Bọn tin tặc đang âm mưu phát tán một loại virus gây bệnh cho mạng internet toàn cầu. Virus này sản sinh trong ổ cứng một backdoor – cửa mật, giúp chúng kiểm soát và khống chế từ rất xa tất cả các máy tính nối mạng. Các nhà máy hạt nhân, ngân hàng, hãng hàng không, công ty dược phẩm, hệ thống cung cấp nước sạch…, toàn bộ các trung tâm đầu não của thế giới phương Tây đều nằm trong tầm ngắm của chúng. Bọn khủng bố có thể tùy thích đánh bom các công xưởng, đầu độc người dân, chiếm đoạt tài sản cá nhân cũng như sản xuất dược phẩm giả hiệu. Nỗi kinh hoàng lớn của thế kỷ XXI – cuộc mưu hại về tin học – đang lan rộng trên toàn thế giới…

Chỉ có một người có thể đóng lại các backdoor mà đích thân ông đã dự kiến trong các phần mềm được sáng tạo theo yêu cầu của CIA: đó là Dan Barrett, người sáng lập Controlware, doanh nhân Mỹ lừng lẫy nhất hành tinh này. Nhưng than ôi, Barett vừa bị bọn khủng bố ám sát.

Emma Shannon, người tình cũ của Dan, với sự trợ giúp của một chuyên gia tin học và một nhà văn am hiểu về lịch sử nước Pháp, đã lao vào cuộc tìm kiếm phương thuốc giải độc, tức chiếc chìa khóa tin học duy nhất có thể giúp thế giới thoát khỏi thảm họa này. Nhưng chiếc chìa khóa ấy hiện cất giấu ở đâu? Trong mê cung đường hầm của lâu đài Versailles tráng lệ ở nước Pháp? Hay trong công thức toán học kỳ bí chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế?




Làm sao ngăn chặn kẻ thù ảo giấu mặt đằng sau CỬA MẬT?

***

Trước khi nhấn phím “Enter”[1] Owen Makresh nhíu mày tưởng nhớ đến người anh ruột Karim chết trong vụ World Trade Center[2] sụp đổ dữ dội ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sáu năm sau, tính theo từng ngày, đây là giờ phút hắn sắp trở thành người hùng như Karim.




Hắn quay người về phía Dmitri và nụ cười của hắn biến thành cái nhếch mép gượng gạo. Cả hai đứa hắn cùng đến thành phố Tallinn ở Estonie ngay sáng nay theo chuyến bay từ Jakarta có quá cảnh ở Moscou. Chúng đi xe bus từ phi trường về trung tâm thủ đô nước Estonie này rồi cuốc bộ đến quán bar nằm ở cuối con đường lát đá tảng trong khu phố trung cổ. Tổ chức đã cung cấp cho chúng những tấm hộ chiếu giả và một thẻ từ dùng để mở hai cánh cửa gỗ của bar Noku. Không phải bất cứ ai cũng có thể vào quán rượu này đâu, chỉ khách quen mới có tấm thẻ ra vào. Noku có nghĩa là “văn hóa trẻ”, lại cũng có nghĩa “con cu” trong tiếng lóng xứ này.

— Mày có biết mấy giờ ngày mai tụi nó đến không? – Dimitri hỏi khẽ khi bước qua cửa.

— Biết làm quái gì, – Owen đáp trả. – Ở giai đoạn 1 này, tao với mày là khá đông rồi đó.

Vào giờ này cái câu lạc bộ tư gần như vắng tanh. Bình thường thôi, chiều thứ ba mà. Vài thanh niên Nga ngồi tựa quầy bar nhấm nháp từng ngụm Saku, một loại bia địa phương. Nhạc rock theo kiểu các nước Baltes[3] lấn át tiếng nói chuyện. Cuối phòng, các hốc tường là nơi đặt nhiều PC[4] mốt mới nhất, màn hình phẳng nhấp nháy trong bóng tối. Tất cả mấy máy tính này đều nối mạng Internet. Từ nơi này người ta có thể kết nối với bất cứ nơi nào trên thế giới, với lưu lượng cung cấp rất cao.

Owen nhìn đồng hồ: 17 giờ 43. Hắn ra dấu, chỉ cho Dmitri bước đến hốc tường cuối phòng. Ở hốc bên cạnh, một gã thiếu niên, chắc là người Nga nếu đoán theo những con chữ hiện to trên màn hình, đang tải về những hình ảnh khiêu dâm rồi ghép vào đoạn băng quảng cáo cho cuốn phim sắp tới của George Lucas[5]. Bên cạnh chàng ta là một phụ nữ trẻ đầu cạo trọc, áo veste da, đang thiết kế trang chủ một mạng web. Owen kịp nhìn cái tên hiện ra: American Expresss với ba chữ “S”. Hẳn là một web giả mạo từ trang mạng thật của American Express. Đây là kỹ thuật – thường được gọi là phishing – quá quen thuộc với bọn tin tặc từ tám hay chín năm nay nhưng vẫn luôn tỏ ra hữu hiệu. Chỉ cần tạo ra một web giống hệt cái web chính thức của một công ty lớn, nhưng chỉ khác một chi tiết nhỏ, ví dụ như dư một chữ. Rồi những người khách hàng lơ đãng tưởng mình đang vào trang chủ của ngân hàng quen thuộc của mình thì tự ý đưa ra địa chỉ rồi mật khẩu của mình…


Mời các bạn đón đọc Cửa Mật của hai tác giả Christine Kerdellant & Éric Meyer.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.