Làm thế nào để cả công ty cùng hài lòng?
Vài năm trở lại đây, tôi suy nghĩ rất nhiều về văn hóa doanh nghiệp, nghĩ xem làm thế nào xây dựng được một môi trường làm việc tốt, có sự chia sẻ giữa nhân viên và lãnh đạo, tìm được giải pháp phát triển bền vững ổn định. Có lẽ đó là nỗi trăn trở của hết thảy các doanh nhân, các nhà quản lý, các giám đốc nhân sự ở Việt Nam. Tôi nghĩ các doanh nghiệp ở Việt Nam đang gặp quá nhiều khó khăn để phát triển. Không chỉ đương đầu với thách thức về kinh doanh, về tăng trưởng, về lợi nhuận, về vốn, công nợ, trình độ nhân viên… mà cả nhà quản lý, lãnh đạo và nhân viên đều phải đối mặt với những áp lực từ cuộc sống. Đặc biệt, ở Việt Nam trong khoảng một thập niên trở lại đây, tôi thấy tất cả mọi người đều chịu áp lực rất lớn và stress trong cuộc sống…
Nhiều năm trước, tôi đọc được một câu nói rất hay của Carly Fiorina, cựu CEO của HP. Bà nói: “Business at first is numbers but at the end, it is human”. Kinh doanh trước tiên phải nghĩ đến con số, lợi nhuận bao nhiêu, doanh số bao nhiêu, tiền lương bao nhiêu… nhưng cuối cùng, kinh doanh là vì con người. Vì thế, tôi luôn suy nghĩ, tìm tòi giải pháp xây dựng và phát triển của những doanh nghiệp bé nhỏ của Mỹ, những nơi chỉ vài chục hay vài trăm người, chứ không phải là những công ty, những tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới. Liệu họ có cách nào giúp những người tham gia công cuộc kinh doanh bớt đi những áp lực từ cuộc sống, bớt đi những mối lo toan, bận rộn để tập trung cho công việc và trên hết, để sống tốt đẹp hơn không…
Năm 2007, chúng tôi xuất bản cuốn Small Giants – Những người khổng lồ bé nhỏ của Bo Burlingham và vào tháng 9/2009 tôi có dịp tham dự hội nghị INC500/5000 dành cho giới doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất sắc nhất của Mỹ tại Washington D.C. Tại đây, tôi có dịp gặp Paul Spiegelman, người sáng lập, CEO của Beryl, một công ty dịch vụ tư vấn về y tế ở Dallas, Texas và là đồng Chủ tịch Small Giants Community (Cộng đồng Những người khổng lồ bé nhỏ). Ông là tác giả của cuốn sách Vì sao ai cũng hài lòng? (Why is Everyone Smiling?) mà các bạn đang cầm trên tay.
Khi đó tôi chẳng biết gì nhiều về Beryl, về văn hóa và cách thức kinh doanh của Beryl, về vai trò, tầm ảnh hưởng và những thành tựu của Paul cũng như của Beryl nhưng tôi quyết định xuất bản cuốn sách này ở
Việt Nam với hy vọng tìm ra được lời giải đáp mà tôi đang tìm kiếm.
Tháng 6/2010, tôi lại có dịp quay lại Mỹ và cố gắng thu xếp tới thăm Beryl. Đọc cuốn sách và hiểu về Beryl nhưng chuyến thăm Beryl lại là một cơ hội vô cùng độc đáo và giá trị. Tôi có cơ hội nhìn tận mắt và hòa vào môi trường văn hóa doanh nghiệp của Beryl. Tôi có dịp gặp Jason, Giám đốc Mỹ thuật và Glenn, nhân viên của Small Giants Community với nhiệm vụ suy nghĩ và tìm tòi mọi cách thức và giải pháp để phát triển cồng động này. Tôi cũng gặp bà Lara, Queen of Fun. Ở Việt Nam, đó là người phụ trách công đoàn, nhưng ở Beryl, vai trò của Queen of Fun rộng hơn, tự giác hơn, và được mọi người yêu mến hơn. Không phải tranh đấu bảo vệ quyền lợi của người lao động trước ông chủ mà là tìm mọi giải pháp, cách thức hoạt động để mọi người vui vẻ. Tôi gặp Director of First Impression, mà ở Việt Nam, chúng ta chỉ gọi họ đơn giản là lễ tân hay nhân viên hành chính… thì ở Beryl, người này rất quan trọng vì họ sẽ là người mang lại ấn tượng đầu tiên cho khách hàng, đối tác…
Càng đọc cuốn sách, tôi càng hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp, về cách thức phát triển một phong cách để giúp các công ty Việt Nam phần nào đó đương đầu với thách thức, giảm bớt áp lực trong cuộc sống… Ở Việt Nam hiện nay, với quy mô các doanh nghiệp chưa lớn, việc phát triển theo hướng Small Giants là một hướng đi triển vọng.
Vì sao ai cũng hài lòng?- Những bí mật đằng sau Niềm đam mê, Năng suất và Lợi nhuận của Beryl – công ty tư vấn dịch vụ y tế số 1 của Mỹ (Why is Everyone Smiling? – The Secret Behind Passion, Productivity and Profit) khám phá ra cách thức các doanh nghiệp có thể tạo ra một loại văn hoá doanh nghiệp giúp tăng cường tính sáng tạo, chiếm được lòng trung thành của nhân viên cũng như khách hàng và nâng cao lợi nhuận của công ty. Khi bạn đối xử với nhân viên như những người đóng góp thực sự, nó sẽ giúp việc kinh doanh của bạn trở nên đặc biệt tốt; khi bạn tập trung và kinh doanh với những giá trị vững chắc, nó sẽ đem lại lợi ích cho cả cộng đồng và nền kinh tế.
Không chỉ dừng lại ở việc xuất bản cuốn sách, tháng 11/2010 chúng tôi sẽ mời Paul sang Việt Nam để trao đổi và truyền lại kinh nghiệm và thực tiễn phát triển văn hóa doanh nghiệp. Paul sẽ nói chuyện về cách thức các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng văn hóa doanh nghiệp độc đáo, nâng cao dịch vụ khách hàng nhằm đem lại sự thịnh vượng và phát triển bền vững cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp trở thành Small Giants.
Beryl là công ty hàng đầu trong danh sách các công ty có môi trường làm việc tốt nhất nước Mỹ và hai năm liền đứng trong danh sách 5.000 Công ty Tư nhân Tăng trưởng Nhanh nhất của Mỹ, hiện chiếm tới 90% thị phần dịch vụ tư vấn y tế của Mỹ, còn Paul Spiegelman được vinh danh là Doanh nhân của vùng Tây Nam nước Mỹ năm 2007 và 2009 do Ernst & Young đánh giá. Những bài học và hình mẫu mà Paul và các đồng nghiệp đã làm được ở Beryl sẽ là một khuôn khổ hiện hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam học tập.
Leave a Reply