Về tên gọi “Đế Thiên Đế Thích”, Wikipedia tiếng Việt cho biết như sau: “Angkor Wat (đọc theo tiếng Việt: Ăng-kô-vat ) thuộc tỉnh Siem Reap. Angkor Wat còn có tên cổ tiếng Việt là đền Đế Thiên, trong khi đó, Angkor Thom thì được gọi là đền Đế Thích, cả khu đền Angkor được gọi chung là Đế Thiên Đế Thích. Theo tiếng Khmer Angkor: kinh đô, Wat: đền thờ hay chùa, là một đền thờ vị thần Visnu của Ấn Độ Giáo tại Angkor – địa điểm của các thủ đô của Đế quốc Khmer”. (http://vi.wikipedia.org/wiki/Angkor_Wat). Theo lời trên thì người Việt dùng từ Đế Thiên để gọi đền Angkor Thom, từ Đế Thích để gọi đền Angkor Wat[1] và cụm từ Đế Thiên Đế Thích để gọi cả khu đền Angkor gồm hai đền đó và nhiều đền nhỏ hơn như: Preah Khan, Neak Pean, Ta Keo, Ta Prohn, Banteay Kdei, Phnom Bakheng… (xem bản đồ bên dưới – các hình màu trong ebook này đều do tôi chép lại từ các trang mạng, trong bản nguồn chỉ có hình trằng đen).
Angkor Thom, Angkor Wat và một số đền khác
Cụ Nguyễn Hiến Lê, trong cuốn Đế Thiên Đế Thích này, cũng dùng từ Đế Thích để chỉ Angkor Thom: “Đế thích (Angkor Thom)”[2], và trong cuốn Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ, cụ cũng dùng hai chữ Đế Thiên để chỉ Angkor: “Angkor Vat (Đế Thiên)”[3]. Theo cụ thì:
“Đế Thiên Đế Thích có hai phế tích lớn: Angkor Thom và Angkor Vat, Angkor Thom là một đền thờ[4].
Nhờ tìm được nhiều tấm bia, các nhà khảo cổ hiện nay cho ta biết một cách gần như chắc chắn thời kỳ xây cất những ngôi đền chính. Những phế tích cổ nhất dựng từ thế kỷ VI, rồi tới thế kỷ IX người Miên tiếp tục kiến thiết khu Đế Thiên Đế Thích cho đến đầu thế kỷ XIII… Những công việc kiến thiết đó hao tốn rất nhiều tài sản, sức lực của dân, mà người Miên từ đầu thế kỷ XIII, hoá ra kiệt quệ, bị người Thái chiếm… Các vua Miên từ đó phải bỏ miền Bắc để tránh người Thái, xuống ở miền Nam, dựng đô ở Oudon, phía trên bến đò Kompong Luong vài cây số, rồi lại dời lần nữa xuống Nam Vang, sau bị Việt rồi tới Pháp đô hộ…
[Khu đền] bị bỏ hoang giữa một khu rừng rậm mãi đến năm 1914 một người Pháp mới tìm ra. Sau đó, nhiều kẻ ăn cắp những phiến đá chạm trổ để đem bán, gây ra một vụ kiện sôi nổi ở Nam Vang. Năm 1924, trường Viễn đông bác cổ (École Française d’Extrême Orient) dựng lại bằng những vật liệu cũ, theo bản đồ cũ, và chận lại được sự phá phách của thời gian và của loài người…
Lạ thay! Chính người Miên cũng quên lịch sử của một triều đại rực rỡ nhất của họ, triều đại vua Jayavarman VII và trường Viễn đông bác cổ phải mất 40 năm sưu tầm, khảo cứu các di tích ở đền Ta Prohm, Park Khan, Bantéai Chmai, Phiméanakas, cả Lào (gần Vieng Chan) ở Mi Sơn (Trung Việt) rồi mới lần lần về chép lại được đời của vị vua anh dũng nhất đó của Miên, vị vua đã mở mang đất Miên tới Lào, Chiêm Thành, có lẽ tới cả Miến Điện nữa, làm cho đế quốc Miên chưa bao giờ rộng như hồi đó”.
Cụ còn cho biết thêm: vua Jayavarman VII đánh đuổi giặc Chiêm thành, bình định được toàn cõi, xây dựng lại kinh đô Yaco dharapura, “năm 1190, ông sai sứ sang Việt Nam, lấy lòng vua Lý Cao Tôn để vua Lý trung lập, xua quân qua Chiêm Thành…”.
Có phải trễ lắm là đến năm 1190, người Việt đã biết kinh đô Yaco dharapura[5], tức Angkor và tên Đế Thiên Đế Thích đã được ông cha chúng ta dùng để chỉ kinh đô này? Và có phải do vậy mà Wikipedia tiếng Việt bảo rằng tên đó là “tên cổ tiếng Việt”?
Tác giả Minh Nguyệt trong bài Đế Thiên Đế Thích bảo: “Ở VN ngày trước, bắt chước cách gọi của người Trung Hoa, cha ông chúng ta thường gọi Angkor Wat là đền Đế Thiên, trong khi đó, Angkor Thom thì được gọi là Đế Thích. Cả khu đền Angkor được gọi chung là Đế Thiên Đế Thích” (http://tailieudulich.wordpress.com/2010/10/17/dế-thien-dế-thich/). Nhưng theo Wikipedia tiếng Trung thì Angkor Wat được gọi là Ngô Ca Quật, còn gọi là Ngô Ca Tự… sách Trung Quốc xưa gọi là Tang Hương Phật xá (Ngô Ca Quật, hựu xưng Ngô Ca Tự… Trung Quốc cổ tịch xưng vi “Tang Hương Phật Xá”吳哥窟,又稱吳哥寺… 中國古籍稱為“桑香佛舍”) (http://zh.wikipedia.org/wiki/吴哥窟); còn Angkor Thom được gọi là Ngô Ca Thành, còn gọi là Đại Ngô Ca[6] (Ngô Ca Thành hựu danh Đại Ngô Ca 吳哥城 又名大吳哥) (http://zh.wikipedia.org/wiki/吴哥城). Còn Chu Đạt Quan, một nhà ngoại giao Trung Hoa dưới thời Hoàng Đế Thành Tông nhà Nguyên, đã đến Angkor vào tháng 8 năm 1296, ở lại triều đình của nhà vua Indravarman III cho đến tháng 7 năm 1297, nhưng trong tập bút ký viết về các phong tục của Căm Bốt và toàn thể khu vực đền đài Angkor, tức tập Chân Lạp Phong Thổ Ký, ông không nêu tên kinh đô mà chỉ gọi là “thành quách” (nghĩa là thành có tường bao quanh) (Xem Chu Đạt Quan, Chân Lạp Phong Thổ Ký, bản dịch của Ngô Bắc đăng trên trang http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacChuDatQuanChanLap.htm).
Tóm lại: Tên Đế Thiên Đế Thích đã có từ thời nào[7], và tại sao lại gọi như vậy, có phải là do ông cha chúng ta bắt chước người Trung Hoa không? Rất mong quí vị nào biết, xin vui lòng chỉ bảo cho.