Cô Gái Lai Da Trắng

  • Tác giả : Kim Lefèvre
  • Định dạng ebook : eBook mobi pdf epub azw3
  • Chuyên mục : Hồi Ký

Là kết quả mối tình giữa một thiếu nữ Việt và một quân nhân người Pháp, lại bị cha đẻ bỏ rơi từ khi còn nằm trong bụng mẹ, cuộc đời của cô bé Kim trở thành một chuỗi những ngày tháng phiêu bạt không dứt từ vòng tay mẹ đến trại trẻ mồ côi đến trường nội trú, từ Bắc chí Nam… Trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thân phận vừa là con lai vừa là con hoang đã đặt trước Kim biết bao trở ngại, nhưng vẫn không thể khuất phục được ý chí cô vẫn nung nấu quyết tâm thay đổi vận mệnh mình, bằng con đường học vấn…

Với lối viết dung dị mà lôi cuốn, cộng thêm sức thuyết phục từ nhiều tình tiết chân thực và cảm động, Cô gái lai da trắng đã nhận được sự đồng cảm của độc giả qua nhiều thế hệ.

*** 




Đôi nét về tác giả

Kim Lefèvre chào đời ít lâu trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, cha người Pháp, mẹ người Việt Nam. Sống trọn thời thơ ấu tại Việt Nam, năm 1961 bà sang Pháp làm luận văn tiến sĩ và bắt đầu giảng dạy văn chương tại nhiều trường trung học tại Paris. Cuốn tự truyện Cô gái lai da trắng là tác phẩm đầu tay của bà, ra mắt năm 1982 với lượng tiêu thụ khá ấn tượng tại Pháp. Ngoài viết văn, Kim Lefèvre còn dịch một số tác phẩm của các tác giả Việt Nam, đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp. Bà cũng thể hiện tài năng diễn xuất trong lĩnh vực sân khấu.

***




Hết thảy những câu văn trên đều đã vẽ ra được một góc cuộc sống của những người dân Việt Nam đương thời, từ việc chịu đựng sự bóc lột, sự phân biệt nặng nề đến việc chịu cảnh tha hương khắp chốn hay phải sống chung với những định kiến mang nặng tính cổ hủ đối với đàn bà phụ nữ… Từ đó mà ta có thể mường tượng ra được một số phận nhỏ bé, lầm lũi và đầy sự cay nghiệt của “lũ dân đen Annamite” xưa kia.

Nếu ai đó nhắc đến chiến tranh, tôi liền nghĩ ngay đến những tháng ngày chết chóc đau thương, phải đi bôn ba khắp nơi để tìm một nơi để ngã lưng của những người dân, của những người lính và đặc biệt là của những đứa trẻ được sinh ra vào thời kì đó. Nhưng có lẽ, những đứa trẻ lai mới là những người thiệt thòi nhất. Còn gì đau khổ hơn khi biết mình là một con lai giữa Pháp và Việt ngay trong một bối cảnh chiến tranh chống Pháp còn đang dai dẳng tại Việt Nam, còn gì đau khổ hơn khi biết người cha Pháp của mình đã ruồng bỏ mình như ruồng bỏ một người xa lạ. Kim Lefèvre đã khắc họa được phần nào số phận và cuộc đời của những đứa con lai tại Việt Nam thông qua “Cô gái lai da trắng”, thông qua chính câu chuyện của cuộc đời bà.

“Tôi được sinh ra, hình như ở Hà Nội, vào một ngày mùa xuân, ít lâu trước cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, kết quả của một cuộc hôn phối chốc lát giữa một cô gái An Nam và một người Pháp.




Về chuyện này, tôi chẳng có bằng chứng gì xác thực, mà cũng chẳng ai làm giấy khai sinh cho mãi đến năm tôi mười lăm tuổi.

[…] Tôi nung nấu mối hận thù mãnh liệt với người cha không hề biết mặt ấy, dường như chỉ có những đứa con bị tổn thương đến cùng cực mới có thể hận thù được đến như vậy.”

Ở những dòng đầu, Kim đã kể lại với người đọc nơi mình sinh ra đồng thời cũng nói đến gia cảnh của chính bản thân mình. Bà là một người con lai mang trong mình dòng máu giữa Pháp và Việt. Trong cuộc đời của chính mình, bà có nhiều cái tên và họ khác nhau, chúng gắn liền với những sự kiện, những biến động trong dòng chảy số phận của bà. Từ lúc sinh ra cho đến lúc sang Pháp du học, bà đã trải qua rất nhiều biến cố từ việc bị quấy rối tình dục bởi người anh họ của mình “thấy bàn tay to tướng mềm nhũn của ông anh họ nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của mình mà gí vào chỗ kín của anh ta” cho đến việc bị đưa vào trại trẻ mồ côi bởi chính người mẹ của mình, phải chạy trốn nay đây mai đó vì chiến tranh rồi đến việc bị bắt quả tang khi bà hò hẹn với người thầy giáo, tất cả đều lột tả được số phận bi thảm của bà. Tuy nhiên bà vẫn vượt qua những bi thương đau khổ ấy và rồi cuối cùng giành được học bổng sang Pháp.




Song song với chuyện cuộc đời mình, Kim còn phần nào tái hiện được một góc xã hội Việt Nam thời bấy giờ thông qua những chi tiết như:

“[…] mẹ tôi là dân Bắc Kỳ. Bà vẫn nói giọng Bắc, đầu chít khăn chứ không búi tóc, đấy là bấy nhiêu bất lợi trong bối cảnh những mâu thuẫn địa phương rất khốc liệt. Tại Nam Kỳ, tức là ở phía Nam, người ta cho rằng dân Bắc Kỳ là những kẻ hà tiện và chỉ sĩ diện vẻ ngoài.”

hay




“Người ta nhớ lại hình ảnh những phu xe đã sức cùng lực kiệt mà vẫn phải chở những tên thực dân to lớn gấp ba mình và chỉ nhận được những cú đá thay cho tiền công.”

Hết thảy những câu văn trên đều đã vẽ ra được một góc cuộc sống của những người dân Việt Nam đương thời, từ việc chịu đựng sự bóc lột, sự phân biệt nặng nề đến việc chịu cảnh tha hương khắp chốn hay phải sống chung với những định kiến mang nặng tính cổ hủ đối với đàn bà phụ nữ… Từ đó mà ta có thể mường tượng ra được một số phận nhỏ bé, lầm lũi và đầy sự cay nghiệt của “lũ dân đen Annamite” xưa kia.

Khác với giọng văn đầy chất thơ của những nhà văn Pháp khác, giọng văn của Kim Lefèvre mang một nét gần gũi và bình dị, gần giống với giọng văn của các nhà văn Việt Nam. Trong “Cô gái lai da trắng”, Kim đã kể lại cuộc đời bà một cách vô cùng thân thuộc, hệt như cái cách mà những người bạn quen thân tâm sự với nhau. Khi tôi đọc, dường như có một cái gì đó cuốn hút tôi vào từng câu chữ, từng chương truyện trong tác phẩm. Và theo như tôi nghĩ, phải chăng chính sự bi thương, sầu thảm của số phận bà đã hấp dẫn tôi, lôi kéo tôi vào trong những trang sách, để tôi chiêm ngưỡng được một phần nào số phận người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến tranh loạn lạc?




Ấn tượng nhất của tôi về “Cô gái lai da trắng” chính là nét độc đáo trong việc bà kể lại các biến cố trong cuộc đời mình, từ đó mà đưa ra những bài học để đời và những quan niệm nhân sinh rất đặc sắc. Ví dụ như từ việc bà hẹn hò với chính người thầy của mình, dù biết việc làm này là sai trái, đi ngược lại với những luân thường đạo lý, nhưng bà vẫn kiên trì theo đuổi những cuộc đụng chạm da thịt chớp nhoáng này để rồi về sau bị bắt quả tang, phải chịu cảnh bị coi thường, khinh rẻ, ta rút ra được một bài học là đừng bao giờ để tình cảm che mờ đi lý trí của mình… Ngoài ra còn rất nhiều những bài học khác mà tôi sẽ đề cập đến trong bài viết sắp tới.

Nguyễn Du từng viết:

“Đau đớn thay phận đàn bà




Lời này bạc mệnh cũng là lời chung.”

Chắc có lẽ như giữa bà và Nguyễn Du cũng có một nét tương đồng, đó chính là sự thông cảm và thương tiếc cho những phận đàn bà, phụ nữ Việt Nam ở cái thời “đời người con gái là con đường nhỏ hẹp dẫn từ trinh tiết đến hôn nhân”, ở cái thời mà “người ta sợ Việt Minh như sợ cọp trong rừng xưa kia” vì “nghĩ rằng Việt Minh không phải là người mình”…

Hầu hết các tác phẩm văn chương thời chiến đều nói đến những người lính, những người dân hay nói đến bọn thực dân tàn ác mà ít đề cập đến số phận của những người con lai. Chính quyển sách này sẽ giúp mọi người hình dung rõ nét hơn về những con người mang danh phận con lai ở Việt Nam thời bấy giờ. Song song với nội dung đặc sắc trên, giọng văn và cách đề cập đến các vấn đề của bà cũng rất khéo léo, không gây gãy mạch truyện hay gây mất tự nhiên. Chính vì những điều trên, tôi nghĩ đây là quyển sách cần phải có trong tủ sách chiến tranh của mỗi người và tôi cũng rất khuyến khích các bạn nên đọc thử.




Nội dung: Đào Phụng – Bila Team

***

Tôi được sinh ra, hình như ở Hà Nội, vào một ngày mùa xuân, ít lâu trước cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, kết quả của cuộc hôn phối chốc lát giữa một cô gái An Nam và một người Pháp.




Về chuyện này, tôi chẳng có bằng chứng gì xác thực, mà cũng chẳng ai làm giấy khai sinh cho mãi đến năm tôi mười lăm tuổi. Mà tôi cũng chẳng tìm hiểu làm gì. Điều đó có gì là quan trọng đối với tôi hay đối với ai khác. Chúng tôi sống trong một xã hội mà khái niệm thời gian định lượng không hề tồn tại. Cả đời người đàn bà chỉ cần chia làm mấy giai đoạn lớn: thời thơ ấu, rồi lúc thấy kinh – dấu hiệu có thể sinh con, và nghĩa là sắp lấy chồng được, rồi làm mẹ, mà nếu may mắn sinh được một đứa con trai thì sẽ làm mẹ chồng để có cái quyền áp chế một nàng dâu e lệ bước vào nhà mình… Cho nên có sớm muộn bốn hay năm năm cũng chẳng nghĩa lý gì.

Tôi không biết cái ông sinh ra tôi trông giống ai. Mẹ tôi chẳng nhắc đến ông ta bao giờ. Trong những ngày buồn chán, tôi thích tưởng tượng, hình dung ông ta như một tay lính lê dương, không phải “chàng lê dương đẹp trai của em” như lời bài hát ở xứ Pháp này đâu, mà là một tay thực dân ngổ ngáo, đáng ghét, một kẻ thuộc phe kia. Tôi nung nấu mối hận thù mãnh liệt với người cha không hề biết mặt ấy, dường như chỉ những đứa con bị tổn thương đến cùng cực mới có thể hận thù được đến như vậy.

Tôi đã mang nhiều họ nối tiếp nhau, chúng giống như những cái bản lề trong cuộc đời tôi. Đầu tiên là họ Trần của mẹ, khi bà một mình vò võ nuôi con. Nhưng rồi, hoảng hốt vì ngày càng chứng kiến thêm nhiều hậu quả do sự tồn tại của tôi đè nặng lên cuộc đời bà, bà liền giao tôi vào tay một bà vú trước khi trốn lủi vào tận Sài Gòn, mảnh đất lạ lẫm với bà nhưng lại chất chứa nhiều hy vọng cho bà xây dựng lại tương lai. Tiếp đến là cái họ Tiffon của người đàn ông sinh ra tôi, vào giai đoạn mà tất cả họ hàng nhất trí đòi mẹ tôi đưa tôi vào trại mồ côi để “quẳng lại cho dòng giống nhà nó”. Bởi vì, nói đúng ra, tôi đã trở thành một con quái vật giữa cái xã hội hết sức dân tộc chủ nghĩa. Ông cậu tôi tham gia Việt Minh từ năm 1941 và hội họp thường xuyên trong các khu rừng thuộc Tuyên Quang. Tất cả mọi cái trên người tôi đều tương phản với những người trong gia đình: từ hình hài đứa con lai đến tính khí thất thường khó hiểu, tóm lại là trong người tôi rất ít chất Việt Nam. Người ta chụp lên đầu tôi đủ thứ xấu xa chỉ vì dòng máu Pháp chảy trong huyết quản tôi. Điều đó ngăn cản mọi sự âu yếm dịu dàng dành cho tôi. Tôi thông cảm với họ. Tôi đồng tình với họ. Tôi cũng thế, cũng ghét cay ghét đắng cái thứ máu ấy trong người mình. Khi còn là một đứa con gái nhỏ, tôi đã khấn Trời khấn Phật xui khiến tôi gặp phải tai nạn gì đó cho cái thứ máu ấy, thứ máu đáng nguyền rủa ấy, chảy ra hết khỏi người tôi, để tôi được là đứa con gái Việt Nam thuần chủng, hòa hợp với những người xung quanh và ngay với chính bản thân mình. Vì tôi yêu đất nước này, yêu những cánh đồng lúa, những lũy tre xanh, những cái ao làng nơi tôi vẫn thường vùng vẫy với đám trẻ cùng lứa.




Tôi không còn lưu giữ chút ký ức nào về những năm đầu của cuộc đời, ngoại trừ cái cảm giác rất sớm nhận ra rằng ở bất cứ chỗ nào mình cũng lạc lõng, xa lạ. Tôi rất đau lòng vì chuyện đó, không phải chỉ như chịu đựng một sự bất công, mà còn như phải mang trong mình một nét tật nguyền.

Tuổi ấu thơ của tôi chỉ còn là bóng đêm trong ký ức. Đêm di cư. Tôi vẫn còn giữ từng mảnh ký ức về những cuộc dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác, hệt như gói bưu kiện không người nhận. Bà vú già – từ lâu không được ai trả công, và cũng không còn nuôi nổi tôi nữa – cõng tôi trên lưng đi tìm một bà dì, ông cậu, hay bất cứ một người nào có dây mơ rễ má với tôi để trút sang họ cái gánh nặng này.

Vào một đêm thu tại Hà Nội. Tôi nhớ tiết trời dịu mát vì trận mưa phùn – cái thứ mưa nhẹ hạt ở Bắc Kỳ – nhớ cảm giác dìu dịu trên tấm lưng trần của bà vú, da thịt vừa nhão vừa đàn hồi. Tôi bám vào thịt da bà như bám vào tấm võng ấm áp và mịn mượt, tôi nhấm nháp tận hưởng niềm thích thú trên con đường bất tận ấy. Phải chi cuộc hành trình vô định ấy kéo dài suốt cả đời tôi, và tôi cứ được bám lấy tấm lưng trần ấm áp của bà vú, còn da thịt mình thì phó mặc cho những hạt mưa phùn với lòng biết ơn, như vậy thì thích biết mấy.




Trong ký ức xa xôi, tôi thấy Hồ Gươm hiện ra như một bức tranh Tàu mờ ảo trong sương. Vào năm nào? Tôi không thể nói chính xác. Bấy giờ các thiếu nữ đi dạo quanh bờ hồ, những mái tóc thề đen nhánh buông đến eo, và những tà áo mỏng phất phơ trước gió. Mấy đứa nhỏ chơi đùa trên bãi cỏ. Mấy bà hàng cốm bọc trong phiến lá sen những hạt cốm xanh rờn, mọng sữa, đượm hương lúa mới.

Tôi thấy lại ngôi trường mẫu giáo, sáng sáng bầy trẻ nhỏ xếp hàng ngay ngắn trước ngọn cờ tam tài của Pháp, hét đến váng óc bài Maréchal, nous voila…*

Người ta dạy lũ trẻ con chúng tôi sự ưu việt của trí tuệ so với bạo lực. Tôi còn nhớ bài hát kể chuyện Chú bé Tí Hon đã chiến thắng con quỷ ăn thịt người chỉ bằng mấy câu thế này:




Hỡi con quỷ kia, hãy tránh lối ta đi!

Bởi ta chẳng sợ gì mi

Mi chẳng làm gì được ta

Ta còn được học ở trường

Chứ mi thì mãi là tên dốt đặc.

Trí tuệ quả là thứ vũ khí kỳ diệu mà tôi mãi mãi tôn thờ.

Hồi đó, tôi còn ở nhà bà cô của mẹ tôi. Bà đã có tuổi và tàn tật, nhưng nhan sắc thì tuyệt trần. Nghe nói bà bị ngã thang, giập xương hông, nên từ khi lâm nạn, bà phải ngồi lì trên chiếc ghế bành. Nhưng con mắt bà vẫn linh lợi, tâm trí bà vẫn hoạt bát cứ như một nữ thần vĩnh cửu và đáng sợ. Khi cuộc sống xô đẩy tôi trôi dạt đến nhà bà thì tuổi bà đã khoảng sáu lăm. Tuy nhiên, khuôn mặt trái xoan chưa lộ ra chút dấu hiệu nào của sự suy sụp, mà trái lại những nét đẹp của bà vẫn giữ được một sự trẻ trung lạ lùng. Bà kiêu kỳ với làn da mịn màng huyền diệu được tắm rửa bằng sữa. Bà bảo đó là bí quyết giữ gìn nhan sắc của bà. Khiếm khuyết duy nhất ở bà có lẽ là cái dáng vẻ èo uột, bệnh hoạn, bất thường như cái cây úa vàng vì cớm nắng. Bà không tỏ chút tình âu yếm nào đối với mẹ tôi cũng như đối với tôi. Bà gây cho tôi cảm giác kinh hãi, nên tôi thường phải núp vào một xó để ngắm nhìn bà mà tim vẫn đập loạn lên, chỉ lo bị bắt gặp.

Trước khi bị nạn, bà cô của mẹ tôi sống phong lưu với một sĩ quan Pháp. Hai người sinh được một mụn con gái, tức là chị em con dì con già với mẹ tôi, hơn nhau vài tuổi. Dì Marcelle ở với bà cho đến khi có mang, sinh con trai xong là vội quẳng vào tay bà mẹ, tếch luôn sang Pháp. Dì đã sớm hiểu ra vận may của mình là không phải ở lại Việt Nam. Tôi ngờ ngợ rằng chính vào dạo ấy, mẹ tôi đã gặp cha tôi, nhưng không chắc lắm, vì không ai nói với tôi chuyện đó bao giờ.

Bà cô mẹ tôi cưng cháu ngoại như ông thánh sống. Đó là một anh con trai bảnh bao khoảng mười lăm tuổi mà cả nhà phải gọi là “cậu Yves”. Được bà nuông chiều, anh càng làm vương làm tướng. Người béo bệu, da dẻ hồng hào nhưng nhẽo nhợt. Trong cái xã hội Á Đông chúng tôi, anh ta đại diện cho “bọn mũi lõ”, cách gọi dân dã để chỉ người Pháp thời bấy giờ. Cứ thấy anh ta ló mặt là chúng tôi đều phải cụp mắt xuống. Ra dáng cậu chủ, anh ta ngồi ăn bên bàn, còn chúng tôi thì ngồi trên manh chiếu trải dưới đất. Thỉnh thoảng anh ta quẳng xuống chiếu mấy miếng ăn thừa.

Tôi rất hãi ông anh họ tôi, “cậu Yves”. Anh ta rất tai quái, xét nét từng li từng tí, chỉ rình xem tôi có sai sót gì là vin vào cớ đó mà bắt phạt. Tôi nhớ mãi những tiếng thét kinh hoàng của mình cái lần anh ta xốc tôi lên dứ dứ trên tổ kiến. Mà tội của tôi có đáng gì cho cam, chỉ là anh ta nghe người ta nói tôi không thật ngoan trên lớp. Dẫu gì thì anh ta cũng cứ muốn ra oai, thế là bắt tôi xắn quần qua đầu gối, quỳ ngay vào ổ kiến đang nháo nhác. Vì không bị trói nên tôi lẽ ra đã có thể trốn đi. Nhưng tôi vẫn cứ ở đó mà kêu la, gào khóc đến lạc giọng, như thể bị uy quyền của anh ta thôi miên vậy.

Hai chục năm sau, tôi được mời đến gặp lại anh ta, khi đó đã là kỹ sư một công ty dầu lửa tại Sài Gòn. Còn tôi cũng đã là một cô giáo trẻ dạy Pháp văn tại một trường trung học Việt Nam trong thành phố. Đắn đo, do dự mãi, nhưng rồi tính hiếu kỳ đã át nỗi e ngại, tôi nhận lời. Xích lô đưa tôi đến trước cổng một ngôi biệt thự trong khu gia cư. Từ ngoài nhìn vào thấy thấp thoáng một lối đi giữa hai hàng me, một bãi cỏ điểm xuyết những bụi râm bụt. Tôi vội quay ngoắt. Những cánh cửa của quá khứ đời tôi, ẩn nấp đằng sau là các hung thần cho đến giờ vẫn tiếp tục gây khiếp đảm cho đứa con gái nhỏ khốn khổ ngày trước, đã khép lại như thế đó.

Quan hệ giữa tôi với anh Yves hồi nhỏ là thứ quan hệ hết sức hỗn tạp. Ban ngày, tôi phải làm một phần việc của con sen con ở. Thế nhưng tối đến vẫn phải nằm cùng anh trên cái giường Tây cao lêu đêu. Với tôi, cái giường ấy luôn là giường lạ, không làm sao quen được. Leo lên cái giường ấy là leo vào một thế giới chất chồng sợ hãi và căm ghét. Thế mà tối nào tôi cũng phải nằm bên một con người suốt ngày hành hạ mình. Người tôi cứng đơ ra vì sợ hãi, hai mắt nhắm nghiền nhưng cứ phải nằm im thin thít, theo dõi nhất cử nhất động của ông anh họ, rình anh ta ngủ say rồi mới dám chợp mắt. Cả hai đứa rình lẫn nhau. Nhưng phần lớn thời gian, cái sợ của tôi tỉnh táo hơn cái ác của anh ta, nên anh ta luôn thiu thiu ngủ trước tôi. Bấy giờ tôi mới ngủ thiếp đi.

Tôi căm ghét cái giường đôi ấy, và mỗi lần phải đòn là tôi lại thừa dịp vừa kêu gào khóc lóc vừa tè luôn một bãi ra tấm khăn trải giường trắng tinh. Tôi sung sướng đến phát dại khi thấy cái giường bị ố bẩn, còn ông anh họ tôi thì tức tối lồng lộn. Những chiến công hiếm hoi ấy đã trả hận cho tôi những nỗi kinh khiếp lúc đêm khuya giật mình thức giấc, thấy bàn tay to tướng mềm nhũn của ông anh họ nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của mình mà gí vào chỗ kín của anh ta. Tôi trùm kín tấm chăn như trùm vải liệm, vừa ngạt thở vừa tê liệt vì ghê tởm. Một cơn lạnh buốt thấu ruột gan, chỉ muốn chết cho rồi. Lúc ấy tôi mới chừng bốn, năm tuổi.

Sáng ra mới thấy lại cái thú muốn sống. Mùi rau thơm, mùi gừng chín ngào ngạt từ dưới bếp đưa lên mùi phở, thứ xúp ăn sáng ở Hà Nội, thêm tiếng bát đũa, tiếng thìa chén lanh canh chuẩn bị bữa điểm tâm, cả một thế giới thân thuộc khiến ta yên dạ.

Nhà bà cô của mẹ tôi gồm một gian chính trông ra sân, giữa sân có giếng nước, bên kia giếng là một dãy những phòng nhỏ y hệt nhau, dành cho các cô gái được gọi là “con nuôi” của bà thuê lại. Họ đều là gái mới lớn, từ đồng ruộng ra thẳng đây để được tuyển làm vợ bé cho các sĩ quan Pháp là khách quen của nhà này. Các cô rời bỏ quê nhà để bố mẹ khỏi phải nuôi thêm một miệng ăn. Ngoài tuổi trẻ và nhan sắc ra, họ chẳng có của nả gì khác. Còn gì giản đơn hơn việc bán mình? Dẫu thế, họ vẫn không phải là gái điếm. Các cô không có cả cái ưu lẫn cái khuyết của gái điếm. Với bản tính cả thẹn và sự trong trắng cả thể xác lẫn tâm hồn, các cô co rúm người lại như phải nuốt chén thuốc đắng khi hiến thân cho gã đàn ông không quen biết. Đó là cái thời điểm khó chịu nhất buộc phải trải qua. Các cô không ý thức được bao nhiêu về nhân cách để cảm thấy bị xúc phạm. Huống hồ, họ cho rằng đã là đàn bà thì người đoan chính nhất cũng không thoát được việc đó trong ngày cưới của mình kia mà. Chẳng qua thân phận đàn bà là thế. Còn việc yêu đương, các cô chẳng bao giờ nghĩ đến, hay ít nhất cũng không nghĩ đến việc yêu đương những gã đàn ông cao lớn, lông lá, đang làm chủ cái đất nước vốn đã đầy rẫy những nỗi e sợ chồng chất lên đầu họ. Các cô chỉ cố không để những gã đàn ông ấy phật lòng và xin ngoan ngoãn làm vợ bé nàng hầu, miễn là được giữ kín, không để lọt tai tiếng về làng.

Trong số đó, tôi đặc biệt có cảm tình với một cô gái trẻ tuổi, mảnh mai, mái tóc óng ả trời ban mỗi lần ngồi xuống là quét tận mặt đất. Tình cảm âu yếm của cô đã bù đắp cho tôi. Tôi bắt chước dáng đi, dáng ngồi của cô, tôi cũng lấy khăn vấn tóc lên cho giống cô. Đôi khi tôi đi theo cô vào tận căn phòng nhỏ bề bộn những quần áo đàn ông. Một lần, cô bỗng chui xuống gầm giường lấy ra một cái tráp đựng mấy chiếc trâm cài đầu có hình chim đang bay, một chiếc mùi soa thêu, vài đồng tiền nhét trong ruột tượng. Số tiền chẳng là bao, nhưng cô vẫn phải trông vào nó phòng lúc ốm đau. Lo dành dụm kín đáo một ít tiền riêng là việc thường tình của người phụ nữ Á Đông đã hấp thụ nền giáo dục dựa trên đạo lý tam tòng. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Người đàn bà nào cũng phải tuân theo đạo tam tòng ấy. Cô cũng vậy, cô thấy trước rằng khi bị xử tệ hay bị xua đuổi, sẽ chẳng ai che chở cho mình, số phận cô lúc này hoàn toàn nằm trong tay ông chủ nhất thời kia. Gặp được người tốt bụng thì cô tạ ơn Trời Phật, chẳng may gặp phải người xấu thì cô đem chỗ tiền dành dụm mua chút lễ vật cúng Trời Phật cầu được phù hộ độ trì.

Tôi thường thấy mẹ tôi chôn giấu chút ít tiền bạc để đảm bảo cho mình khi gặp chuyện chẳng lành.

Mẹ ơi, con đã từng được kề cận bên mẹ trong những đêm tối đen như mực ấy. Hai mẹ con mình rón rén bước chân với ngọn đèn dầu lạc che khuất dưới chiếc nón lá. Ánh đèn chỉ đủ rọi xuống bốn bàn chân trần và khoảng sáng hẹp bao quanh. Mẹ lo không tìm ra chỗ bờ bụi nơi chôn giấu kho báu của mẹ. Mấy con chão chuộc thấy động kêu toáng lên làm con giật bắn người. Thỉnh thoảng một con đom đóm xé màn đêm bằng ánh sáng lập lòe trốn chạy, tưởng như những bóng ma trơi đang than khóc bằng ánh lập lòe ấy. Con mong sao cho cái hũ tiền của mẹ được chôn nơi tận cùng thế giới để mẹ con ta đi đến đó mà tìm, từ bỏ mãi mãi những gì ở lại phía sau.

Tôi sống ở Hà Nội với bà trẻ và anh họ tôi chỉ được một thời gian ngắn. Họ nhanh chóng chán ngán tôi. Từ lâu tôi cũng đã cảm thấy tự trong bản chất tôi có cái gì đó không những không gây thiện cảm mà còn gây ác cảm nữa, nó làm cho người có thiện ý nhất cũng dễ nản lòng, và làm cho sự vồ vập dành cho tôi không bao giờ biết đến ngày mai. Tôi không hề biết rằng mỗi lần người ta ngỏ ý muốn tống khứ tôi đi, chính là do mẹ tôi lần đó không gửi số tiền cần có để nuôi tôi. Bằng chứng là người ta lại tống tôi vào Sài Gòn với mẹ.

Tôi không nhớ được là vào năm nào và tôi đã đi như thế nào tới thủ phủ của miền Nam Việt Nam. Có lẽ lúc ấy tôi mới lên bốn lên năm gì đó. Mẹ tôi sống với một ông chồng trong một ngôi nhà đâu đó tại vùng ngoại ô. Một mảnh sân nhỏ ngăn cách gian bếp với nhà trên là nơi có đặt bàn thờ tiên tổ. Đấy là nơi mẹ tôi mỗi khi có điều gì buồn bực lại chìm đắm vào việc đèn nhang khấn vái.

Bà có mang và khấn vái suốt.

Mời bạn download ebook Cô Gái Lai Da Trắng ở mục download phía dưới, cảm ơn bạn đã ghé thăm Tiêu Dao Blog


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.