Bộ sách mà bạn đọc đang cầm trên tay là kết quả của dự án nghiên cứu mang tên Đi tìm Đạo Kinh doanh của Việt Nam và Thế giới do Tổ hợp Giáo dục PACE thực hiện trong suốt 14 tháng vừa qua.
Chúng tôi đặt tên cho bộ sách này là Đạo Kinh doanh Việt Nam và Thế giới với mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc doanh nhân và bạn đọc quan tâm đến kinh doanh, những kiến giải về hàng loạt các câu hỏi như: “Kinh doanh là gì?”, “Doanh nhân là ai?”, “Đâu là ‘đạo’ của nghề kinh doanh?” và “Tại sao kinh doanh là một nghề cao quý và xứng đáng được xã hội tôn vinh?”…
Đội ngũ chuyên gia của PACE cùng các cộng sự đã nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của 25 doanh nhân huyền thoại, đến từ 25 tập đoàn kinh doanh dẫn đầu trong những bảng xếp hạng doanh nghiệp trên toàn thế giới, nhằm tìm kiếm “cái đạo”, cái triết lý cốt lõi trong kinh doanh của họ. Mục đích là để lý giải xem vì sao họ là những người kiếm tiền nhanh nhất, kiếm tiền nhiều nhất và kiếm tiền bền vững nhất thế giới, đồng thời họ lại được xã hội đặc biệt kính trọng?
Phân tích từng chặng đường, từng mốc sự nghiệp, từng bước thăng trầm… của những huyền thoại doanh nhân này, chúng tôi đã đúc kết được những nét chung nhất, nói chính xác hơn, là những yếu tố khiến họ trở nên vĩ đại, trở thành những doanh nhân huyền thoại. Đó là sự khao khát, là niềm đam mê một cách mãnh liệt để sáng tạo, để đem đến thật nhiều giá trị mới cho cuộc sống và cho xã hội. Họ đã thực hiện được điều đó bằng việc cống hiến cả cuộc đời mình lẫn việc truyền đạt, dẫn đường cho hậu thế.
Trong lời đầu này của bộ sách, chúng tôi cũng muốn kể lại với quý vị một vài câu chuyện và một vài so sánh mà PACE luôn tự hào khi tìm thấy nó trong hành trình Khát vọng Doanh trí của mình trong suốt những năm vừa qua:
Bà chủ một tiệm tạp hóa suốt ngày không vui vì buôn bán ế ẩm. Nhưng sau những ngày tháng nhìn vào “mắt” khách hàng, bà chợt nghĩ: “Sao tôi không là người giải quyết vấn đề nhu yếu phẩm cho cả xóm?”. Và mọi chuyện thay đổi. Từ đó, nhiều gia đình chưa khá giả trong khu phố có thể mua một, hai gói mì tôm (mà không cần phải mua cả thùng mì), một tép bột ngọt (mà không cần phải mua cả gói bột ngọt). Bà có thể mở cửa lúc mờ sáng hay nửa đêm, khi chẳng còn nơi nào bán hàng nữa để đáp ứng nhu cầu “hết chanh đột xuất” hoặc “nhà không còn nước mắm”. Hay hơn nữa, mọi người chỉ “xẹt” một hai bước chân là có ngay những vật phẩm cần thiết nhất cho gia đình. Lại thêm chuyện giá cả của bà so với chợ và siêu thị cũng chẳng chênh lệch là bao. Ai cũng đoán ra kết quả: cửa tiệm suốt ngày người ra kẻ vào, bà thì bán hàng luôn tay và cười nói luôn miệng. Không chỉ tiền lãi thu được tăng cao, mà bà còn có “lợi nhuận” lớn nhất là sự quý mến của mọi người dành cho một người biết kinh doanh như bà.
Có lẽ, Bạch Thái Bưởi chưa phải là nhà tư sản giàu nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng ông lại chính là nhà buôn nổi danh nhất và được nhiều người kính trọng, ngưỡng mộ lẫn công kích nhất.
Người ta chẳng truyền tụng nhiều về gia sản của ông, sử sách cũng chỉ ghi chép khá tản mạn về những công ty, nhà xưởng và công việc của ông. Nhưng cho đến mãi tận ngày nay, người ta vẫn tôn vinh Bạch Thái Bưởi vì ông chính là người đầu tiên khẳng định vị thế của doanh nhân Việt, người làm kinh doanh với khát vọng to lớn là cải tạo xã hội, mà cụ thể là ước vọng có thể xây dựng một Hà Nội lung linh hoa lệ như Paris…
Khẳng định doanh tài nước Việt từ bàn tay trắng, trong một thời kỳ đen tối của đất nước. Quả thật, đó là việc đáng tôn vinh.
Đó là một thời kỳ Việt Nam sống trong chế độ thuộc địa Pháp. Đó cũng là một thời kỳ đặc biệt, khi cánh cửa mở ra, người Việt lần đầu tiên đón nhận những tri thức mới, kinh nghiệm làm ăn mới của thế giới. Một bộ phận trí thức đã ý thức được nhiệm vụ tiên phong của họ là phất lên ngọn cờ khai trí, kêu gọi đồng bào đổi mới để nỗ lực đưa dân tộc phát triển sánh ngang với các cường quốc phương Tây.
Đó là thời kỳ mà nghề buôn lần đầu tiên trong lịch sử được xem trọng, được cổ súy nhiệt liệt. Một phong trào thực nghiệp rầm rộ cả nước. Chính trong buổi đầu phát triển ngành kinh doanh tại Việt Nam đã xuất hiện một lớp doanh nhân mới ưu tú – những doanh nhân kinh doanh thành đạt nhờ giải quyết tốt những nhu cầu xã hội và có một tinh thần vì cộng đồng rất cao.
Khi nói tới lớp doanh nhân ưu tú này, cái tên Bạch Thái Bưởi luôn được người đương thời và cả hậu thế nhắc đến với niềm kính trọng lẫn tự hào. Bạch Thái Bưởi là ai? Xung quanh nhân vật này có rất nhiều huyền thoại. Khó ai có thể hình dung một người Việt Nam tay trắng có thể làm nên một sự nghiệp lẫy lừng dưới thời thuộc địa.
Từ một công chức làm trong một hãng thầu công chánh của Pháp, một ngày nọ Bạch Thái Bưởi đã quyết chí mạo hiểm làm giàu. Chàng trai ấy đã từng xuất dương để học tập kinh nghiệm, để tiếp cận với tri thức thế giới nhằm có một nền tảng vững chắc trong kinh doanh.
Chính từ khát vọng làm giàu và những kinh nghiệm từ sách vở, Bạch Thái Bưởi đã thành công trên thương trường. Chỉ sau một thời gian ngắn Bạch Thái công ty đã vươn ra rất nhiều lĩnh vực, từ nghề buôn gỗ, thầu thuế chợ đến kinh doanh thuyền bè trên sông nước, khai mỏ…
Dưới thời thuộc địa, các nhà buôn của ta bước ra thương trường cũng là bước vào một cuộc cạnh tranh với tư bản các nước như tư bản Hoa kiều, Pháp kiều… Bạch Thái Bưởi đã thành công không chỉ nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh mà chính là từ quan niệm của ông về việc kinh thương: kinh doanh là cách để giải quyết những nhu cầu trong xã hội, để khẳng định hình ảnh của người Việt trên thương trường.
Nhà văn Lê Minh Quốc, tác giả của tập sách này kể với chúng tôi: “Một trong những khó khăn cần phải vượt qua là đánh giá như thế nào về con người Bạch Thái Bưởi? Thực chất ông là người như thế nào? Có tư liệu cho rằng, trong đời thường ông là người keo kiệt, bủn xỉn, làm giàu bằng nhiều thủ đoạn; ngược lại có tài liệu ghi nhận ông như một nhà cách mạng. Cả hai thái độ đánh giá như thế đều có gì đó chưa xác đáng. Không biết dựa vào nguồn tư liệu nào, có khá nhiều bài viết đề cập đến chi tiết “có lần lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, trong Hội nghị kinh tế lý tài, ông bị Toàn quyền Robin đe dọa: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”, ông đáp lại: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”. Do không tìm được, không tìm thấy trong tư liệu gốc đề cập đến chuyện “giật gân” này nên tôi dứt khoát không sử dụng. Hơn nữa Bạch Thái Bưởi qua các tư liệu đã thu thập và chọn lọc thì tôi ngờ rằng, không bao giờ ông buột miệng nói những câu “dại dột” như vậy. Đó không phải là tính cách của một người lão luyện, bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm trên thương trường… như Bạch Thái Bưởi”.
Bạn đọc đang cầm trên tay tập sách viết về hành trình đặc biệt của một con người kinh doanh vì xã hội, một hành trình đầy ắp gian nan, vất vả. Ông đã để lại một kinh nghiệm sống còn trong kinh doanh, một bài học quý báu cho đời sau là cách xác lập mục tiêu làm giàu. Nếu chỉ bo bo thu vén để giàu nứt nố đổ vách, thu vén cho riêng cá nhân mình như biết bao nhà tư sản khác, thì ngày nay không mấy ai buồn nhắc đến tên tuổi của ông nữa, bởi cái giàu ấy nghĩ cho cùng cũng chỉ là “giàu như Thạch Sùng” mà thôi.
Hơn một trăm năm trôi qua, ngồi ngẫm lại để thấy người xưa đã thật sự giong buồm ra biển lớn một cách tự tin, đàng hoàng và còn nguyên vẹn những bài học về thuật xử thế, phép kinh thương cũng như một tấm lòng toàn vẹn với đồng bào.
…
Mời các bạn đón đọc Bạch Thái Bưởi – Khẳng Định Doanh Tài Nước Việt của tác giả Lê Minh Quốc.
Leave a Reply