Review Phật học tinh hoa

Một thời gian dài mình chưa đọc hoàn thiện một quyển sách nào và đợt này quyết định đọc thêm một cuốn của Cụ Nguyễn Duy Cần, tác giả yêu thích của mình để khởi động lại quá trình đọc sách. Mình đã học thêm được rất nhiều điều về Phật học.

Có lẽ không riêng gì Phật học mà các Đạo học (tôn giáo) khác cũng có nhiều phiên bản ghi chép khác nhau do quá trình thuyết giảng, truyền bá qua các vùng miền và qua thời gian. Trước đây khi mà Đạo Hồi nổi lên với nhiều tranh cãi, đặc biệt sau những cuộc khủng bố của tổ chức Al-Qaeda và là cái cớ cho những cuộc đàn áp, xâm chiếm của các nước phương Tây lên các nước Hồi giáo thì mình có tìm đọc kinh Qur’an. Nhưng có quá nhiều bản dịch khác nhau và khi đọc các phê bình về bản dịch mình càng thấy rối trong việc nên chọn bản dịch của dịch giả nào. Không những vậy, việc phân tích ý nghĩa của các lời dạy trong Qur’an cũng có rất nhiều nguồn khác nhau. Thiết nghĩ, sự học quả là vô bờ bến. Những người mà chỉ cóp nhặt đâu đó một vài câu và được cho rằng trong kinh Qur’an, sau đó đem ra mổ xẻ, chỉ trích và phỉ bám quả là vô minh. Nhớ lại một câu trong cuốn “Tôi tự học” của tác giả: Một nhà phê bình trứ danh có nói: “Hãy đưa cho tôi một vài hàng chữ của người nào, tôi sẽ làm cho hắn bị xử giảo cho xem”.




Có rất nhiều từ Hán Việt mà mình không hiểu nghĩa và tra cứu google cũng không tìm được kết quả mong muốn. Phải học thêm nữa để đọc lại và tìm hiểu về Phật học.

Phật giáo ra đời từ một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại – Ấn Độ – và nhanh chóng phổ biến tại các nước phương Đông. trải qua nhiều thé kỷ, với những biến động, thăng trầm, dù bị chia rẽ thành nhiều tông phái với nhiều lập trường giáo lý khác nhau nhưng Phật giáo vẫn giữ vững tinh thần chủ đạo của mình: từ bi, hỷ xả, khoan dung, đại lượng. Có lẽ vì thế mà Phật giáo luôn có chỗ đứng trong cộng đồng và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau (kết hợp với tín ngưỡng dân gian, hoặc với Nho giáo và Đạo giáo vv.).

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu Phật học không chỉ giới hạn trong phạm vi các trường Đại học, các hội đoàn chuyên môn, mà đã lan ra đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Nhiều cuốn sách về Phật học đã ra đời, với nhiều trình độ khác nhau để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật giáo. Phật học tinh hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một cuốn sách dành cho những người bước đầu tìm hiểu Phật giáo. Có thể coi đây là một cuốn sách đại cương triết học Phật giáo hoặc nhập môn Phật học đều được.




Cụ Thu Giang, khi chấp bút viết cuốn sách này, đã chăm chút rất kỹ lưỡng cho từng trang viết. Nếu có đoạn nào chưa vừa ý, hoặc cảm thấy viết chưa tới, ông xé bỏ đi và viết lại viết cho đến khi nào thật ưng ý mới thôi. Tuy nhiên, vì ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước, lại dựa trên những hiểu biết và cảm quan của riêng tác giả về Phật giáo nên đôi ý trong sách không tránh khỏi sa vào những nhận định cá nhân. Vì vậy, kính mong quý độc giả hãy tiếp nhận cuốn sách với tinh thần từ bi của nhà phật, như đón nhận một tia sáng mới trong ánh sáng rực rỡ, lấp lánh muôn màu của Phật giáo.

– Nhà xuất bản Trẻ

“Người học Phật phải mở rộng tâm hồn trí não hầu có thể cảm thông với mọi giáo lý khác. Sự cố chấp, hẹp hòi và cuồng tín là trái rất xa với tinh thần Phật giáo: chân lý hiện lên muôn mặt, học thuyết này, học thuyết kia chỉ là là một vấn đề trình độ căn cơ mà thôi. Phật học, đầu tiên là một cái học phá trừ kiến chấp”.

Comments are closed.