-Thưa anh, Hồng Quỳnh có nhà không ạ?

Người con trai ngước lên trả lời tôi:

– Em nó vừa chạy qua nhà bên cạnh chắc về ngay bây giờ. Cô ngồi chơi đợi nó chút nhé.




Tôi dạ. Ngồi vào ghế đối diện chiếc canapé của anh ta. Tôi nhìn cuốn sách trên tay với dòng chữ đề tặng Quỳnh “ Thương cho Hồng Quỳnh – Cô bé dễ thương nhất đệ nhị C3” dưới đó là hai chữ Hạ Mai được tôi ký thật bay bướm. Chắc Quỳnh sẽ vui lắm, nó không ngờ tôi mò xuống cái tỉnh lẽ buồn hiu này để thăm nó.

– Hình như cô chưa đến đây lần nào phải không?

Tôi giật mình nghe tiếng hỏi, gật đầu:




– Vâng. Em học chung với Quỳnh ở Sàigòn.

– Thảo nào nghe giọng nói cô là lạ. Tôi là anh Hồng Quỳnh – tên Nghiễm.

Tôi reo lên:




– Anh Nghiễm. Quỳnh nó nhắc anh với em hoài đó. Bây giờ em mới biết anh – Em tên Hạ Mai.

– Hồng Quỳnh nó thương tôi lắm. Các cô bạn nó thỉnh thoảng cũng đến nhà chơi nên tôi nhận ra giọng. Chỉ có cô…

– Em mới đến lần đầu.




Bất chợt tôi im lại. Một dấu hỏi nẩy sinh. Tại sao anh Nghiễm lại không nói “thấy” cô là lạ mà lại là “nghe” giọng cô là lạ? Như thế?!…Có lẽ nào?! Ừ, có lẽ nào anh Nghiễm… mù?! Không, không thể được. Đôi mắt anh vẫn mở lớn… Ồ! Sự mở lớn bất động. Đôi mắt chết! Trời ơi!

Tôi cắn môi, dằn tiếng kêu thương cảm. Anh Nghiễm tiếp:

– Quỳnh nói về tôi sao cô? Một người anh mù lòa mà nó đã chịu khổ để lo lắng thật nhiều?




Tôi bối rối:

– Không ạ… Thưa anh, Quỳnh không bao giờ nói với em nỗi bất hạnh của anh. Nó chỉ nói nhà có ba anh em, anh Nghiễm lớn nhất, đến chị Xuân Quỳnh và Hồng Quỳnh là em út. Em út nên cả nhà đều cưng nhiều, nhất là anh Nghiễm.

Nụ cười trên môi anh Nghiễm heo héo, thật dễ thương, làm tôi hình dung đến nụ cười của Bá Tước A Tố trong “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”, nó làm cho gương mặt hơi dài của anh trở nên quý phái lạ lùng. Anh Nghiễm hỏi:




– Xuân Quỳnh lập gia đình còn Hồng Quỳnh đi học xa. Hai năm nay má tôi phải mang mấy đứa cháu họ về ở trong nhà cho vui.

– Sao bác và anh không để Hồng Quỳnh học ngay trường tỉnh cho gần? Ở đây cũng có đệ nhị cấp mà.

– Con bé cứ nằng nặc đòi học Sàigòn. Nó bảo học ở đây rồi nó thành chị nhà quê, với lại nó lên ở với chị thì cũng được nên mà, tôi chìu ý.




Anh chép miệng:

– Chỉ có tôi, mang nỗi bất hạnh triền miên. Cuộc sống chỉ là bóng tối nên ở đâu thì cũng vậy.

– Anh thử hy vọng ở sự tiến triển của khoa học. Em thấy… không đến nỗi nào.




– Trường hợp tôi khó lắm Mai ạ. Vì dây thần kinh bị hỏng. Vả lại nếu ở các nước văn minh có đủ phương tiện chữa thì mình không đủ tài chánh để đi.

Tôi nghe buồn cho anh. Dường như đoán được ý tôi, anh lảng qua chuyện khác:

– Tên của Mai nghe hay quá hả. Hạ Mai, nghe vừa dễ thương vừa kiêu hãnh.




Tôi muốn cám ơn Nghiễm về lời khen tế nhị đó nhưng Hồng Quỳnh đã về với tiếng reo hồn nhiên quen thuộc:

– Hạ Mai! Mày đến bao giờ?

Mời các bạn đón đọc Trăng 30 của tác giả Thụy Ý.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *