Lũ học trò cấp 3 quậy như quỉ. Giáo viên nào cũng phải chào thua. Ai nấy bước vào lớp trong phiền muộn và thường kết thúc giờ học bằng chuyến thăm viếng văn phòng cô hiệu trưởng trong cơn giận bừng bừng.
Và một ngày kia, bọn con gái lớp 10 hay tin có thầy mới về làm chủ nhiệm. Thầy Côn-xtan-chin Xê-mi-ô-nô-vích. Dạy văn. Và một mảnh đạn còn găm trong đùi thầy…
“Mê say môn mình giảng. Côn-xtan-chin Xê-mi-ô-nô-vích đã suy nghĩ về nó trong những hầm đất đầy khói, trong những chiến hào ẩm ướt, trong những ngày lạnh buốt và những đêm nóng bức. Trong lúc hành quân, những lúc nghỉ ngơi và ngay cả lúc chiến đấu, anh luôn luôn mơ ước sẽ có ngày quay về mái trường thân yêu và như trước kia sẽ bắt gặp những ánh mắt ham hiểu biết của lớp trẻ.
Năm năm chiến tranh, anh đã chiến đấu để giành quyền được giảng dạy.”
“Còn cách nào khác nữa? Không có lòng tin ở các em làm sao giáo dục cho các em những phẩm chất tốt đẹp được.”
“Những bài thuyết giáo dài dòng và chán ngấy về đạo đức thường chỉ giáo dục các em thành những đứa giả dối, những kẻ lừa phỉnh.”
Đó là thầy Côn-xtan-chin Xê-mi-ô-nô-vích.
Truyện Tuổi mười bảy của nhà văn Ghéc-man Mát-vê-ép đưa chúng ta trở lại thời kỳ “dở dở ương ương” của tuổi mười bảy dưới mái trường, cùng thầy cô và bao sự tình ngổn ngang vỡ nát trong hồn người vừa choàng tỉnh sau cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc…
Cuốn tiểu thuyết còn chỉ ra diện mạo nền giáo dục Xô viết còn nhiều khiếm khuyết trong triết lí giáo dục, trong đó Côn-xtan-chin Xê-mi-ô-nô-vích đã từng là người chiến sĩ trong chiến trận thì nay vẫn tiếp tục là người chiến sĩ trong cuộc chiến cải tạo tư tưởng, vốn nhiều chông gai phiền não, cho cả thầy cô, học trò và cả cô hiệu trưởng.
DẤU VẾT CỦA CHIẾN TRANH
Trường học im lặng. Giờ học đã bắt đầu. Bà hiệu trưởng đang làm việc ở văn phòng bỗng có tiếng gõ cửa.
– Xin mời vào! – Bà mời mà vẫn không ngẩng lên nhìn khách.
Trên bàn là thời khóa biểu giờ giảng của toàn năm học 1947 – 1948. Natalia Dakharốpna tay trái đưa chiếc kính cũ lên trước mắt, tay phải đưa bút chì lần theo thời khóa biểu: bà đang lập kế hoạch thăm lớp. Đưa mắt thoáng nhìn người đàn ông mới bước vào, bà chỉ chiếc ghế, mời:
– Mời đồng chí ngồi. Tôi sắp xong bây giờ.
Người đàn ông mới vào tay chống gậy, chậm rãi ngồi xuống ghế, lấy trong túi ra một tờ giấy đã được gập lại ngay ngắn, mở tờ giấy ra đặt xuống bàn và trong khi chờ đợi nói chuyện với bà hiệu trưởng, anh ngắm bức chân dung Lê-nin treo trên tường. Anh hiểu ngay rằng bức chân dung này do một bàn tay rất có tài nhưng còn chưa điêu luyện vẽ nên. Nhất là đôi mắt. Không biết có phải đó là một sự thành công bất ngờ hay là kết quả của một quá trình lao động miệt mài, nhưng đôi mắt ấy được vẽ rất đạt, rất sống: hơi nheo lại hiền từ và ánh lên một niềm vui sảng khoái.
– Đó là tác phẩm của Vôrônhin… Khi cậu ấy học lớp bảy – Bà hiệu trưởng giải thích và đặt bút chì xuống bàn.
– Vôrônhin – họa sĩ trang trí nhà hát – anh ấy học ở trường này ạ?
– Vâng… Có phải đồng chí là phụ huynh học sinh không?
– Không, tôi không phải là phụ huynh học sinh đâu chị Natalia Dakharốpna ạ! Tôi đến để trao đổi… Tuy rằng trước chiến tranh chúng ta đã có dịp gặp nhau.
Bà hiệu trưởng chăm chú nhìn khách. Trước mắt bà là một khuôn mặt gầy gầy, nước da tái nhợt với những đường nét thanh tú, vầng trán rộng, cái nhìn chăm chú, tóc hai bên thái dương đã bạc. Đúng rồi, hình như mình đã gặp người này ở đâu rồi. Nhưng ở đâu?
– Chúng ta đã gặp nhau ở hội nghị giáo viên. – Người đàn ông mỉm cười nhắc bà.
Cũng lạ thật, có khi cái cười làm thay đổi vẻ mặt con người, cứ như thể người ta vừa bỏ chiếc mặt nạ ra khỏi mặt vậy.
– Hình như… tôi nhớ ra rồi! Có phải anh Cônstantin Xêmiônôvich không? – Bà ngạc nhiên hỏi.
– Thế là chị đã nhận ra. – Vừa nói Cônstantin vừa đứng dậy bắt tay bà.
– Dĩ nhiên là tôi nhận ra rồi, tuy anh thay đổi khá nhiều.
– Vâng… cũng không gặp may mắn lắm. Tôi bị thương vào ngày cuối cùng của chiến tranh và đã nằm trên giường bệnh khá lâu. Còn chị, hầu như không thay đổi tí gì, vẫn trẻ như xưa.
Tóc bà Natalia Dakharốpna đã có nhiều sợi bạc nhưng rõ ràng là trông bà vẫn còn trẻ so với cái tuổi ngoài sáu mươi của bà. Với khuôn mặt kiên nghị và sinh động, lúc nào cũng gọn gàng trong chiếc áo dài sẫm màu hoặc trong bộ com-lê với mái tóc được chải rất cẩn thận, bà luôn được mọi người nhớ mặt và để ý, kể cả trong những hội nghị giáo viên đông đúc.
– Hồi còn chiến tranh chị vẫn ở lại Lêningrát à? – Cônstantin Xêmiônôvich hỏi.
– Vâng suốt thời gian chiến tranh.
– Và vẫn dạy học?
– Vẫn dạy học! Kể cả năm đầu tiên, trong mùa đông đáng sợ ấy, khi thành phố bị phong tỏa chúng tôi vẫn không bỏ học. Đại đa số học sinh sống với giáo viên. Mẹ các em phải trực chiến ở nơi làm việc, còn bọn trẻ thì ở đây… Thế còn anh? Anh bị thương có nặng lắm không?
– Nói thế nào với chị nhỉ?…Mảnh đạn vẫn còn nằm trong đùi. Bây giờ thì không sao. Tôi đến gặp chị để xin việc đây! – Anh nói và chìa giấy giấy thiệu ra: Sở Giáo dục gửi đến đây.
Bà Natalia Dakharốpna đọc mảnh giấy xong, ngồi tựa lưng vào ghế.
– Thế anh định đến đây làm việc… luôn đấy à?
– Vâng. Nếu được chị đồng ý.
– Thế thì còn gì bằng! Tôi rất mừng! – Bà nói và nở một nụ cười hài lòng – Ở những lớp trên không có giáo viên văn học. Hôm qua Sở có gọi điện về nhưng tôi đi vắng. Chắc là người ta gọi điện về việc của anh. Thế thì anh đi lấy quyết định đi và ta bắt tay vào việc luôn thôi… Còn trường của anh hiện nay ra sao?
– Là đống gạch vụn, chẳng còn gì chị ạ – Anh trả lời với vẻ buồn thoáng hiện lên mặt.
– Thế nghĩa là anh đã đến làm việc với chúng tôi… Rất tốt, tốt lắm… – bà hiệu trưởng nhắc đi nhắc lại, tay đặt quyển sổ công tác hết chỗ này đến chỗ khác. Bà ngập ngừng một lúc rồi nhanh nhẹn đeo kính vào và nói: – Giáo viên văn học ở lớp mười vừa chuyển đi nơi khác và lớp hiện đang thiếu thầy dạy văn. Anh nghĩ sao nếu tôi định xếp anh thay vào đó?
– Được thôi chị ạ.
– Tôi có nhiệm vụ phải báo trước cho anh biết đó là một lớp rất ít học sinh, ít lắm, nhưng lại khó điều khiển. Các em được thả lỏng lâu rồi. Cô giáo chủ nhiệm cũ đã ba năm làm chủ nhiệm nhưng các em không gắn bó mấy. Trước mắt sẽ có sự chống đối ngầm với anh đấy, có thể có cả những điều bất ngờ không lấy gì làm thú vị lắm sẽ xảy ra nữa.
Người giáo viên mới ngạc nhiên nhìn bà hiệu trưởng, nhưng anh không nói gì.
– Chúng tôi đã quan tâm rất nhiều đến lớp này, – bà Natalia Dakharốpna tiếp tục – Nói chung thì bọn trẻ thông minh, không đến nỗi nào, nhưng tính tình hay thất thường và còn hay tự phụ nữa. Những lỗi ấy là do cô Dinaiđa Đmitriépna. Cô ấy nuông chiều bọn trẻ quá. Cô thường hay che chở, khen ngợi các em quá mức và cũng bỏ qua nhiều điều thiếu sót, sai lầm của các em. Trong lớp, các em được bao che. Hầu hết các em đều sống ở đây trong khi thành phố bị phong tỏa… Nhưng không sao, hình như tôi hơi quá lời. Những cái đó có lẽ không đáng lo đến thế đâu.
…
Mời các bạn đón đọc Tuổi Mười Bảy của tác giả Ghec-man Mat-ve-ep.
Leave a Reply