- 18 Danh Nhân Việt Nam
- 666 Câu Đố Việt Nam
- Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam (Quyển 1)
- Con Rồng Việt Nam
- Giai thoại văn chương việt nam
- Gorbachov Của Việt Nam
- Khảo luận về Ngữ pháp Việt Nam
- Lược Khảo Về Khoa Cử Việt Nam (Từ Khởi Thủy Đến Khoa Mậu Ngọ 1918)
- Mấy Vấn Đề Văn Học Sử Việt Nam
- Thi ca bình dân Việt Nam Quyển 1 Nhân sinh quan
- Vì Một Việt Nam Cất Cánh
- Việt Nam Nhân Vật Chí Vựng Biên
- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận
TỰA
Năm 1956, với quyển Văn-phạm Việt-Nam cho các lớp Trung-học [1], sự cố-gắng của chúng tôi đã nhắm vào hai mục tiêu :
Thứ nhứt là uyển-chuyển trong sự hợp-lý-hóa cách mệnh-danh các từ-loại và các nhiệm-vụ văn-phạm để có thể tôn-trọng những thói quen sẵn có.
Thứ nhì là làm cho các điều trình-bày trong sách không có tính-cách những bài học của riêng một lớp nào.
Nay, trong quyển Văn-phạm Việt-Nam giản-dị và thực-dụng, mục-tiêu thứ nhứt không thay-đổi ; để tránh làm xáo-trộn những thói-quen, về một số từ-loại (như đại-danh-từ, trạng-từ, phụ-thuộc liên-từ chẳng hạn). chúng tôi đã theo cách mệnh-danh của quyển Việt Nam Văn phạm [2] thay vì giữ đúng cách mệnh danh mà chúng tôi đề-nghị – vì cho rằng hợp-lý hơn – trong quyển Văn-phạm Việt-Nam [3] do chúng tôi biên-soạn.
Nhưng, về mục-tiêu thứ nhì – cung-cấp tài-liệu tham-khảo cho giáo-chức cũng như học-sinh ở bất-cứ trình-độ nào – chính vì muốn nới rộng mục-tiêu ấy mà chúng tôi đã sửa-chữa và bổ-túc quyển Văn-phạm Việt-Nam cho các lớp Trung-học để có quyển Văn phạm Việt-Nam giản-dị và thực-dụng này.
Thực-tế, ở bậc Trung-học, môn Văn-phạm chỉ được học thành bài riêng, trong chương-trình Quốc-văn của các lớp Sáu và Bảy. Một quyển Văn-phạm, nếu chỉ có phần lý-thuyết, sẽ không giúp ích được cho học-sinh ở các lớp không còn phải học bài Văn-phạm nữa. Mà, chính ở những lớp từ Tám trở lên, học-sinh lại có dịp học thêm nhiều từ-ngữ mới và tập viết loại văn nghị-luận. Học-sinh thường viết sai Văn-phạm vì không biết cách sử-dụng những tiếng mà các em chỉ hiểu nghĩa lờ-mờ dựa vào các câu văn đã học. Học-sinh cũng thường vấp-váp về Văn-phạm, trong những câu nhiều ý của các bài nghị-luận, vì không nắm vững thể-thức trình-bày sự tương-quan giữa các ý trong câu.
Chúng tôi đã lưu-tâm đến sự-kiện vừa kể, khi soạn phần Ứng-dụng với những tỷ-dụ về các lỗi Văn-phạm thường thấy, xếp thành từng loại. Sau mỗi câu sai được đơn-cử, đều có phần giải-thích về lỗi-lầm và phần đề-nghị sửa-chữa.
Phần văn-phạm lý-thuyết đã được giản-dị-hóa đến mức-độ có thể cung-cấp tài-liệu soạn bài học cho các lớp Sáu, Bảy cũng như các lớp tiểu-học. Với phần Ứng-dụng, chúng tôi hy-vọng quyển Văn-phạm này sẽ đạt được tính-cách thực-dụng khi trình-bày những kinh-nghiệm mà chúng tôi đã thu-nhặt được trong các việc soạn bài Giảng-văn và sửa bài Nghị-luận cho học-sinh.
Môn văn-phạm trong chương-trình học Quốc-văn của ta vẫn còn mới quá. Đối với rất nhiều học-sinh Trung-học đệ-nhị cấp, chẳng những các bài học Văn-phạm của « thời » lớp Sáu lớp Bảy chỉ là những kỷ-niệm quá lu-mờ mà đến cả ý-thức văn-phạm trong lúc viết văn cũng không còn « vang bóng ».
Diệt-trừ bệnh cẩu-thả trong lúc viết văn là một việc khá quan-trọng của học-đường. Để góp phần vào việc ấy, trong địa-hạt văn-phạm, chúng tôi thành-tâm mong đợi những lời phê-bình, chỉ-giáo của các bậc cao-minh cũng như của các bạn thiết-tha với việc vun bồi tiếng nước ta.
Sài-thành, 16 tháng chạp, 1966
Thanh-Ba Bùi-đức-Tịnh
[1] Nhà xuất-bản Vĩnh-Bảo, Saigon 1956.
[2] do Trần-Trọng-Kim, Bùi-Kỷ và Phạm-Duy-Khiêm hợp soạn.
[3] Nhà sách Khai-Trí tái-bản, Saigon 1966.
Leave a Reply