“Thiên Hành Giả” là một ca khúc bi tráng dành tặng cho các giáo viên nông thôn – những người anh hùng thầm lặng cống hiến vì sự nghiệp giáo dục tại các miền quê.

Một nền giáo dục có thể lột tả được bộ mặt xã hội “Thiên hành giả” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Trung Quốc đương đại Lưu Tỉnh Long, từng đoạt giải Văn học Mao Thuẫn Trung Quốc năm 2009 cho tiểu thuyết xuất sắc nhất. Lấy bối cảnh là việc giáo dục đào tạo ở vùng nông thôn nghèo khó tại Trung Quốc thập niên 90 của thế kỷ 20, tác phẩm xoay quanh những cay đắng cơ cực của những người giáo viên dân lập trọn đời thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại một vùng nông thôn nghèo khó, nhưng họ lại luôn bị lãng quên.

Với phong cách tả thực, ngòi bút tinh tế, tác phẩm đã lột tả được chân thực cuộc sống cơ cực và tính cách rất riêng các nhân vật tiêu biểu tại trường tiểu học Giới Lĩnh cùng sự kiên trì dũng cảm, khát vọng và tấm lòng hết mình vì sự nghiệp đào tạo của các giáo viên dân lập. Đó là thầy giáo trẻ Trương Anh Tài, thầy hiệu trưởng Dư, hiệu phó Đặng Hữu Mễ, chủ nhiệm giáo vụ Tôn Tứ Hải… Mọi mối quan hệ trong nhà trường, giữa nhà trường với thôn xã, giữa nhà trường với các học sinh, phụ huynh… như những sợi dây tơ quấn quýt và bền chặt như một điển hình của xã hội thu nhỏ.




***

Mặt trời tháng Chín vẫn không muốn mọi người nhớ đến sự êm dịu của mùa đông, khi vừa nhô lên đã để lộ khuôn mặt đỏ ối khiến người ta vừa nhìn thấy đã vã mồ hôi, ngạo mạn lơ lửng trên không trung, cuối cùng cũng đợi được đến lúc phải xuống núi, nhưng vẫn muốn vật lộn một phen, nhuộm chân trời thành một màu đỏ tươi. Cứ như vậy, thôn làng vùng cao bị nướng bởi cái nắng nóng gay gắt này mới tỉnh lại trong sự mơ mơ màng màng. Một con chó mực đuổi đàn gà từ trong rừng tre ra, cảnh gà bay chó nhảy loạn xạ khiến con trâu già trở về khi trời đã sẩm tối thấy chướng mắt, ngẩng đầu kêu một tiếng dài. Đại Trương gia trại yên tĩnh cả một ngày cũng nóng lòng muốn giải tỏa nỗi phiền muộn. Khói đen cuồn cuộn bốc lên từ những chiếc ống khói lớn nhỏ, chẳng mấy chốc đã bay đến sườn núi, rồi từ từ biến thành một dải mây xanh.

Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc Trương Anh Tài, ngồi cả ngày dưới tán cây long nhãn ở ven làng, xem hết trang cuối cùng cuốn tiểu thuyết mà không rời tay. Đó là cuốn Giới trẻ nơi phố huyện do một cán bộ ở nhà văn hóa viết. Cũng chính vì mê quá nên mùa hè năm ngoái, khi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, Trương Anh Tài liền “ra tay” ăn trộm từ thư viện của trường, coi như đó là tài sản riêng. Vụ đó không hề nhỏ, có sáu đứa tham gia. Thực ra ban đầu chỉ có năm đứa, Lam Phi là gặp trong thư viện, cũng may là nó cũng đến để trộm sách, cả hai đều cùng chung chí hướng. Đầu tiên, Lam Phi nhét một quyển sách nói về thuyết “mặt dày tâm đen” vào trong áo, sau đó lại chọn thêm vài quyển về mưu mô tranh giành quyền lực nơi quan trường. Những đứa khác thì chọn sách về sửa chữa đồ điện gia dụng, sửa chữa máy móc, chăn nuôi, trồng trọt, v.v… Trương Anh Tài chỉ chọn một quyển, sau đó chuồn ra ngoài canh chừng.

Nghe nói ông Vạn – Trưởng Phòng giáo dục xã sắp đến, Trương Anh Tài ngày nào cũng ôm quyển sách ra ven làng, vừa đợi vừa xem, hai ba ngày xem hết một lượt. Càng xem cậu ta càng thấm thía câu nói cửa miệng của chủ nhiệm lớp khi đó động viên cả bọn: chết ở cống thành phố còn hơn sống bên suối ở Giới Lĩnh, quả thực là rất sâu sắc thấu đáo. Giới Lĩnh là khu vực xa nhất, sâu nhất và cao nhất ở vùng sơn cước này, đứng trước cửa nhà ngẩng đầu nhìn về hướng đó thôi cũng cảm thấy mệt.

Mời các bạn đón đọc Thiên Hành Giả của tác giả Lưu Tỉnh Long.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *