Việt Nam có lịch sử truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng oanh liệt. Các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược do nhân dân ta tiến hành đều là chiến tranh nhân dân chính nghĩa, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia ủng hộ. Trong các cuộc chiến tranh ấy, nhiều trận đánh hay đã mãi mãi ghi vào sử sách, vào tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Có thể kể ra một số trận đánh tiêu biểu như: trận Bạch Đằng chống quân Nam Hán; trận đánh trên sông Như Nguyệt chống quân Tống; trận Chương Dương – Thăng Long, trận Bạch Đằng chống quân Nguyên Mông; trận Chi Lăng – Xương Giang chống quân Minh; trận Ngọc Hồi – Đống Đa chống quân Thanh; chiến dịch Biên giới, chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp; chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế – Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Những trận đánh kinh điển ấy gắn liền với tên tuổi của các vị tướng tài: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, v.v.. Ngày nay, nhìn lại lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, chúng ta tự hào về truyền thống hào hùng ấy. Hầu hết trong các cuộc chiến tranh, ta đều gặp bất lợi về so sánh lực lượng: quân ít, vũ khí trang thiết bị lạc hậu, thô sơ, nhưng, dưới sự lãnh đạo tài tình của các vị chủ tướng kết hợp với tinh thần đón kết của toàn dân, dân tộc ta luôn chiến thắng những thế lực ngoại xâm hùng mạnh đó. Những mưu kế quân sự như: nghi binh, vu hồi, sử dụng chính – kỳ, dựa vào thế – thời,… đã trở thành binh pháp, thành nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Với mong muốn đi sâu nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm nghệ thuật quân sự trong lịch sử quân sự Việt Nam, Thượng tướng – Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Hóng Minh Thảo đã viết cuốn sách “Bàn về nghệ thuật quân sự”. Cuốn sách đề cập những lý luận về nghệ thuật quân sự nói chung, đặc biệt nhấn mạnh lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam; phân tích cụ thể, chi tiết mưu kế chiến lược của các trận đánh lớn trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược của dân tộc ta; ngói ra còn tham khảo nghệ thuật dùng binh trong một số trận đánh nổi tiếng thế giới. Có thể nói, cuốn sách đã tạo dựng lại những năm tháng chiến đấu và chiến thắng mọi thế lực thù địch của dân tộc Việt Nam, góp phần gìn giữ, phát triển kho tàng nghệ thuật quân sự quý báu ấy.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 7 năm 2007
Nhà xuất bản chính trị quốc gia
***
Mời các bạn đón đọc Bàn Về Nghệ Thuật Quân Sự của tác giả Hoàng Minh Thảo.
Chia sẻ ý kiến của bạn