Thiết Đinh Án là tác phẩm thứ 11 trong bộ tiểu thuyết trinh thám quan án viết về Địch Nhân Kiệt – vị thần thám danh tiếng lẫy lừng triều Đường, dưới thời Võ Tắc Thiên trị vì: Series Địch Công kỳ án.

Năm 676, Địch Công nhậm chức Thứ sử Bắc Châu tại vùng  biên giới xa xôi. Sự yên bình của Bắc Châu bị phá vỡ khi hàng loạt các vụ án bí ẩn xảy ra: một cô tiểu thư cành vàng lá ngọc bị mất tích giữa chợ đông người, một vị phu nhân bị sát hại dã man trong căn phòng khóa kín và một vị võ sư bị đầu độc một các hèn hạ.

Trong khi các vụ án còn chưa phá giải được thì khắp Bắc Châu đã lan truyền một tin động trời rằng: vì Thứ sử vô cớ quật mộ một thương gia đã qua đời từ nửa năm về trước để nghiệm thi nên mới dẫn đến bao sóng gió ở trong thành. Người dân vô cùng phẫn nộ và yêu cầu Địch Công phải từ quan.




Bắc Châu sắp rơi vào cảnh hỗn loạn, một trong bốn trợ thủ đặc lực của Địch Công cũng bị sát hại khiến ông như mất đi một cánh tay. Địch Công sẽ phải làm như thế nào khi kết quả khám nghiệm tử thi không có gì bất thường? Liệu ông có tìm ra chân tướng sự việc, phá giải vụ án hóc búa này, vỗ về lòng dân cũng như người trợ thủ đã hết lòng giúp đỡ cho mình?

***

Robert Van Gulik (1910-1967) là một nhà Đông phương học uyên thâm, từng học Pháp luật và Ngôn ngữ phương Đông tại Hà Lan; năm 1935 nhận học vị tiến sĩ nhờ công trình nghiên cứu về Ấn Độ, Tây Tạng (Trung Quốc) và Viễn Đông. Những năm tiếp theo, liên tục làm công việc của một quan chức ngoại giao tại Trùng Khánh, Nam Kinh (Trung Quốc), Tôkyô (Nhật Bản) và một số nước khác; cuối đời trở thành đại sứ Hà Lan tại Nhật Bản. Ông là tác giả của hàng loạt cuốn sách nổi tiếng về văn hóa phương Đông, như “Trung Quốc cổ đại cầm học”, “Kê Khang cầm phú”, “Trung Quốc hội họa giám thưởng”, “Địch công án”, “Xuân mộng tỏa ngôn”, “Bí hí đồ khảo”, Trung Quốc cổ đại phòng nội khảo”…




Celebrated Cases of Judge Dee (Địch Công Án/ Những cuộc điều tra của quan Địch) gồm 16 tập. Một loại tiểu thuyết trinh thám – công án về quan án Địch Công được xây dựng dựa trên nguyên mẫu của tể tướng Địch Nhân Kiệt (630 – 700) một nhân vật có thật sống vào đời nhà Đường thế kỷ thứ VII. Sinh tại Tĩnh Châu, phủ Thái Nguyên (Sơn Tây) Địch Nhân Kiệt đã làm quan tại các địa phương dưới các chức vụ huyện lệnh, Pháp tào Tham quân, Tuần phủ,Thứ sử. Năm 47 tuổi ông về kinh đô Trường An làm Đại lý thừa Tự khanh rồi lần lượt được thăng lên Thị ngự sử, Thị lang bộ Công, thượng Thư tả thừa, hai lần làm Trung thư lệnh (tể tướng) và đô đốc dưới quyền nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên. Phẩm chất đạo đức và tài phá án của ông đã được người đời ca tụng sủng ái đến mức như huyền thoại. Không những là người có hiểu biết về pháp luật, về tâm lý con người, Địch Công còn biết cả kiếm thuật, võ thuật lẫn chữa bệnh, một quan toà cổ đại Trung Quốc mang dáng dấp của Sherlock Holmes… Cùng với bốn hộ vệ mưu trí, dũng cảm, xả thân vì chủ như Hồng Lương, Mã Tôn, Triệu Thái và Tào Can – những giang hồ hảo hán được ông giác ngộ và cho đi theo, Địch Công đã phá được rất nhiều vụ án ly kỳ. Robert Van Gulik cũng khéo léo đưa vào bộ tiểu thuyết trinh thám này những nét văn hóa, lịch sử, phong tục của Trung Quốc.

***

Địch Công kỳ án là bộ tiểu thuyết 16 tập thuộc dòng trinh thám quan án. Nội dung tác phẩm xoay quanh nhân vật Địch Nhân Kiệt và các trợ thủ thân tín, cùng những vụ kỳ án muôn màu muôn vẻ ông đã phá giải trên hành trình thăng tiến từ một Huyện lệnh lên đến chức Tể tướng.




Có thể nói, tác giả đã hội tụ và đúc kết những gì tinh hoa nhất của hai dòng trinh thám phương Đông và phương Tây vào kiệt tác Địch Công kỳ án. Bộ tiểu thuyết được viết theo phong cách đậm chất duy lý, đồng thời cũng là tác phẩm trinh thám phương Tây đầu tiên đi theo mô tuýp trinh thám quan án và mang lại sức sống mới cho dòng trinh thám đậm chất phương Đông này. Nhờ vậy mà đến tận bây giờ, Địch Công kỳ án vẫn giữ vị trí độc tôn đặc biệt, là tác phẩm thành công nhất trong dòng trinh thám quan án.

***

Nơi hoa viên quan nhân báo mộng




Tại thư phòng Thứ sử nhận tin

Nguyện dốc lòng xử án,

Thiên cổ soi gương ai.




Sinh tử do ta quyết,

Phải cẩn trọng không sai!

Đêm hôm trước, ta ngồi một mình dưới mái đình trong hoa viên hóng mát. Đêm đã khuya nên các phu nhân đều lui về phòng riêng từ lâu.




Cả buổi tối, ta miệt mài làm việc trong thư phòng nên đã kêu gia nhân luôn tay lấy giúp cuốn sách từ trên kệ xuống và chép lại những đoạn ta cần đọc.

Như mọi người đều biết, những lúc an nhàn, ta đều dành thời gian biên soạn một tuyển tập về các vụ kỳ án thời triều Đại Đường, đồng thời soạn thêm một phần phụ lục về tiểu sử của các thần thám trứ danh thời xa xưa. Hiện ta đang viết đến tiểu sử của Địch Nhân Kiệt, một vị quan án nổi tiếng sống cách đây bảy trăm năm. Trong nửa đầu sự nghiệp, khi vẫn còn làm huyện lệnh ở nhiều nơi, ông đã phá được rất nhiều vụ án bí ẩn, nên giờ đây người ta chủ yếu biết đến ông qua cái tên Địch thần thám – một vị quan nổi tiếng của thời quá khứ huy hoàng.

Sau khi cho gia nhân đi ngủ, ta viết một lá thư dài gửi cho đại huynh của mình, huynh ấy đang giữ chức Chánh Lục sự tại Bắc Châu. Huynh ấy được bổ nhiệm từ hai năm trước, để lại căn nhà cũ ở con phố bên cạnh cho ta trông nom coi sóc. Ta viết thư cho đại huynh để kể rằng ta vừa phát hiện ra Bắc Châu là địa phương cuối cùng mà Địch Nhân Kiệt làm quan án trước khi được điều về kinh nhận chức vụ cao hơn. Vì vậy, ta đã nhờ đại huynh giúp ta tra lại sổ sách địa phương, biết đâu huynh ấy có thể tìm ra thông tin gì thú vị về những vụ án mà Địch Nhân Kiệt đã phá ở nơi đó. Ta biết đại huynh nhất định sẽ giúp đỡ hết lòng vì huynh đệ chúng ta vốn rất khăng khít.




Viết thư xong, ta chợt nhận thấy trong thư phòng vô cùng oi bức. Ta bước ra hoa viên, hóng gió mát đang thổi qua hồ sen. Ta quyết định rằng trước khi đi ngủ sẽ ngồi nghỉ một lát trong mái đình nhỏ vừa xây ở góc hoa viên, bên cạnh hàng chuối. Ta cũng chẳng vội vàng muốn về phòng ngủ ngay, vì không khí trong nhà hiện đang căng thẳng từ sau khi ta cưới Tam phu nhân. Nàng quả là một mỹ nhân tài sắc vẹn toàn. Ta thật không hiểu tại sao hai vị phu nhân kia lại tỏ ra hằn học với nàng ngay từ ngày đầu gặp mặt, và lúc nào cũng trách móc việc ta ở cùng nàng hàng đêm. Thế nên đêm nay ta đành hứa sẽ đến phòng của Đại phu nhân, và phải thú thật là ta chưa muốn đi ngay.

Ngồi thoải mái trên chiếc ghế tre, ta phe phẩy chiếc quạt lông ngỗng, ngắm nhìn hoa viên đang tắm mình dưới ánh trăng.????

Bỗng nhiên, ta thấy cổng sau mở ra. Ta vô cùng bất ngờ khi thấy đại huynh của mình bước vào.




Cuộc gặp gỡ ở hoa viên

Ta đứng bật dậy và chạy ngay đến chào đại huynh.

“Huynh về có việc gì thế?” ta hỏi. “Sao huynh không báo trước cho đệ là huynh sắp xuống miền Nam?”




“Có việc bất ngờ nên ta phải đi ngay,” huynh ấy đáp. “Vừa tới nơi là ta liền đến gặp đệ. Mong đệ lượng thứ vì ta đến muộn thế này.”

Ta trìu mến nắm cánh tay đại huynh và dẫn huynh ấy vào mái đình. Ta nhận thấy tay áo của đại huynh lạnh toát và ẩm ướt khác thường.

Sau khi đợi đại huynh an tọa, ta ngồi xuống chiếc ghế đối diện và ân cần nhìn huynh ấy. Đại huynh đã gầy đi rất nhiều, mặt trắng bệch và hốc mắt hõm sâu.




“Có lẽ là do ánh trăng,” ta lo lắng nói, “nhưng trông huynh không được khỏe. Chắc là đường đi từ Bắc Châu về đây rất vất vả nhỉ?”

“Quả đúng là rất gian nan,” đại huynh khẽ đáp. “Ta cứ hy vọng sẽ đến nơi từ bốn ngày trước, nhưng sương mù dày đặc quá.” Huynh ấy đưa tay phủi vết bùn khô trên vạt áo trắng rồi nói tiếp, “Thời gian gần đây, sức khỏe của ta không được tốt. Ở đây cứ liên tục đau nhói.” Huynh ấy nhẹ nhàng sờ tay lên đỉnh đầu. “Đau buốt đến tận hốc mắt, có lúc toàn thân còn run bần bật nữa.”

“Khí hậu ấm áp ở quê nhà chắc sẽ khiến huynh khỏe lên,” ta an ủi đại huynh. “Ngày mai đệ sẽ mời đại phu hay khám cho gia quyến đến xem thế nào. Giờ thì huynh kể cho đệ nghe tình hình ở Bắc Châu đi.”




Đại huynh kể lại ngắn gọn về công việc của mình ở đó; có vẻ như huynh ấy và Thứ sử có quan hệ rất tốt. Nhưng khi nhắc đến chuyện riêng thì huynh ấy lại có vẻ phiền muộn. Huynh ấy kể rằng Đại phu nhân gần đây cư xử khá kỳ lạ. Không hiểu sao thái độ của phu nhân với huynh ấy không còn như xưa. Có vẻ là vì việc này mà huynh ấy mới đột ngột về lại đây. Khi thấy đại huynh run lập cập, ta không hỏi gì thêm nữa vì xem ra đây là chuyện khiến huynh ấy rất phiền lòng.

Để giúp đại huynh quên đi phiền muộn, ta đề cập đến Địch Nhân Kiệt và kể về lá thư ta vừa viết xong.

“À phải,” đại huynh nói. “Người dân Bắc Châu hay kể về ba vụ án bí ẩn mà Địch tiền bối phá giải khi còn làm Thứ sử ở đó. Chuyện được truyền lại qua nhiều thế hệ, được kể đi kể lại ở các trà quán, nên dĩ nhiên là đã bị thổi phồng lên rất nhiều.”




“Chỉ vừa mới qua nửa đêm,” ta phấn khích nói, “nếu huynh không quá mệt thì hãy kể cho đệ nghe đi.”

Gương mặt hốc hác của đại huynh nhăn lại trong đau đớn. Ta vội vàng lên tiếng xin lỗi vì yêu cầu quá đáng của mình, nhưng huynh ấy đã giơ tay lên ngăn lại.

“Có khi kể cho đệ nghe câu chuyện lạ lùng ấy lại có ích,” đại huynh nói với vẻ nghiêm trang. “Nếu lúc trước ta để tâm đến nó hơn thì có thể sự tình đã khác rồi…”




Đại huynh không nói gì nữa, tay lại sờ nhẹ lên đỉnh đầu. Một lát sau, huynh ấy nói tiếp:

“Chắc hẳn là đệ đã biết, vào thời của Địch Nhân Kiệt, sau khi đánh bại quân Thát Đát, biên giới phía Bắc của nước ta lần đầu tiên được kéo dài ra đến tận vùng đồng bằng phía bên kia Bắc Châu. Hiện tại thì Bắc Châu là một quận giàu có, dân cư đông đúc, là trung tâm giao thương của các tỉnh miền Bắc. Nhưng khi ấy thì vẫn còn là một vùng đất hẻo lánh, dân cư còn ít, mà nhiều gia đình trong số đó lại mang nửa dòng máu Thát Đát, và họ vẫn lén lút làm những trò tà thuật man rợ. Xa hơn nữa về phía Bắc là nơi Tiết độ sứ Văn La dựng trại để bảo vệ Đại Đường, phòng quân Thát Đát xâm lược.”

Sau khi nói sơ về hoàn cảnh thời đó, đại huynh của ta bắt đầu kể một câu chuyện lạ lùng khó tin. Khi tiếng kẻng báo hiệu canh tư vang lên thì huynh ấy mới đứng dậy chào từ biệt.




Ta ngỏ ý đưa đại huynh về nhà, vì người huynh ấy đang run bần bật và giọng nói thều thào yếu ớt đến mức ta không nghe được gì cả. Nhưng đại huynh kiên quyết từ chối, và chúng ta giã từ tại cổng hoa viên.

Vẫn chưa muốn đi ngủ ngay, ta quay vào thư phòng. Ta vội vàng ghi chép lại câu chuyện kỳ lạ mà đại huynh vừa kể. Khi bình minh đến, ta mới bỏ bút xuống và ngả người lên chiếc chõng tre ngoài hiên.

Lúc ta thức dậy thì đã gần đến giờ dùng cơm trưa. Ta lệnh cho gia nhân mang cơm ra mái hiên và ngồi ăn ngon lành, lần này thì ta rất mong chờ Đại phu nhân tới. Khi nàng mở lời trách móc ta vì đêm qua không đến phòng nàng, ta sẽ đắc thắng ngắt lời và đưa ra cái cớ hết sức chính đáng là sự xuất hiện bất ngờ của đại huynh. Sau khi đã giải quyết êm xuôi với nữ nhân cáu bẳn đó, ta sẽ đến tư gia của đại huynh ngồi đàm đạo. Có thể huynh ấy sẽ cho ta biết lý do chính xác khiến huynh ấy rời Bắc Châu, và ta sẽ nhờ huynh ấy làm rõ một số vấn đề mà ta còn chưa hiểu tường tận trong câu chuyện huynh ấy đã kể.




Nhưng khi ta vừa bỏ đũa xuống, lão quản gia liền xuất hiện để thông báo rằng tín sứ vừa từ Bắc Châu đến. Y chuyển cho ta một lá thư của Thứ sử, báo tin buồn rằng vào bốn ngày trước, lúc nửa đêm, đại huynh của ta đã đột ngột qua đời.

Trên mình khoác áo choàng lông dày, Địch Thứ sử ngồi sau chiếc bàn trong thư phòng. Dù đã đội một chiếc mũ lông trùm kín cả hai bên tai, ông vẫn cảm nhận được cơn gió lạnh lùa vào gian phòng rộng.

Nhìn về phía hai trợ thủ lớn tuổi đang ngồi trước bàn, ông bảo:

“Ngóc ngách nào cơn gió lạnh này cũng len vào được!”

“Gió ùa về từ bình nguyên phía Bắc, thưa đại nhân,” người có chòm râu xơ xác đáp. “Lão phu sẽ sai người thêm than vào lò!”

Lão đứng dậy và bước ra cửa, còn Địch Thứ sử thì chau mày nhìn người còn lại:

“Cái lạnh của phương Bắc có vẻ chẳng là gì với ngươi cả, Đào Cam.”

Nghe Địch Thứ sử hỏi, nam nhân gầy gò thọc tay sâu vào ống tay áo da dê đã sờn rách và cười đáp:

“Tấm thân già này của thuộc hạ đã lê la khắp mọi miền, thưa đại nhân. Nóng hay lạnh, ẩm ướt hay khô ráo, với thuộc hạ đều như nhau cả. Và tấm áo của người Thát Đát thuộc hạ đang bận ấm áp hơn nhiều so với chiếc áo lông thú quý giá kia.” Nhưng Địch Thứ sử biết thực ra trợ thủ tinh ranh của mình có phần hơi bủn xỉn. Đào Cam xưa kia vốn là một kẻ lừa đảo. Cách đây chín năm, khi làm Huyện lệnh ở Hán Nguyên, ông đã cứu Đào Cam lúc nguy nan. Từ lúc đó, kẻ bịp bợm này đã cải tà quy chính và xin được phụng sự dưới trướng của Địch Thứ sử. Kiến thức sâu rộng về chốn giang hồ và sự thấu hiểu tâm lý con người của y rất có ích trong việc truy lùng những tên tội phạm nham hiểm.

Mời các bạn đón đọc Địch Công Kỳ Án Tập 15: Thiết Đinh Án của tác giả Robert van Gulik.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *