Cuốn tiểu thuyết kể câu chuyện về cuộc đấu tay đôi đến chết của một trò chơi cờ vua vẫn chưa kết thúc trong hơn 50 năm. Khi một doanh nhân người Đức bị phát hiện đã bị bắn chết, một bí ẩn mở ra cho người đọc về sự ganh đua của người đàn ông này với một cầu thủ cờ vua Do Thái xuất chúng và mở ra bí ẩn trong quá khứ của họ.

***

Mở đầu quyển sách đúng là một vụ án. Một doanh nhân thành đạt đồng thời cũng là một kỳ thủ có tiếng một thời bị chết. Thi thể ông ta nằm ngửa trong vũng máu của chính ông ta, ở chính giữa mê cung, khẩu súng ngắn quân dụng cũ của ông ta được tìm thấy cách đó vài bước. Khẩu súng được lắp ống giảm thanh và đã không ai nghe thấy tiếng nổ. Họ tìm thấy trên bàn làm việc của ông ta là một bàn cờ vua được sắp xếp trong thế trận phức tạp của một ván cờ đang chơi dở.

Đó là một bàn cờ rất lạ: những mảnh vải xơ xác cả sáng lẫn sẫm màu được khâu lại với nhau. Những chiếc khuy áo có kích cỡ khác nhau đại diện cho các quân cờ, biểu tượng của mỗi quân được vạch một cách thô sơ lên mặt khuy, có lẽ bằng đinh.




Nhưng các bạn chớ có tìm hung thủ làm gì, cũng đừng trông mong gì những pha đấu trí nghẹt thở hay những cuộc phiêu lưu điều tra phá án của một vị thám tử tài ba mà ta thường thấy trong các tác phẩm trinh thám. Hay tìm thấy những khiếm khuyết trong tâm hồn của các nhân vật bị tổn thương về tâm lý trong các tác phẩm trinh thám mà thiên về tâm lý của tội phạm.

Bởi cái chết của ông sẽ đưa bạn trở về một thời kỳ mà mỗi lần nhắc lại người ta không khỏi rùng mình. Thời kỳ mà người ta đã phải thốt lên rằng sao nỡ ăn thịt đồng loại của mình. Cái thời kỳ mà Đức Quốc Xã bài trừ người Do Thái, đưa họ đến những trại tập trung, đày đoạ họ, biến người Do Thái thành trò chơi, trò tiêu khiển, mạng họ trở thành ván cược trong một trò chơi rồi sau đó là những vụ thảm sát hàng loạt đẫm máu.

Không chỉ là ván cờ thông thường mà đó là ván cờ cuộc đời, ván cờ đổi mạng.




Binh Boog

***

Người ta nói rằng cờ vua được sinh ra trong đổ máu. Truyền thuyết kể lại khi trò chơi này lần đầu tiên được ra mắt trước triều đình, nhà vua quyết định thưởng cho người phát minh vô danh của nó bằng cách đáp ứng bất cứ sở nguyện nào của ông ta. Phần thưởng nhà phát minh thỉnh cầu có vẻ thật khiêm nhường: tổng số lượng gạo gộp lại khi đặt một hạt gạo lên ô đầu tiên trong số 64 ô của bàn cờ, rồi hai hạt lên ô thứ hai, bốn hạt lên ô thứ ba, cứ như thế.

Thoạt đầu, nhà vua vui vẻ đồng ý, song đến khi nhận ra tất cả các kho lương vựa lúa trong vương quốc của mình, hay có khi cả thế gian, cũng không thể cung ứng đủ lượng gạo như thế, ông ta thấy tốt hơn nên giải thoát cho mình khỏi thế khó bằng cách cho chém đầu người phát minh khốn khổ.




Truyền thuyết không nhắc tới chuyện nhà vua sau đó còn phải trả cái giá đắt hơn, ông ta bị trò chơi mới mê hoặc tới mức mất trí. Hóa ra chỉ có sự tham lam của chính trò chơi ấy mới bì kịp lòng tham của người phát minh trong truyền thuyết.

Các báo ra hôm nay thuật lại cái chết của một người đàn ông tại một ngôi làng nằm cách Vienna không xa. Hôm qua, sáng Chủ nhật, một người có tên Dieter Frisch chết vì bị bắn. Báo cáo pháp y cho biết thời gian tử vong là khoảng 4 giờ sáng, kết quả của một phát đạn súng ngắn ở cự ly rất gần, viên đạn xuyên qua vòm họng và vọt ra qua thùy chẩm.

Bài tường thuật trên báo đi kèm một bức ảnh mới chụp gần đây của người chết, cho thấy ông ta đang thư thái ngoài khu sân vườn ngôi biệt thự của mình như một điền chủ miền quê vừa trở về sau cuốc đi dạo thường ngày. Mặc đồ vải lanh sáng màu, ngồi duỗi trên chiếc ghế đan bằng liễu gai, vẻ như ông ta đang chìa bàn tay ra vuốt ve một trong hai con chó cuộn tròn dưới chân. Tôi đã xem bức ảnh đó và thấy thật khó nhận ra khuôn mặt, vì nó bị chìm dưới bóng cái vành một món đội đầu trông giống mũ Panama nhẹ. Chẳng lẽ diện mạo của một con người chỉ đơn thuần là tổng hòa của hình khối và trọng lượng, là những đường nét của một cấu trúc cơ thịt? Hay còn có thứ gì khác lâu bền hơn, nằm bất biến dưới những lớp thời gian tàn nhẫn? Ẩn dưới cái tên và diện mạo đó có khi nào là người tôi quen biết? Chỉ sau một hồi tập trung, những nét mặt đuợc luu giữ thật sâu trong trí nhớ tôi lại hiện lên, nhu một tấm hình trong suốt áp chồng lên khuôn mặt đã bị thời gian bào mòn song trông vẫn còn trẻ một cách ngoan cường đó.




Các hàng tít nói nhiều tới sự ra đi của “nhân vật xuất chúng” này, song không hề nói xem chuyện này xảy ra như thế nào. Dưới sức ép từ gia đình nạn nhân, kiên quyết bác bỏ giả thuyết tự sát, gần nhu tất cả các tờ báo đều nhắc đến một “tai nạn”, “sự cố” hay cái chết trong “tình huống khó hiểu”. Cho dù bằng chứng có là gì đi nữa, nó cũng trở nên vô giá trị khi thiếu vắng một động cơ hợp lý. Tất cả những ai từng biết ông ta dường như đều sẵn sàng thề rằng ông ta hoàn toàn không có bất cứ lý do nào để tự kết liễu đời mình. Ông ta chưa bao giờ bị trầm cảm hay tỏ ra chán đời. Lần kiểm tra cuối cùng, mới gần đây, cho thấy sức khỏe ông ta hoàn toàn bình thường, và ông ta có phom dáng đáng để thèm muốn: ở tuổi sáu mươi tám, ông ta vẫn tích cực chơi các môn thể thao ưa thích, tennis và cưỡi ngựa, dù vẫn hơi tập tễnh kể từ cuộc phẫu thuật sau chấn thương do ngã ngựa. Cũng không hề có bất cứ dấu hiệu nào của rắc rối tài chính. Trên thực tế, chỉ vài ngày trước đó ông ta vừa giành được một hợp đồng xây dựng trị giá nhiều triệu đô la từ Bundesbank.

Frisch là một trong những người dường như được vận may mỉm cười trong mọi lĩnh vực. Ông ta kết hôn với một người thừa kế giàu có và có bốn con trai, tất cả giờ đây đều có địa vị nổi bật trong xã hội. Ông ta có một cuộc sống ngăn nắp bình lặng, tuần dành ra bốn ngày ở Munich để điều hành việc làm ăn và quay lại Vienna vào thứ Sáu để được lái xe đưa tới nơi ông ta thích rồi dùng toàn bộ thời gian tự do của mình ở đó: một biệt thự nằm giữa khu tư viên mênh mông, bao quanh là khu săn bắn rộng 125 mẫu. Khu tư viên, được xây dựng từ cuối thế kỷ mười tám, từ lâu đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch, được mở cửa vào mùa hè. Khách tới thăm được phép tham quan trại nuôi ngựa và tản bộ khắp khu đất, một kiệt tác thực thụ về nghệ thuật làm vườn và điều tiết nước, được thiết kế từ hơn một thế kỷ trước. Điểm nhấn là một mê cung đồng tâm được tạo thành từ những hàng rào cây cao ba mét dẫn tới một khoảng trống hình bàn cờ lát những phiến cẩm thạch vuông màu trắng và đen. Ở hai đầu đối diện của bàn cờ, các quân cờ đã được cẩn thận tạo nên bằng cách xén tỉa những cái cây tán rậm cao bằng người thật. Các quân đen được tạo thành từ thủy tùng, quân trắng từ hoàng dương.

Như phần lớn những người ở tuổi mình, Frisch sống nề nếp. Một tuần ba ngày ở biệt thự, đúng 7 rưỡi sáng ông ta dậy và dành ra đúng năm phút dưới bể bơi nước lạnh trong nhà, tiếp đó là vài động tác thể dục mềm dẻo và tiến trình chỉnh trang mặc đồ tỉ mẩn như một nghi lễ. Đến khoảng 8 giờ, đã ăn vận chỉnh tề, ông ta sẽ đi xuống phòng ngồi chơi rộng thênh thang dùng bữa sáng thanh đạm được bưng ra trên những món đồ sứ tinh xảo: tách cà phê đen không đường và ít bánh mì nướng làm hoàn toàn từ bột mì cùng xíu mứt cam. Sau đó, ông ta sẽ lui vào phòng làm việc và dành thời gian còn lại của buổi sáng cho niềm đam mê lớn của bản thân, cờ vua. Ông ta sở hữu tất cả sách vở tài liệu về chủ đề này và tự hào về một bộ sưu tập quý giá những bộ cờ vua cổ. Cho dù đã nhiều năm không thi đấu, ông ta vẫn thuộc hàng kiện tướng và là chủ bút của một tạp chí uy tín về cờ vua.




Mọi bằng chứng cho phép phỏng đoán là đã không có gì tác động đến thời gian biểu thường quy của ông ta cho tới tối thứ Sáu cuối cùng. Lái xe đến đón ông ta tại nhà ga ở Vienna như thường lệ. Họ chỉ trao đổi với nhau vài lời trên đường quay về biệt thự, và về tới đó lúc nửa đêm – chính xác là 1 giờ 45 phút. (Người lái xe luôn cẩn thận tính toán thời gian chuyến đi.) Frisch ra khỏi xe, và như thường lệ, trước hết đi tới khu chuồng chó, vuốt ve từng con trong số “cún con” của mình, đáp lại màn chào đón hân hoan của chúng. Sau đó ông ta vào nhà. Như tất cả những thứ Sáu khác.

Nhưng ngay sáng sớm thứ Bảy bà hầu phòng lớn tuổi đã để ý thấy một điều lạ lùng trong cách cư xử của ông chủ. Frisch trông có vẻ như đã ngủ rất ít và không ngon giấc. Trên thực tế, bà sẵn sàng thề rằng kể cả có lên giường nằm, ông ta cũng không buồn cởi đồ. Vốn quen lấy thời gian biểu thường quy chính xác như đồng hồ của ngôi biệt thự làm niềm khuây khỏa lớn lao nhất, bà này rất lo lắng trước sự thay đổi đột ngột trong thói quen của ông chủ.

Tuy nhiên, là một người làm công tận tụy hết lòng, bà cảm thấy ở vị trí của mình bà không nên nói gì với ai, thậm chí cả với những người làm khác. Bà cũng không báo với vợ Frisch, một phần vì vợ chồng ông ta ở các khu khác nhau của biệt thự và trên thực tế là sống đời riêng, chỉ xuất hiện cùng nhau ở những dịp lễ lạt hiếm hoi có tính nghi thức. Theo lời kể của bà hầu phòng, Tiến sĩ Frisch không hề ăn sáng ngày hôm đó, và bữa trưa của ông, được bưng tới vào giờ thường lệ, còn nguyên trên khay không được đụng đến.




Ông ta dường như đã trải qua cả ngày một mình trong nhà, không tiếp vị khách nào. Chỉ khi nhân chứng của chúng ta mang bữa tối tới cho ông ta trong phòng làm việc, bà mới để ý thấy một ngọn đèn đã được bật lên. Nó vẫn bật khi bà đi ngủ vào khoảng 2 giờ sáng.

Chủ nhật, quá 8 giờ sáng rất lâu mà vẫn chưa thấy bóng dáng Frisch. Lo lắng trước sự chậm trễ khác thường này, bà hầu phòng lên lầu tới phòng ngủ. Thấy trong phòng không có ai, giường chiếu phẳng phiu, thoạt đầu bà nghĩ ông chủ đã ngủ qua đêm ở nơi khác, dù đó không phải là thói quen của ông ta. Bà bắt đầu nghi ngờ khi thấy không thiếu chiếc xe nào trong gara. Sau đó, bà liên tục gõ cửa phòng làm việc, lớn tiếng gọi tên ông chủ. Không thấy ai trả lời, bà quyết định vào trong phòng, nhưng không có ai trong đó. Đến lúc này, bà cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác ngoài đánh thức vợ Frisch, một nước đi không phải không có rủi ro, vì bà chủ nhà bị chứng mất ngủ hành hạ và vào thời điểm đó rất có thể đang tận hưởng thời khắc nghỉ ngơi đầu tiên của mình.

Toàn bộ người làm nhanh chóng được huy động để tìm kiếm khắp hai mươi tám căn phòng, các hầm, khu dành cho khách, cuộc tìm kiếm được mở rộng ra tận khu tư viên xung quanh nhưng vẫn công cốc. Cuối cùng, một người nghĩ tới chuyện đưa mấy con chó của ông chủ tới. Hai con chó chăn cừu Đức yêu quý của ông ta đã sủa liên tục suốt buổi sáng. Khi con thứ nhất được thả ra, nó lao thẳng tới chỗ mê cung trong vườn; con thứ hai, được tròng dây, lập tức dẫn họ tới nơi. Thi thể Frisch, nằm ngửa trong vũng máu của chính ông ta, ở chính giữa mê cung; khẩu súng ngắn quân dụng cũ của ông ta được tìm thấy cách đó vài bước. Khẩu súng được lắp ống giảm thanh, và đã không ai nghe thấy tiếng nổ.




Họ tìm kiếm xem có lời nhắn nào không nhưng vô ích, tất cả những gì họ thấy trên bàn làm việc của ông ta là một bàn cờ vua được sắp xếp trong thế trận phức tạp của một ván cờ đang chơi dở.

Đó là một bàn cờ rất lạ: những mảnh vải xơ xác cả sáng lẫn sẫm màu được khâu lại với nhau. Những chiếc khuy áo có kích cỡ khác nhau đại diện cho các quân cờ, biểu tượng của mỗi quân được vạch một cách thô sơ lên mặt khuy, có lẽ bằng đinh.

Trong tất cả các tờ báo tường thuật lại hiện trường được những nhân chứng tìm thấy, chỉ có một bài, trên một tờ báo tỉnh lẻ rất có thể thiếu thông tin trực tiếp, là bình luận về chi tiết có vẻ vặt vãnh này. Bài báo kết luận: “Sẽ không ai biết được vì sao Tiến sĩ Frisch lại chọn một mảnh giẻ rách như thế thay vì bộ sưu tập quý giá nổi tiếng của ông. Có lẽ nó chỉ được dùng cho ván đấu cờ cuối cùng của ông, với cái chết.”

Mời các bạn đón đọc Ván Cờ Đổi Mạng của tác giả Paolo Maurensig.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.