Vào 1 ngày đẹp trời sau Mậu Thân 68, Vệ Tinh của Liên Xô bỗng phát hiện ra dấu vêt rõ ràng của kim loại quý tại vùng rừng hẻo lánh sát biên giới Lào của tỉnh Quảng Nam. Một mỏ vàng lộ thiên hay một kho vàng cũ của phát xít Nhật? Một đội đặc nhiệm được thành lập để thực hiện cuộc tìm kiếm. Đội mang tên TK1, bao gồm 4 thành viên:1 chiến sĩ an ninh, 2 trinh sát đặc nhiệm và 1 cán bộ địa chất giàu kinh nghiệm.
4 người đã tiến hành tìm kiếm xuyên qua vùng rừng nguyên sinh hầu như chưa có dấu chân người, qua nhưng nghĩa địa voi, rừng khô cháy, núi cao, vực sâu. Người cán bộ địa chất bất ngờ gặp tai nạn và hy sinh khi vượt vực, mang theo mọi bản đồ và la bàn. 3 người còn lại tiếp tục hành trình bằng kinh nghiệm của thợ săn. Khi đến đúng địa điểm đánh dấu trên bản đồ, họ bị trực thăng của kẻ thù phát hiện và săn đuổi.
Buổi chiều một ngày đầu tháng 4 năm 1969.
Đang chuẩn bị cho chuyến đột nhập về vùng ven thị xã Quảng Trị, tôi bỗng được lệnh lên gặp ông Thủy để nhận công tác gấp. Chia tay với Bằng và Dũng, hai người đồng đội cùng tổ trinh sát, tôi vội vã đi lên khu hầm chỉ huy, trong lòng thấp thỏm. Vẫn biết đi công tác đột xuất đồi với lính an ninh là chuyện thường tình, nhưng đích thân đồng chí trưởng ty giao nhiệm vụ thì hẳn là công việc rất quan trọng…
Ông Thủy rút từ cặp hồ sơ ra tờ giấy ghi điện mật, nhưng không đưa cho tôi mà giơ lên trước đèn, vừa nhìn bức điện vừa nói:
– Tôi mới nhận được điện của Khu ủy, trên ấy điều cậu đi công tác gấp. Trong điện ghi đích danh nên không thể thay bằng người khác được. Chính vì thế mà tôi phải cho đồng chí Diễn xuống ngay, sợ các cậu đi rồi thì lỡ việc. Thế nào, đột xuất như vậy có ảnh hưởng gì tới công việc của tổ cậu không?
– Báo cáo, không sao ạ! Đồng chí Bằng đảm đương được, cậu Dũng cũng quen rồi. Nhưng có việc gì mà Khu ủy điều đến tôi ạ?
Ông Thủy nhìn tôi, mắt thoáng cười sau cặp kính loáng ánh đèn:
– Đừng sốt ruột? Cậu đã biết rồi, có những việc khi bắt tay vào làm mới rõ. – Ông ngừng lại như để cân nhắc điều gì, rồi nói tiếp – Riêng trong chuyện này, tôi cũng mới nắm những nét chung nhất thôi. Về phần cậu chỉ cần nhớ: Khu ủy điều cậu đi công tác gấp, trong chiều mai phải có mặt ở T.2. Đường xa lại khó đi, cậu phải lên đường ngay mới kịp.
Ông mở cặp hồ sơ trên bàn, lấy ra tờ giấy giới thiệu:
– Không có lệnh điều động đâu! Tôi đã viết sẵn giấy giới thiệu cho cậu. À, trong điện nói rõ: chỉ mang theo vũ khí và tư trang cần thiết. Những thứ cần dùng cho công tác sắp tới sẽ lĩnh ở T.2. Cậu cần bao lâu để chuẩn bị?
– Báo cáo, tôi đi ngay được ạ!
– Tốt! Đây là mật khẩu đêm nay trên đường giao liên, đọc xong nhớ kỹ rồi đưa lại cho tôi. – Ông đưa tôi mảnh giấy nhỏ – Tôi đã điện hỏi bên giao liên, đường đêm nay yên, đi được.
Tôi đọc mật khẩu rồi đưa trả mảnh giấy. Mật khẩu rất dễ nhớ. Còn tờ giấy giới thiệu tôi gấp lại, cẩn thận cho vào bao nilong, cất trong túi áo ngực. Nội dung giấy giới thiệu cũng như thường lệ, chỉ phần lý do công tác lại ghi: “Gặp anh Hai Nguyên”, rất cụ thể nhưng khó hiểu.
Ông Thủy tháo kính, ngả người vào lưng ghế:
– Cậu còn hỏi gì nữa không?
Tôi chưa trả lời ngay, trong đầu thoáng nghĩ về chặng đường sắp tới. Chưa đến T.2 lần nào, nhưng tôi biết đó là trạm giao liên thuộc đường dây 559, chuyên đưa đến các đoàn cán bộ vào ra công tác ở Trị Thiên. Trạm nằm ở phía tây Vĩnh Linh, đâu như trong một cánh rừng thuộc Bãi Hà. Như vậy đêm nay tôi lại đi ra Bắc, ngược hướng với Bằng và Dũng. Sẽ vượt sông Bến Hải ở Bến Than. Sức trai hăm ba tuổi lại quen vất vả từ nhỏ, chặng đường này đối với tôi chẳng mùi mẽ gì.
Ngẩng đầu lên, thấy ông Thủy vẫn đang chờ trả lời, tôi vội đáp:
– Báo cáo, rõ cả rồi ạ! Chỉ có đoạn từ Bến Than đến T.2 tôi chưa đi lần nào…
– Qua Bến Than, cậu phải đi gần một ngày nữa. Tới đó đã là đất miền Bắc, cứ hỏi đường lên Bãi Hà, sẽ có người đến. Nhưng nhớ giữ kỹ giấy giới thiệu. Không có nó, cậu không đi được bước nào trên đất Vĩnh Linh đâu. À, cậu quê ngoài đó cơ mà, còn lạ gì nữa!
Ông đứng dậy tới bên chiếc ba lô treo ở vách hầm, lấy ra hai phong lương khô đưa cho tôi:
– Cầm lấy ăn dọc đường. Chỉ đi trong một ngày đêm, khỏi cần xuống hậu cần nhận gạo. Vả lại đi gấp cũng chẳng kịp nấu cơm. Mà ra quê cậu đâu có lo đói. Này, cậu biết anh Hai Nguyên rồi phải không?
– Dạ, đã gặp vài lần rồi ạ! Anh Hai Nguyên là cán bộ lãnh đạo của Khu ủy, tôi có gặp mấy lần khi anh về Ty an ninh làm việc. Đó là người lãnh đạo mà lính an ninh chúng tôi hết lòng kính phục. Anh có tác phong giản dị, cách nói chuyện rất hấp dẫn, vừa sâu sắc vừa dí dỏm. Cánh trinh sát bên Tỉnh đội kể mãi về chuyện trước Mậu Thân, anh cùng lính đặc công mặc đồ cụt ngụy trang cắp AK bò vào tan sân bay Ái Tử, thành thạo không kém bất cứ một chiến sĩ đặc công dày dạn nào. Về tuổi tác, đáng ra như tôi phải gọi anh bằng chú, nhưng anh dặn chúng tôi cứ gọi bằng anh cho dễ xưng hô và để anh được trẻ lâu…
Thấy ông Thủy nhìn đồng hồ, tôi vội nhìn xuống chiếc “Pônzốt” đeo ở cổ tay: đã bảy giờ tối.
– Thôi, cậu đi được rồi đấy?
Ông đứng dậy cầm chiếc ba lô nhẹ tênh giúp tôi khoác lên vai và đi cùng tôi ra tới cửa hầm ngoài cùng. Đặt cả hai tay lên vai tôi, ông thân mật nói:
– Mình chưa biết cụ thể công việc sắp tới của cậu, nhưng chuyến đi này có lẽ dài ngày. Vậy chúc cậu lên đường may mắn và mạnh khoẻ. Trước lúc cậu đi, mình chỉ dặn một điều: Khi trên đã điều động một người lính an ninh, thì có nghĩa công việc sắp tới không chỉ cần đến lòng dũng cảm trung thành, mà còn cần cả kinh nghiệm, sự hiểu biết và bản lĩnh của một chiến sĩ an ninh. Thôi, đi nhé!
Cảm động trước lời dặn dò chân tình của ông, tôi bối rối nên chỉ đáp ấp úng: “Chào thủ trưởng, tôi đi ạ”‘ ông bắt tay tôi lần cuối rồi quay vào hầm.
Xốc lại chiếc ba lô và khẩu súng trên vai, tôi bước ra mé đồi đưa mắt tìm lối đi. Lúc đó tôi đâu có ngờ rằng mình đang bước những bước đầu tiên của một chuyến đi dài ngây, một chuyến đi kỳ lạ chẳng hề giống bất cứ chuyến công tác nào trước đó.
Sau gần một đêm và một ngày cuốc bộ thật lực, tôi tới trạm khách của T.2 đúng giờ qui định nhưng không gặp anh Hai Nguyên, chỉ nhận được mẩu giấy của anh gửi lại với nội dung ngắn và rõ như một mệnh lệnh: “Nghỉ ngơi và chờ đợi”.
Đêm ấy tôi mắc võng nằm một mình trong căn nhà vắng ở góc rừng, trằn trọc mãi bởi tâm trạng nôn nao trước công việc sắp tới, mà đến lúc này vẫn chưa biết được là việc gì.
Sáng hôm sau khi từ dưới suối lên, tôi nghe trong nhà có tiếng người, chắc có ai mới đến. Đang định phơi bộ quần áo vừa giặt, bỗng thấy một người mặc quan phục hiện ra trước cửa, nụ cười tươi rói trên khuôn mặt ngăm đen thân thiết. Tôi ngớ người rồi bật reo: “A, anh Đằng!” Ném bộ quần áo ướt lên chiếc sào tre, tôi nhào tới ôm chầm lấy anh. Anh cười khà khà:
– Chưa hết! Ai đây?
– Anh né sang một bên.
– Ôi! Cả anh Hùng nữa! Các anh đi đâu vậy? – Tôi hỏi một câu khá ngớ ngẩn.
– Đi với cậu chứ đi đâu? Vào đây? Vào đây nói chuyện.
Chúng tôi ngồi xuống bên bàn, ngắm nhìn nhau.
– Các anh vẫn thế, chẳng thay đổi gì cả? – Tôi nói.
– Thay đổi thế nào được, bọn mình vẫn khỏe như vâm. Tới trạm nghe ông Hai Nguyên bảo xuống đây sẽ gặp người quen. Gặng mãi ông ấy chẳng nói, chỉ tủm tỉm cười. Ai ngờ lại là cậu…
Nói chuyện một lúc, rồi tôi dẫn các anh ra suối. Hai anh xuống tắm, còn tôi ngồi giặt giúp mấy bộ quần áo. Câu chuyện vẫn sôi nổi không dứt.
Thì ra các anh vẫn chưa biết ra đây làm nhiệm vụ gì. Đang hoạt động ở phía bắc đường Chín bên đất Lào, nhận được điện là lên đường ngay. Đi suốt đêm ra tới đường Trường Sơn, vẫy một chiếc xe con, may gặp đồng chí cán bộ đoàn 559 là người quen của anh Đằng đi Hà Nội họp. Anh ấy cho xe chở tận Bãi Hà.
Anh Đằng và anh Hùng là trinh sát quân báo của một sư đoàn chủ lực chuyên hoạt động ở chiến trường Quảng Trị, Nam Lào. Tôi quen các anh trong một trường hợp khá đặc biệt mà có lẽ chẳng ai muốn có một dịp như vậy để làm quen với nhau. Hôm ấy tổ công tác của chúng tôi đang trên đường trở về hậu cứ sau một chuyến công tác. Thời gian này địch nống ra đánh phá ác liệt hòng đẩy bộ đội ta lên xa trên núi. Sau Mậu Thân lực lượng ta tổn thất khá nhiều. Các cơ sở nằm vùng phần bị bắt, phần bị lộ phải nít ra nên công tác của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hôm ấy có việc gấp nên chứng tôi đi từ trưa. Lúc ngang qua dãy đồi sim ở vùng tây Cam Lộ, chúng tôi gặp một đơn vị đang bị phục kích. Đó là tổ trinh sát của anh Đằng và anh Hùng. Chúng tôi đã cùng lợp sức diệt gọn toán thám báo địch. Rồi quen nhau từ đó.
Về sau, thỉnh thoảng có dịp công tác qua, các anh lại ghé vào hậu cứ Ty an ninh thăm chúng tôi. Có lần anh Đằng đưa cho tôi một tờ báo của Quân khu, trong đó có đăng bài viết về trận đánh nhỏ của chúng tôi. Bài báo biểu dương tổ trinh sát của tôi, nói đó là trận đánh phản phục kích, đánh phối hợp theo tiếng súng tuyệt đẹp…
Chẳng biết anh Đằng đã kể gì với nhà báo, chứ chúng tôi thì lại hết sức cảm phục các anh. Bị phục kích bất ngờ như thế, trước một khẩu trung liên và nửa tá nòng tiểu liên bắn như đổ đạn, nhưng vẫn đánh trả được và chỉ bị thương nhẹ có hai người, chứng tỏ các anh là những người lính trinh sát dạn dày bản lĩnh mà còn lâu cánh lính trẻ chúng tôi mới theo kịp…
Vì vậy tôi rất mừng khi được đi với hai anh trong chuyến công tác, dù chưa biết sẽ làm công việc gì.
Đợi hai anh tắm xong, chúng tôi cùng lên nhà. Vừa bước vào cửa đã thấy anh Hai Nguyên ngồi uống nước trà bên bàn, ung dung như một thầy giáo đang đợi trống đánh báo giờ vào lớp.
– Thế nào, đã kịp làm quen với nhau rồi phải không? – Anh nheo mắt hóm hỉnh.
Cả ba chúng tôi cùng bật cười. Anh Đằng trả lời:
– Thế mà hỏi mãi anh không nói. Ai chứ Hải với bọn em còn hơn cả ruột thịt…
– Biết thế nên mình mới để các cậu đi với nhau chuyến này. Nhưng việc đó nói sau, đang còn đợi một cậu nữa từ Hà Nội vào. Giờ các cậu cứ phải nghỉ ngơi thôi. Tuyệt đối không được sốt ruột đấy nhé. Mình đi đây? Nếu tối nay rảnh, sẽ xuống ngủ với các cậu một đêm.
Nói xong, anh đứng dậy, thân mật vỗ vai từng người rồi nhanh nhẹn bước ra cửa. Đã quen với tác phong của anh nên chúng tôi không ngạc nhiên.
Đến chiều, chúng tôi ra ngồi dưới gốc cây, lại hàn huyên mãi không thôi. Anh Hùng lấy trong ba lô ra gói lạc và kí đường, trổ tài nấu một mẻ kẹo. Kẹo lạc anh nấu rất ngon, nhưng vừa ăn vừa phải bóc giấy báo dính sau lớp kẹo vì không có bánh tráng để đổ.
Lúc sẩm tối, anh Hai Nguyên ôm võng xuống ngủ với chủng tôi. Bốn chiếc võng mắc chụm đầu vào cây cột giữa nhà. Chúng tôi rủ rỉ trò, chuyện đến nửa đêm. Khi nghe anh hỏi chuyện, tôi thấy anh biết khá rõ hoàn cảnh gia đình của mỗi chúng tôi. Đến lúc nghe anh kể về mình, mới biết anh quê Quảng Nam chứ không phải ở Nam Bộ như lâu nay tôi vẫn tưởng. Vì ít được tiếp xúc nên tôi không rành phân biệt giọng nói người miền trong. Hơn nữa, cái tên Hai Nguyên cùng với phong thái cởi mở sôi nổi làm anh có dáng dấp của một “anh Hai Nam Bộ” trong suy nghĩ của tôi.
Quê anh ở cạnh con sông Thu Bồn, một làng quê nghèo và hiền lành như bao làng quê miền Trung. Nhà anh chỉ có hai anh em. Cha mẹ anh mất sớm, lúc đó anh mười tuổi còn người anh trai mười lăm. Vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học nên cả hai anh em đều sáng dạ, ham học. Bà con nội ngoại thấy vậy đã xúm lại giúp hai anh em theo việc đèn sách. Anh cùng anh trai vào Quy Nhơn ở nhờ nhà một người bà con xa làm nghề buôn bán, vừa đi học vừa phụ giúp bán hàng và tính toán sổ sách để có thêm chút ít thu nhập ngoài số tiền nhỏ mà bà con ở quê thỉnh thoảng gửi vào. Năm 1943 cả hai anh em cùng lúc thi đỗ diplome khiến họ hàng gần xa ai cũng tự hào và hả dạ. Ở quê, có những dòng họ giàu có sẵn sàng chu cấp cả trăm lần hơn thế cho con cháu ăn học, mà đâu có ai được như vậy. Anh trai anh vẫn tiếp tục học lên. Nhưng anh thấy số tiền ít ỏi mà bà con làng xóm gom góp chu cấp không kham nổi việc hai anh em cùng học, nên anh tự ý nghỉ, đi làm nghề dạy kèm để kiếm thêm, dù người anh hết sức can ngăn và la mắng.
Năm Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, anh trở ra quê hăng hái tham gia phong trào ở địa phương. Trong những ngày sôi nổi ấy, anh lăn vào tất cả mọi công việc mà chính quyền Cách mạng non trẻ ở quê cần đến, từ dựng cổng chào, cắt khẩu hiệu, dạy bình dân học vụ cho tới tập quân sự, tuần tra canh gác… Khi những chuyến tàu rầm rập ngày đêm chở thanh niên trai tráng “Nam tiến” chạy qua cái thị xã Đà Nẵng nồng mùi cá biển, thì anh không còn chịu được nữa. Anh nhảy lên một chuyến tàu như thế, bằng mọi cách năn nỉ với đồng chí chỉ huy cho đến lúc được nhận theo. Từ đó anh đã đi qua nhiều miền đất, nhiều chặng đường gian truân của cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, anh là trung đoàn trưởng chỉ huy một trung đoàn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Hòa bình, anh ở lại miền Bắc tham gia xây dựng quân đội. Vì vậy kể từ ngày bám theo đoàn tàu Nam tiến đến mãi sau này, anh không nhận được tin gì về anh trai mình. Anh không bao giờ quên được những ngày tháng gian nan khốn khó hai anh em mồ côi cha mẹ đùm bọc nương tựa vào nhau trong sự cưu mang của bà con họ hàng. Hình ảnh ngôi nhà tranh bé nhỏ có cây mai già mọc trước mảnh sân đầy rêu, nơi hài anh em anh sinh ra và lớn lên, luôn hiện ra trong tâm trí những lúc anh nhớ về quê nhà, về người anh trai của mình. Mỗi khi xuân đến, màu hoa mai nở vàng rực càng làm cháy lên trong anh nỗi khát khao trở về sững và chiến đấu trên mảnh đất quê hương.
Năm 1959, anh được điều sang đoàn cán bộ vào Nam tăng cường cho Khu ủy Trị Thiên. Hai năm sau, nhân gặp một người bạn ở Tỉnh ủy Quảng Nam ra Bắc công tác, anh mới biết anh trai mình hiện đang sống ở Sài Gòn, là giáo sư dạy sử ở một trường dại học. Anh ấy đã lập gia đình, có hai con, một trai một gái…
Anh kể tiếp:
– Trước sáu tám, mình được tin anh mình chuyển ra sống ở Đà Nẵng. Nghe nói ông đã bỏ nghề dạy học, giờ chỉ ở nhà viết sách. Còn đứa cháu trai thì đi lính ngụy, hình như làm “philốt”. Không biết đã có khi nào nó ném bom xuống đầu chú nó chưa…,
Anh cười buồn, ngưng một lúc rồi mới nói tiếp:
– Dạo Mậu Thân, mình có nhờ bạn bè trong đó tìm kiếm. Sau này anh em báo ra là đã móc được với anh mình, nhưng chưa kịp nhận hồi âm vì tình hình lúc đó diễn ra ác liệt quá… Mình chỉ mong hai anh em còn sống đến ngày hòa bình để được ôm lấy nhau, để dắt nhau về lại ngôi nhà nhỏ có cây mai già ấy mà thắp cho ông bà cha mẹ mấy nén hương…
Trong đêm khuya thanh vắng, câu chuyện về gia đình qua giọng kể thủ thỉ buồn buồn của anh làm chúng tôi nao cả lòng. Tôi không ngờ người cán bộ lãnh đạo lúc nào cũng nhiệt tình sôi nổi và hóm hỉnh đó lại chứa chất trong lòng một tâm sự da diết đến như thế.
Sáng hôm sau tỉnh giấc, thấy anh Hai Nguyên đã dậy cuốn võng đi từ lúc nào. Anh Đằng cười:
– Ông này đúng là đặc công thứ thiệt. Đi lúc nào mà êm ru, mình chẳng hay biết gì cả!
Nhưng chỉ nửa giờ sau anh lại đến. Cùng đi với anh có một người trạc tuổi anh Hùng, dáng cao cao, nước da trắng, mặc bộ quân phục và đeo chiếc ba lô cóc mà tất cả đều còn mới tinh như vừa nhận từ trong kho ra.
Vừa bước qua cửa, anh Hai Nguyên nói ngay:
– Vậy là người thứ tư đã tới. Giới thiệu với các cậu, đây là đồng chí Sơn, kỹ sư địa chất, mới từ Hà Nội vào. Sáng nay các cậu nghỉ ngơi, làm quen với nhau. Chiều hai giờ ta làm việc nhé! – Anh cười, vẫy tay chào rồi quay người đi ngay.
Tôi bước tới, giúp anh Sơn cởi ba lô đặt trên bàn:
– Anh ngồi nghỉ, lát rồi em dẫn xuống suối tắm cho mát!
Anh Đằng róc nước ra chén, đưa mời:
– Đồng chí Sơn uống nước? Đồng chí quê ở đâu nhỉ?…
Cứ thế, chỉ lát sau là chúng tôi đã cởi mở trò chuyện thân tình. Riêng tôi vẫn phân vân không biết vì sao anh Sơn lại đi với chúng tôi. Trông anh đúng là dân trí thức chính cống, lại mới từ Hà Nội vào. Tôi thì chẳng đáng nói, chứ trên đã điều những người như anh Đằng và anh Hùng cho chuyến công tác này, hẳn công việc đâu có đơn giản… Sau này tôi phải tự xấu hổ với những suy nghĩ ban đầu của mình. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết anh Sơn là kỹ sư địa chất, chuyên đi tìm kiếm khảo sát các mỏ kim loại màu và đá quí. Suốt sáu năm từ khi tốt nghiệp ra trường cho đến nay, hầu như anh lang thang trong rừng, đặt chân lên nhiều miền núi non của tổ quốc, từ Nghệ An, Thanh Hóa cho tới những dãy núi trùng điệp ở Đông Bắc, Tây Bắc. Chỉ những lúc phải về phân tích mẫu, lập đồ bản… anh mời làm việc ở Hà Nội. Đúng là người ta rất dễ nhầm lẫn nếu đánh giá một con người chỉ qua dáng vẻ bên ngoài.
Anh Đằng vô cùng mừng rỡ khi biết anh Sơn đồng hương với anh, mà lại là đồng hương tầm gần, có nghĩa cùng huyện, chứ không phải loại đồng hương pháo tầm xa cũng không với tới. Quê anh Sơn ở gần núi Gội, còn nhà anh Đằng ở cạnh ga Cát Đằng (tỉnh Nam Định), chỉ cách nhau chừng mười cây số, gọi là ga trước ga sau của một chuyến tàu chợ. Anh Sơn đã lập gia đình, chị ấy dạy học ở trường cấp hai trong xã. Hai anh chị sinh được một cháu gái, năm nay cháu ba tuổi.
Mời các bạn đón đọc Đội Đặc Nhiệm TK1 của tác giả Lê Thành Chơn.
Chia sẻ ý kiến của bạn