“Veronika quyết chết” là một cuốn sách viết về cái chết, nhưng ngay và bên trong cái chết lại là khúc tráng ca về sự sống, mãnh liệt, kiên cường…
Cuốn sách của Paulo Coelho mở đầu bằng một vụ tự tử. Veronika, một cô gái vốn chẳng có lý do gì để bất hạnh trong cuộc đời. Cô có một gia đình hết lòng yêu thương mình, có một công việc không thú vị lắm nhưng ổn định, có sắc đẹp, có các chàng trai theo đuổi… Thế nhưng cô vẫn quyết định chết. Một quyết định không ai có quyền phán xét. Bởi: “Mỗi người tự biết những nỗi khổ đau cùng tận của mình, đó là những nỗi khổ đau khi mà rốt cuộc chính ý nghĩa của cuộc đời cũng chẳng còn”.
Thế nhưng vụ tự tử không thành. Và Veronika thấy mình thức dậy trong Villete – nơi dành cho những bệnh nhân tâm thần. Tại đây, cô nhận được tin xấu. Như ý muốn của mình, Veronika vẫn sẽ “được” chết. Nhưng không phải chết một cách tức thì như khi uống thuốc ngủ tự tử, mà là một cái chết khắc khoải. Bởi thuốc độc đã hủy hoại đến tận cùng cơ thể cô, cô chỉ có thể sống trong vòng chưa đầy một tuần lễ nữa.
Có gì khác giữa một cái chết tức thì và một cái chết được báo trước? Có lẽ với cái chết tức thì, nạn nhân sẽ chỉ “đau một lần rồi thôi”, còn với một cái chết được báo trước như trường hợp của Veronika, cô sẽ phải sống trong nỗi lo sợ khắc khoải. Cái chết sẽ từ từ ngấm vào cơ thể cô. Cô cảm nhận được nó, cô nhìn thấy bước đi của nó mỗi ngày. Và đó thực sự là một nỗi ám ảnh ghê gớm.
Nhưng chẳng ai ngờ, chính trong khoảng thời gian ngắn ngủi tự mình “chiêm nghiệm” về cái chết như thế, Veronika đã nhận ra nhiều điều. Cuộc chạy đua với lưỡi hái tử thần đã giúp cô ý thức được giá trị của từng khoảnh khắc được sống. Sự sợ hãi về một cái chết đang đến từng giờ, từng phút lại có tác dụng biến mỗi ngày được sống với Veronika là một điều kỳ diệu. Chính tại nơi ấy, trong bệnh viện của những người điên, Veronika mới được là chính mình – điều mà cô đã đánh mất trong cuộc sống của những người bình thường ở bên ngoài bức tường kia. Cô được đắm mình trong niềm đam mê âm nhạc đã bị vùi lấp từ lâu chỉ vì những mong muốn của cha mẹ. Cô khám phá ra những “mặt khác” trong con người mình, và trên tất cả, cô trở nên yêu nó – yêu cái cuộc sống mà cô đã từng có ý định từ bỏ, một tình yêu muộn màng nhưng đáng quý. Tại Villete, Veronika cũng tìm thấy tình yêu của cuộc đời mình khi gặp gỡ chàng trai mắc chứng tâm thần phân lập Eduard. Và tình yêu ấy đã biến Veronika, từ ý định “quyết chết” sang “quyết sống”.
Trong “Veronika quyết chết”, Paulo Coelho đã chứng tỏ một tài năng bậc thầy trong việc đi sâu khám phá tâm lý nhân vật. Cho dù là một cô gái đang đứng trước ranh giới mong manh của sống và chết, hay một người đàn bà trở nên điên loạn vì yêu, một người mắc chứng hoảng sợ hay một bệnh nhân tâm thần phân lập… Mỗi một con người ở nhà thương Villete ấy là một số phận, một cuộc đời nhiều ngang trái. Sau những trang viết của Paulo Coelho, độc giả bỗng nhận ra rằng, trại thương điên không chỉ dành cho những người điên! Ở đó còn có những người hoàn toàn bình thường, nhưng tự đóng khung mình trong những bức tường ấy để thoát khỏi cuộc sống hỗn tạp bên ngoài. Thậm chí những bệnh nhân nơi đây còn lập luận rằng: “Cuộc sống của chúng ta đã đạt tới sự cân bằng hoàn toàn, thế mà ở ngoài kia, sau những bức tường này có bao nhiêu người muốn được như thế đến phát điên lên!”.
Sự thực thì ai mới là người điên? Những người bên trong hay bên ngoài bức tường này? Ranh giới thật khó đoán. Và sự thật ngỡ ngàng mà Paulo Coelho đã chỉ ra rằng, điên rồ không phải là việc làm mình trở nên khác biệt, mà chính là cái mong muốn mình được bình thường giống như tất cả mọi người. Chính cái ước muốn “bình thường” ấy đã thủ tiêu tất cả ý nghĩa của cuộc sống. Và phải chăng cũng vì bình thường mà trở nên tầm thường, nhạt nhẽo, vô vị – một lý do khiến cô gái Veronika quyết tâm từ bỏ thế giới này.
Và cuối cùng, sau những trang viết về cái chết, thông điệp mà cuốn sách của Paulo Coelho gửi gắm lại chính là nét đẹp vĩnh hằng của sự sống. Chẳng có cuộc đời nào là vô nghĩa, chẳng có sự tồn tại nào là sai lầm, chỉ có cách mà mỗi người nhìn nhận cuộc đời của mình là khác nhau. Bởi thế, bạn đọc, dù chán nản thì cũng đừng buông tay. Hãy nhìn lại bản thân mình, hãy sống đúng với những gì mình yêu, những ước mơ mà mình theo đuổi, bạn sẽ nắm giữ chiếc chìa khóa diệu kỳ của cuộc sống này.
***
Paulo Coelho là tác giả viết tiếng Bồ Đào Nha bán chạy nhất mọi thời đại, là một trong những nhà văn được nhiều người đọc nhất thế giới, và là tác giả còn sống được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất.
Cha đẻ tiểu thuyết ‘Nhà giả kim’ sẵn sàng đăng sáng tác của mình lên mạng Internet và khuyến khích mọi người tải về đọc. Tiểu thuyết gia cho rằng, cách này rất hữu hiệu để khuyến khích mọi người đến với sách in, cũng như kích thích văn hóa đọc.
Là một nhà văn lướt web sành điệu, Paulo Coelho bỏ thời gian tìm tòi một phần mềm mới trên trang The Pirate Bay và khám phá các chức năng của nó. Sau khi kết luận rằng chương trình này rất thú vị, ông đăng các tác phẩm của mình trên trang này cho mọi người cùng đọc. Nhà văn khẳng định, càng nhiều người đọc miễn phí sách ông trên mạng thì sách in của ông sẽ bán chạy hơn.
Những tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam
- Nhà Giả Kim
- Ngoại Tình
- Hành hương
- Bên bờ sông Piedra tôi ngồi khóc
- Những nữ chiến binh
- Ngọn núi thứ năm
- Cẩm nang của chiến binh ánh sáng
- Veronika quyết chết
- Quỷ dữ và nàng Prym
- Cha, con và chú
- Mười một phút
- Như một dòng sông chảy
- Phù thủy phố Portobello
- O ZAHIR – Nỗi Ám Ảnh
- 24 Giờ Cô Độc Ở Cannes
- Điệp Viên
- …
***
Bác sĩ Igor vừa mới bật công tắc đèn – trời vẫn sáng rất muộn, mùa đông vẫn kéo dài lê thê – thì đã có tiếng người gõ cửa phòng. Một nhân viên giám sát bước vào.
Vậy là lại bắt đầu có chuyện đây. Bác sĩ Igor tự nhủ.
Hứa hẹn một ngày khá vất vả đấy, dù sao đi nữa cũng không bằng cuộc nói chuyện sắp tới với Veronika. Ông bác sĩ đã mất cả tuần chuẩn bị cho cuộc nói chuyện này, vì thế đêm nay khó mà có thể ngủ được.
– Tôi có những tin tức đáng lo ngại – nhân viên giám sát nói – Có hai bệnh nhân mất tích: anh con trai ông Đại sứ và cô gái đau tim.
– Trời ơi! Các anh kém hết chồ nói rồi đấy. Đội bảo vệ của bệnh viện này mãi vẫn không khá lên được.
– Nhưng bởi trước đây chưa từng có một ai có ý định trốn cả – nhân viên giám sát sợ hãi đáp – chúng tôi không ngờ là có thể có chuyện này.
– Anh ra khỏi đây mau! Tôi cần phải chuẩn bị để báo cáo cho các vị chủ nhân đây, báo cảnh sát, có ngay các biện pháp cần thiết đi và hãy nói để đừng có ai làm phiền tôi thêm nữa. Để giải quyết vụ việc do các anh gây nên phải mất đứt không chỉ một tiếng đồng hồ mà xong đâu!
Người nhân viên giám sát đi ra, mặt cắt không còn hạt máu vì hiểu rằng, dù gì thì anh ta cũng phải gánh phần lớn trách nhiệm, bởi những người có quyền thế thường hành xử chính xác là thế với những ai yếu thế hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa đến cuối ngày hôm nay anh sẽ bị đuổi việc thôi.
Bác sĩ Igor lấy cuốn sổ ghi chép ra, đặt lên bàn và chuẩn bị bắt đầu những ghi nhận của mình, nhưng lại chợt đổi ý.
Ông tắt đèn, vẫn ngồi yên sau bàn, nét mặt sáng lên đôi chút nhờ những tia nắng đầu tiên của mặt trời mùa đông, và ông mỉm cười. Điều Này đã có tác dụng rồi đấy.
Ông nhẩn nha, khoan khoái nghĩ đến việc sau mấy phút nữa, cuối cùng ông cũng bắt tay vào bản báo cáo của mình về phương pháp duy nhất được biết đến để tránh khỏi Vitriol – nhận thức về sự sống. Và về phương pháp được ông áp dụng trong lần thử nghiệm đầu tiên thành công của mình trên bệnh nhân – nhận thức về cái chết.
Cũng có thể có các phương pháp chữa trị khác, nhưng bác sĩ Igor quyết định xây dựng bản luận án của mình dựa trên phương pháp duy nhất mà ông có thể thử nghiệm một cách toàn diện nhờ một cô gái, tình cờ đến với cuộc đời ông. Cô ấy nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, bị trúng độc rất nghiêm trọng và đã bắt đầu giai đoạn hôn mê sâu. Gần một tuần cô ấy ở giữa sự sống chết và thời gian này là vừa đủ để ông nảy ra một ý tưởng tuyệt vời – thực hiện thử nghiệm.
Tất cả chỉ phụ thuộc vào một việc – liệu cô gái có thể sống được hay không?
…
Mời các bạn đón đọc Veronika Quyết Chết của tác giả Paulo Coelho.
Chia sẻ ý kiến của bạn