Văn Minh Đông Phương Và Tây Phương của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần là tập sách nghiên cứu về những đặc tính của hai nền văn minh của nhân loại là Đông phương và Tây phương. Tác giả đề xuất một sự dung hòa cần thiết giữa văn minh Đông và Tây phương để lấp lại thế quân bình hầu mang lại hạnh phúc cho nhân loại trên thế giới.
Văn minh hiện thời đang ở trong một tình thế hỗn độn không thể nói: tất cả những giá trị đều bị đảo lộn. Lòng người đã đến mực hoang mang vô tận: người ta không còn biết mình muốn cái gì nữa cả. Vấn đề văn minh Đông phương và Tây phương đã đến thời kỳ quyết liệt, không phải chỉ quyết liệt trên mặt trận với bom đạn tơi bời, mà quyết liệt nhất là trên mặt trận văn hóa. Vậy bàn đến những đặc tính của nền văn minh căn bản này của nhân loại, kiểm soát lại những bảng giá trị của đôi bên, “tổn hữu dư, bổ bất túc”, tìm lấy một giải quyết chung cho nhau, dù là tạm thời cũng vậy, tưởng đó là vấn để tối đại khẩn thiết của thời buổi này vậy.
Viết thiên cảo luận này, chúng tôi có ba điểu thắc mắc.
Thắc mắc thứ nhất là vấn đề danh từ. Danh có chánh thì ngôn mới thuận. Nhưng làm gì chánh danh được khi mà ta bắt buộc phải dùng danh từ của giới nhị nguyên để chỉ một viêc có một tinh cách toàn diện như danh từ văn minh. Ta nên nhớ, danh từ chỉ có một giá trị tương đối mà thôi.
Chúng tôi còn nhớ dạo nào trên báo chí nước nhà (có lẻ bây giờ là khoảng những năm đầu đại chiến thứ 2) có những cuộc bút chiến chung quanh vấn đề văn minh Đông phương và Tây phương. Rốt cuôc không đâu vào đâu cả. Là vì vấn đề định nghĩa danh từ không được minh bạch và dứt khoát.
Bởi vậy kẻ nói Tây phương là vật chất, thì bị kẻ khác bác và cho rằng nó cũng có tinh thần. Đúng thế. Sự thật thì trong đời có danh từ gì là danh từ tuyệt đối, nghĩa là có sự vật gì là tuyệt đối đâu. Hễ nói đến tinh thần là có hàm vật chất, hễ nói vật chất là có hàm tinh thần. Không có sự vật nào trong đời mà không có hàm chứa cái mâu thuẫn của nó nơi trong. Hiểu trắng là trắng mà đen là đen, Âm là Âm mà Dương là Dương một cách hình thức và có một bề thôi là hiểu sai cả chân tướng của mọi sự vật trong đời rồi vậy.
Câu tục ngữ Tây phương: “Mỗi tấm mề đay đều có cái bề trái của nó”, đã biểu diễn một chân lý đơn sơ nhất của sự vật trên đời.
Bởi vậy khi phân tích cái đặc điểm của văn minh tinh thần Đông Tây chúng ta nên hiểu với nghĩa tương đối của danh từ thôi, nghĩa là khi chúng tôi bảo văn minh Tây phương thuộc về vật chất là chúng tôi muốn bảo khuynh hướng chung của nền văn minh ấy thiên về phần vật chất hơn. Cũng như khi chúng tôi bảo văn minh Đông phương thuộc về tinh thần là chúng tôi muốn bảo khuynh hướng chung của nền văn minh ấy thiên về phần tinh thần hơn.
Khi bàn đến văn minh Tây phương, chúng tôi muốn nói đến văn minh Tây phương cơ giới hiện đại, chứ không phải muốn chỉ cái xã hội văn minh thời Trung cổ. Văn minh phẩm truyển thống của Tây phương dứt ngay từ cuối thế kỷ thứ 17 và đã được văn minh cơ giới thay thế. Đến ngày nay thì cơ hồ văn minh Tây phương chỉ còn là một thứ văn minh cơ giới, một thứ văn minh Mỹ châu. Vậy, muốn tránh sự ngộ nhận, xin các bạn, khi nghe bàn đến văn minh Tây phương, nên hiểu rằng đây là muốn ám chỉ cái văn minh hiện thời của Tây phương mà thôi. Còn văn minh Đông phương là cái văn minh còn được truyền thống tuy đã bị Tây phương hóa ít nhiều… Đó là thắc mắc thứ hai.
– Trích trong quyển “Văn minh Đông phương và Tây phương” của Nguyễn Duy Cần.