Jason Dark khởi đầu sự nghiệp viết văn của mình vào năm 1966 với một tiểu thuyết giả tưởng. Sau đó, ông tiếp tục viết một vài tiểu thuyết hình sự và Western, cho tới khi sáng tác ra nhân vật John Singlair, một chàng thám tử tại London, nhân viên của Scotland Yard. Đối tượng theo dõi, diệt trừ của John không phải là những tội phạm bình thường. Cùng các bạn bè, cây thánh giá thần và khẩu Beretta bắn đạn bạc, John Singlair là một chuyên gia đuổi ma diệt quỷ. Thành công của những chuyến phiêu lưu mà John thực hiện đã đẩy sáng kiến thành một loạt truyện với số lượng độc giả không ngừng tăng.
Jason Dark sử dụng tất cả mọi “ngóc ngách” của thế giới bí hiểm, từ những huyền thoại cổ đại bao trùm châu lục như quỷ Medusa, ma cà rồng, cương thi… những câu chuyện của đạo Thiên Chúa, đạo Phật, đạo Hồi, các nhóm đạo Á, Mỹ, Âu, những truyền thuyết của từng địa phương cụ thể, trộn lẫn với những lý thuyết khoa học viễn tưởng hết sức hiện đại như trường thời gian, các trường vật chất, dòng điện sinh học cực mạnh… Chất huyền thoại được tác giả dùng để “xử lý” những vấn đề thời sự nóng bỏng theo một nhân sinh quan dương bản: bảo vệ môi trường, giữ gìn nền tảng gia đình, giữ gìn lòng tin vào cái thiện…
Trong mỗi một tiểu thuyết, tác giả cho người anh hùng của mình ra trận tại một địạ điểm cụ thể tại các nước châu Âu và kể cả các địa điểm tại châu Phi, châu Mỹ. Những yếu tố đặc thù trong những huyền thoại của địa phương được sử dụng làm nền tảng cho một cuộc đụng đầu quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu. Mạch chuyện nhanh gọn là sức thu hút chính.
Những nét miêu tả tuy thoáng qua song sắc sảo về phong cảnh, tập tục của địa phương cũng tạo nên một khía cạnh hấp dẫn khác. Một điểm cần nhấn mạnh trong loạt truyện John Singlair là giới hạn tuân thủ Luật Bảo vệ Thanh Thiếu niên của nước Đức được tác giả Jason Dark luôn luôn giữ vững: rất hấp dẫn, song không quá đẫm máu, không quá căng thẳng, không quá nhiều xác chết. Cái tốt, cái dương bản luôn vượt lên, luôn chiến thắng bản thân mình, đạt tới những đỉnh cao mới.
– Bàn tay gã đao phủ (Geisterjäger John Sinclair #248 – Gatanos Galgenhand)
– Điệu nhảy thầy tu (Geisterjäger John Sinclair #270 – Geistertanz der Teufelsmönche)
– Câu đố bí hiểm (Geisterjäger John Sinclair #640 – Das Blut-Rätsel)
– Nhóm đạo Wyang (Geisterjäger John Sinclair #688: Der Kult)
– Điệu Tango bí hiểm (Geisterjäger John Sinclair #718: Tango Fatal)
– Con quái vật sau những nụ hoa (Geisterjäger John Sinclair #731 – Die Blüten-Bestie)
– Lưỡi dao bị nguyền rủa (Geisterjäger John Sinclair #740: Todesgruß der Templer)
– Bi kịch người sói (Geisterjäger John Sinclair #759 – Werwolf-Wahnsinn)
– Thiên tài bí hiểm (Geisterjäger John Sinclair #791 – Diondra, einfach mörderisch)
– Bức tường đá kinh hoàng (Geisterjäger John Sinclair #865 – Auf ewig verflucht)
– Con quỷ đất (Geisterjäger John Sinclair #879 – Das Erdmonster)
– Con gái quỷ Medusa (Geisterjäger John Sinclair #1778 – Das Wappen der Medusa)
– Lạc vào cõi ma
– Đội quân ánh sáng
– Dàn máy tính quỷ ám
Tiến sĩ Fairmont, tiến sĩ Fairmont! Cô ấy tỉnh lại rồi! Làm ơn đến cho, làm ơn đến ngay cho! – Cô y tá vừa la hét vừa nhảy bổ vào phòng.
– Ai tỉnh dậy?
– Dorothy Mainland, thưa bác sĩ.
Lúc bấy giờ, cái đầu đang cúi xuống đống giấy tờ của vị bác sĩ mới ngẩng phắt dậy. Ông gạt cô y tá sang một bên rồi nhanh bước sang phòng bệnh.
Dorothy Mainland đang ngồi trên giường.
Hoàn toàn tỉnh táo!
Cô đã nằm yên suốt hai mươi hai năm trời, vị bác sĩ thầm rên…
Mười phút sau đó là mười phút hoảng hốt, hấp tấp. Tiến sĩ Fairmont, bác sĩ trưởng và đồng thời là chủ nhiệm khoa, ra lệnh cấm tất cả những người có mặt không được lộ bất kỳ một lời nào ra ngoài. Sự kiện y học kỳ lạ này phải được giữ kín trong những bức tường bệnh viện. Không được cung cấp bất cứ tin tức nào ra ngoài, không được lộ với cánh báo chí dù chỉ một lời. Đám phóng viên nhất định sẽ coi vụ Dorothy Mainland thức dậy là một quả bom giật gân giúp họ kiếm cả núi tiền. Ngày trước, đám báo lá cải cũng đã viết không ít về vụ việc này.
Cuối cùng, hai bác sĩ và ba y tá đứng lại quanh giường Dorothy. Mặc dù toàn người trong ngành, nhưng gương mặt của họ cũng chỉ thể hiện duy nhất một sự ngạc nhiên đến hoang mang. Họ nhìn qua chiếc giường, nhìn về phía cửa sổ, nhìn qua làn kính cửa sổ ra một trời khoảng trời mùa đông nhợt nhạt, đang hắt xuống nền phòng một dải sáng nhờ nhờ.
Dorothy Mainland ngồi trên giường. Cứng nhắc, nhìn xung quanh hơi có vẻ ngạc nhiên. Làn da nhợt nhạt, đôi môi mỉm cười nhẹ nhẹ. Cô ta vẫn chưa nói lời nào. Cả bây giờ cô ta cũng im lặng, chỉ có ánh nhìn từ đôi mắt màu xanh là từ từ bao quát khung cảnh xung quanh. Chính cô ta đã tự tay dứt cơ thể mình ra khỏi những dây dẫn, những bộ máy y học đã mang lại cho cô ta sự sống trong suốt hai thập kỷ qua. Không một ai trong số những người có mặt dám nghĩ đến chuyện ép cô gắn những chiếc máy trở lại.
Chậm rãi, thật chậm rãi, bàn tay trái của cô gái vuốt lên mái tóc. Tóc của cô có màu vàng nhạt và phủ xuống im lìm như một lớp vải mỏng trên đầu. Suốt hai mươi năm qua, mái tóc của Dorothy đã được các y tá đều đặn cắt ngắn, nhưng thiếu bàn tay chăm sóc của một chuyên gia làm đầu. Đuôi tóc Dorothy vì vậy không đều, nhiều chỗ trông lởm chởm.
Bàn tay từ trên trán vuốt xuống, rồi vuốt dọc hại con mắt, như thể cô ta đang muốn vén một tấm màn vô hình trước mặt sang bên. Cuối cùng, bàn tay dừng lại trên bức chăn phủ giường. Mười con mắt đổ dồn lại. Khuôn mặt của các bác sĩ và y tá vẫn còn nhợt nhạt. Không một ai hiểu nổi sự tỉnh dậy đột ngột này.
Dorothy Mainland đã bất tỉnh, mê man suốt hai mươi hai năm trời, để rồi hôm nay cô ta ngồi đây như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra. Yếu tố khiến họ ngạc nhiên hơn cả là người phụ nữ này không hề già đi trong suốt khoảng thời gian đó. Tuổi của Dorothy bây giờ là trên bốn mươi, nhưng gương mặt cô vẫn là gương mặt của cô gái hai mươi hai tuổi. Một hiện tượng huyền bí, một câu hỏi chưa có câu trả lời y học.
Cho tới giờ, vẫn chưa ai nói lời nào. Người ta dành cho Dorothy Mainland lên tiếng. Đôi làn môi cô thật mỏng, hầu như chìm vào da mặt. Dorothy mở miệng, lên tiếng. Với giọng nói vô cảm, cô ngỏ ý:
– Tôi khát…
Không một ai chuyển động.
Ai cũng gắng sức lắng tai nghe những âm thanh đó.
– Tôi khát. – Dorothy nhắc lại và đập nhẹ bàn tay xuống mặt chăn.
Tiến sĩ Fairmont phản ứng.
– Hãy lấy ngay cho bệnh nhân một cốc nước, Kathy. – Kathy là cô y tá đã gọi ông lại đây.
– Thưa vâng, bác sĩ.
Lập tức, Kathy biến ra phía sau tấm bình phong. Rồi tiếng nước chảy vang lên, làm át đi tiếng thở của những người có mặt.
Dorothy Mainland hít thật sâu nhiều lần, cứ như thể cô phải thở bù.
– Tôi không hiểu nổi! – Một bác sĩ trẻ mới đến khoa được một năm bật kêu lên – Tôi không hiểu nổi! Đầu óc tôi không thể nào chấp nhận!
Tiến sĩ Fairmont nhún vai. Ông cũng đâu có khác gì anh bạn trẻ. Ông cũng không tìm được lời giải thích. Việc này cần phải được trao đổi với giám đốc bệnh viện.
Kathy quay trở lại. Đó là một cô y tá da màu. Làn da của cô nâu sẫm. Cô phục vụ ở khoa này đã trên mười năm nay. Khó có gì có thể khiến người đàn bà dày dặn kinh nghiệm này hoảng sợ. Vậy mà bây giờ cái cốc đang run rẩy trong hai bàn tay cô, khi Kathy ngập ngừng tiến từng bước chân vụng về lại gần giường và đưa cốc về phía Dorothy.
Dorothy chìa tay về phía Kathy.
– Cám ơn! – Cô ta nói, rồi cầm lấy cốc.
Không một ai phải giúp cô. Với một cử động tự tin và chính xác, cô gái đưa chiếc cốc lên miệng và uống một ngụm nhỏ. Vừa uống, mắt cô vừa nhìn ngước qua miệng cốc. Rồi cô ta uống ngụm thứ hai, cốc cạn. Y tá Kathy đón lấy cốc từ tay cô ta.
– Nước ngon lắm! – Dorothy mỉm cười.
Tiến sĩ Fairmont gật đầu.
– Thế thì rất hay, cô thấy ngon là rất hay, Dorothy.
Vẫn còn loay hoay tìm cách xử lý sự kiện giật gân này, ông hỏi tiếp:
– Cô có đói không, Dorothy?
Cô gái cười. Mắt sáng lên.
– Có, thưa bác sĩ, tôi thấy đói.
– Tốt, tốt lắm. – Tiến sĩ Fairmont ngạc nhiên – Thế thì… hừm… cô muốn ăn gì nào?
Dorothy cân nhắc. Cô ta đưa lưỡi liêm bờ môi như một con mèo sau khi ăn.
– Thế thì, – Cô ta nói sau một hồi suy nghĩ – tôi muốn ăn cá và chip tôm. Ngày trước tôi rất thích món này.
…
Mời các bạn đón đọc Con Quái Vật Sau Những Nụ Hoa của tác giả Jason Dark.
Chia sẻ ý kiến của bạn