Trong một ngày, chắc chắn bạn phải thảo luận với nhiều người, có thể bạn phải bắt đầu cuộc họp, chủ trì một cuộc đàm phán, va chạm với một đồng nghiệp, làm dịu lại không khí tranh luận của một tiểu ban, bán hàng hay hội ý với người khác để đưa ra một dự án mới. Có thể bạn có cuộc phỏng vấn, lâm vào tình huống khó xử với khách hàng hay giúp ai đó giải quyết chuyện xích mích. Hoặc bạn có thể đưa bọn trẻ đến trường, tham gia buổi họp phụ huynh hoặc ăn trưa với bọn trẻ.
Chúng ta có thể gọi những thảo luận này là “những cuộc trò chuyện”, nhưng liệu bạn có thực sự trò chuyện không? Bạn có thực sự thu hút người khác vào cuộc trò chuyện không? Bạn có thể dành cả ngày để trò chuyện nhưng cuối cùng thì bạn đã giải quyết được vấn đề gì? Khi bạn phải đối mặt với những tranh chấp và bất đồng trong quá trình thực hiện một dự án thì trình trạng căng thẳng ngày càng tăng. Sự thật là hầu hết chúng ta đôi khi chẳng có cuộc trò chuyện ý nghĩa nào với người khác như đồng nghiệp, khách hàng hay thậm chí là gia đình và bạn bè.
Đối thoại dường như chỉ dừng lại ở việc tán gẫu về các vở kịch, những người nổi tiếng, chương trình tivi đang thịnh hành, thể thao và thời trang. Thậm chí có thể coi một số cuộc đối thoại kiểu này chỉ là những cuộc trò chuyện. Tôi không hề có ý định bác bỏ tầm quan trọng của trò chuyện. Có rất nhiều trường hợp không có gì thích hợp hơn là trò chuyện, như khi bạn ngồi đợi khai mạc một cuộc họp, tìm hiểu một vị khách hàng hoặc một vị trưởng phòng ban nào đó hay khi xếp hàng. Trò chuyện rất quan trọng – nó giúp chúng ta xóa tan khoảng cách với người lạ và tìm hiểu thêm những người mình chưa có nhiều dịp tiếp xúc. Chuyện trò cũng giúp tạo lập sự tương đồng với những người mình gặp, tạo dựng quan hệ và sự liên kết cần thiết để gây dựng nền tảng cho đối thoại. Và khi thích hợp, trò chuyện cũng mở đường cho cuộc đối thoại trở nên thân mật hơn và tạo dựng nền tảng cho những mối quan hệ gần gũi và lâu bền. Thường thì điểm khởi đầu tốt đẹp (giống như món khai vị) sẽ khiến những cuộc đối thoại sâu sắc, có ý nghĩa hơn.
Nhưng điều gì xảy ra khi chúng ta – bạn, tôi và những người chúng ta nói chuyện hằng ngày – quá ngán món khai vị và chẳng còn bụng dạ nào để ăn món chính nữa?
Lúc này, tôi hi vọng bạn đã đọc cuốn The Fine Art of Small Talk của tôi và đã áp dụng những kĩ năng, kĩ xảo tôi đã đề cập đến trong sách cũng như hiểu được giá trị của việc phát triển các mối quan hệ, tạo dựng sự nghiệp và khuyến khích sự hòa hợp trong giao tiếp. Thế nên, nếu trò chuyện là món khai vị thì chúng ta có thể gọi món ăn chính là Đối thoại. Đối thoại giúp chúng ta đạt được những mục tiêu trong giao tiếp. Khi chúng ta bị cuốn vào cuộc Đối thoại, chúng ta sẽ cố gắng thông báo, truyền đạt, chia sẻ phản hồi hoặc đưa ra ý kiến, nhận phản hồi, học hỏi điều gì đó, tránh mâu thuẫn, đề nghị điều gì hoặc khuyến khích hay động viên ai nghĩ hay làm gì.
Có vài điều bạn nên biết về Đối thoại – đó là… nó… rất… quan trọng. Và còn đôi chút khó khăn nữa. Đối thoại thường yêu cầu sự suy tư, tranh luận, tôn trọng và sự khéo léo trong giao tiếp với một hay nhiều người và những kĩ năng lắng nghe tốt cùng với sự kiên nhẫn. Đó là lý do vì sao nhiều người trong chúng ta lại hứng thú với trò chuyện và thường lảng tránh Đối thoại. Đôi khi chúng ta đưa ra những ý kiến vu vơ về những chủ đề vô thưởng vô phạt vì chúng ta hiểu những ý kiến đó chẳng chống lại mình hay vì chúng ta không muốn câu chuyện đi xa hơn. Chúng ta có thể e ngại cuộc đối thoại của mình không thích hợp hay bất tiện, hoặc chúng ta có thể lo lắng vì mình đã khiến câu chuyện trở nên quá nghiêm trọng.
Đôi lúc chúng ta né tránh Đối thoại để giữ khoảng cách an toàn với người khác và để có thể trò chuyện thoải mái về những gì chúng ta có thể đã hoặc chưa học được, những gì được hay chưa được dạy. Trên thực tế, có bốn lý do chính khiến chúng ta không muốn chuyển Trò chuyện (Small talk) thành Đối thoại (Big talk), đó là (1) thời điểm ấy chỉ thích hợp cho trò chuyện, (2) chúng ta là người sáng tạo ra thói quen trò chuyện, (3) chúng ta có thể phát hiện ra mình sai lầm đôi chút hoặc hoàn toàn, và (4) chúng ta lo sợ tiết lộ quá nhiều hoặc tiết lộ thông tin không thích hợp.
Đối thoại – là chìa khóa để bạn đạt được mọi yếu tố quan trọng trong nghề nghiệp và cuộc sống. Đối thoại là nơi bạn thể hiện khả năng thực hiện điều mình muốn và đạt được vị trí mình mong đợi trong thế giới này. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn học được cách chuyển từ Trò chuyện thành Đối thoại? Nếu bạn có thể từ bỏ thói quen và cuốn vào những cuộc Đối thoại có ý nghĩa hơn thì sao? Nếu bạn làm chủ được những tình huống đối thoại khó xử và những ý kiến khác nhau bằng sự nhẹ nhàng và khéo léo? Nếu bạn có thể nhìn nhận đôi lúc mình sai hay ít nói nước đôi hơn mình muốn?
Trong cuốn The Fine Art of the Big Talk, chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi để minh họa rõ ràng lợi ích cực kì to lớn của Đối thoại. Vì Nghệ thuật Đối thoại là một phần không thể thiếu của Nghệ thuật trò chuyện, chúng tôi cũng tạo ra con đường giúp bạn chuyển từ trò chuyện thành Đối thoại và làm sao để có một cuộc Đối thoại vào thời điểm và hoàn cảnh thích hợp. Những kĩ năng Trò chuyện và Đối thoại sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu trong nghề nghiệp và cuộc sống, giúp bạn tạo ra và đi theo chính con đường do bạn thiết lập nên.
Leave a Reply