“Số không” – tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp Umberto Eco khiến người đọc không ngừng tự vấn: “Đâu mới là sự thật trước những gì truyền thông đang trưng trổ, phơi bày?”

 

Bên dưới một Milano hiện đại là “một Milano của cha tôi, của anh tôi”, một Milano mang trong lòng nó nhiều bí ẩn. Ở đó, người ta chứng kiến những đổi thay diễn ra hằng ngày nhưng vì mỏi mệt nên chẳng màn lưu tâm hoặc vì chén cơm manh áo mà đành ngoảnh mặt.

Tờ Ngày mai và 12 Số Không

Một nhóm 6 cây bút, nếu không muốn nói là 6 người thất bại, được tập hợp lại chuẩn bị cho sự ra đời của tờ Ngày mai gồm 12 Số Không từ 0/1, 0/2 đến 0/12 trong vòng một năm, dưới tay trụ cột Simei.




Viễn cảnh của tờ Ngày mai sẽ chẳng được như cái tên sáng lạng, đầy tương lai của nó, bởi nó là một tờ báo ‘ma’ “chỉ in ít bản, để ông chủ đánh giá rồi chuyển cho ai tùy thích” nhằm uy hiếp những nhân vật quyền thế với mục đích bước vào thánh địa ‘tài chính, ngân hàng và có lẽ là những tờ báo lớn’ của Vimercate – ông chủ tờ báo – nhân vật kiểm soát “hàng chục khách sạn bên bờ biển Adriatic, rất nhiều viện dưỡng lão, một loạt các phi vụ buôn bán gây xôn xao dư luận, một vài kênh truyền hình địa phương…”

Colonna, trợ lý chủ bút, bề ngoài có nhiệm vụ thống nhất phong cách, chủ trương của tờ báo với nhóm phóng viên, thực chất là viết cuốn sách về tờ báo này với tên gọi Ngày mai – hôm qua. Điều này, tất nhiên, chỉ có Simei và Colonna biết.

Chủ trương để tờ báo hoạt động là tránh càng xa càng tốt các vấn đề liên quan đến tài chính, môi trường, mafia, quan chức… Tóm lại, tránh xa tất tần tật những thứ có thể mang lại rắc rối cho tờ báo cũng như gây hấn đến bất kỳ bang hội nào.




Thứ duy nhất mà nó hướng đến là độc giả bình dân “không hề đọc nổi một cuốn sách nhưng có thể kể vanh vách cuốn sách nào đang bán chạy” bằng cách tập trung chúi mũi vào tin tức giật gân nhằm kích hoạt trí tò mò của họ, những ám dụ kỳ thị vùng miền hay mục tử vi vô thưởng vô phạt có thể “áp dụng cho tất cả mọi người, từ cô nữ sinh 16 tuổi cho đến bà cụ 80”.

Những chiêu trò của giới làm báo được Eco phơi bày đầy giễu nhại và hài hước. “Không phải tin tức làm nên tờ báo mà tờ báo làm nên tin tức” – Simei dõng dạc. Và nhiều lần tái khẳng định: “Chính chúng ta là những người tạo tin, và chúng ta cần biêt cách để nó tự nổi lên đằng sau những con chữ”.

Viết báo, không đơn giản là viết để chuyển tải sự thật mà còn là cắt ghép như thế nào để người đọc tự rơi vào ‘bẫy’, khám phá những điều nhà báo ám chỉ. “Cái ám chỉ lợi hại nhất là nêu ra những dữ kiện vốn chẳng có giá trị nào nhưng lại có thật, không phủ nhận được”. “Các cơ thể hồng hào của thiên thần là gì nếu không phải lớp vỏ bọc lừa dối khoác ngoài mọt bộ xương, cho dù có thuộc nơi thiên đàng đi nữa”. 




“Sự thực còn vượt quá trí tưởng tượng và giờ chẳng ai có thể tưởng tượng điều gì nữa”

Song song với hành trình của tờ Ngày mai, những bí ẩn bên của Milano dần dần lật mở qua cuộc điều tra của Braggadocio – một cây bút có tiểu sử gia đình dính dấp đến phe phát xít, luôn hoài nghi và không bao giờ nhằm mắt tin vào bất cứ thông tin gì, trừ phi có bằng chứng hẳn hoi: “Báo chí dối trá, truyền hình dối trá, các nhà sử học cũng nối dối nốt”.

Bối cảnh châu Âu, cụ thể hơn là cách vận hành của thể chế, xã hội Ý từ sau chế độ độc tài Mussolini tan rã được tái hiện qua cuộc trò chuyện với tần suất ngày một nhiều và dày đặc thông tin giữa Colonna và Braggadocio.

Bên thắng cuộc không ngừng công kích, trừng phạt, xỉ vả bên thua cuộc, ca ngợi những huyền thoại đẫm lệ, hùng tráng mà không màn đến sự thật hoặc bỏ qua sự thật, không đủ bình tĩnh để kiểm chứng hay không muốn chấp nhận sự thật?




Những-thịt-da, máu mủ nhuộm đỏ quảng trường trong cơn hả hê của những ‘hung thần lên cơn khát’, những cái bóng ẩn dật của các phe phái, thiết chế chính trịnh cất giữ hàng loạt bí mật, bưng bít sự thật. Khiếp sợ thể chế, báo chí thời điểm đó cùng tiếp tay tung hê, đưa những thông tin rời rạc thay vì kiếm tìm và đi đến tận cùng của sự thật, của lịch sử.

Có gì ngạc nhiên đâu khi trong dòng chảy truyền thông được xác lập và bị chi phối bởi những mưu đồ kinh tế, chính trị, báo chí ngày càng rời xa hiện tại. Điều cốt lõi, sự thật ở đây là gì không quan trọng. Quan trọng là bạn tung nó ra vào thời điểm nào! Có không ít sự thật dễ dàng bị che lấp bởi nhiều thông tin khác, bởi đôi khi người ta cố tình thổi phồng một sự việc để giảm bớt sự chú ý vào một sự việc khác.

Khi vở kịch hạ màn thì một nhúm người lưu tâm chỉ còn biết há hốc mồm bởi: “sự thực còn vượt quá trí tưởng tượng và giờ chẳng ai có thể tưởng tượng điều gì nữa”. Và vỡ lẽ: “Chẳng có gì là mảng tối mảng sáng trong nghệ thuật Baroque nữa, tất cả đều được phơi bày dưới ánh sáng ban ngày, như thể được các họa sĩ theo trường phái Ấn Tượng vẽ vậy: nạn tham nhũng được dung thứ, mafia ngồi ngay trong nghị viện, trốn thuế ngay trong chính phủ, trong tù chỉ có lũ trộm chó trộm gà thôi”.




Sự thật đó biến kẻ cầm bút còn biết chút tự vấn thành những kẻ chạy trốn, đồng thời là những con ma thất bại, cay đắng như Maia, như Colonna, tự ủi an: “thanh thản mà chấp nhận sống trong nghi ngờ cái thế giới quanh mình. Cuộc đời là có thể chịu đựng được, miễn là phải biết tự hài lòng”.

Còn số đông ư? “Vẫn tiếp tục bầu cho bọn du côn vì họ sẽ chẳng tin vào BBC, hoặc bởi họ chẳng xem những chương trình như thế này vì còn đang dán mắt vào mấy chương trình lá cải”. Sự thật chua chát như Maia từng có lần thốt lên rằng: “Tôi chưa bao giờ hiểu được cái mốt nói lời chính thức xin lỗi là tín hiệu của sự nhún nhường hay trơ trẽn nữa: anh làm cái gì đó lẽ ra không được làm, rồi lên tiếng chính thức xin lỗi, thế là phủi tay coi như xong.”

Cái chết của một con người hay của một tờ báo

Cái chết không rõ nguyên do cuối truyện không chỉ là cái chết của một con người mà còn của một tờ báo, sự giãy chết của một xã hội thông tin chuộng những trò lố bịch, rẻ tiền, khước từ sự thật liên quan đến số phận con người.




Từ sau năm 1945 cho đến năm 1992, thời điểm tờ Ngày mai hoạt động, gần 50 đã trôi qua nhưng có vẻ như bản chất của nền báo chí Milano không hề thay đổi qua ám dụ ký hiệu của Umberto Eco “ngày mai – hôm qua”, “quá khứ – hiện tại” trong lời đề từ Eco mượn của nhà tiểu thuyết Anh – E. M. Forster “Only Connect”.

Kỷ nguyên mới ra đời, thông tin tràn ngập, thậm chí nhiễu loạn, sự hoài nghi ngày càng gia tăng tỷ lệ với khả năng tiếp cận sự thật. Chỉ có kết nối giữa quá khứ và hiện tại mới tạo nên tương lai, mới giảm thiểu được những thế hệ lạc loài, ngu muội.

Chỉ có lòng dũng cảm đón nhận sự thật dù trái tai và đầy đớn đau, người ta mới có quyền kỳ vọng vào một ngày mai tốt đẹp, một nền báo chí tốt đẹp, đứng về phía người bình dân, cùng khổ.




***
Thứ Bảy mồng 6 tháng Sáu năm 1992, 8 giờ sáng

Sáng nay vòi nước không chảy.
Toóc, toóc hai tiếng như tiếng trẻ con ợ, rồi tịt ngóm.
Tôi gõ cửa hàng xóm: ở nhà họ mọi thứ vẫn ổn. Bà hàng xóm bảo: hay cậu lại khóa van tổng rồi. Cháu á? Nó ở đâu cháu còn chẳng biết nữa là. Cháu cũng mới chuyển đến, mà bác thấy đấy, cháu đi làm suốt, tối mịt mới về. Ôi Trời! Thế khi cậu đi vắng cả tuần cũng không khóa van nước và gas à? Rõ là bất cẩn. Để tôi vào xem thế nào.
Bà ta mở chiếc tủ nhỏ dưới bồn nước, vặn vặn cái gì đó thế rồi nước chảy ra. Thấy chưa? Cậu khóa van vào còn gì. Xin lỗi bác, cháu lơ đễnh quá. Ôi giời, xinh-gờ độc thân như chú! ôkê-gâu: vâng thế mời bà đi cho! Giờ thì đến bà hàng xóm cũng nói tiếng Anh kia đấy!
Bình tĩnh nào. Không có chuyện ma quỷ gì ở đây hết, những thứ đó chỉ có trong phim ảnh mà thôi. Tôi cũng không mắc chứng mộng du, mà ngay cả khi có bị mộng du đi chăng nữa, tôi cũng chẳng biết cái van nằm ở chỗ nào, nếu không thì hẳn tôi đã đóng nó lại khi không ngủ được rồi, bởi vòi hoa sen trong nhà tắm bị rỉ nước nên lúc nào tôi cũng có nguy cơ thức chong chong cả đêm vì tiếng róc rách nhỏ giọt, khác nào Chopin trên đảo Valldemossa![1] Quả thật, nhiều khi đã ngủ rồi lại tỉnh, tôi phải ra khỏi giường, đi đóng cửa nhà tắm và cửa phòng ngủ tại để khỏi phải nghe tiếng nước róc rách khó chịu đó.
Cũng không có chuyện chập điện hay gì gì đó (vì van là van tay vặn, cái tên nó cũng đủ để hiểu là cơ chế vận hành bằng tay rồi), mà chuột có chạy qua cũng không thể đủ mạnh để làm quay nắp van có dạng bánh xe sắt kiểu cổ lỗ sĩ (mọi vật dụng trong cái nhà này phải có từ ít nhất năm mươi năm trước rồi), lại còn han gỉ nữa chứ. Cho nên hẳn phải có tay người (hay mang hình dáng người) ở đây. Tôi cũng chẳng có ống khói lò sưởi để cho con đười ươi phố Morgue[2] trèo vào.
Thử nghĩ xem nào. Người ta nói cái gì cũng có nguyên nhân của nó cả. Loại bỏ khả năng có điều kỳ diệu nào xảy ra, bởi đó chỉ là cái vòi hoa sen chứ có phải Biển Đỏ đâu mà Chúa đoái hoài tới. Cho nên kết quả tự nhiên thì nguyên nhân cũng phải tự nhiên. Đêm qua trước khi lên giường tôi có uống một viên thuốc ngủ, như vậy là cho tới lúc đó nước vẫn chảy.
Sáng nay thì không. Cho nên Watson[3] thân mến ơi, van nước đã bị khóa đêm qua, mà không phải do mi. Ai đó đã vào nhà, hắn, hay chúng, sợ rằng tôi tỉnh dậy, không phải do tiếng động chúng gây ra (chúng hẳn êm như ru rồi), mà bởi tiếng nhỏ giọt của vòi nước, khiến chính chúng cũng phát điên, có khi còn tự hỏi sao nó lại không đánh thức tôi dậy. Thế nên, vốn láu cá, chúng đã đóng van nước lại, y như bà hàng xóm hẳn đã làm.
Thế rồi sao? Đống sách vở vẫn để lộn xộn như thường, cho dù toàn bộ mật thám trên thế giới có qua đây lật từng trang sách đi chăng nữa thì tôi cũng chẳng nhận ra. Có xem trong ngăn kéo hay mở tủ ở hành lang chăng nữa cũng vô ích. Thời buổi này nếu muốn tìm gì thì chỉ có một chỗ: lục trong máy tính. Có khi để tiết kiệm thời gian, chúng đã sao lại tất cả rồi trở về nhà. Và lúc này, sau khi đã mở đi mở lại từng tài liệu, chúng hẳn đã nhận ra trong máy tính không có thứ gì đáng quan tâm.
Chúng hy vọng tìm được gì? Hẳn là thứ gì đó liên quan tới tờ báo (tôi chẳng thấy có khả năng nào khác). Chúng không ngu đâu, chúng nghĩ tôi đã ghi chép toàn bộ công việc diễn ra tại tòa soạn, và do đó, nếu biết điều gì về vụ Braggadocio, hẳn tôi đã ghi lại vào đâu đấy. Giờ thì chúng đoán ra sự thật rồi, tức là tôi giữ mọi thứ trong một đĩa máy tính. Đương nhiên đêm qua chúng đã ghé thăm cả phòng làm việc, và không tìm thấy cái đĩa nào của tôi cả. Do đó chúng bây giờ mới suy ra rằng có lẽ tôi giữ nó trong túi. Hẳn chúng đang tự rủa sao lại ngu thế chứ, đáng lẽ phải tìm trong túi áo khoác của nó. Ngu ư? Lũ khốn. Nếu khôn thì hẳn đã không làm cái nghề bẩn thỉu này rồi.
Chúng sẽ thử lại lần nữa, ít nhất là sẽ giở chiêu lá thư bị đánh cắp[4] ra với tôi, chúng sẽ giả làm lũ móc túi mà tấn công tôi trên đường. Cho nên tôi phải nhanh chân lên, trước khi chúng quay lại, phải gửi cái đĩa tới một địa chỉ nào đó, rồi xem lúc nào có thể tới lấy được. Trời ơi sao tôi lại có thể nghĩ những điều vớ vẩn thế được kia chứ? Đã có một xác chết rồi, còn Simei đã phải tháo chạy. Ai cần biết tôi có biết gì hay không đâu: để cho chắc, chúng sẽ loại tôi đi cho rảnh nợ. Tôi chẳng thể lên báo mà trình bày mình chẳng biết gì về vụ việc này, bởi chỉ riêng việc nhắc tới nó thôi đã để lộ ra là mình biết về nó.
Tại sao tôi lại rơi vào vũng lầy này? Tôi tin mọi chuyện là do giáo sư Di Samis và việc tôi biết tiếng Đức mà ra cả.
***

Tại sao tôi lại nghĩ tới Di Samis? Đã bốn mươi năm trôi qua rồi còn gì. Bởi tôi vẫn luôn đổ lỗi cho ông về việc mình chưa bao giờ tốt nghiệp đại học, và chỉ vì chưa bao giờ tốt nghiệp đại học nên bây giờ tôi mới bị cuốn vào âm mưu này. Còn Anna đã bỏ tôi hai năm sau khi cưới, nói rằng cô ấy nhận thấy tôi là một kẻ bỏ đi, một tên thất bại. Chẳng rõ ngày trước tôi đã kể với cô ấy những gì để tỏ ra mình hay ho đẹp đẽ.
Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học bởi tôi biết tiếng Đức. Bà tôi là người vùng Alto Adige nên đã luyện cho tôi nói tiếng Đức từ bé. Từ năm thứ nhất đại học, tôi đã nhận dịch sách tiếng Đức để trang trải chi phí. Thời đó, chỉ cần biết tiếng Đức thì đã coi như có một nghề rồi. Ai đọc và dịch được những cuốn sách Đức mà người khác không hiểu (và do đó được coi là quan trọng) sẽ được trả công cao hơn so với tiếng Pháp, thậm chí cả tiếng Anh. Ngày nay tôi nghĩ cũng tương tự như ai biết tiếng Trung hay tiếng Nga. Nói ngắn gọn thì hoặc dịch tiếng Đức, hoặc tốt nghiệp. Làm cả hai thì không được. Quả thật, dịch tức là ở trong nhà, cả khi trời nóng lẫn khi trời rét, làm việc mà chân vẫn xỏ dép đi trong nhà, và nhất là học được khối thứ. Sao lại phải lên lớp, theo các bài học ở trường làm gì?
Vốn tính biếng nhác, tôi đã quyết định đăng ký vào khoa tiếng Đức, tự nhủ như thế chẳng phải học gì nhiều, bởi tôi đã biết hết rồi. Thuở đó, giáo sư Di Samis đã tạo ra cái mà đám sinh viên vẫn gọi là tổ đại bàng, trong một tòa nhà xây theo lối ba rốc nay đã cũ nát, nơi phải trèo lên một cầu thang rộng để tới sảnh lớn. Một bên là tới văn phòng của thầy Di Samis, một bên là khán phòng lớn, như cách giáo sư gọi thật khoa trương: phòng học chỉ có sức chứa khoảng năm mươi sinh viên.
Ta chỉ có thể vào văn phòng của thầy Di Samis nếu xỏ dép đi trong nhà vào. Thế nhưng ngoài cửa chỉ có đủ số dép cho các trợ lý của giáo sư và hai hoặc ba sinh viên. Ai không có dép thì đứng ở bên ngoài chờ tới lượt mình. Tôi nghĩ mọi thứ ở đây đều được đánh sáp bóng loáng, kể cả đống sách trên tường, kể cả khuôn mặt của các trợ lý đã già, tự cổ lai hỵ vẫn đang ngồi chờ tới lượt mình được lên chức giảng viên.
Phòng học có mái vòm rất cao và cửa sổ theo lối gô tích (chẳng hiểu nổi sao lại có lối kiến trúc như thế trong một tòa nhà ba rốc), với kính màu xanh. Khi tới giờ, tức là đúng mười bốn phút sau giờ lên lớp, giáo sư Di Samis rời phòng làm việc. Đi cách ông một mét là vị trợ lý già, và cách hai mét là các trợ lý trẻ hơn, chỉ dưới năm mươi thôi. Vị trợ lý già mang sách hộ giáo sư, các trợ lý trẻ vác máy ghi âm – vào thời cuối những năm năm mươi, đống máy ghi âm vẫn còn to đùng, chẳng khác gì chiếc xe Rolls-Royce.
Thầy Di Samis bước qua mười mét ngăn cách phòng làm việc và phòng học như thể khoảng cách là hai mươi mét vậy: ông không đi đường thẳng, mà đường cong (đường cong parabol hay đường elip, tôi cũng chẳng rõ nữa), vừa đi vừa nói to “tới đây, tới đây!”, rồi bước vào phòng học, ngồi xuống cái ghế bành chạm trổ cầu kỳ – thiếu mỗi nước ông bắt đầu tự xưng là Thánh Ishmael nữa thôi.
Ánh sáng chiếu qua tấm kính cửa sổ màu xanh khiến cho khuôn mặt ông trở nên nhợt nhạt, ông mỉm cười nham hiểm trong lúc các trợ lý bật máy ghi âm, rồi bắt đầu lên tiếng: “Trái với những gì mà vị đồng nghiệp đáng kính của tôi – giáo sư Bocardo – đã nói gần đây…” và cứ thế suốt hai tiếng đồng hồ.
Thứ ánh sáng xanh le lét đó khiến tôi luôn rơi vào trạng thái thiu thiu ngủ. Mắt các trợ lý cũng chẳng khá gì hơn. Tôi biết nỗi khổ của họ. Sau hai giờ giảng, trong khi lũ sinh viên chúng tôi ùa ra khỏi phòng học, giáo sư Di Samis cho tua lại đoạn băng rồi rời khỏi ghế bành, ngồi xuống hàng ghế đầu cạnh các trợ lý đầy dân chủ. Thế rồi tất cả cùng nghe lại bài giảng dài hai tiếng đồng hồ, giáo sư gật gù thỏa mãn mỗi khi tới đoạn ông cho là quan trọng. Cần phải biết rằng khóa học có chủ đề là bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức của Martin Luther. Thật là quá sức tưởng tượng! Lũ sinh viên cùng lớp tôi vẫn nói thế với ánh mắt đau khổ.
Vào cuối năm thứ hai, sau khi theo rất ít bài giảng, tôi liền đánh bạo xin làm đề tài khóa luận về tính châm biếm trong các tác phẩm của nhà thơ Heine (tôi thấy được an ủi với cách ông đối mặt những mối tình bất hạnh, cái cách mà tôi gọi là những lời châm biếm chua cay cần thiết – tôi đang chuẩn bị cho nỗi bất hạnh trong tình yêu của chính mình). Thầy Di Samis thất vọng nói: “ôi giới trẻ bây giờ chỉ chăm chăm bập ngay vào các tác giả hiện thời…”
Trong một phút thông minh bất thình lình, tôi nhận ra rằng không hy vọng gì vào việc viết luận với thầy Di Samis. Tôi nghĩ tới giáo sư Ferio, trẻ hơn, nổi tiếng thông minh sáng suốt. Mảng nghiên cứu của ông là thời kỳ lãng mạn và các thời kỳ lân cận. Nhưng các bạn học lớn tuổi hơn đã cảnh báo tôi rằng muốn gì thì gì, tôi vẫn phải có thầy Di Samis là giáo viên hướng dẫn thứ hai, rằng tôi không được tiếp cận giáo sư Ferio một cách chính thức, nếu không Di Samis sẽ biết ngay và biến tôi thành kẻ thù vĩnh viễn. Tôi phải đi lách, phải giả bộ là chính Ferio đã yêu cầu tôi làm khóa luận với thầy, như thế Di Samis sẽ giận ông ta, chứ không giận tôi. Di Samis ghét Ferio, bởi một lý do đơn giản là chính Di Samis đã giúp Ferio có được cái chức giảng viên này. Tại trường đại học thuở ấy (tôi nghĩ cả ngày nay cũng vậy), mọi thứ đều đảo ngược so với thế giới thông thường: không phải con ghét cha, mà là cha ghét con.
Tôi nghĩ sẽ có thể giả vờ tình cờ tiếp cận Ferio tại một trong các hội thảo hằng tháng do Di Samis tổ chức ở phòng học của ông, vốn được rất nhiều đồng nghiệp tham dự bởi ông luôn mời được các nhà nghiên cứu nổi tiếng.
Nhưng mọi chuyện không diễn ra như vậy: ngay sau hội thảo là thời gian dành cho tranh luận, do các giáo sư độc diễn, rồi tất cả rời đi vì diễn giả được mời tới nhà hàng Con Rùa – nhà hàng ngon nhất trong vùng, với phong cách giữa thế kỷ mười chín, thậm chí những người phục vụ ở đó còn mặc bộ áo đuôi tôm. Từ tổ đại bàng tới nhà hàng, cần phải đi qua một phố lớn hai bên là những mái vòm, rồi quảng trường cổ kính, rẽ tại góc một tòa nhà trang trí cầu kỳ và cuối cùng đi qua một quảng trường nhỏ. Suốt dọc con phố có mái vòm, vị diễn giả được các giáo sư bao quanh, cách họ một mét là các giáo viên hợp đồng, cách hai mét là cánh trợ lý trẻ hơn, và cách đó xa xa là đám sinh viên mạnh dạn nhất. Khi tới quảng trưởng cổ, các sinh viên tản đi, tới góc tòa nhà, cánh trợ lý rút lui, các giáo viên họp đồng đi hết quảng trường nhỏ, nhưng cáo lui trước ngưỡng cửa nhà hàng, chỉ diễn giả và các giáo sư bước vào trong.
Thế nên thầy Ferio không biết tới sự tồn tại của tôi. Mà bấy giờ tôi cũng hết hứng thú với môi trường ấy, cho nên không tới lớp nữa. Tôi làm công việc dịch thuật như một cái máy, chấp nhận dịch bất cứ cái gì khách hàng yêu cầu. Có lúc tôi còn đắm mình trong cái lãng mạn của trọn bộ ba tập về vai trò của nhà lý thuyết kinh tế Friedrich List trong việc sáng lập ra Liên minh quan thuế Đức Zottverein. Thế nên có thể hiểu được tại sao sau đó tôi từ bỏ việc dịch tiếng Đức, nhưng lúc ấy thì cũng đã quá muộn để quay trở lại trường đại học rồi.
Vấn đề nằm ở chỗ ta không chịu chấp nhận sự thật: ta cứ tiếp tục sống mà đinh ninh rằng một ngày nào đó sẽ hoàn thành tất cả các bài thi và luận văn. Và khi sống mà nuôi hy vọng bất khả thì ta đã là kẻ thất bại rồi. Khi nhận ra điều đó thì chẳng còn cách nào khác là từ bỏ.
Ban đầu tôi tìm được công việc gia sư cho một thằng bé Đức quá ngu không thể đến trường tại vùng núi Thụy Sĩ Engadina. Khí hậu rất tốt, cô quạnh trong mức có thể chịu đựng được, tôi ở đó một năm vì tiền công cao. Thế rồi một hôm, bà mẹ thằng bé xán lại sát người tôi trong hành lang, ám chỉ bà ta sẵn lòng chiều tôi. Bà ta răng vẩu, mép lún phún ria. Tôi lịch thiệp nói cho bà ta hiểu mình chẳng mặn mà gì. Ba hôm sau tôi bị đuổi việc với lý do thằng bé không đạt tiến bộ gì trong học tập.
 

Mời các bạn đón đọc Số Không của tác giả Umberto Eco.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.