Giuyn Vecnơ và tác phẩm Misen Xtrôgôp
Giuyn Vecnơ (1828- 1905), nhà văn Pháp nổi tiếng được coi như bậc thầy về sáng tác truyện phiêu lưu mạo hiểm và khoa học viễn tưởng. Ngay từ những tác phẩm đầu tay của mình, ông đã giành được cảm tình của đông đảo bạn đọc Pháp và các nước khác trên thế giới. Sách của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được in đi in lại nhiều lần với hàng triệu bản phát hành khắp nơi trên thế giới. Có thể nói những tác phẩm của Giuyn Vécnơ không những được giới trẻ, mà cả những bạn đọc nhiều lứa tuổi khác nhau ưa thích.
Hơn bốn chục năm (từ 1862 đến đầu 1905) Giuyn Vecnơ đã viết được 63 tiểu thuyết và 2 tuyển tập truyện vừa và truyện ngắn được in thành 97 quyển sách với tham vọng là đề cập đến toàn bộ hành tinh chúng ta, từ thiên nhiên ở các vùng khí hậu khác nhau đến thế giới động vật, thực vật, phong tục tập quán cho đến sinh hoạt muôn màu muôn vẻ của các dân tộc trên thế giới.
Những tác phẩm của Giuyn Vecnơ không những thể hiện tài nghệ tuyệt vời của một nhà văn có lối viết rất hấp dẫn, sâu sắc, miêu tả những con người và sự vật hết sức tinh tế, mà còn thể hiện kiến thức uyên bác, tư tưởng tiến bộ và trí tưởng tượng phong phú của một nhà khoa học. Ông vừa là người khởi xướng loại truyện khoa học viễn tưởng mà đến nay nhiều tiên đoán khoa học của ông đã trở thành hiện thực, vừa là nhà văn nổi tiếng về những tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm làm cho người đọc rất thích thú và qua đó, những độc giả trẻ nâng cao được trình độ hiểu biết và trau dồi được phẩm chất đạo đức của mình.
Giuyn Vecnơ là con một luật sư ở thành phố Năngtơ. Ngay từ khi còn ở tuổi thanh niên, sau khi tốt nghiệp trung học, Giuyn Vecnơ đã theo học trường Luật ở Pari, nhưng vẫn có xu hướng say mê văn thơ, âm nhạc và sân khấu. Khi đã tốt nghiệp và hành nghề luật sư, ông bắt đầu đi vào con đường sáng tác văn học, đồng thời tìm hiểu về khoa học tự nhiên, thường xuyên đến đọc sách ở Thư viện Quốc gia, đi nghe các buổi thuyết trình về địa lý, thiên văn, hàng hải, lịch sử và các phát minh về khoa học, kỹ thuật. Nhờ đó, sau này những kiến thức mà ông tiếp thu được đã thành cơ sở cho những sáng tác kiệt xuất của ông.
Những tác phẩm đầu tiên của ông như “Năm tuần lễ trên khinh khí cầu (1862), “Cuộc thám hiểm trong lòng đất” (1864), “Những cuộc du hành của thuyền trưởng Hatơraao” (1864 – 1865), “Những đứa con của thuyền trưởng Grant” (1865 – 1866) v.v… đều lập tức có tiếng vang lớn trong giới độc giả thuộc nhiều thế hệ khác nhau.
Misen Xtrôgôp là một trong những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu được đánh giá vào loại xuất sắc nhất, vừa có tính giáo dục cao, vừa có tính giải trí lành mạnh với những tình tiết éo le phức tạp, những pha hết sức hồi hộp và bất ngờ, khiến người đọc cảm thấy bị lôi cuốn, say mê, hấp dẫn không sao cưỡng nổi và muốn đọc một mạch suốt 32 chương với gần 500 trang sách.
Điều đáng khâm phục là Giuyn Vecnơ miêu tả đất nước và con người Nga chính xác và chân thật tới mức như tác giả là một người Nga, hay ít nhất là đã sinh sống trên đất nước Nga nhiều năm rồi, để có một sự hiểu biết tường tận đến như vậy về địa lý, lịch sử cũng như phong tục tập quán và tính cách con người Nga trong giai đoạn lịch sử đó.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là Misen Xtrôgôp, con trai một người thợ săn ở Xibir. Anh được rèn luyện từ nhỏ, nên trở thành một thanh niên, cường tráng, dũng cảm và mưu trí.
Năm hai mươi tuổi, anh được tuyển vào đội quân liên lạc đặc biệt của Nga hoàng làm một người lính và sau đó trở thành đại úy của đội quân ưu tú này.
Thời gian đó bọn giặc Tactar đang nổi lên xâm chiếm vùng Xibir, phần châu Á của nước Nga. Hàng chục vạn quân đủ mọi chủng tộc từ những người Kiêcghidi, Mông Cổ, Apganixtang, Udơbêch, Thổ, Ba Tư, Do Thái… dưới cái tên chung là quân Tactar tràn vào xâm chiếm vùng phía Đông xứ Xibir mênh mông, gây biết bao đau thương, tang tóc cho nhân dân vùng này.
Cấu kết chặt chẽ với chúng có tên phản bội cực kỳ nham hiểm và xảo quyệt, Ivan Ôgarep, đại tá trong quân đội Nga hoàng. Bất mãn vì bị đại công tước, em trai của Nga hoàng giáng chức về tội vô tổ chức, tên này đã xúi giục một số tù trưởng bộ lạc ở những vùng biên cương xa xôi nổi lên chống Nga hoàng, âm mưu xâm chiếm vùng Đông Xibir, dùng thủ đoạn gián điệp và nhiều mánh khóe xảo trá khác để bắt sống đại công tước hòng trả thù riêng.
Nga hoàng nắm được ý đồ nguy hiểm của tên phản bội này đã phái Misen Xtrôgôp đem mật thư của nhà vua trao tới tận tay đại công tước – lúc này đang ở Irkuxk – để phá vỡ âm mưu đó.
Suốt chặng đường dài gần sáu ngàn dặm, từ Maxcơva đến Irkuxk, Misen Xtrôgốp đã trải qua bao gian khổ khó khăn do kẻ thù và thiên nhiên khắc nghiệt gây ra tưởng chừng như khó có thể vượt qua được. Nhưng đói khát, mệt nhọc, băng tuyết, bão táp không làm anh nao núng. Mấy lần sa vào tay giặc, anh đều tìm cách trốn thoát kể cả lần giặc đã đốt mù cả hai mắt anh. Giặc bắt mẹ anh để hành hạ và uy hiếp cũng không khuất phục được anh. Ý chí gang thép của anh đã làm cho bọn giặc man rợ cũng phải sợ hãi và khâm phục.
Cuối cùng, nhờ trí thông minh, lòng dũng cảm, thái độ bình tĩnh, mưu trí và nhất là tấm lòng trung thành tận tụy với đất nước, Misen Xtrôgôp đã làm tròn sứ mệnh. Quân phiến loạn bị đánh tan, tên phản bội Ivan Ôgarep bị tiêu diệt, nhân dân Xibir được giải thoát khói ách nô dịch của quân Tactar.
Truyện còn được lồng vào một mối tình trong sáng và thanh cao giữa Misen Xtrôgôp và Nađia, cô gái Latvi cũng xông pha ngàn dặm, chia sẻ vói chàng trai dũng cảm bao gian nan khổ ải để tìm cha trong miền Xibir mênh mông tuyết trắng.
Khi đã hoàn thành sứ mệnh, trước mặt cha cô, Misen Xtrôgôp nói với người bạn gái:
– Nađia!… khi rời Riga để tới Irkuxk, em có còn để lại sau em niềm thương nhớ nào khác ngoài lòng thương nhớ người mẹ đã khuất của em không?
– Không, anh ạ, – Nađie đáp, – không còn một niềm thương nhớ nào khác cả.
– Nếu vậy thì, Nadia! – Misen Xtrôgôp run giọng nói tiếp. – Anh không tin rằng Thượng đế đã run rủi cho chúng ta gặp nhau, đã bắt chúng ta cùng trải qua bao gian truân thử thách, lẽ nào lại không muốn cho chúng ta được mãi mãi bên nhau?
– Ôi, anh! – Nađia thốt kêu lên và sà vào hai cánh tay dang rộng của Misen Xtrôgôp.
Và quay lại phía Vaxili Fêđor, mặt đỏ bừng, cô kêu lên: “Cha ơi!”.
Người dịch VŨ LIÊM
– Tâu bệ hạ, một công điện mới.
– Từ đâu đến?
– Từ Tômxk.
– Đường dây đã bị cắt từ thành phố đó phải không?
– Bị cắt từ hôm qua, muôn tâu.
– Tướng quân hãy từng giờ đánh điện tới Tômxk và yêu cầu cho ta biết tin tức nhé!
– Xin tuân lệnh bệ hạ – Tướng Kixôp đáp.
Những lời trao đổi trên đây xảy ra vào hồi hai giờ sáng, giữa lúc đêm hội ở Tân Cung đang diễn ra huy hoàng náo nhiệt nhất. Trong đêm đó, ban nhạc của các trung đoàn Prêobragienxky và Paulôpxki không ngừng chơi những điệu vũ nhạc được chọn trong những điệu hay nhất như Pônka, Mazurka và những điệu Vansơ. Những cặp nam nữ nối tiếp nhau nhảy không dứt qua những phòng khách lộng lẫy của lâu đài được xây dựng cách “tòa nhà đá cũ” có mấy bước, nơi xưa kia đã từng xảy ra bao thảm kịch rùng rợn – Và… đêm nay, tiếng vang xưa trỗi dậy, dội vào trong các điệu đối vũ.
Ngài đại thống chế của triều đình cũng được hỗ trợ đắc lực trong công việc tế nhị của mình. Các công tước cùng những sĩ quan hộ vệ của các vị đại thần trực ban, các sĩ quan trong hoàng cung cũng tự mình tham gia, đôn đốc việc tổ chức vũ hội. Các công tước phu nhân, ngọc quý đầy người, các bà thị nữ với xiêm áo ngày hội mạnh dạn làm gương cho các bà vợ sĩ quan và viên chức cao cấp của “Kinh thành đá trắng” cổ kính. Vì vậy, khi tín hiệu của điệu nhạc “Pôlône” vừa nổi lên, thì tất cả quan khách, không phân cấp bậc, đều tham gia vào cuộc diễu hành nhịp nhàng đó. Trong khung cảnh trang trọng như đêm nay, thì vũ hội này mang một tầm cỡ quốc gia. Những chiếc áo dài có đính nhiều tầng đăng ten xen lẫn với những bộ quân phục lấp lánh huân chương dưới ánh sáng của hàng trăm bộ đèn chùm, được những tấm gương soi phản chiếu làm sáng rực lên gấp mười lần, trông thật ngoạn mục, chói ngời, lóa mắt.
Đại sảnh đường đẹp nhất trong tất cả các phòng khách ở Tân Cung thật xứng đáng làm khung cho sự lộng lẫy huy hoàng của những vị tai to mặt lớn cùng những bà mệnh phụ trang điểm cực kỳ diễm lệ. Vòm nhà thếp vàng tuy đã phai mờ đôi chút vì đã bị phủ một lớp gỉ của thời gian vẫn ánh lên những điểm sáng như những vì sao lấp lánh. Những tấm vóc làm màn che gió và màn treo ở cửa với những nếp gấp tuyệt mỹ ửng hồng lên một màu sắc nồng thắm, tương phản mạnh mẽ với những góc cạnh của tấm màn nặng trĩu. Nhìn qua những tấm kính các cửa sổ rộng lớn, hình bán nguyệt, người ta thấy ánh sáng tràn ngập các phòng, nhưng được một làn hơi nước nhẹ nhàng tỏa ra làm dịu bớt đi, đứng bên ngoài trông như phản quang của một đám cháy nổi bật lên trong đêm tối mà trong khoảng một vài tiếng đồng hồ bao trùm toà lâu đài rực sáng này. Bởi vậy, sự tương phản đó làm cho những tân khách không tham gia khiêu vũ cũng phải chú ý. Khi họ dừng lại bên những khung cửa sổ, họ có thể nhìn thấy một vài tháp chuông với những cái bóng khổng lồ hiện lên đó đây trong đêm, mờ mờ ảo ảo. Bên dưới những bao lơn chạm trổ, họ nhìn thấy những lính canh đi lại, súng vác vai, đầu đội mũ chỏm nhọn có giắt một chòm lông chim, trông như ngọn lửa, dưới ánh sáng của những pháo hoa bắn lên từ bên ngoài. Họ cũng nghe thấy bước chân của những đội tuần tra gõ nhịp nhàng trên mặt đá lát đường, có lẽ còn nhịp nhàng hơn cả những bước chân đang khiêu vũ trên sàn nhà các phòng khách. Thỉnh thoảng có tiếng hô của lính gác lặp đi lặp lại từ trạm này qua trạm khác và đôi lúc một tiếng kèn đồng, xen vào hợp âm của dàn nhạc, cất lên những nốt lánh lót giữa sự hài hòa chung.
Dưới thấp hơn, trước tòa nhà, những khối đen sẫm nổi lên rõ nét dưới những luồng ánh sáng hình nón hắt ra từ các cửa sổ của Tân Cung. Đó là những con tàu xuôi dòng sông mà mặt nước lấp lánh dưới ánh sáng chập chờn của những ngọn đèn hiệu mấp mé ở các bậc thềm đầu tiên.
Nhân vật chính của buổi khiêu vũ; người ra lệnh tổ chức đêm hội này; người mà tướng Kixốp tôn trọng như đối với các đấng quân vương, chỉ vận sơ sài một bộ quân phục sĩ quan khinh binh cận vệ. Đó chẳng phải là một sự trá hình, mà là thói quen của một người không thích sự diêm dúa bên ngoài. Cách ăn mặc của ông ta tương phản với những trang phục lộng lẫy của đám người nhộn nhịp xung quanh và chính vì thế mà nổi bật giữa đám tùy tùng của ông gồm những người Grudia, những người Cô-dắc, những người Lesghi, những kỵ binh với những bộ quân phục rực rỡ vùng Capcadơ.
Nhân vật này, thân hình cao lớn, thái độ hòa nhã, nét mặt bình thản, nhưng vầng trán nhuốm vẻ suy tư, đi từ đám đông này tới đám đông khác, ít nói, thậm chí chỉ lơ đãng nghe, hoặc những câu tào lao vui nhộn của đám tân khách trẻ tuổi, hoặc những lời lẽ nghiêm chỉnh hơn của những viên chức cao cấp hay của những thành viên trong các đoàn ngoại giao, đại diện cho các quốc gia chủ yếu của châu Âu bên cạnh ông ta. Hai hoặc ba trong số những nhà chính khách mẫn tiệp đó – có tài về xem tướng mặt – hình như nhận thấy trên sắc diện của chủ nhân có vài biểu hiện lo lắng băn khoăn gì đó mà họ không rõ nguyên nhân, nhưng không một ai dám tự cho phép mình được hỏi han ông ta về vấn đề đó. Dù sao thì ý đồ của người sĩ quan đội khinh binh cận vệ, không còn nghi ngờ gì nữa, là làm sao để những mối lo âu thầm kín của mình không được gây bất kỳ một trở ngại nào cho đêm hội này – Và vì ông ta là một trong những đấng quân vương hiếm có mà tất cả mọi người đều đã quen phục tùng, ngay cả trong ý nghĩ, nên những niềm hoan lạc của đêm vũ hội không một lúc nào bị giảm sút.
Trong khi đó, tướng Kixôp vẫn chờ người sĩ quan mà ông vừa chuyển bức điện từ Tômxk đánh về ra lệnh để rút lui, nhưng người sĩ quan vẫn cứ im lặng, Ông ta cầm đọc bức điện, vầng trán càng sa sầm. Tay ông như vô tình đặt vào chuôi kiếm, rồi đưa lên che mắt một lát khiến mọi người tưởng như ánh sáng làm ông bị chói và ông cần có bóng tối để tự nhìn mình rõ hơn.
– Như vậy là, – ông nói và kéo tướng Kixôp tới gần một khung cửa sổ – từ hôm qua chúng ta không còn liên lạc được với đại công tước, em trai ta ư?
– Không còn liên lạc được nữa, muôn tâu. Và thần e rằng chẳng bao lâu, những công điện không thể vượt qua được biên giới Xibir.
– Nhưng quân đội các tỉnh Amua và Irkuxk cũng như quân đội tỉnh Tranxbaikali đã được lệnh hành quân cấp tốc đến Irkuxk rồi kia mà?
– Lệnh đó đã được phát đi bằng bức điện cuối cùng mà chúng ta có thể chuyển tới bên kia hồ Baikan.
– Chúng ta vẫn còn liên lạc trực tiếp được với chính quyền các tỉnh Yênixêixk, Ômxk, Xêmipalatinxko và Tôbônxk từ đầu cuộc xâm lăng của địch chứ?
– Tâu hoàng thượng, vẫn còn liên lạc được và thần chắc rằng cho đến giờ phút này, bọn Tactar chưa vượt qua được sông Irtys và sông Ôbi.
– Còn về tên phản tặc Ivan Ôgarep, chúng ta có tin tức gì không?
– Không có tin gì cả, – tướng Kixôp thưa. – Cảnh sát trưởng cũng không biết được chắc chắn là hắn đã vượt qua biên giới chưa.
– Đặc điểm nhận dạng của hắn phải được gửi ngay tới Nigiơni – Nôpgôrôd, Pecmơ, Ekatêrinbua, Kaximôp, Tiumen, Ichim Ômxk, Elamxk, Kôlyvan, Tômxk và tới tất cả các trạm bưu điện mà đường dây còn liên lạc được!
– Lệnh của hoàng thượng sẽ được thi hành ngay tức khắc, – Tướng Kixôp đáp.
– Tất cả công việc này cần phải tiến hành thật lặng lẽ đấy nhé!
Bằng một dấu hiệu tỏ vẻ trân trọng phục tùng, sau khi khẽ cúi đầu, tướng Kixôp đi lẫn vào đám đông và rời khỏi các phòng khách. Không ai để ý đến sự ra đi của ông.
Người sĩ quan đứng thẫn thờ một lúc và khi trở lại nhập vào các nhóm quân nhân, các nhà chính khách đã được hình thành ở nhiều điểm trong các phòng, thì vẻ mặt ông, trước đó đã có lúc bối rối, bỗng trở lại bình thản như cũ.
Tuy vậy, sự kiện nghiêm trọng khiến có cuộc trao đổi ý kiến chớp nhoáng trên đây không phải là không ai biết như viên sĩ quan khinh binh cận vệ và tướng Kixôp tưởng. Điều đó, người ta không nói ra một cách chính thức, đúng thế, cũng như bán chính thức, bởi vì không có “lệnh’’ được công khai nói. Nhưng một vài nhân vật cao cấp cũng đã được thông báo tương đối chính xác về tình hình xảy ra ở phía bên kia biên giới. Dù sao họ cũng chỉ mới nắm được láng máng về những điều mà ngay cả những thành viên trong đoàn ngoại giao cũng không nói với nhau, thế mà có hai vị khách không mặc quân phục, cũng không mang huân chương trong buổi chiêu đãi ở Tân Cung, lại thì thầm trao đổi với nhau có vẻ như đã nhận được những tin tức khá chính xác.
Làm thế nào, bằng con đường nào, nhờ có sự bặt thiệp như thế nào mà hai con người bình thường này lại biết cái mà những người khác vốn là những yếu nhân, cũng chỉ vừa mới ngờ tới? Người ta khó có thể tin như vậy. Hay là họ được trời phú cho cái tài tiên giác tiên tri? Hay là họ có một giác quan phụ cho phép nhìn thấy được tận bên kia chân trời của biên giới mà những con mắt người thường không thấy được chăng? Hoặc là họ có khiếu linh mẫn đặc biệt để khám phá ra những gì bí mật nhất. Hoặc là nhờ thói quen “sống cho tin tức và vì tin tức” ở họ đã trở thành bản chất thứ hai khiến tập tính của họ thay đổi chăng? Chúng ta hãy thử chấp nhận điều đó.
Trong hai người này thì một là người Anh, còn người kia là công dân Pháp. Cả hai đều cao, gầy. Một người da nâu nâu như dân miền Nam xứ Prôvăngxơ, một người da hung hung đỏ như một nhà quý tộc xứ Lancasir. Anh chàng người Anh thì kiểu cách, lạnh lùng, phớt đời, tiết kiệm cả cử chỉ và lời nói, hình như chỉ nói năng và cử động khi thật cần thiết. Ngược lại anh chàng người Pháp thì linh hoạt, hăng hái, diễn tả cùng một lúc cả bằng môi, bằng mắt, bằng tay… ý nghĩ của mình với hàng chục cách khác nhau, trong khi người đối thoại với anh ta hình như chỉ có một cách duy nhất không thay đổi và như cố định trong đầu là chăm chú nghe và nhìn. Những nét khác biệt bên ngoài này dễ dàng làm cho bất cứ ai, dù có cặp mắt quan sát kém nhất cũng phải chú ý; nhưng một người giỏi xét đoán vẻ mặt, khi nhìn gần hai người ngoại quốc này sẽ xác định dứt khoát là sự trái ngược trong hành động bề ngoài của họ nói lên rằng người Pháp rất “tinh mắt”, còn người Anh rất “thính tai”.
Thật vậy, cặp mắt – bộ máy quang học – của người này thường xuyên được sử dụng, nên đạt tới mức hoàn thiện lạ lùng. Võng mạc mắt ánh ta có độ nhạy tức thời như võng mạc những nhà ảo thuật chỉ qua động tác trang bài thật nhanh cũng nhận ra ngay được con bài nào, hay đơn thuần chỉ bằng sự sắp xếp một con bài mà người khác không tài nào nhận ra. Vậy là người Pháp này có một năng khiếu tuyệt vời mà người ta gọi là “trí nhớ bằng mắt”.
Người Anh, ngược lại, hình như đặc biệt sinh ra để nghe và hiểu. Khi bộ máy thính giác tiếp nhận tiếng của một giọng nói, anh ta sẽ không thể nào quên được và mười năm, hai mươi năm sau, anh ta vẫn có thể nhận ra giọng nói đó trong hàng nghìn giọng nói khác. Đôi tai anh ta tất nhiên không có khả năng cử động như tai các loài vật có những loa tai to; nhưng các nhà sinh vật học nhận xét là tai người chỉ “gần như” bất động nên ta có quyển khẳng định rằng tai của người Anh trên đây vểnh lên, cụp xuống, nghiêng nghé… để tìm cách thu nhận cả những âm thanh chỉ mới vừa thoáng vẳng đến.
Phải công nhận là năng khiếu về nghe và nhìn của hai nhân vật nói trên đã phục vụ tuyệt diệu cho nghề nghiệp của họ, vì anh chàng người Anh là phóng viên của tờ “Tin điện hàng ngày” và anh chàng người Pháp là phóng viên của tờ báo nào hoặc của những tờ báo nào thì anh ta không nói và khi có người hỏi, anh lại bông đùa trả lời là anh cung cấp tin tức cho “cô em họ Mađơlen” của anh. Thật ra anh chàng người Pháp tuy bề ngoài có vẻ nông nổi, nhưng lại rất mẫn tiệp và sắc sảo. Anh thường hay nói năng lung tung – có lẽ là để che giấu ý muốn tìm hiểu sự thực – nhưng không bao giờ chịu bộc lộ ý đồ chính của mình. Chính sự ba hoa đó đã giúp anh kín tiếng. Có thể nói là anh ta chín chắn và kín cạnh hơn bạn đồng nghiệp ở báo “Tin điện hàng ngày”.
Với tư cách nhà báo, hai người tham dự đêm hội tổ chức tại Tân Cung tối 15 rạng 16 tháng Bảy là cốt để đưa tin sốt dẻo phục vụ thật hữu hiệu cho độc giả của họ.
Không cần nói là cả hai anh chàng đều hăng say với sứ mệnh của mình ở trên đời này. Họ thích lao vào việc đi săn những tin tức bất ngờ nhất. Không gì làm cho họ sợ hãi cũng như làm họ chán nản trong khi đi tìm thắng lợi. Họ có thái độ bình tĩnh, không bao giờ nao núng. Chính đó là lòng dũng cảm thực sự của những người yêu nghề. Là những tay đua ngựa vượt rào nhà nghề trong cuộc săn tin này, họ vọt qua rào, vượt qua sông, nhảy qua bờ đất với nhiệt tình vô song của những con ngựa nòi muốn chạy tới đích “hoặc đoạt giải nhất hoặc là chết!”.
Hơn nữa, những tờ báo của họ không bao giờ tiếc tiền đối với họ – đó là nhân tố thông tin mạnh nhất, nhanh nhất, hoàn hảo nhất mà người ta biết được cho đến nay.
Cần phải nói thêm, và đây là một vinh dự đối với họ, là cả hai đều không bao giờ tò mò nhìn và nghe những gì thuộc về đời tư và họ chỉ hành động khi nào có dính líu đến quyền lợi chính trị và xã hội của họ. Tóm lại, họ làm như người ta thường nói trong khoảng vài ba năm nay, “thiên phóng sự lớn về chính trị và quân sự”.
Nhưng, nếu theo sát họ, người ta sẽ thấy thường thường họ có một cách nhận định sự việc thật kỳ quặc, nhất là nhận định về những hậu quả của những sự việc đó, bởi lẽ mỗi người đều có “cách riêng của mình” để xem xét và đánh giá. Và cuối cùng thì không ai đang tâm trách cứ họ, vì họ làm việc thật nghiêm túc, hết mình bất cứ trong trường hợp nào.
Mời các bạn đón đọc Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm của tác giả Jules Verne.
Leave a Reply