Một ngày đẹp trời, anh bạn Palomar vốn tính trầm tư quyết định thoát khỏi vũ trụ ngôn ngữ và dùng ánh mắt lĩnh hội thế giới quanh mình.

Trên bãi biển, trong vườn, giữa thành phố, anh hiện diện khắp nơi, quan sát từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống thường nhật và gắng giải mã từng ngọn sóng biển, những cọng cỏ trên đồng, đàn sáo đá trên bầu trời Roma hay một quầy pho mát ở Paris.

“Điều ấn tượng nhất trong Palomar chính là cảm giác về một chiếc lưới an toàn rốt cuộc cũng được thu lại, cảm giác về những kỳ công tưởng tượng tuyệt đẹp, sinh động và đơn độc được mang lại không phải để khiến độc giả sững sờ mà để một lần nữa làm sáng tỏ điều mà nhà thơ Philip Lanrkin gọi là ‘cái trống rỗng hóa giải/ Nằm ngay dưới mọi thứ ta làm.’ ”




      – The New York Times

***

Italo Calvino (1923-1985), bậc thầy về phúng dụ và tưởng tượng, một trong những nhà văn Italia nổi bật nửa sau thế kỉ XX. Lớn lên trong môi trường khoa học và khai sáng, sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu với Il sentiero dei nidi di ragno (Ngã vào tổ nhện, 1947) viết về giai đoạn chiến tranh và cuộc kháng chiến chống Đức Quốc Xã ở Italia. Hai năm sau, tập truyện ngắn Ultimo viene il corvo (Cuối cùng con quạ đến, 1949) cũng mang cùng mạch cảm hứng tân hiện thực.




Những tác phẩm tiếp theo của Calvino thể hiện một phong cách sáng tạo dựa trên sự tìm tòi cả về lối viết lẫn cảm thức hiện thực. Ông tiếp nhận và vận dụng một phạm vi lí thuyết văn học rộng lớn: kí hiệu học, cấu trúc, hậu cấu trúc, tiểu thuyết mới, hậu hiện đại, và hình thái viết dựa trên các cấu trúc toán học tổ hợp của nhóm L’OULIPO (Ouvroir de Littérature Potentielle) mà ông là một thành viên. Chủ đề và cảm hứng của ông khởi động từ nhiều hướng: kí ức chiến tranh-kháng chiến, truyện dân gian, truyền thống hiệp sĩ, ngụ ngôn triết học-đạo lí mang sắc thái khai sáng, những hiện tượng và chân dung lố bịch của xã hội hiện đại, những câu chuyện khoa học giả tưởng…

Những trang viết của ông có sự thay phiên, hoặc tổng hợp của nhiều chiều kích: hiện thực và tưởng tượng, duy lí và mạo hiểm, hóm hỉnh và hiện sinh, khai sáng và siêu nghiệm, thường nhật và sau vật lí…

Ở những năm 50. Calvino hoàn thành bộ ba kì tướng: Il visconte dimezzato (Bá tước bổ đôi, 1952), Il barone rampante (Nam tước hùng hổ, 1957), Il cavalicre inesistente (Hiệp sĩ không hiện hữu, 1959), sau được tập hợp trong I nostri antenati (Cha ông chúng ta, 1960). Các “ngụ ngôn triết lí” này kể lại, chẳng hạn, nỗi gian truân của một chàng hiệp sĩ bị một viên đại bác sẻ đôi, mỗi phần theo đuổi một tồn tại riêng, một thiện, một ác. Sau nhờ yêu một cô gái nông dân mà anh ta toàn vẹn trở lại. Hay cuộc đời của một vị nam tước, ở tuổi 12, sau cuộc tranh luận với cha, quyết định leo lên ngọn cây và trú ngụ ở đó, từ trên cao vẫn tiếp tục tham gia thế sự, nhưng nhất định không chịu tuột xuống. Loạt truyện hóm hỉnh này khai thác tính tương tác và căng thẳng giữa hiện thực và tưởng tượng, cũng như phản ánh những thiết tha xã hội- chính trị của Calvino. Có ý kiến cho rằng bộ ba này là cuộc hành trình của con người về cái toàn vẹn, cái tồn tại và chính trực.

Trong Le Cosmicomiche (Những vũ trụ hài, 1965), Calvino đề cập về việc sáng tạo vũ trụ, con người và xã hội. Khoa học hiện đại trở thành phương tiện sản sinh những tình huống ảo giác nhằm thể hiện một cảm thức mới về hiện thực. Những câu chuyện khoa học giả tưởng của Calvino thấm đẫm màu sắc thần tiên vũ trụ được xây dựng chung quanh những định đề khoa học. Trong Il castello dei destini incrociati (Lâu đài của những số phận đan chéo, 1969), thì hình họa của những lá bài tarô, bố trí theo các phép tính tổ hợp, là động cơ của một “cỗ máy phối hợp chuyện kể”; trong Le città invisibili (Những thành phố vô hình, 1972), bạn đọc sẽ thấy một Marco Polo kể về những thành phố hoang đường trong cái đế chế đang suy tàn của Hốt Tất Liệt. Và trong Se una notte d’inverno un viaggiatore (Giá đêm dông một người lữ khách, 1979) thì nguồn phối hợp được đẩy đến cực điểm: mười sự triển khai xếp gối lên nhau trong một tiểu thuyết, qua đó, hai nhân vật-độc giả, một nam một nữ, mỗi người theo đuổi cả mười sự triển khai ấy, nhằm tìm ra một tính cách nhất quán vị tất.

Italo Calvino còn biên soạn và chuyển biên, từ các tiếng địa phương của mọi tỉnh vùng ở Italia, bộ Le fiabe Italiane (Truyện cổ tích Italia, 1956); sáng tác cho trẻ em (Marcovaldo, 1963); làm việc trong các nhà xuất bản, các tạp chí; viết báo, viết tiểu luận: một số tập hợp trong Una pietra sopra (Viên đá dằn, 1980), các bài văn xuôi “tùy dịp” mang tính bách khoa tập hợp trong Collezione di sabbia (Bộ sưu tập cát, 1984). Trong cương vị nhà văn và trí thức, Calvino đã nhiều lần góp tiếng nói trước thời cuộc. Đặc biệt, trong Authors take sides on Vietnam (Các nhà văn lấy thế đứng về vấn đề Việt Nam, 1966), ông viết: “Trong một thế giới mà không ai hài lòng hoặc yên ổn với lương tâm của chính mình, và không một quốc gia nào, hoặc một định chế nào, có thể tự cho mình là hiện thân của một ý niệm phổ quát, hoặc của một chân lí đích thực đặc thù nào, thì sự hiện diện của người Việt Nam, là điều duy nhất mang lại ánh sáng”.

Palomar (1983), tiểu thuyết cuối cùng và là một trong những tiểu thuyết sáng giá nhất của Calvino. Ông ra đi bất ngờ sau một cơn tai biến mạch máu não ở tuổi 63. Các tác phẩm được tập hợp và xuất bản sau khi mất: Sotto il sole il giaguaro (Dưới ánh mặt trời con báo, 1986), Lezioni Americane (Những bài giảng ở Mĩ, 1988), La strada di San Giovanni (Con đường ở San Giovanni, 1990), Perché leggere I classici (Tại sao đọc các tác phẩm kinh điển, 1991).

NGƯỜI DỊCH

Mời các bạn đón đọc Palomar của tác giả Italo Calvino.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *