặt-chẽ : « Hiện nay, quốc-văn đương nghèo… học-sanh thiếu món ăn tinh-thần, v.v…. Trong lúc các tiểu-thuyết khiêu-dâm chường mặt trên báo và trong hàng sách thì ôm giữ cho mình một tác-phẩm có giá-trị là một việc… ích kỷ, một tội to đối với nền học-vấn ».
Không phương chối-cãi, đành phải nghe theo. Từ đây mới gặp bao nỗi khó …
*
Trước hết, nếu cho in vỏn-vẹn tám mươi bài nghị-luận của Đông-Lai mà chẳng có những đoạn Xuân-Thu, Tả-Truyện thì làm sao độc-giả lãnh-hội được ? Vả lại, lắm khi, vì bắt-bẻ một câu hoặc một chữ của Tả-Truyện mà Đông-Lai viết thành bài « bác-nghị ». Vậy dịch Xuân-Thu và Tả-Truyện song-song theo « bác-nghị » là một sự tối-cần. Cũng là một điều quá khó.
Các bạn chắc đều biết Xuân-Thu là một trong năm quyển kinh của Đức Khổng-tử. Đó là bộ sử nước Lỗ do Ngài sửa-định, chép từ đời Lỗ Ẩn-công cho đến Lỗ Ai-công gồm có 240 năm (từ 721 tới 481 trước tây lịch).
Với quan-niệm hiện-tại về sử học khi chúng ta trịnh-trọng lật quyển Xuân-Thu thì sẽ vô-cùng ngạc-nhiên hay thất-vọng. Vì đó chỉ là một mớ sử liệu chép rời-rạc, dường như gặp chuyện thì ghi, không màng đến sự liên-lạc hay tương-quan. Lại có nhiều việc quan-trọng mà không chép. Khi chép thì quá vắn-tắt gần như đơn-sơ. Thí-dụ : bà Khương-thị vì thương con không đồng nên gây ra cuộc xung-đột giữa Trịnh Trang-công và em là Cung Thúc-Đoạn thì nào là quỷ-kế của anh, nào là tham-vọng của em, nào là lời bàn của bá-quan rồi đến trận đánh, với cuộc vây thành phá lũy, cho đến khi cùng đường Thúc-Đoạn chạy vào xứ Yển. Trịnh Trang-công giam mẹ, thật là bao nhiêu gây cấn mà trong Xuân-Thu chỉ có một câu : « Mùa hạ, tháng năm, Trịnh-bá thắng Đoạn tại Yển ». Có lúc còn vắn tắt hơn, như « Tề cứu Hình » hoặc « Địch đánh Vệ ».
Vậy thì chân giá trị của bộ Xuân-Thu ở đâu mà vẫn được xem là quyển kinh để « định công luận, đoán án cho muôn đời » ? Tại sao chính Đức Phu-Tử cũng yêu cầu người đời « biết cho ta » hay « buộc tội cho ta » thì nên do bộ Xuân-Thu ? Như vậy, bực thánh và dư luận cổ kim đã lầm chăng ? Hoặc giả, vì quan niệm về sử học của xưa với nay quá khác nhau mới có điều chinh lịch đó ?
Nếu thật thế thì tại sao một học giả của thời đại nầy, cụ Nguyễn-Văn-Tố, một người mà chưa ai dám ngờ vực về sức học uyên thâm, cũng chưa ai dám nghi đến sự thận trọng của ngòi bút, đã viết : « Muốn thưởng thức cái hay của bộ Xuân-Thu, phải nhận thấy hương nồng của triết lý, thơm ngát của luân lý, mùi vị của chánh trị ở trong kinh đó. »
Làm sao những câu văn vắn-tắt sơ sài kia lại chứa được bao nhiêu mùi, hương và vị ?
Chỉ vì Đức Phu-Tử khéo dùng một phương pháp kín đáo : quên TÊN và VIỆC.
Sự quên hữu ý, sự cố tâm quên có nghĩa là chê bai, là khiển trách.
Như trong thí dụ trên, không chép tên Trịnh Trang-công chỉ gọi Trịnh-bá là chê lỗi chẳng biết dạy em.
Như Thúc-Tôn Kiểu-Như, đại phu nước Lỗ chuyên chế mạng lịnh qua rước vợ ở nước Tề thì Xuân-Thu chép : « Vợ Kiểu-Như tên Phụ-Hỉ ở Tề về. »
Như vua của nước Châu, tên Thiệt, chức là công, thường gọi là Châu-công, vì sợ loạn nên bỏ xứ trốn qua Tào, sau cùng qua triều Lỗ, Xuân-Thu chỉ chép : « Thiệt đến ».
Còn vua nước Kỷ, tước là bá, khi qua triều Lỗ lại dùng lễ của man di, Xuân-Thu chỉ biên : « Kỷ đến triều ».
Chẳng những thiếu là chê, có khi thừa cũng là khiển trách, như thêm tên tộc của các vị vua có lỗi. Muốn chỉ trích vua Vệ dùng kế tiểu nhơn để chiếm nước Hình thì Xuân-Thu ghi : « Mùa xuân, tháng giêng, ngày bính ngọ, Vệ-hầu tên Hủy diệt Hình. »
Khi muốn tỏ sự hư hèn của Tống Chiêu công thì chép : « Mùa đông, tháng mười một, người Tống giết vua tên là Chử-cữu. »
Nhưng phần nhiều khi Xuân-Thu thêm tức là khen, nếu ghi cả chức tước.
Muốn nêu tấm lòng trung của hai bề tôi nước Tống – công tử Ấn và Đãng Ý-Chư – Xuân-Thu chép : « Người Tống giết quan đại tư mã. Quan đại tư thành trốn qua Lỗ ».
Như câu : « Mùa thu, tháng tám, ngày giáp ngọ, tên Vạn của Tống giết vua tên Tiệp và quan đại-phu Cừu Mục » là dụng-ý phạt Nam-Cung Trường-Vạn, một kẻ thí chúa, lại chê vua Tống vì tánh ham đùa-bỡn với bề tôi, phải mua lấy cái chết thảm-khốc, còn khen quan đại-phu tuy yếu-đuối mà dám cầm hốt đánh một tên võ phu, coi thường cái chết.
Chỉ thêm bớt vài chữ, Đức Phu-tử đã tỏ sự khen chê, ban điều thưởng phạt. Mà khen với chê, thưởng và phạt, khi đã trưng nhiều lượt, sẽ tỏ bày một luân-lý và một đường chánh-trị. Cả hai là sản-phẩm của quan niệm về cuộc đời, về vũ-trụ tức là triết-lý.
Phương-pháp kín đáo ấy chẳng những bày tỏ được mấy nguồn văn hoá mà còn gây một ảnh-hưởng, một hiệu lực phi thường : được một tiếng khen của Xuân-Thu là hưởng giọt mưa Xuân đầm-ấm, bị một câu trách là chịu ngọn nắng Thu gay gắt. Thật là kết quả mỹ-mãn, nhờ bởi tay thợ thánh khéo dùng một khí cụ thô sơ. Và cũng vì thế, sự phiên dịch Xuân-Thu chất chứa bao nhiêu nỗi khó : phải cân nhắc từng chữ, phải theo đúng nghĩa mà còn lo-sợ thừa lời.
*
Thiếu một chữ là chê bai, không chép một việc là trách phạt, thật là cực kỳ tinh khéo ! Nhưng chỉ khéo đối với những độc-giả thông lịch-sử Trung-Hoa thời Đông-Chu ; còn với những người khác, không thấy chép, tưởng không có chuyện, thì sự thưởng phạt sẽ vô hiệu quả. Vì vậy bộ Xuân-Thu cần có chú-giải.
Chính là Tả-Truyện, một quyển sử đi song song với kinh Xuân-Thu do ngọn bút cứng rắn của Tả Khâu-Minh chép. Nơi đây, cần mở một dấu ngoặc để bàn về tên của nhà sử trứ-danh ấy.
(Có nhiều học-giả – trong số ấy có thầy của chúng tôi – đọc là : Tả kỳ Minh. Vậy nên theo phần đông đọc Khâu hoặc Khưu hay theo các cụ mà đọc là Kỳ ? Sự chinh lịch nầy do tục cữ tên mà sanh ra. Số là khi có tên Khâu hay Ni (tức Khổng-Khâu, Trọng-Ni, tên của Đức Phu-Tử), hoặc Kha (tức Mạnh-Kha tên của thầy Mạnh) thì sách nho đều ghi ba chữ « nên đọc Mỗ » thành ra Khổng-Mỗ, Trọng-Mỗ và Mạnh-Mỗ. Lâu ngày – theo lời của ông Nhượng-Tống – bản in mòn đi, chữ Mỗ mất hết một nét sổ nên thành chữ Kỳ. Bọn hậu-sanh chúng tôi không phải thiếu lòng thành kính thánh hiền, nhưng thấy cần đọc cho đúng, mà chắc các đấng Phu tử, Mạnh tử, và các cụ cũng đã tha thứ khi chúng tôi đọc đến Ni và Kha. Vì vậy, từ đây nên đọc là Tả Khâu-Minh và đóng lại dấu ngoặc.)
Có phải vì đứng gần cụ Khổng, một cây cổ-thọ của văn hóa Trung Hoa nên bị tàn che bóng lấp mà thân thế của Tả Khâu-Minh bị vùi mất trong biển thời gian chăng ?
Chỉ còn nhớ là vị quan coi về sử của nước Lỗ noi theo ý chí của Phu tử chép lại những chuyện của kinh Xuân-Thu. Vi Khổng-tử cân nhắc ngòi bút để thưởng phạt như một vì thiên tử, nên được gọi là « Tố vương » – nhà vua không ngôi – và vì đó Tả Khâu-Minh được gọi là « Tố thần ». Nhiệm vụ của tử gia ấy là theo mỗi câu Xuân-Thu để kể chuyện. Và tất nhiên nhắc lại những đoạn không có chép trong kinh, để tỏ sự biếm nhẽ của Phu tử.
Theo lối viết sử ngày xưa, mỗi bài đều có luân lý, ở đây là « lời bàn của người quân tử ». Chúng ta chớ lầm tưởng vì là quyển truyện cho nên kể lể dông dài như… bài tựa nầy. Trái lại, vừa đẽo gọt vừa cân nhắc nên câu văn trở nên gọn gàng và cứng rắn. Như tả Lỗ Trang-công đi cùng Tào Uế đánh Tề ở Trường câu : « Ngồi chung xe đến Trường-câu. Trang-công sắp ra lịnh đánh trống thúc quân. Tào Uế ngăn : « Chưa nên ! » Chờ quân Tề xong ba hồi trống. Tào Uế bảo : « Đến lúc ! » Thua to, quân Tề chạy. Trang công sắp ra lịnh đuổi theo, Tào Uế ngăn : « Chưa nên ! » Xuống, xem dấu xe của Tề, trở lên đứng trông lại. Bảo : « Đến lúc ! « mới có lịnh đuổi theo. Toàn thắng. »
Như khi Khuất Hà đánh trận Bồ-tao, vì hoài nghi, hỏi Đấu Liêm :
« – Sao không bói thử ?
– Bói là để quyết điều nghi. Không nghi cần gì bói !
Rồi đem quân đánh thắng Viên, chiếm Bồ tao, minh hội xong, kéo về. »
Câu văn có khi trở nên trục trặc, gút mắt vì bị bóp chặt hay thâu quá ngắn « Cho đánh trống. Tiến quân. Toàn thắng. Tiêu diệt hạ Nhược Ngao ». Trong nhiều đoạn, Tả-Truyện chỉ ghi lại vài cử chỉ mà cũng vẽ được một tâm lý phức tạp của nhân vật. Muốn tả lòng căm tức và chí gấp báo thù của vua Sở khi được tin Thân Vô-Uý bị Tống giết, Tả-Truyện chép : « Vua Sở hay, giũ áo đứng lên, đi chơn vào thất. Vào đến cung, giày đem tới. Ra cửa cung, gươm dưng tới. Đến chợ Bồ tiêu, xa giá đẩy tới. Mùa thu, tháng chín, Sở vây kinh thành Tống. »
Dùng câu văn tuy vắn mà sâu để thuật lại những mẩu chuyện tuy đơn sơ mà đầy ý nghĩa có thể làm gương đáng theo hay nên tránh cho muôn đời, Tả-Truyện thành một áng văn tuyệt tác, chẳng những được văn nhân sùng bái mà còn được võ tướng kỉnh mộ. Chính những tay cung kiếm lại mắc phải « bịnh Tả-Truyện », là vì đi đến đâu, trong hổ trướng hay khi điều khiển ở trận tiền đều giữ cận bên mình quyển sử của Khâu-Minh.
Nhìn nhận giá trị của văn Tả-Truyện là nhìn nhận sự khó dịch của bộ sử đó. Vì diễn tả một tư tưởng của người bằng tiếng của mình, việc đó còn có thể làm được. Còn chuyển dịch một câu văn hay từ tiếng nầy qua tiếng nọ thật là một chuyện quá khó.
*
Lẽ tất nhiên, muốn dịch hai quyển Xuân-Thu và Tả-Truyện, chúng tôi hoàn toàn nhờ nơi Cụ. Từng chữ, từng lời. Cụ kiên tâm giải thích rồi chịu khó kiểm duyệt.
Khi nghe các bạn khuyên tôi xuất bản, thản nhiên, Cụ dạy : « Tùy nơi anh ! Nếu thấy có thể giúp ích được thì cứ tự tiện. Còn tôi chỉ là người của thế hệ trước. Đã qua rồi. Theo thế hệ đó, muốn đọc sách thánh hiền cần phải thông Hán học mới trọn hiểu tinh thần. Anh chớ quên : theo chúng tôi, Hán-văn là sự cần thiết, không thể không ; còn phiên dịch là sự bất đắc dĩ… Anh cũng nên nhớ giùm tánh tôi ưa thanh tịnh, ít ham đời nói đến tên… »
Lời nhắc nhở ấy – đối với chúng tôi – là một mạng lịnh.
Vì sự yêu cầu đó mới có lời phân trần lè nhè nầy. Chớ đâu phải vì chúng tôi. Nào có muốn phô trương thằng tôi khả ố nầy làm gì cho rườm tai độc giả !
Vì công lớn của cụ trong sự phiên dịch ;
Vì sự giúp đỡ của các bạn : trước là ông Trương Quan cho sách, sau là các bạn Đỗ-Thiếu-Lăng giúp tài liệu, bạn Nguyễn-Duy-Cần cho xem vài bài Đông-Lai đã dịch từ lâu.
Nhứt là anh Lê-Thọ-Xuân, cặn kẽ lúc chỉ bảo, tận tình khi sửa chữa, tỉ mỉ trong ấn loát. Một người « Anh » với nghĩa tốt đẹp của danh từ ;
Vì sự lương thiện của trí óc trong khi trước tác ;
Vì sự thành thật đối với mình, với đời, với nền văn học ;
Chúng tôi trân trọng xin đọc giả nhận rõ điều nầy :
Khi gặp những câu dịch gọn gàng, ăn khớp với nguyên văn, bạn nên nhớ đó là công, đó là tài của Cụ, thầy chúng tôi ;
Khi thấy câu văn bất thành cú, khi gặp những lỗi lầm, chỗ dịch sai, bạn nên chắc chắn là vì sự dốt nát của
DƯƠNG-TẤN-TƯƠI
Mời các bạn đón đọc Đông Lai Bác Nghị của bác sĩ Dương Tấn Tươi.
Leave a Reply