TADEUSZ DOLEGA MOSTOWICS (1898 – 1939) là nhà văn tài hoa của nền văn học cận đại Ba Lan. Hoạt động văn học trong cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy hấp dẫn và thành công của ông diễn ra trong thời kỳ 20 năm tồn tại và phát triển của đất nước Ba Lan tư sản, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1919-1939), trong bối cảnh đất nước vừa giành lại được độc lập sau hàng thế kỷ bị các thế lực đế quốc chia cắt, bị xóa hẳn tên trên bản đồ thế giới. Thời kỳ phức tạp nhiều chao đảo với mỗi thăng trầm ở trong nước và trên thế giới ấy đã được TADEUSZ DOLEGA MOSTOWICS lấy làm bối cảnh cho các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: Thầy lang, Giáo sư Vin-tru-rơ, Đường công danh của Ni-cô-đem Đyz-ma.
Khác hẳn với tác phẩm Đường công danh của Ni-cô-đem Đy-zma được viết bằng ngòi bút hiện thực phê phán kiệt xuất, Thầy Lang là tiểu thuyết tâm lý xã hội được sáng tác theo khuynh hướng của chủ nghĩa tình cảm.
Nhân vật chính của tác phẩm là giáo sư tiến sỹ y khoa Vin-tru-rơ, một nhà phẫu thuật tài năng của Ba Lan thời bấy giờ. Đang ở trên đỉnh cao của danh vọng và quyền lợi thì một tai họa đột ngột xảy đến: vợ ông đã bỏ nhà ra đi với người yêu sau tám năm chung sống cùng ông, mang theo đứa con gái nhỏ duy nhất mà ông vô cùng yêu thương, để lại một bức thư vĩnh biệt, trong đó nàng thú thật rằng chưa bao giờ yêu ông. Quá đau khổ, giáo sư Vin-tru-rơ lang thang, ông bị bọn vô lại cho uống rượu say, cướp sạch quần áo, tiền bạc, đánh vào đầu, khiến ông bị mất trí nhớ, không nhớ mình là ai. Từ đó bắt đầu cuộc đời lang thang, phiêu bạt, chìm nổi của một con người bần cùng, vô gia cư, không chốn dung thân, không người thân thuộc, thậm chí không biết mình là ai, tên là gì, không biết mình sống để làm gì, sống cho ai.
Nhưng những kỹ năng nghề nghiệp vẫn tồn tại trong con người mất trí nhớ của ông, nhất là khi cần cứu chữa cho người bệnh. Được nhận vào làm công cho người chủ cối xay bột Prô-cốp, giáo sư Vin-tru-rơ (dưới cái tên An-tô-ni Kô-si-ba) đã chữa cho con ông chủ khỏi tật, rồi ông chữa cho nhiều người khác, dần dần nổi tiếng là một thầy lang giỏi ở một vùng nông thôn.
Và cuộc đời ông có lẽ sẽ trôi qua như thế nếu ông không gặp cô gái Ma-rư-sia đáng thương mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tình thương yêu giữa hai tâm hồn cô đơn ấy đã rọi một ánh sáng mới vào cuộc đời ông, khiến ông lại biết mình sống vì ai, vì cái gì. Nhưng rồi Ma-rư-sia và người yêu của cô là chàng trai Lê-sếch bị tai nạn. Để cứu cô gái, ông đã phải đánh cắp va-li đựng dụng cụ mổ của bác sỹ Pa-vơ-li-xki, kẻ vốn sẵn hiềm khích với ông. Ra tòa ông bị kết án ba năm tù. Nhưng nhờ sự vận động của Lê-sếch và luật sư Ko-rơ-trưn-xki, đến phiên tòa phúc thẩm, ông được xử trắng án. Cũng chính tại phiên tòa này, giáo sư Đô-bra-nhe-xki một học trò và cộng sự của ông ngày trước đã nhận ra rằng người thầy lang quê mùa có tài năng khó hiểu nọ chính là giáo sư Vin-tru-rơ bị mất tích mười ba năm về trước. Sau phiên tòa, trước nấm mồ của bà mẹ cô gái Ma-rư-sia, ông hiểu rằng cô chính là đứa con vô vàn yêu quý của mình. Nỗi xúc động đã giúp ông lấy lại trí nhớ.
Cốt truyện cảm động ấy đã được ngòi bút tài hoa của TADEUSZ DOLEGA MOSTOWICS xây dựng thành một tác phẩm giàu tính nhân đạo và trữ tình. Tác phẩm góp một tiếng nói nghệ thuật nêu cao những chân lý nhân văn, khẳng định địa vị thiêng liêng của tình yêu của người với người. Tình yêu ấy, quý giá hơn tất cả, nhưng nó không bao giờ đến từ một phía, nó không thể được xây dựng nên bởi tiền tài hay địa vị. Hạnh phúc chỉ có thể có được khi con người đã phải trả giá bằng những dau khổ và đấu tranh, bằng những dằn vặt, những vật lộn với cuộc đời và chính bản thân mình.
Song tác phẩm vẫn không thể thiếu những giá trị hiện thực phê phán, những giá trị này dường như lại được tôn thêm trong cái không khí trữ tình kia, mặc dù chúng nằm ở bình diện thứ hai, kín đáo hơn. Số phận con người trong xã hội cũ mới long đong, mới mong manh làm sao. Chỉ riêng cái nghịch cảnh trớ trêu của bản án sơ thẩm: kẻ cứu hai mạng người thì bị xử án ba năm tù còn kẻ gây tai họa cho họ thì chỉ chịu hai năm(?) đã giàu sức tố cáo với hệ thống pháp luật tư sản. Và “chứng quên” của giáo sư Vin-tru-rơ kia phải chăng là một hình ảnh đầy tượng trưng? Tác phẩm bằng đôi nét chấm phá nhưng cũng vẽ nên được đời sống khốn khổ, lạc hậu, thấp kém của những người nông dân nghèo Ba Lan thời ấy. Cái nhìn của tác giả đầy đồng cảm, xót xa và trân trọng với những con người ấy.
Tuy nhiên, ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tác phẩm không tránh khỏi những hạn chế dễ thấy. Điều đáng nói nhất là những biểu hiện của một thứ triết học định mệnh trong việc mô tả và cắt nghĩa những hiện tượng xã hội. Mỗi con người trong Thầy Lang như sống trong sự vây bủa của một màng lưới vô hình nhưng vững chắc của số phận, trong đó mọi sự nỗ lực của về đại thể cũng chỉ là những vật vã vô nghĩa. Những yếu tố ngẫu nhiên cá lẻ được xâu lại bằng sợi chỉ số mệnh. Và cái “định mệnh xã hội” này đã thay “ông Tạo” dẫn dắt những bước đường của mỗi con người. Thấp thoáng đây đó, tác phẩm cũng biểu lộ những cái nhìn của chủ nghĩa tự nhiên.
Những hạn chế đó không làm bạn đọc kém yêu mến Thầy Lang. Từ khi ra đời đến nay, tác phẩm đã được tái bản nhiều lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đưa lên màn ảnh, đã chinh phục khán giả thế giới, trong đó có khán giả nước ta.
Quyển ”Thầy Lang” còn có phần 2 ”Giáo Sư Wilczur‘ được dịch với tên ”Đánh mất tình em”. Trong phần này, giáo sư Vintrurơ khôi phục trí nhớ và trở về làm giám đốc bệnh viện. Thành công của ông đã làm nhiều kẻ ghen ghét. Điều đáng buồn là trong số đó có cả giáo sư Đôbranhexki, người trợ lý cũ đã từng giúp ông tìm lại trí nhớ. Với lòng tự trọng ông đã rời bỏ bệnh viện về làng quê nơi ông đã sống khi mất trí nhớ. Với sự yêu mến và giúp đỡ của dân làng, ông đã mở một bệnh viện nhỏ tiếp tục hành nghề phẫu thuật chữa bệnh.
Trong phần này không còn xuất hiện cô con gái Marưsia của giáo sư. Hai cha con mới đoàn tụ sau một thời gian xa cách đáng lẽ phải thường xuyên gắn bó bên nhau. Thế mà Marưsia lấy chồng rồi định cư nước ngoài, không mấy khi về thăm giáo sư Vintrurơ. Niềm an ủi hiếm hoi là một cô bác sĩ trẻ đẹp, rất ngưỡng mộ giáo sư nên tình nguyện về làng quê sát cánh bên ông. Trong quá trình làm việc, giáo sư cũng có thiện cảm với cô. Nhưng với bản tính vị tha ông không nhẫn tâm để cô hi sinh tuổi trẻ bên mình nên đã tác hợp cho cô với một anh bác sỹ trẻ tuổi (cũng đẹp trai, trung thực nhưng mình hổng ưa anh này lắm). Xét tổng thể đọc được nhưng mình không thích phần này vì hơi vẽ rắn thêm chân, thậm chí còn làm mình mất thiện cảm với một số nhân vật ở phần trước như Marưsia, Đôbranhexki.
Có bản dịch này ”Thầy Lang”, Nguyễn Hữu Dũng dịch. NXB Văn học, 2004. – 798 trang ( gộp in chung 2 truyện Thầy lang và Đánh mất tình em)
Tađêus Đôuenga Môxtôvich (Tadeusz Dolega Mostowicz, 1898 – 1939) là nhà văn xuất sắc của nền văn học Ba Lan thời cận đại. Ông là tác giả của những tiểu thuyết tâm lý xã hội theo khuynh hướng tình cảm rất được ưa chuộng (Thầy lang, Giáo sư Vintrurơ), nhưng nổi tiếng nhất với các tác phẩm hiện thực phê phán đặc sắc: Đường công danh của Nikôđem Đyzma.
Hoạt động văn học trong cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy hấp dẫn của T.Đôuenga Môxtôvich diễn ra trùng với thời kỳ hai mươi năm tồn tại và phát triển của nước Ba Lan tư sản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1919 – 1939), trong bối cảnh đất nước vừa giành lại được độc lập sau hàng thế kỷ bị các thế lực đế quốc chia cắt, xâu xé, hoàn toàn bị xóa tên trên bản đồ thế giới, để rồi chẳng mấy chốc lại rơi vào nanh vuốt của bè lũ phát xít Đức. Chính thời kỳ giai cấp tư sản dân tộc non yếu được nắm tay lái con thuyền quốc gia vừa bị lọt vào cái “mắt bão” – vùng tạm thời yên tĩnh giữa những cơn bão táp hung bạo trên toàn thế giới, song không thiếu những rối ren phức tạp trong nước – là thời kỳ thuận lợi cho chủ nghĩa cơ hội phát triển, thời kỳ những nghịch cảnh, những đảo lộn xã hội diễn ra liên tiếp, tập trung và sôi động hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là thời kỳ được T.Đôuenga Môxtôvich lấy làm bối cảnh cho quyển tiểu thuyết xuất sắc nhất của ông.
- Đường Công Danh Của Nikodem Dyzma
- Thầy Lang
- Giáo Sư Wilczur
Mời các bạn đón đọc Thầy Lang của tác giả Tadeusz Dolega-Mostowicz.
Leave a Reply