Một triết gia Tây Phương, trước sự đảo lộn giá trị đạo đức đã khiến xã hội đấm chìm trong vật chất, điêu linh thống khổ chưa từng thấy có trong lịch sử loài người đã bảo: “Đời là phi lý”

Họ bảo như thế là đúng ! có điều là họ không rõ tại sao Phi Lý, phải chăng vì chúng ta thấy sự đời xảy ra rất mâu thuẫn, có trước không sau, không đáp ứng với những mong mỏi, đòi hỏi của chúng ta, đòi hỏi sự vật trên đời phải xảy ra theo lòng sở nguyện của mình mà không chấp nhận nó phải xảy ra như nó đã xảy ra.

Ta trách trời mưa, ta trách trời nắng, ta trách trời nóng, ta trách trời lạnh,… Ta mong muốn chỉ có ngày mà không có đêm, chỉ có xuân hạ mà chẳng có thu đông, nghĩa là chỉ có sống mà không có chết, chỉ có sinh mà không có diệt.




Thật vậy, có gì phi lý bằng thấy những công trình xây dựng lâu dài và bền bỉ, chỉ trong chớp mắt thành không, bị phá hủy tan tành một cách vô cùng mau lẹ và đột ngột!

“Phi lý” nhất, kẻ phá hoại lại cũng chính những đàn con cháu của chúng ta: một hình ảnh điển hình thần thoại của Hy Lạp ngày xưa. Một hành động vô tâm do định mạng đã an bày: một định mạng “quái gở”.

Review sách :

Xuyên suốt nội dung của cuốn sách Chu Dịch Huyền Giải là việc đưa ra lập luận sáng rõ và những cơ sở trong việc ứng dụng Nhất nguyên luận hay còn gọi chung là tinh thần của Đạo học.




Âm Dương Luận là phần lý thuyết chính được tác giả Thu Giang rất chăm chút trong cuốn sách này. Đây chính là nền tảng của việc học tập liên quan đến ứng dụng Dịch mà độc giả cần nắm rõ tường tận khi tìm đến tủ sách Triết học Phương Đông.

Từ việc nắm rõ Âm Dương Luận ở phần 1 của cuốn sách, các nội dung còn lại được mở rộng có chủ đích để giúp người đọc có được cái nhìn đúng về Đạo học cũng như linh hoạt hơn trong việc ứng dụng cơ sở Triết học vào các sự vật, sự việc và con người trong xã hội hiện đại.

Một vài nội dung hấp dẫn (theo đánh giá cá nhân của Kin)

#1 Huyền học và Huyền bí học không giống nhau

Nếu phần đông trong chúng ta vẫn cho rằng khái niệm Huyền học và Huyền bí học là tương đồng thì Chu Dịch Huyền Giải sẽ làm sáng rõ để tránh việc học tập nghiên cứu bị lệch lạc.
“Huyền học và Huyền bí học không giống nhau, như Triết học và Khoa học không giống nhau về khu vực quan sát hay nghiên cứu.




Chu Dịch Huyền Giải - Đạo học Huyền học

Huyền bí học khảo về những hiện tượng siêu vật chất, vẫn nằm trong khu vực vật chất tinh khiết hơn, thuộc về nhị nguyên luận, lấy nội trị ngoại, lấy tâm trị vật để cầu lấy những phép tắc thần thông. Huyền bí học không phải là Đạo học mà thuộc về Đạo giáo.”

Nói tóm lại, theo tác giả Thu Giang: Huyền bí học và Huyền học khác nhau như Đạo giáo khác xa Lão giáo.




#2 Âm Dương nơi con người

Đây là phần mở rộng mà Kin khá thích trong cuốn sách Chu Dịch Huyền Giải. Phần nội dung này sẽ giúp cho độc giả phân biệt được sự khác nhau trong bản chất của đàn ông và phụ nữ theo cơ sở Triết học phương Đông. Nhờ đó, bạn cũng sẽ nắm rõ được việc bắt đầu một mối quan hệ, phát triển và gìn giữ mối quan hệ đó của đàn ông, phụ nữ cần có sự áp dụng luật Âm Dương thật uyển chuyển.
Và như cụ Thu Giang đã nói: “Biết được bấy nhiêu, là biết được khá nhiều về luật Âm Dương huyền bí rồi vậy.”

Chu Dịch Huyền Giải Thu Giang Nguyễn Duy Cần

#3 Cái học phổ thông và chuyên nghiệp

Ai cũng muốn vươn đến một vị trí cao trong một chuyên môn nào đó nhưng ít người thật sự tinh tường những cái học phổ thông.




Theo sự giải thích dựa trên Âm Dương Luận của cuốn sách này thì việc chuyên khoa trong Giáo dục phải cố tránh, không biến người học thành những nhà chuyên môn bị đóng khung và chết ngột trong một bộ môn. Mặt khác, việc Giáo dục phải đạt được mục đích giúp người học nhìn xa rộng đối với mọi kỹ thuật khác, ngoài ngành chuyên môn của họ.

Không nên bắt tuổi trẻ học quá sớm những ngành chuyên nghiệp, mà nên cho họ qua một cái học phổ thông nền tảng vững chắc để không bị hạn chế trong một vài kỹ thuật chuyên môn. Việc chìm đắm vào cái học chuyên nghiệp nào đó cũng sẽ là mặt trái khiến người học dần trở thành “con người máy” trong lĩnh vực đó mà quên đi việc mở rộng tâm thức để hưởng được ngọn gió của muôn phương.

Review sách Chu Dịch Huyền Giải




Trên đây chỉ là một số ghi chú ngắn của Kin về cuốn sách Chu Dịch Huyền Giải. Dĩ nhiên, đó không phải là tất cả nội dung có trong cuốn sách này.

Nếu bạn thật sự yêu thích Triết học Phương Đông và ngưỡng mộ tài đức của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần thì kệ sách của bạn không thể thiếu Chu Dịch Huyền Giải!

Cảm ơn bạn đã đọc những chia sẻ của Kin về cuốn sách này. Hy vọng bạn đã có thêm một tựa sách gợi ý để không phải tốn thời gian suy nghĩ nên đọc sách gì vào những ngày tới!