Được mệnh danh là ‘nữ hoàng tiểu thuyết trinh thám’, Agatha Christie là nhà văn người Anh ăn khách nhất trên thế giới trong thể loại này.

Hơn 3 thập niên sau ngày bà qua đời, dường như chưa có tác giả nào soán ngôi Agatha Christie (1890-1976) trong thể loại tiểu thuyết trinh thám.

Nữ nhà văn này được xem như là một hiện tượng văn học và được giới chuyên gia dày công nghiên cứu không kém gì tác giả truyện trinh thám Arthur Conan Doyle, cha đẻ của thám tử tài ba Sherlock Holmes.




Bén duyên với truyện trinh thám

Ở cái thuở ban đầu không dễ quên ấy, bà bước vào nghiệp văn với lý do hết sức ngẫu nhiên tình cờ. Trong một cuộc trò chuyện giữa mấy chị em gái, các chị của bà cho rằng tiểu thuyết trinh thám rất chán bởi vì chỉ cần xem một vài trang là người đọc đã biết ngay kẻ nào là thủ phạm rồi.

Không đồng tình với những ý kiến đó của các chị mình, Agatha Christie đã lặng lẽ dấn thân vào nghề viết như muốn phản biện lại quan niệm của các chị. Và dường như đây chính là mối tơ duyên gắn kết cuộc đời bà với hoạt động sáng tác văn học. Bà đã viết với tất cả vốn hiểu biết và lòng say mê của mình.




Tưởng chừng viết thử, nào ngờ quá hay

Tưởng chừng làm thử một cú, nào ngờ trở thành bậc thầy. Với trí tưởng tượng phong phú dồi dào, Agatha Christie đã đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tạo ra nhiều sự gay cấn hồi hộp khiến người đọc khi cầm sách trong tay muốn đọc liền một mạch, như thể cặp mắt bị dán vào các dòng chữ sinh động.

Trong 56 năm theo đuổi nghề viết, nữ nhà văn Agatha Christie đã cho ra đời 66 cuốn tiểu thuyết và 147 truyện ngắn trinh thám, hai tập thơ, hơn ba chục kịch bản sân khấu cùng với hai cuốn tự truyện., với trên hai tỷ bản in, phát hành rộng rãi trên toàn thế giới…




Theo sách kỷ lục Guinness, tính đến nay tác phẩm của bà được dịch ra hơn một trăm ngôn ngữ khác nhau với hơn 2 tỷ bản được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới.

Sinh thời, bà đã được độc giả tôn vinh là nữ hoàng tiểu thuyết trinh thám. Đúng 35 năm sau ngày qua đời, ngòi bút đầy ma lực của Agatha tiếp tục hớp hồn nhiều thế hệ độc giả, trẻ cũng như già.

Tác giả thích giết người bằng thuốc độc




Thời còn trẻ, bà làm việc trong một bệnh viện rồi sau đó trong một cửa hiệu bán thuốc tây. Điều đó có thể giải thích vì sao nhiều vụ án mạng trong tiểu thuyết của bà thường là bằng thuốc độc như thạch tín, ricin và thallium (chiếm khoảng 40% tác phẩm).

Cảm hứng của Agatha thường nẩy sinh trong những tình huống mà bà bắt gặp trong đời thường, bà ghi chép nó vào sổ tay chứ không dùng ngay, và đến một lúc nào đó thì chi tiết này lại được đưa vào tiểu thuyết như thể nó cần một thời gian để được tiêu hoá nghiền ngẫm.

Trong quyển sổ tay được tìm thấy của Agatha Christie, bà lập ra một danh sách của đủ loại thuốc độc và liệt kê tất cả những nhân vật có thể trở thành nạn nhân, cũng như những nguyên nhân thúc đẩy thủ phạm ra tay giết người. Bằng cách này, tác giả muốn tạo ra sự bất ngờ nơi người đọc, bởi vì bất cứ nhân vật nào cũng có thể là hung thủ, cũng có đủ lý do để gây ra án mạng.




Kho tác phẩm nổi tiếng

Bằng lối tư duy thời gian, hạn chế đến tối đa sự đoán trước của người đọc về tính cách, số phận của các nhân vật cũng như kết thúc câu chuyện tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie có một sức hấp dẫn đến kỳ lạ.

Các trạng thái tâm lý, tình cảm của người đọc dường như cũng bị cuốn hút theo những sự kiện những tình huống của truyện: khi băn khoăn lo lắng, lúc hồi hộp đến bất ngờ… và chỉ đến trang cuối cùng của cuốn sách, người đọc mới có thể tìm được lời giải cuối cùng và đáp số cho những ẩn số của cuốn sách. Hai nhân vật thám tử lừng danh xuất hiện trong hầu hết các tiểu thuyết của Agatha Christie là Hercule Poirot và bà Marple (Miss Marple).




***

Henrietta lái xe về London. Hai câu hỏi quanh quẩn trong đầu nàng, hai câu hỏi đơn giản mà nàng lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại: “Đi đâu? Làm gì?”.

Suốt mấy tuần lễ vừa rồi, Henrietta đã chiến đấu liên tục, không một phút nghỉ ngơi, để hoàn thành nhiệm vụ John giao phó. Vậy là nàng đã hoàn thành chưa? Có thể nói “đã” mà cũng có thể nói “chưa”. Dù sao thì công việc đã kết thúc, và bây giờ Henrietta mới thấy thấm mệt.




Henrietta nhớ lại những câu nàng nói với Edward tối hôm ngồi ngoài sân, ngay sau khi John chết. Hôm đó Henrietta đã ra lầu bát giác vẽ lên bàn cây Ygdrasil, dưới ánh sáng của mấy que diêm. Tối hôm đó nàng đã nói: “Tôi muốn được rất buồn!”. Tuy nhiên lúc đó Henrietta chưa muốn bị nỗi đau đớn làm tê liệt trí óc. Nàng phải tỉnh táo để hoàn thành nhiệm vụ John giao phó. Bây giờ Henrietta đã có thể thả cho nỗi buồn tha hồ xâm chiếm. Thế rồi bỗng nhiên nàng tiếc là hôm vừa rồi đã không uống tách trà có thuốc độc Gerda đưa cho.

Vừa rồi ở London, Henrietta có bước vào xưởng họa. Nàng thấy nó trông trải và nghĩ rằng nó sẽ trống vắng như thế mãi mãi, vì John sẽ không bao giờ còn ngồi xuống trong đó, trêu nàng và giữa những câu nói yêu đương, kể nàng nghe về căn bệnh Ridgeway, về cuộc chiến đấu của chàng, về bà Crabtree và về bệnh viện Saint-Christophe.

“Phải rồi, bệnh viện Saint-Christophe!”. Henrietta thầm nghĩ:




– Tại sao ta không đến đó?

° ° °

Nằm trên chiếc giường bệnh viện hẹp, bà Crabtree giương cặp mắt nhăn nheo nhìn người phụ nữ lạ. Trông bà già đúng như John đã tả và nhận xét này làm Henrietta thấy phấn chấn. Nàng cảm thấy như bóng dáng John đang đứng ở đầu giường bệnh này.




Bà Crabtree kể.

– Tội nghiệp ông bác sĩ, cô nhỉ? Khủng khiếp quá! Bị bắn gục xuống như thế! Khi nghe tin, tôi choáng váng! Cô y tá rất tốt bụng, đã đem tất cả các báo chí cô ấy có thể kiếm được cho tôi đọc. Có đầy đủ các tấm ảnh… Cái bể bơi… Chị vợ tội nghiệp của ông bác sĩ lúc ra khỏi cuộc thẩm vấn… Rồi bà Lucy Angkatell, chủ nhân dinh cơ… Quả là một vụ án bí hiểm, phải không thưa cô?

Trong giọng nói của bà Crabtree có nỗi thương tiếc, nhưng đồng thời cũng có chút thích thú: bà Crabtree yêu cuộc sống và những vụ án lạ, những “tin vặt giật gân”, những thứ đem niềm vui đến cho cuộc sống. Henrietta không hề thấy chối. John sinh thời rất quý mến bà Crabtree và nàng thấy tán thành cách nhìn của bà ấy đối với cái chết.




Bà bệnh nhân già nói tiếp:

– Điều mong muốn duy nhất của tôi là người ta sẽ tìm ra được hung thủ và treo cổ hắn. Thời nay người ta không còn treo cổ tội nhân công khai trước đám đông dân chúng như xưa kia. Mà thế là rất đáng tiếc! Tôi rất thích được xem thứ đó!… Bởi kẻ nỡ giết một con người đáng quý như thế, ắt phải không còn nhân tính! Loại bác sĩ như ông John Christow, hàng ngàn người đã chắc có một người như ông ấy không? Lại còn niềm nở, tươi vui, tốt bụng nữa chứ! Ông ấy pha trò đến mức đang đau đến chết mà cũng phải bật cười! Với tôi thì khác, tôi sẵn sàng làm mọi thứ ông ấy muốn.

Henrietta lẩm bẩm:




– Đúng thế! John Christow là một con người đáng gọi là con người!

– Tại bệnh viện này ai cũng quý ông ấy. Y tá, bệnh nhân, tất cả mọi người! Khi khám cho ai, ông ấy cũng động viên là bệnh sẽ giảm…

– Bà cũng vậy, thưa bà Crabtree! Tôi tin bà sẽ khỏi bệnh!




Bà Crabtree đáp:

– Tôi thì không tin chắc như cô! Bây giờ chữa cho tôi là một bác sĩ người nhỏ bé, đeo kính cận. Ông ta rất lành, nhưng không cười bao giờ. Không giống như bác sĩ Christow, lúc nào cũng có sẵn một câu đùa vui khi khám cho bệnh nhân. Cô biết không, có những lúc khó khăn lắm. Có lần tôi đã phải nói: “Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa đâu, thưa bác sĩ!”. Ông ấy bảo: “Thôi đi, bà sức vóc thế kia cơ mà, bà Crabtree! Bà thừa sức chịu đựng! Bà hãy tin rằng tôi với bà, hai chúng ta đang viết một chương mới trong lịch sử y học đấy!”, ông ấy nói thế thì tôi còn biết trả lời ra sao? Và tôi cùng với ông ấy vượt qua mọi khổ ải của việc nghiên cứu phương pháp chữa căn bệnh Ridgeway này!

– Tuyệt vời!




Một tia sáng ranh mãnh lóe lên trong cặp mắt bà Crabtree:

– Xin lỗi cô nhé! Cô có phải vợ ông Christow không đấy?

Henrietta đáp:




– Không. Tôi chỉ là bạn thân thôi.

Bà Crabtree nói:

– Hiểu! Nếu cô không cho là tôi quá tò mò, xin hỏi, cô đến gặp tôi để làm gì?




– Vì ông bác sĩ đã kể tôi nghe rất nhiều về bà và về phương pháp điều trị mới. Tôi rất muốn xem bệnh tình bà hiện ra sao…

Bà Crabtree nhăn mặt:

– Tôi đang xuống dốc!




Henrietta kêu lên:

– Bà đừng nghĩ thế! Bà sẽ khỏi bệnh!

– Không phải tôi buông xuôi đâu, nhưng…




– Nếu vậy bà phải chiến đấu! Bác sĩ John Christow kể với tôi rằng bà là một chiến sĩ…

– Thật ông ấy nói thế ư?

Bà Crabtree im lặng một lúc, rồi nói tiếp:




– Kẻ giết ông ấy đúng là một tên khốn nạn! Bởi làm gì có nhiều bác sĩ như ông ấy!

Sau một lát im lặng, bà lại nói tiếp:

– Cô cũng đừng tuyệt vọng!… Tôi hy vọng đám tang ông ấy được tổ chức chu đáo chứ?




– Rất long trọng.

– Thế hả?… Rất tiếc là tôi không đến dự được! Tôi sẽ dự đám tang tiếp theo, đó là đám tang của tôi!

Henrietta phản đối mạnh mẽ:




– Không! Bà không có quyền buông xuôi! Bác sĩ Christow chẳng nói với bà rồi là gì? Bà và ông ấy cùng viết chung một chương mới trong lịch sử y học! Bây giờ ông ấy không còn, vậy bà phải viết tiếp một mình! Phương pháp điều trị vẫn thế, và bà phải có đủ nghị lực để làm thay cho cả hai người! Bà phải viết cái chương ấy vì ông Christow!

Bà Crabtree nhìn Henrietta rất lâu, rồi nói:

– Cô đòi ở tôi nhiều quá! Tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình, tôi chỉ dám hứa với cô như thế thôi!




Henrietta đứng lên, nắm bàn tay bà bệnh nhân già. Nàng nói:

– Nếu bà không phản đối, tôi sẽ còn đến đây thăm bà.

– Tốt quá rồi còn gì! Tôi rất muốn được nói chuyện về ông bác sĩ với cô.

Nháy mắt, bà nói thêm:

– Ông ấy là con người toàn diện, đúng vậy không?

Mời các bạn đón đọc Thung Lũng của tác giả Agatha Christie.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *