Lời nói đầu Để hiểu Đạo Phật

Đạo Phật có một kho tàng kinh-điển phong phú hơn hết thảy các tôn giáo triết học khác. Nội một Đại-Tạng-Kinh gồm gần mười ngàn pho cũng đủ làm cho những học-giả kiên-chí nhất phải lắc đầu e ngại.

Huống nữa còn biết bao nhiêu sách vở cận đại trên thế giới, trước tác, giải thích, bình luận về giáo lý đạo Phật!

Chúng tôi nhờ duyên may, được học Phật từ khi còn để chỏm; đến nay tuy đã ba mươi mấy tuổi đầu rồi mà vẫn còn thấy dốt, và không biết còn phải bơi-lội bao nhiêu năm nữa trong cái biển Phật học mênh mông kia.




Chúng tôi nào có dám viết sách dạy ai về cái môn học mà chúng tôi tự thấy còn dốt nát ấy. Chỉ vì một số bạn hữu quá yêu ép-uổng mà phải cho in tập này đấy thôi. Chẳng phải để khoe một mớ hiểu biết cạn cợt mà chỉ là để khỏi phụ lòng bạn -hữu trông đợi. Những bài in trong tập này, nếu may mắn lắm cũng chỉ gây được trong tâm hồn người đọc những nhận-thức khái-quát về

Phật Học, một môn học bao-la không bến bờ. Chúng tôi viết những bài ấy trong những thời gian khác nhau; một ít bài đã được in trong các tập-san

Phật Học trong nước. Như vậy, hình như tập sách không được xếp đặt một cách nhất-trí và có hệ thống. Tuy nhiên, bạn đọc vẫn có thể, trong nội dung, tìm thấy sự nhất trí ấy của cả tập sách; bởi vì khi viết, chúng tôi đã thường đứng trên phương-diện nhận-thức-luận để trình bày vấn đề.




Với sự bộc-bạch trên đây, chúng tôi tin-tưởng rằng các bậc cao-minh sẽ hoan hỉ chỉ giáo cho chúng tôi những chỗ nhầm lẫn, và nếu may mắn tập sách này được sự đón-tiếp ân-cần của chư-vị, chúng tôi sẽ xin nguyện gặp lại chư vị trong những tập sách khác, viết về nền triết-học và đạo-học mà chúng tôi đã cố tìm hiểu và đã sống: Đạo Phật.

Viết tại Huế ngày 01 tháng 10 năm 1958

PHƯƠNG BỐI


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.