Thomas Alva Edison (11/2/1847 – 18/10/1931) là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới đã phát triển rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống trong thế kỷ 20.
Trong 84 năm của cuộc đời mình, người được mệnh danh là “Thầy phù thủy ở Menlo Park” này sở hữu tổng cộng 1.093 bằng sáng chế mang tên ông.
Trong đó, phát minh nổi tiếng nhất phải kể đến của ông là bóng đèn điện. Ngoài ra còn có máy quay đĩa, nhiều hệ thống điện, máy chiếu phim, máy điện báo, máy ghi âm…
Thuở thiều thời, Edison từng là một cậu nhóc hiếu kì, nhưng lại là một học sinh kém ở trường, vì đầu óc cậu lúc nào cũng lơ mơ, không tập trung.
Cậu út của gia đình có 7 người con, thường được gọi bằng cái tên thân mật là Al, theo học ngôi trường độc nhất trong thị trấn… chỉ vỏn vẹn đúng ba tháng.
Thầy giáo của Al đã chỉ vào cậu và nói rằng: “Trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Điều này đã khiến bà Nancy – mẹ của Thomas Edison hết sức tức giận và bà quyết định cho con nghỉ học ở trường.
Vốn trước đây từng là giáo viên ở Canada, bà quyết định dạy con học tại nhà. Suốt 6 năm trời, Al được học dần các môn Lịch sử của Hi Lạp, La Mã và sử thế giới. Nhưng môn học yêu thích nhất của cậu chính là khoa học.
- Anh Em Nhà Wright Là Ai?
- Claude Monet là ai?
- Ferdinand Magellan là ai?
- Wolfgang Amadeus Mozart là ai?
- Albert Einstein Là Ai?
- Galileo Là Ai?
- Isaac Newton Là Ai?
- Charles Darwin Là Ai?
- Bill Gates Là Ai?
- Neil Armstrong Là Ai?
- Charlie Chaplin Là Ai?
- Nelson Mandela Là Ai?
- Anne Frank Là Ai?
- Julius Caesar Là Ai?
- Steve Jobs Là Ai?
- Dr. Seuss Là Ai?
- Thành Cát Tư Hãn Là Ai?
- Marie Curie Là Ai?
- Leonardo Da Vinci Là Ai?
- Walt Disney Là Ai?
- …
Đầu thế kỷ thứ mười chín, một người đàn ông tên là Xa-mu-en Ê-đi-xơn, sau khi lưu lạc qua nhiều vùng ở ven hồ Ê-ri-ê đã định cư tại tỉnh Mi-lan, thuộc bang Ô-hi-ô. Ông là một nhà chính trị lưu vong từ bắc Ca-na-đa đến. Ở đấy, cuộc nổi dậy của tư sản Ca-na-đa, vì không biết dựa vào các chúa đất địa phương và sự liên kết với các nhà tư sản nhỏ bị chèn ép nên đã bị quân đội Anh dập tắt một cách khủng khiếp. Xa-mu-en Ê-đi-xơn cũng tham gia vào cuộc nổi dậy ấy, nên sau khi cuộc nổi dậy bị đàn áp, ông vội vàng trốn đi, sợ nếu bị bắt, tất sẽ phải chịu những hình phạt ghê gớm.
Trên đường lưu lạc, ông đã trải qua biết bao gian lao, nguy hiểm, đã từng nhịn đói, chịu rét; đã từng đi bộ hàng trăm dặm đường. Để trốn thoát sang Hoa Kỳ, ông đã phải lén lút đi vào ban đếm không dám nghỉ, hướng theo các ngôi sao và bóng các ngọn cổ thụ của những cánh rừng già Ca-na-đa . Ông đã phải vất vả lần theo lối mòn của người địa phương và đã có lúc phải liều nhảy trên những tảng băng trôi để vượt sông…
Ở Ca-na-đa, ông còn vợ và hai con. Gia sản của ông đã bị chính phủ Ca-na-đa tịch thu ngay sau lúc cuộc nổi dậy bị đàn áp. Vì thế, Xa-mu-en, dù thế nào chăng nữa, cũng phải tìm chốn sinh cơ lập nghiệp ở nơi khác. Ông dừng lại ở tỉnh lỵ Mi-lan, bên bờ hồ Hu-rôn. Ở đây dân cư hầu hết đều làm nghề chuyên chở ngũ cốc trên hồ từ các miền phì nhiêu về các miền phía đông cằn cỗi. Ngoài ra họ còn sinh sống bằng nghề buôn bán lúa mì và nghề chở đò dọc. Ở Ô-hi-ô hồi ấy chưa có đường sắt hoặc phương tiện giao thông, vận chuyển đường dài nào khác. Dọc theo hồ, có rất nhiều nhà kho chứa ngũ cốc. Các công trường sửa chữa tàu, thuyền cũng mọc lên san sát, dân cư có vẻ trù phù. Lúc đầu, Xa-mu-en Ê-đi-xơn mở một xưởng làm ngói gỗ là thứ ngói thuở ấy ai cũng ưa dùng để lợp nhà. Việc buôn bán của ông rất phát đạt.
Ít lâu sau, cũng trong năm 1839, Xa-mu-en nhờ được một người bạn thân là thuyền trưởng An-va Bơ-rát-lây có tàu chạy trên hồ Ê-ri-ê đưa vợ con ông từ Ca-na-đa sang. Thế rồi ông chuyển sang buôn ngũ cốc. Ông là một người rất minh mẫn, chăm chỉ, lại biết tính toán nên kiếm ra rất nhiều tiền.
Tổ tiên Xa-mu-en vốn gốc người Hà Lan, di cư đến bờ hồ Dui-đéc-dê, một vùng phì nhiêu của châu Mỹ mới. Đây là một mảnh đất ai đến cũng nuôi mộng làm giàu. Ông nội của Xa-mu-en là Giôn, thuộc cánh những người đi khai hoang. Họ ủng hộ vua Anh, chống lại phái cấp tiến. Giôn lao vào hoạt động chống lại cuộc đấu tranh giành độc lập cho Bắc Mỹ. Trong cuộc chiến tranh lừng lẫy này, Giôn Ê-đi-xơn đã là một “to-ri”, nghĩa là một người ủng hộ nhà vua Anh, và thuộc phái bảo thủ. Bị bắt, bị tích thu toàn bộ gia sản, nhà đại điền chủ Giôn may mắn không phải chịu tử hình. Nhưng sau tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, Giôn bị đày đi cùng với nhiều “to-ri” khác. Xa-ra Óc-đen, vợ Giôn, cùng với bảy đứa con cũng theo ông đi. Cả gia đình dừng lại ở miền tây Ca-na-đa và đã chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn, lao động cật lực để khai phá rừng hoang. Nhờ tính cần cù và lòng quyết tâm không chịu thua số phận, thua mọi khó khăn nên chẳng bao lâu họ đã là chủ nhân của một vùng đất phì nhiêu.
Đứa con đầu lòng của Xa-mu-en đã lập gia đình năm 1792 và có nhiều con. Một trong các trẻ đó, sinh năm 1804, cũng tên là Xa-mu-en. Để khỏi lẫn, người ta gọi chú bé là Xa-mu-en Trẻ. Sau bốn mươi ba năm, chính Xa-mu-en Trẻ này đã trở thành cha đẻ của một nhà phát minh khoa học tiếng tăm lẫy lừng.
Vào đầu thế kỷ mười chín, nước Anh quyết tâm thực hiện chính sách thôn tính Ca-na-đa Thượng (ngày này là bang Ôn-ta-ri-ô). Thế là những hoạt động nhằm thôn tính vùng bờ bắc và bờ tây hồ Ê-ri-ê bắt đầu. Để chiếm khéo đất đai của những người di cư khai hoang, chính phủ Anh ở bắc Ca-na-đa bèn hứa bồi thường cho họ cả quyền làm chủ vĩnh viễn ở những miền đất ấy. Riêng đối với những gia đình dòng dõi các to-ri thì nhà vua Anh lại càng tỏ vẻ quan tâm đặc biệt. Họ được mời đến chọn nhận những vùng đất mới trước và được chuẩn bị đón tiếp chu đáo.
Và thế là những đoàn xe bò, xe ngựa, xe trượt chở người, chở vật… ra đi dọc Ca-na-đa, từ miền đông sang miền tây rồi lên miền Bắc.
Năm 1811, bấy giờ Giôn đã là một cụ già tám mươi tuổi nhưng vẫn rất khoẻ. Cụ tập hợp toàn đại gia đình lại, cắt đặt công việc chuẩn bị, sau đó dẫn đầu đoàn người lên đường đi về hướng tây. Gia đình Ê-đi-xơn mang theo hàng đàn bò và đã đi bộ hàng trăm ki-lô-mét qua những vùng đất đai cằn cỗi. Sau khi đã lang thang nhiều nơi, vượt biên giới bắc Hoa Kỳ, trên bờ sông Hu-xôn rồi từ đó qua con thác nổi tiếng hung dữ Ni-a-ga-ra, cái đại gia đình đầy trẻ con và đồ đạc ấy leo ngược lên miền tây hoang dại của Ca-na-đa phủ đầy sương giá và những rừng già nối tiếp nhau không dứt.
Sau nhiều ngày đi ròng rã, bàn chân người lớn và trẻ con đều đã rớm máu thì một chiều nọ, khi nơi chân trời phía tây ráng đỏ đục ngầu dữ dội như tròng mắt của một con quái vật đang dịu dần, thì người chủ gia đình già nua ấy đã đưa được cả đoàn con cháu mình tới mảnh đất được chia. Bỏ mũ ra, mặc cho mái tóc bạc gió lùa bay tung, như một cây đại thụ, cụ Giôn rướn tấm thân già còn tráng kiện, quay lại đàn con cháu, nói lớn giọng trang trọng:
– Chúng ta sẽ ở lại đất này!
Nói rồi, cụ quỳ xuống hôn lên mặt đất. Tất cả trẻ, già, trai, gái đều theo vị tộc trưởng, quỳ xuống hôn mảnh đất mới mà từ đây đã trở thành quê hương của họ.
Đó là một thung lũng đẹp, xung quanh có những rừng thông. Họ ở lại đó và đặt tên đất là Viên-na. Họ chặt cây, dựng nhà, vỡ hoang thành những cánh đồng rộng. Từng gia đình nhỏ cật sức làm việc. Họ nuôi gia súc, săn bắn, phá rừng, lấy gỗ. Viên-na phát triển rất nhanh, dần dần đã có cái dáng của một làng rồi một tỉnh lỵ. Họ đóng từng bè gỗ lớn, loại gỗ dùng cho các công trình và chở sang bán ở nước Anh.
Họ giàu có dần…
Năm 1837, như ta đã biết, cuộc nổi dậy của tư sản Ca-na-đa đã kết thúc một cách đáng buồn. Xa-mu-en Ê-đi-xơn Trẻ, cháu nội của cụ Giôn Ê-đi-xơn, đã chạy sang Mi-lan, bỏ lại Ca-na-đa xa xôi nấm mồ người ông đáng kính mà chỉ có tuổi già mới khuất phục nổi.
Xa-mu-en Ê-đi-xơn Trẻ nói với vợ:
– Nan-xi ạ, chúng ta sẽ xây dựng lại từ đầu bằng chính những bàn tay của chúng ta như xưa kia cha ông chúng ta đã làm. Hãy nâng cao niềm hy vọng em ạ, và hãy tập trung sức để lao động!
– Phải như vậy thôi, mình ạ – bà Xa-mu-en dịu dàng trả lời chồng.
Mời các bạn đón đọc Thomas Alva Edison là Ai? của tác giả Margaret Frith & John O’Brien.
Chia sẻ ý kiến của bạn