Thăm Dò Tiềm Thức là một trong những văn bản diễn đạt tư tưởng Jung sáng sủa nhất, giản dị nhất và tổng hợp nhất. Nó còn làm ta xúc động khi biết rằng đó chính là văn bản cuối cùng của cả một công trình quy mô to lớn trải dài gần sáu chục năm và vượt quá con số một trăm năm mươi “đầu sách” lớn nhỏ với tầm quan trọng dẫu sao thì cũng không sàn sàn như nhau. Cuốn sách này được Jung hoàn thành mười ngày trước khi ngã bệnh, rồi tiếp đó là cuộc ra đi mãi mãi hồi tháng Sáu năm 1961 của nhà tư tưởng tiếng tăm này.

Thoát khỏi ảnh hưởng của Freud bằng cách thừa nhận các lực tinh thần phi tình dục dẫn dắt libido (dục tính), Carl Jung đã khiến người ta phải nhớ tới ông bên cạnh cái tên vĩ đại của Freud. Thăm dò tiềm thức là một bước nhảy phi thường khỏi sự câu thúc độc đoán của Freud, khám phá những khía cạnh hoang đường ở những chi tiết tế nhị nhất trong đời sống nội tâm của chúng ta. Không chỉ tập trung vào bệnh học tâm thần và các dấu hiệu của nó, nhà phân tích tâm lý người Thuỵ Sĩ này còn nghiên cứu cả những giấc mơ và thế giới biểu tượng của nó, thần thoại và những cổ mẫu (archétype) để xác định những “gen” tinh thần của con người.

Đôi khi ông phải đánh đổi cách trình bày dễ hiểu cho cách thức sâu sắc hơn (đương nhiên là phức tạp và khó hiểu hơn), nhưng điều đó cũng khó làm nản lòng người đọc (kể cả những độc giả thông thường). Jung cho rằng libido (năng lượng của cái vô thức) vượt cao hơn sex (tình dục). Không bao giờ phủ nhận cách nhìn nhận sáng suốt có tính chất quyết định của Freud về lịch sử và những tưởng tượng tình dục, Jung đi ra ngoài những vấn đề đó và kể cho chúng ta một câu chuyện thần thoại có tính chất dự báo: cái libido trở thành một người hùng, trốn khỏi sự giam cầm, thực hiện những chuyến phiêu lưu kỳ thú trong thế giới, nhưng luôn trở về với cội nguồn sức mạnh của nó – cái Vô thức – trong những giấc mơ và trí tưởng tượng.




Với Jung, “sự hiểu biết ngày nay về cái tiềm thức chứng minh rằng đó là một hiện tượng tự nhiên và cũng như thiên nhiên, ít ra nó có tính chất trung lập. Nó chứa đựng tất cả các khía cạnh của bản chất nhân loại, ánh sáng và bóng tối, vẻ đẹp và vẻ xấu, thiện tính và ác tính, sâu sắc và ngu muội. Sự nghiên cứu biểu tượng cá nhân cũng như biểu tượng tập thể là một công việc to tát và khó khăn, người ta chưa nắm vững được manh mối. Nhưng dầu sao người ta cũng bắt đầu nghiên cứu. Những kết quả đầu tiên thật đáng khích lệ, hình như chúng báo trước rằng sẽ mang lại nhiều lời giải đáp vẫn được mong đợi cho nhiều vấn đề đặt ra với nhân loại ngày nay”.

***

Trí năng của chúng ta đã tạo ra một đời sống mới đặt nền tảng trên sự thống trị thiên nhiên và sáng chế ra những máy móc quái gở. Máy móc có công dụng hiển nhiên khiến cho chúng ta không thể loại bỏ đi được và cũng không thoát khỏi sự chi phối của máy móc. Người ta không thể không nghe tiếng gọi phiêu lưu của tinh thần khoa học và phát minh và không khỏi tự phụ về những thành quả chinh phục thiên nhiên. Tuy nhiên thần khí của người ta biểu lộ một khuynh hướng đáng ngại, họ sáng chế ra những cái thật nguy hiểm, những khí cụ mỗi ngày một công hiệu hơn để đi đến sự tự vẫn tập thể.

Đứng trước sự gia tăng dân số kinh khủng, người ta tìm cách ngăn cản lại. Nhưng biết đâu thiên nhiên không đề phòng ý muốn của họ mà làm cho những sáng chế của họ quay lại ám hại họ. Bom khinh khí có thể chặn đứng sự gia tăng dân số rất công hiệu. Mặc dầu có ngưỡng vọng hợm hĩnh thống trị thiên nhiên, chúng ta vẫn còn là nạn nhân của thiên nhiên bởi vì chúng ta chưa thống trị được chính mình. Chúng ta tiến dần nhưng chắc chắn đến sự thảm bại.




Bây giờ ta không còn cần đến ông trời nào để giúp đỡ chúng ta nữa. Những tôn giáo lớn trên toàn cầu càng ngày càng tàn lụi, bởi vì những ông thần hộ vệ con người đã bỏ rừng núi sông ngòi ra đi và những người trời đã rút lui yên vị vào tiềm thức của chúng ta. Chúng ta yên ổn với ảo tưởng là những ông thần ấy cam chịu sống sỉ nhục mai danh ẩn tích như những món đồ cổ của quá khứ chúng ta. Đời sống hiện tại của chúng ta bị thống trị bởi nữ thần Lý trí, đó là ảo tưởng to tát nhất và cũng bi thảm nhất của chúng ta.

Nhờ có lý trí mà chúng ta đã “chiến thắng thiên nhiên”.

Nhưng thực ra đây chỉ là một thứ biểu ngữ, bởi vì cái ta cho là chiến thắng thiên nhiên đã làm ta chết ngột dưới hiện tượng nhân mãn thiên nhiên (le phénomène naturel de la surpopulation), thêm vào sự khốn đốn ấy chúng ta còn bất lực về phương diện tâm lý khi không thể thi hành được những biện pháp chính trị cần thiết. Chúng ta còn cho rằng loài người gây gỗ và đánh nhau để khuất phục kẻ khác là một việc bình thường. Như vậy thì sao còn nói đến “chiến thắng thiên nhiên” được?

Dầu sao thì cũng phải bắt đầu có thay đổi. Một cá nhân nào đó sẽ linh cảm được và khởi sự phong trào ấy. Sự thay đổi chỉ có thể thai nghén trong tâm hồn cá nhân, có lẽ trong bất cứ người nào. Không ai có quyền được chần chừ mà nhìn quanh mình đợi một người khác thay mình làm điều mình không muốn làm. Khốn thay, hình như không một ai trong chúng ta biết phải làm gì; như vậy tốt hơn hết là ai nấy đều tự vấn tâm, xem tiềm thức của mình có cái gì hữu ích cho cả mọi người. Tâm thức của người ta hầu như bất lực không giúp ta được gì cả. Ngày nay, người ta không nhận thấy rằng những nền tôn giáo lớn, những triết lý cao siêu hầu như không đem lại cho người ta những tin tưởng mạnh mẽ và linh động để người ta quyết tâm đối phó với tình trạng thế giới ngày nay.

Mời các bạn đón đọc Thăm Dò Tiềm Thức của tác giả Carl Gustav Jung.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.