“Phải giết từng đứa, từng đứa một…”
Một ngày nọ, có bảy sinh viên thuộc Hội nghiên cứu tiểu thuyết trinh thám Đại học K ra thăm hoang đảo Tsunojima.
Ở đây có một tòa nhà độc đáo hình thập giác, tác phẩm của một kiến trúc sư đã chết cháy nửa năm về trước. Vốn yêu thích và ham suy luận, họ toan kết hợp việc vui chơi với điều tra khám phá các bí mật ẩn sau vụ chết cháy này, nhưng chẳng ai ngờ chuyến thăm đảo lại mau chóng biến thành một chuỗi án mạng mới, và các sinh viên lần lượt biến thành nạn nhân trong một kế hoạch ám sát tinh vi.
Bảy ngày và bảy người…
Giác quán giữa Giác đảo…
Ai là kẻ sát nhân?
Ai là người tiếp theo phải chết?
Tại sao? Và quan trọng hơn: Làm cách nào thoát nạn?
Chẳng thể tin tưởng một ai, từng nạn nhân đơn độc đối mặt với quỷ dữ, run rẩy vén bức màn ma mị để tìm ra sự thật. Bằng kiến thức thu lượm được từ kho truyện trinh thám đã tích lũy, liệu họ có vạch mặt chỉ tên được kẻ thủ ác và thoát nạn, hay có học mà không có hành, cuối cùng sẽ đi đến kết cục bi thảm là cuối cùng chẳng còn một ai?
Thập Giác Quán được đánh giá là có cái kết khiến người đọc sững sờ nhất trong lịch sử tiểu thuyết trinh thám Nhật Bản.
Thập Giác Quán (1987) là cuốn tiểu thuyết đầu tay thuộc thể loại trinh thám cổ điển của nhà văn Yukito Ayatsuji. Tác phẩm nằm trong series Quán:
- Thập Giác Quán – 1987;
- Thủy Xa Quán – 1988;
- Mê Cung Quán – 1988;
- Hình Nhân Quán – 1989;
- Chung Biểu Quán – 1991;
- Hắc Miêu Quán – 1992;
- Hắc Ám Quán – 2004;
- Kinh Hoàng Quán – 2006
- Kỳ Diện Quán – 2012.
Thập Giác Quán được đánh giá là có cái kết khiến người đọc sững sờ nhất lịch sử tiểu thuyết trinh thám Nhật Bản.
Thập Giác Quán gồm 12 chương (không kể mở đầu và hồi kết), xoay quanh chuyến hành trình một tuần ghé thăm hoang đảo Tsunojima của bảy sinh viên thuộc Hội nghiên cứu tiểu thuyết trinh thám Đại học K. Mỗi nhân vật đều có cho mình một biệt hiệu riêng mượn từ tên các nhà văn trinh thám Âu-Mỹ mà họ ngưỡng mộ, theo thứ tự lần lượt là: Yamasaki Yoshifumi – Edgard Poe, Suzuki Tetsuro – John Dickson Carr, Matsuura Junya – Ellery Queen, Iwasaki Yoko – Agatha Christie, Oono Yumi – Emma Orczy, Higashi Hajime – Gaston Leroux và Morisu Kyoichi – S.S Van Dine.
Có cùng mô tuýp với Mười người da đen nhỏ của nữ hoàng trinh thám người Anh Agatha Christie về bối cảnh và lối gây án, song Thập Giác Quán đã tạo được chỗ đứng nhất định cho mình khi đã lồng ghép rất hoàn hảo các diễn biến của vụ án cả trên đảo và đất liền. Tình tiết được xây dựng khá lôi cuốn ngay từ những trang đầu tiên, luôn thôi thúc người đọc mau chóng khám phá sự thật, nhưng càng về cuối lại càng không thành công. Tuy được đánh giá là có cái kết ấn tượng, nhưng nếu bạn là người “sành” trinh thám, thì chỉ cần vài chương là đã đoán được hung thủ là ai. Tác giả đã đề cập luận điểm “chủ nhà” khá sớm, và mặc dù diễn biến dần khiên cưỡng và mờ mịt, nhưng dường như cũng không có ý phủ nhận luận điểm này.
Động cơ gây án cũng là một điểm trừ nữa cho Thập Giác Quán, khi trong mắt độc giả, lý do trả thù dường như không đủ để gây ra một vụ thảm sát có tính toán và quy mô lớn nhường này.
Chia sẻ ý kiến của bạn