Để Thành Nhà Văn là cuốn sách hướng dẫn người đọc cách trở thành nhà văn, không chỉ giỏi về kỹ thuật viết mà còn về nhân cách, tinh thần của một nhà văn chân chính. Qua cuốn sách này, tác giả Nguyễn Duy Cần đã trao đổi với bạn đọc một cách chân tình những kinh nghiệm và bí quyết để trở thành nhà văn, nhà phê bình văn học đứng đắn và xứng đáng với tên gọi của nó.

***
Có lẽ vì đã viết được một vài quyển sách, thảo được một vài bài báo… mà có một vài bạn trẻ gán cho mình danh hiệu “nhà văn”, và đòi hỏi mách cho những bí quyết để trở thành “nhà văn”… Ôi, kinh nghiệm của đôi ba mươi năm cầm bút, lại cũng không do trường chuyên môn văn chương nào đào tạo cả, thì biết gì mà chỉ dẫn! Sự thực là thế. Lời nói đây là lời nói chân thành. Tôi chỉ viết khi nào tôi cảm thấy cần phải nói lên một điều gì thôi.

Tuy nhiên, phàm đã cầm bút, thì dù cho ai, cũng không thể không nghĩ về những mật pháp của một nhà văn. Kẻ cầm bút này cũng đã từng trải qua tâm trạng thắc mắc ấy của các bạn thanh niên hiếu học có cao vọng muốn thành nhà văn.




⥚◌⥛
Những mật pháp của nhà văn, ta phải hỏi ai và hỏi đâu? Thiết tưởng không có cách nào hay hơn là hỏi những nhà văn tên tuổi và tài hoa đã được người người đủ mọi thế hệ nhìn nhận.

Thật vậy, một mình mình có thể lầm, một thế hệ có thể lầm, nhưng mọi thế hệ, mọi dân tộc ít khi lầm. Kinh nghiệm của họ, đối với ta sẽ vô cùng quý báu, đỡ cho ta những dò dẫm, vụng về, đã chẳng những mất rất nhiều thời giờ, lại có khi không mang đến cho mình bao nhiêu kết quả.

Ở đây, các bạn sẽ không tìm thấy những phương pháp cấu từ hay luyện văn như trong những quyển sách luyện văn gần đây mà phần nhiều dành cho học sinh hoặc cho những nhà văn trước giờ chưa từng biết qua những nguyên tắc căn bản đã được dạy ở nhà trường. Đây chỉ là một số ý kiến và kinh nghiệm của một số nhà văn có tiếng đã khám phá trong khi họ cầm bút. Bởi vậy, họ sẽ chỉ có ích cho những ai đã cầm bút, nghĩa là đã có được ít nhiều kinh nghiệm trong nghề viết văn. Nên nhớ rằng “đã cầm bút” chưa ắt “đã là nhà văn”, một nhà văn xứng đáng với danh từ của nó.




Những gì sẽ trình bày sau đây, thực ra cũng không có chi là tân kỳ cả… nhưng đều là những vấn đề thiết yếu mà bất cứ một nhà văn chân chính nào cũng không thể bỏ qua không nghĩ đến được trong khi thừa hành sứ mạng của mình. Rất có thể các bạn sẽ không đồng ý với tác giả, – điều không mấy quan trọng, – nhưng chắc chắn, đó là những vấn đề mà các bạn sẽ không thể không lưu ý được đề tìm cho mình một đường lối hợp lý đối với mình. Nói thế là vì tác giả tin rằng không có ai giúp ai được, bởi một lẽ rất giản dị là không ai giống ai cả, từ tinh thần đến thể chất, và như vậy, không có thể lấy ai dùng “làm mẫu” cho ai được cả.

Để chấm dứt, tác giả xin mượn lời của một văn sĩ nọ để thưa với các bạn:

(…) “Đây cũng chỉ là những điều mà từ trước đến giờ người ta đã nói đi nói lại có cả trăm nghìn lần rồi, nhưng lại là những điều mà thỉnh thoảng ta cần phải lặp đi lặp lại mãi mà không bao giờ có thể gọi rằng thừa…”

Tập sách nhỏ này, khi viết ra, tôi đã nghĩ dến việc bổ túc một phần nào quyển Tôi Tự Học mà tôi thấy còn nhiều thiếu sót… Tập làm văn là một phương pháp tự học hết sức cụ thể và nhiều hiệu quả nhất vì nó bắt buộc mình phải lo học mãi mà không thôi, và tự bắt buộc phải phô diễn ra bằng lời nói những gì mình đang thầm nghĩ trong tâm tư. Đó là một trong những cách tự học. “Cái gì mình biết thì biết là mình biết; còn những gì không biết thì cũng biết rõ là không biết”. Không nói hay viết ra được một cách rõ ràng là mình chưa thật hiểu, chưa thật biết. Bởi vậy, mỗi khi nói hoặc viết ra là một phương pháp để kiểm soát lại và nhận thức rõ hơn những hiểu biết của mình về một vấn đề nào.
Còn một đề nghị nữa: Các bạn không nên quan tâm lắm đến những gì tôi trình bày, vì đó là những ý kiến riêng tư của một cá nhân, xin hãy chú ý đến những gì tôi đã khêu gợi được ở các bạn mà thôi. Được thế thì việc làm hôm nay sẽ không nỗi uổng.

Thu Giang

Mời các bạn đón đọc Để Thành Nhà Văn của tác giả Thu Giang & Nguyễn Duy Cần.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.