Lời tựa của Francois Mauriac:
Các ký giả nước ngoài thường đến thăm tôi. Tôi sợ những cuộc gặp gỡ ấy vì tôi bị dằng co giữa niềm ao ước thố lộ tất cả những gì trong lòng mình và nỗi kinh hãi là đặt vũ khí vào tay người phỏng vấn khi mình không hiểu chút nào thái độ của người đó đối với nước Pháp. Tôi luôn luôn thận trọng trong những cuộc gặp gỡ thuộc loại ấy.
Sáng đó, người ký giả Do thái trẻ tuổi này đến phỏng vấn tôi cho một tờ báo xuất bản ở Tel Aviv, đã tức khắc chinh phục được thiện cảm của tôi. Cuộc đàm đạo của chúng tôi nhanh chóng trở thành trò chuyện tâm tình. Nó đưa dẫn tôi trở lại những hồi tưởng Thời Bị Chiếm Đóng. Không phải chỉ những biến cố dính líu trực tiếp tới chúng ta mới làm cho chúng ta có nhiều xúc động sâu xa. Tôi tâm sự với người khách trẻ tuổi của mình rằng trong những năm ảm đạm ấy, không có gì tôi thấy mà để lại vết hằn sâu đậm trong lòng tôi cho bằng những toa tàu chất đầy ứ trẻ em Do thái đậu ở sân ga Austerlitz, tuy tôi chưa từng tận mắt chứng kiến! Khi vợ tôi mô tả cho tôi nghe về chúng, giọng bà vẫn ngập tràn kinh hãi. Vào thời ấy, chúng tôi chẳng hiểu chút gì về những phương cách hủy diệt của Đức Quốc Xã. Và ai mà có thể tưởng tượng ra nổi những phương cách đó! Cho đến lúc ấy, cách mà những con cừu non ấy bị giựt khỏi mẹ chúng cũng đã vượt quá những điều chúng tôi có thể nghĩ tưởng. Tôi tin rằng vào ngày ấy, lần đầu tiên tôi chạm đến bí ẩn của tội ác mà sự phát hiện ra nó đã đánh dấu việc kết thúc một kỷ nguyên và mở đầu một kỷ nguyên khác. Giấc mơ người phương Tây cưu mang suốt thế kỷ mười tám, buổi bình minh người ấy tưởng đã thấy vào năm 1789 và kéo dài đến tháng Tám 1914, giấc mơ ấy bền vững thêm nhờ những tiến bộ của trí tuệ và khám phá của khoa học – với tôi, giấc mơ ấy cuối cùng vỡ vụn trước những toa tàu đầy ứ trẻ con đó. Tuy thế tôi vẫn còn xa vạn đặm mới với tới được ý nghĩ rằng những đứa trẻ đó là nhiên liệu cho phòng hơi ngạt và lò thiêu xác.
Lúc ấy, tôi bày tỏ điều đó với người ký giả trẻ tuổi này. Và khi tôi nói trong tiếng thở dài, “Tôi thường nghĩ tới những đứa bé đó biết ngần nào!” thì anh đáp lại rằng “Tôi là một đứa trong chúng nó.” Anh đã là một trong những đứa trẻ đó. Anh đã nhìn mẹ mình, đứa em gái út yêu dấu của mình, và cả nhà, trừ cha anh, biến mất trong chiếc lò nướng được chụm bằng những tạo vật sống. Về phần người cha thì ngày này sang ngày khác, đứa trẻ đó bị buộc phải làm khán giả chứng kiến nỗi thống khổ, quằn quại và cái chết tuẫn nạn của cha mình. Và chết mà lại chết như thế đó! Những tình cảnh của cái chết đó được đề cập tới trong cuốn sách này; và tôi muốn để dành sự khám phá về chúng và về phép lạ khiến bản thân cậu bé đã thoát ra được cho người đọc mà sẽ lên tới con số đông đảo như khối lượng độc giả của cuốn Nhật Ký Của Anne Frank.
Bản ghi nhận riêng tư này ra đời sau nhiều bản khác cùng loại mà sự mô tả của chúng làm tổn thương tính tự mãn của chúng ta, những người cứ tưởng mình đã hiểu tường tận những gì có thể hiểu, tuy nhiên, tôi xác nhận đây là một tường trình khác biệt, cá biệt, dị thường. Số phận của người Do thái tại một thành phố nhỏ vùng Transylvania có tên là Sighet, mù lòa khi đối mặt với định mệnh trong lúc họ vẫn còn đủ thì giờ cao bay xa chạy; họ đã tự mình thụ động đầu hàng một cách ngoài sức tưởng tượng, tai lơ mắt điếc trước lời cảnh cáo van nài của một nhân chứng mà chính bản thân người ấy đã trốn thoát khỏi cuộc tàn sát, người ấy mang về cho họ tin tức anh thấy tận mắt, nhưng họ không chịu tin anh, đối xử với anh như với một người điên – những trạng huống đó, đối với tôi, hình như tự chúng đã đủ cảm hứng cho một cuốn sách mà chẳng cuốn sách nào khác có thể sánh bằng.
Tuy thế, tận cùng chốn sâu thẳm của lòng tôi đã bị cuốn hút bởi một khía cạnh khác của cuốn sách dị thường này. Cậu bé, người kể cho chúng ta nghe chuyện của cậu ở đây, là kẻ được Thượng đế chọn lựa. Từ thuở lần đầu giác ngộ ý thức, cậu chỉ sống cho Thượng đế và lớn lên trong sách Talmud, khao khát được khởi sự làm quen với các bí pháp nhằm cắt nghĩa Kinh thánh Do thái giáo, tận hiến bản thân cho Thượng đế. Chúng ta có bao giờ nghĩ tới hậu quả của sự khủng khiếp ấy, dù ít có tính cách hiển nhiên, ít có tính cách kích động hơn những sự phạm thượng khác, tuy thế nó lại là sự tệ hại nhất cho chúng ta, những kẻ có đức tin: cái chết của Thượng đế trong lòng một đứa bé khi nó đột nhiên khám phá ra tính chất tuyệt đối của cái ác.
Chúng ta thử tưởng tượng điều gì xảy ra trong lòng cậu bé ấy khi mắt cậu nhìn những cuộn khói đen tỏa ra trên bầu trời, từ những lò thiêu mà đứa em gái nhỏ và mẹ mình sắp bị ném vào cùng với hàng ngàn người khác: “Sẽ không bao giờ tôi quên được đêm đó, đêm đầu tiên ở trại, đêm xoay chuyển đời tôi thành một đêm trường, bảy lần bị nguyền rủa và bảy lần bị đóng dấu. Sẽ không bao giờ tôi quên được làn khói đó. Sẽ không bao giờ tôi quên được khuôn mặt nhỏ nhắn của những đứa trẻ, mà da thịt chúng biến thành các luồng khói cuồn cuộn dưới bầu trời xanh thẳm lặng câm.
Sẽ không bao giờ tôi quên được những ngọn lửa đã thiêu rụi mãi mãi Đức tin của tôi.
Sẽ không bao giờ tôi quên được sự yên lặng hoài cảm đó đã tước đoạt đến tận cùng thiên thu nỗi khát khao được sống của tôi. Sẽ không bao giờ tôi quên được những khoảnh khắc lúc đó Thượng đế của tôi, linh hồn của tôi bị giết chết và biến những giấc mơ của tôi thành tro than. Sẽ không bao giờ tôi quên được những điều đó cho dù tôi có bị kết án sống lâu như chính Bản thân Thượng đế. Không bao giờ.”
Và lúc đó tôi hiểu ra cái đầu tiên kéo tôi tới với người Do thái trẻ tuổi này: ánh mắt đó, như của một La-da-rô chỗi dậy từ cõi chết, anh vẫn là người tù mà lòng còn giam giữ mãnh liệt hình ảnh những nơi anh đã lang thang, vấp ngã giữa những xác người bị ruồng bỏ. Đối với anh, tiếng kêu trầm thống của Nietzsche biểu lộ một thực tại gần như có tính cách vật lý: Thượng đế đã chết, đấng Thượng đế của tình thương, dịu dàng, ủi an, đấng Thượng đế của Áp-ra-ham, I-sa-ac, của Gia-cóp, đang biến mất vĩnh viễn, hơn nữa, dưới mắt nhìn đăm đăm của cậu bé này, trong làn khói của sự tàn sát con người hàng loạt chỉ vì lý do Chủng tộc, tiêu biểu cho sự phàm ăn nhất của tất cả các ngẫu tượng. Và biết bao người Do thái ngoan đạo trải qua cái chết như thế! Vào ngày đó, khủng khiếp ngay trong những ngày ghê rợn đó, khi nhìn một đứa bé khác mang nét mặt của một thiên thần u sầu, bị treo cổ (đúng!), thì lúc đó, một cậu bé khác, người kể cho chúng ta nghe chuyện này, đã nghe ai đó sau lưng mình kêu lên: “Lúc này Thượng đế ở đâu?Và tôi nghe bên trong tôi có tiếng trả lời: Ở đâu ư? Ngài ở đây – Ngài đang bị treo cổ ở đây, trên giá treo cổ này….”
Vào ngày cuối một năm theo lịch Do thái, cậu bé này có mặt tại buổi lễ trọng thể Rosh Hashanah. Cậu nghe hàng ngàn người đang bị đày ải này cất lên cùng một giọng: “Vinh danh Thượng đế, Đấng Hằng sống.” Trước đó không lâu, cậu cũng đã nằm sấp mặt xuống đất với lòng tôn sùng như thế, với nỗi kính sợ như thế, với tâm hồn yêu thương như thế! Nhưng hôm nay, cậu không quì nữa. Con người thụ tạo, bị thương tổn và bị lăng nhục vượt quá sức chịu đựng của tâm tư và tinh thần, đã chỉ rõ ra rằng kẻ được bái lạy kia là một kẻ vừa câm vừa điếc: “Hôm nay tôi không còn nài xin. Tôi không còn khả năng than khóc. Trái lại, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ. Tôi là người lên án, Thượng đế là kẻ bị kết án. Mắt tôi mở ra và tôi cô độc – cô độc kinh khủng trong một thế giới không Thượng đế và không con người. Không tình yêu không ân sủng. Tôi thôi không còn là gì ngoài tro than, tuy thế tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn Đấng Toàn năng, kẻ mà đời tôi đã bị ràng buộc vào trong một thời gian quá dài. Tôi đứng giữa cộng đoàn đang cầu nguyện, quan sát nó như thể mình là người lạ.”
Và tôi, kẻ tin rằng Thượng đế là tình yêu, tôi có thể có câu trả lời nào để trao cho người chất vấn trẻ tuổi này, kẻ mà đôi mắt đầy bóng tối vẫn giữ mãi ánh phản chiếu nỗi u sầu thiên thần đã xuất hiện trên nét mặt đứa bé bị treo cổ ngày nọ? Tôi đã nói gì với anh? Có phải tôi đã nói tới một người Do thái khác, anh em của anh, kẻ có lẽ giống như anh – Người Bị Đóng Đinh, Thánh Giá của người đó đã và đang chinh phục thế giới? Có phải tôi đã khẳng định rằng vật chướng ngại làm đức tin của anh vấp ngã cũng chính là hòn đá tảng của tôi, và rằng, trong sự phù hợp giữa Thánh Giá với những khổ đau con người, theo ý tôi, là chìa khoá mở vào sự mầu nhiệm không thể dò thấu được mà trên đó đã tàn lụi đức tin từ thời thơ ấu của anh? Tuy thế, Sion đã thêm lần nữa chỗi dậy từ những lò thiêu và những nhà để hài cốt. Quốc gia Do thái sống lại từ giữa hàng ngàn kẻ chết. Quốc gia này hiện hữu qua họ và sẽ trường tồn. Chúng ta không biết cái giá của từng giọt máu riêng rẽ, tường giọt nước mắt riêng rẽ. Tất cả đều là ân sủng. Nếu Thượng đế là đấng Vĩnh cửu thì lời cuối cùng dành cho mỗi người chúng ta đều thuộc vào Ngài. Đấy là điều tôi nên nói với đứa con của dân tộc Do thái này. Nhưng tôi chỉ có thể ôm anh trong vòng tay, nghẹn ngào.
Mời các bạn đón đọc Về Từ Cõi Chết của tác giả Elie Wiesl.
Chia sẻ ý kiến của bạn