Thư Gửi Bố – Franz Kafka

Ngoài cái tên sách khá trìu mến Thư gửi bố, ngay từ những dòng đầu tiên, quyển tự truyện mỏng manh của Franz Kafka đã chất chứa nhiều cay đắng. Đó là cay đắng bị nén chặt trong mâu thuẫn giữa ông và người cha của mình: Hermann Kafka.

Tầm vóc của Kafka trong văn chương đến nay là điều không thể phủ nhận. Nhưng trước khi được khắc tên vào lịch sử văn học, ông từng là một đứa trẻ, một cậu bé ngơ ngác trước cuộc đời. Người ảnh hưởng trực tiếp, bao trùm cả tuổi thơ, tuổi thiếu niên và trưởng thành của ông chính là cha đẻ.

Với óc phân tích rõ ràng và dứt khoát, Kafka đã viết ra nhiều tình tiết riêng tư trong mối quan hệ căng thẳng và phức tạp giữa ông và cha, một mối quan hệ được xem là tiền đề cho nhiều kiệt tác của nhà văn. Và ngay cả việc không đối thoại trực diện với cha mà chỉ viết qua một trang thư cũng khiến cho nhà văn cảm thấy: “… nỗi sợ bố cùng những hệ quả của nó vẫn ngăn cản con…” (trích Thư gửi bố).




Là người Do Thái có tuổi thơ nghèo khó, vất vả, cha của Kafka đã sớm tự lực, bươn chải trong cuộc sống mưu sinh. Từng bước một, ông gồng mình vươn lên để đặt chân vào giới trung lưu của xã hội Do Thái tại Praha, Cộng hòa Czech. Bằng lối giáo dục hà khắc của riêng mình, Hermann Kafka đã khiến cậu con trai – đại văn hào tương lai – cùng các con gái trong nhà bất mãn, rụt rè và e sợ trước cái bóng quá lớn của ông.

Cha của Kafka muốn nhào nặn con trai thành người như ông hằng mong muốn, một người giống mình, thành đạt trong công việc kinh doanh, mạnh mẽ, quyết đoán, ăn to nói lớn, quảng giao… Trước một người con trai mang những phẩm chất lệch hẳn con đường mình vạch ra, người cha – vốn luôn đóng vai trò là cột trụ là “chúa tể” trong gia đình – đã thể hiện vai trò thống trị, đàn áp lên con mình. Người cha đã khước từ những phát triển tự nhiên trong cá tính, phẩm chất của con. Ông mang lối sống, quan niệm về cuộc đời của mình làm chuẩn mực bất di bất dịch. Ông xem con cái là sản phẩm do mình tạo ra và luôn nhấn mạnh rằng chúng phải chịu sự lệ thuộc vào sự bao bọc, dìu dắt của mình. Mang tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối, Kafka ngày càng tự ti, càng rút vào vỏ ốc nội tâm. Bên cạnh cha, ông không thấy sự khích lệ, động viên, một tình cảm yêu thương trìu mến như lẽ thường mà chỉ có những đàn áp và miệt thị.

Trước những “diễu võ giương oai” của người cha, Kafka phải mò mẫm để tìm ra được tiếng nói ở bản thân mình. Dù thừa nhận, với ông, đến cuối đời nỗ lực vùng thoát khỏi chiếc bóng của cha đã hoàn toàn thất bại, Kafka làm được một việc là biến chuyển những cảm xúc tiêu cực về cha mình thành những áng văn chương để đời, như ông thừa nhận: “… con viết là viết về bố. Con than vãn ở đó vì con không thể than vãn trên ngực bố” (trích Thư gửi bố). Các nhà nghiên cứu, dịch giả cho rằng, Thư gửi bố có ý nghĩa như một văn bản chìa khóa, giúp giải mã nhiều tác phẩm quan trọng của Kafka. Năm 29 tuổi ông viết tác phẩm Bản án và sau đó là những kiệt tác như Hóa thân, Người đốt lò, Vụ án, hay trong tác phẩm nổi tiếng cuối đời của ông là Lâu đài, tác phẩm nào cũng đều có hình ảnh về một người cha với những ẩn dụ về sự trừng phạt, sức mạnh, tội ác, thiết chế xã hội…

“Thư gửi bố” được Kafka viết trong khoảng hai tuần của tháng 11/1919 tại khu nghỉ dưỡng Stüdl tại vùng Schelesen (thuộc Bohemia, Vương quốc Áo – Hung, nay là Železná thuộc Cộng hòa Séc). Mục đích đầu tiên khi ông viết bức thư nhằm tỏ thái độ trước việc cha ông phản đối dự định hôn nhân của ông với Julie Wohryzek (1891 – 1944), một cô gái bị cha ông chê là không đủ nền nã, không xứng đáng với gia đình. Dù cuối cùng, bức thư dài 103 trang viết tay này không được gửi đến người nhận, bằng lối viết rõ ràng, nhiều cảm xúc (trong đó không ít cảm xúc được các nhà phê bình nhận định là có phần được cường điệu), Kafka đã nâng tầm câu chuyện gia đình của ông thành một tác phẩm chất chứa suy ngẫm, triết lý về vai trò của giáo dục nhân cách và những va chạm bên trong – bên ngoài nội tâm một con người.

Mời các bạn đón đọc Thư Gửi Bố của tác giả Franz Kafka.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.