“Những giọt nước mắt mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy chảy trên má của cha mẹ tôi tạo nên hôm nay một chiếc cầu giữa hiện tại và quá khứ, giữa con người mà họ đang là hiện nay và con người mà họ đã từng là trước đây, giữa nước Pháp và nước Việt, hai quê hương của họ.”
Người cha im lặng – Doan Bui là quyển tự truyện phác họa lại hành trình đặc biệt của một gia đình người Việt sinh sống ở Pháp, sau khi người cha mất đi giọng nói vì một cơn tai biến mạch máu não.
Chuyến hành trình này không chỉ giúp những người con lần tìm lại quá khứ của người cha, tìm về nguồn cội cũng như khám phá ra những bí mật “động trời” của gia đình, mà còn hòa giải được những xung đột rất đời thường, những bất đồng ngôn ngữ và văn hóa giữa các thế hệ trong cùng một gia đình người Việt xa xứ.
Một đêm tôi mơ thấy giọng nói của cha tôi. Tôi đang cầm điện thoại. Ban đầu, tôi không nghe thấy gì cả. Chỉ thoáng một hơi thở, vài tiếng lạo xạo ở đường dây. “A lô, cha đấy phải không?”. Chính vào lúc ấy thì giọng nói xuất hiện chẳng rõ từ đâu, mơ hồ, xa xôi. Tôi đã lo là cuộc nói chuyện sẽ bị ngắt. Tôi dỏng tai về phía giọng nói ấy, nó thật nhỏ và rè rè như thể phát ra từ một sóng radio nghe trộm.
Giọng của cha tôi, tôi biết, một thứ giọng phát âm từ trong họng được chuyển thành trầm mỗi khi nói tiếng Pháp, như kiểu một ca sĩ có giọng nam trung cố hát những nốt nhạc thấp nhất. Nó còn trở nên xa lạ hơn nữa khi bị làm méo đi bởi chiếc máy thu âm mà cha dùng để đọc những bản báo cáo trong phòng thí nghiệm phân tích y khoa nơi ông làm việc:
Khối u trung mô, khối u trung biểu mô, nhiều tế bào bướu ác xuất phát từ tuyến có hạch nhân, có sẵn tế bào chất khoang nước.
Lúc nói tiếng Việt, giọng cha tự nhiên hơn. Nhưng vẫn khiến tôi hoang mang. Cha nói giọng Bắc. Tôi thì lại quen với giọng của mẹ tôi, bà ngoại tôi, các dì tôi, với cách phát âm du dương và từ trong mũi của người Nam. Tôi có cảm giác ngôn từ phát ra từ miệng cha rơi xuống giống như những viên đá cuội có hình thù kỳ lạ và sắc nhọn.
Cha ấy à, trong nhà chúng tôi nghe thấy cha từ xa. Tiếng ho suyễn và tiếng của chai xịt chống hen Ventoline thường đến để đệm vào ngôn từ của cha như mô-típ lặp đi lặp lại bướng bỉnh của một bản giao hưởng. Trong giấc mơ ấy của tôi, tôi nhận ra những âm thanh đó. Một thoáng giọng, hơi thở đè lên ngôn từ, tiếng phì phò. Chính cha tôi đấy.
Thế là nỗi hoảng sợ của tôi tan biến. Niềm vui tràn ngập trong tôi. Tựa như trong một giấc mộng ta được gặp lại người cha đã qua đời: vui sướng, ta bảo, ồ cha vẫn đây cơ à, vậy là ác mộng qua rồi, sao con mơ thấy cha chết nhỉ, con nhớ cha quá đi thôi!
Ðược nói chuyện với cha, tôi mừng khôn xiết. Bình thường mỗi khi tôi gọi điện về nhà và nếu cha là người cầm máy, tôi chỉ nói: “Chào cha, cha khỏe chứ?”, một cách hờ hững, rồi sau đó dường như luôn luôn là câu: “Cha chuyển máy cho mẹ được không?”. Cha tôi hay trả lời ngắn gọn: “Mẹ con không có nhà”, hoặc “Mẹ con một tiếng nữa mới về”.
Trong giấc mơ ấy, tôi muốn vớt vát những cuộc nói chuyện thường xuyên bị thui chột của chúng tôi, tôi hỏi cha: “Ồ, mà bây giờ cha nói được rồi? Cuối cùng, cha lại có giọng rồi!”. Tôi không nhớ cha đã nói gì. Tôi chỉ lắng nghe giọng cha.
Tôi thức dậy. Và bật khóc. Tôi lại cảm thấy một cục chì nặng đè lên ngực, và biết rằng sẽ không bao giờ nghe thấy giọng cha. Cha vẫn còn đây, nhưng giọng cha đã chết.
Mời các bạn đón đọc Người Cha Im Lặng của tác giả Doan Bui.
Leave a Reply