Cảnh sát trưởng Jules Maigret là nhân vật thám tử mà những người hâm mộ sách trinh thám không thể không biết tới. Chuyện về cảnh sát trưởng Maigret được Simenon sáng tác khi ngòi bút của ông đạt đến độ trưởng thành và sung sức nhất. Khi đó, ông có khả năng viết 60-80 trang mỗi ngày. Ông từng đi du lịch nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Thụy Sỹ, vùng Địa Trung Hải và liên tục sáng tác trong suốt thời gian đó. Qua những chuyến đi này, ông thu thập được nhiều dữ liệu về cuộc sống để viết nên những chuyến phiêu lưu điều tra ly kỳ của cảnh sát trưởng Maigret. 75 tiểu thuyết và 28 truyện ngắn về Maigret đã được xuất bản đều đặn trong khoảng thời gian từ năm 1931-1972. Tiểu thuyết cuối cùng về Maigret, Maigret và ngài Charles là tiểu thuyết trinh thám cuối cùng của ông. Những trang viết về các cuộc phá án của Maigret không sôi nổi, mạnh mẽ, “đao to búa lớn”, thậm chí có đôi chỗ còn khiến người ta… buồn ngủ vì văn phong chậm rãi cũng như những động thái từ tốn của viên thanh tra, nhưng kỳ lạ thay, mỗi khi đặt sách xuống, hình ảnh của cảnh sát trưởng Maigret hết lòng vì công việc cùng những số phận bi thảm của nhân vật luôn đeo đuổi người đọc. Và cứ thế, Maigret ghi đậm thêm dấu ấn của mình trong văn học trinh thám.
Cảnh sát trưởng Maigret là con trai một người nông dân ở ngoại ô Moulins, đến Paris để học y khoa nhưng lại có duyên với nghề cảnh sát điều tra tội phạm. Trong loạt truyện về cảnh sát trưởng Maigret, người đọc luôn nhớ đến ông với hình ảnh một người đàn ông cao lớn, trên tay luôn cầm tẩu thuốc với chiếc áo bành tô dài. Thanh tra Maigret yêu thích rượu bia nhưng ông có thể kiểm soát bản thân để không lâm vào trạng thái say.
Dựa vào trực giác vô cùng nhạy bén, sự hiểu biết sâu sắc ý nghĩa các hành vi của con người với thái độ điềm tĩnh và kiến thức sâu sắc về tội phạm học, sảnh sát trưởng Maigret có khả năng khám phá thành công những vụ án hóc búa nhất mà giới cảnh sát đã “chào thua”. Truyện về Maigret được Simenon viết với văn phong rất tự nhiên, không hoa mỹ. Simenon cho rằng chúng như những bức phác họa mà một người họa sĩ vẽ để giải khuây hay một bài tập của sinh viên nhập môn. Nhờ khả năng kể chuyện tài tình của Simenon, những câu chuyện về cảnh sát trưởng Maigret trở thành loạt truyện trinh thám lôi cuốn hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Dựa trên những tập truyện này, rất nhiều bộ phim về vị thanh tra thông minh và mẫn cán ấy được xây dựng ở nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Anh, Ai-len, Úc, Hà Lan, Đức, Ý và Nhật Bản. Trong số đó, diễn viên Pháp nổi tiếng Jean Gabin được xem là người thể hiện nhân vật Maigret thành công nhất. Vào ngày 3-9-1966, tại nơi mà Georges Simenon viết tác phẩm đầu tiên về Maigret, bức tượng chân dung của Maigret, tạc bởi nhà điêu khắc Pieter d’Hont, đã chính thức được Simenon khánh thành.
Nhà văn Georges Simenon sinh ngày 13.2.1903 mất ngày 4.9.1989. Năm 16 tuổi, Simenon là chàng phóng viên trẻ viết tin vắn cho tờ La Gazette de Liège. Mỗi ngày, ông đạp xe đến các bót cảnh sát, nhà băng, sở cứu hỏa, những cuộc thi thể thao để lấy tin cho báo. Năm 1922, ông tới Paris hoa lệ.
Tiểu thuyết đầu tay Trên Chiếc Cầu Vòm Cung được xuất bản tại Liège (Bỉ) với bút danh Georges Sun. Nhưng sự thành công chưa vội đến với cây bút trẻ có hàng chục bút danh khác nhau này (Jean du Perry, Gom Gut, Christian Brull…). Mười năm miệt mài viết như người lao động khổ sai giúp ông thành thạo trong “tốc độ” sáng tác. Đây chính là thế mạnh của tác giả “bậc thầy trinh thám” sau này. “Suốt thời kỳ 1928-1931, ông chỉ viết những tác phẩm về Maigret, trung bình mỗi tháng một cuốn”, ông nổi tiếng như cồn khi tiểu thuyết trinh thám Con Chó Vàng (Le chien jaune, 1931) được xuất bản, với tên thật Georges Simenon. 11 tác phẩm in năm đó thì 10 cuốn là tiểu thuyết với nhân vật sáng tạo Thanh tra Maigret.
Nhân vật Thanh tra cảnh sát Tư pháp Paris Maigret xuất hiện từ năm 1931, trong tác phẩm Con Chó Vàng. Hình ảnh người thanh tra ngậm tẩu thuốc, trầm ngâm ngồi dệt cái mạng nhện tư tưởng để tìm ra thủ phạm dần trở nên rất quen thuộc. Bằng trực giác bén nhạy, Maigret kín đáo thâm nhập, phát hiện ra những điều kẻ tội phạm che giấu. Lần theo từng dấu vết từng chi tiết nhỏ nhặt, Maigret xem xét tỉ mỉ tình huống, phân tích tâm trạng kẻ tình nghi. Có thể nói công việc điều tra của Maigret là tìm ra sự thật về một con người. Từ phân tích tâm lý, dựa vào chiều sâu trực giác, ông phát hiện ra các tác nhân thúc đẩy kẻ phạm tội. Ông còn lặn lội tới những nơi đầy kịch tính, thị xã tỉnh lẻ dưới mưa, cảng biển mù sương, quán rượu ồn ào ngập khói thuốc, những nhà trọ, khu ổ chuột phức tạp… để tìm ra hung thủ giữa đám đông. Và điều kỳ lạ là sự ngăn cách biên giới, ngăn cách không gian với những người đọc đã bị xóa nhòa.
Một đời văn với hơn 300 tác phẩm viết bằng tiếng Pháp đã được xuất bản, người ta không khỏi thán phục năng lực sáng tác bền bỉ và trí tưởng tượng phong phú của nhà văn Georges Simenon. Bậc thầy tiểu thuyết trình thám thật sự chinh phục hàng triệu người đọc tại nhiều nước trên thế giới. Hơn 80 tiểu thuyết Thanh tra Maigret không nằm trong thể loại truyện hình sự tầm thường. Giá trị văn học của tác phẩm đã được các nhà phê bình nhìn nhận. Sau ngày ông mất, Đại học Liège ở Bỉ đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Georges Simenon và đã xuất bản các tác phẩm nghiên cứu về ông.
Cho đến nay, chưa có nhà xuất bản nào tại Pháp in toàn bộ tác phẩm của Georges Simenon. Mới đây, các tiểu thuyết của ông được Nhà xuất bản Ommious in thành 25 tập Tất cả Simenon nhưng chưa đầy đủ. Còn ở Việt Nam mới chỉ có khoảng chục cuốn thuộc thể loại trinh thám hình sự của Georges Simenon.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu thêm với bạn đọc Việt Nam một tác phẩm nữa của ông: Tên Trộm Của Cảnh Sát Trưởng Maigret.
Nhà xuất bản Công an Nhân dân
Mời các bạn đón đọc Tên Trộm của Cảnh Sát Trưởng Maigret của tác giả Georges Simenon.
Leave a Reply