– Tên sách : Đường hầm Ôđetxa Tập 1+2
– Tác giả : Valentin Kataep
Trần Lê Huy, Thương Thục, Hoài Dân dịch– Nhà xuất bản Văn học
– Năm xuất bản : 1968
Dịch theo bản dịch Pháp văn LES CATACOMBES D’ODESSA của Esfir Berstein và Olga Wormsber — (Nhà xuất bản Ngoại văn Mạc-tư-khoa — Nhà xuất Editeurs Franẹaís Réunis — Paris)
Đường hầm Ôđetxa của Valentin Kataep[1] cho ta một khái niệm về chiến tranh nhân dân ở Liên-xô và chứng minh qui luật chiến tranh nhân dân nhất định thắng lợi.
Ôđetxa là một thành phố cảng lớn của Liên-xô, nằm trên bờ Hắc-hải, có truyền thống lâu đời chống ngoại xâm, đã từng chứng kiến cuộc thất trận thảm hại của quân Thổ-nhĩ-kỳ, cũng như đã từng đập vỡ cuộc can thiệp của mười bốn nước đế quốc vào nước Nga Xô-viết sau Cách mạng tháng Mười.
Trong lòng đất dưới thành phố và miền phụ cận, có một hệ thống hầm, hào chằng chịt, có từ lâu đời, tạo nên cả một thành phố ngầm với hàng trăm ngàn đường, ngõ ngoắt ngoéo, được mệnh danh là những hầm mộ ở Ôđetxa. Hệ thống hầm ngầm ấy đã từng được sử dụng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đã từng là cơ sở bí mật của các chiến sĩ bônsêvich hồi Cách mạng tháng Mười. Đến chiến tranh thế giới lần thứ hai, trước khi đội thiết giáp Đức tiến vào thành phố, những hầm mộ ấy lại trở thành những căn cứ vững chắc của các đội du kích, các đội công tác bí mật, các cơ quan kháng chiến nằm trong lòng địch để bám đất, bám dân.
Bọn phát-xít chiếm đóng có biết điều ấy không? Biết. Nhưng không phải bất kỳ lúc nào chúng cũng dám sục xuống cái mê hồn trận ấy. Những tên liều mạng đã phải trả bằng một giá rất đắt vì nhưng quả mìn tự động, vì những tràng đạn rất chính xác từ các ngóc ngách tối om bắn ra. Những vòm hầm đổ ụp xuống làm hàng đơn vị địch bị tan xác, thậm chí những đống xác chết chồng chất của chính bọn chúng cũng tạo nên những vật chướng ngại vít hẳn đường vào. Bọn phát xít dùng đủ mọi cách, đại bác, bom, mìn, hơi độc, chẹn kín các cửa lên, xuống… Nhưng kết quả không hoàn toàn như ý đồ đen tối của chúng. Trong suốt thời kỳ phát-xít chiếm đóng, đội công tác bí mật của Secnôivanenkô, cũng như bao nhiêu đội khác, vẫn tồn tại và phát triển, vẫn phá hoại có kết quả trong lòng địch, vẫn đánh cho địch những đòn ác liệt làm cho chúng điên cuồng lồng lộn, ăn không ngon ngủ không yên. Họ vẫn nắm được nhân dân và gắn bó với nhân dân, vẫn đem được luồng sinh khí của Đảng đến thổi cao ngọn lửa căm thù, chiến đấu trong lòng nhân dân.
Những ai đã nhảy vào cuộc vật lộn gay go, dai dẳng trong lòng địch như vậy?
Đó là Secnôivanenkô, một cán bộ Đảng lãnh đạo trực tiếp đội công tác bí mật, người chỉ huy rất sáng suốt, kiên quyết, không khoan nhượng với địch, đồng thời yêu thương đồng đội một cách sâu sắc.
Đó là bác công nhân già Xiniskin Jêleznư, con người “bằng sắt”, tuy mắc bệnh lao phổi nhưng có một ý chí chiến đấu không gì lay chuyển nổi.
Đó là Kôletnisuc, một cán bộ ngoài Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh dưới ngọn cờ của Đảng, cùng vợ là Raitxa Lvôpna, một phụ nữ gốc Do-thái, muốn ở bên chồng để chia sẻ nỗi gian nguy.
Đó là bà Matriôna Têrenchiepna, vợ người chủ tịch một ngư trang tập thể ở vùng phụ cận thành phố, một phụ nữ rất kiên cường, sôi nổi.
Đó là đại úy Hồng quân Drujinin với những hoạt động táo bạo và tinh thần bất khuất đáng kính.
Đó là anh thanh niên dũng cảm và rất yêu đời Xviatôxlap.
Đó là Batsây trầm tĩnh, từ Mạc-tư-khoa xuống, ngẫu nhiên tham gia và tham gia kiên trì vào cuộc chiến đấu trong mấy năm ròng rã.
Đó là nhà tri thức Xêrêđôpxki khảng khái nhất định không chịu cộng tác với quân thù.
Đó là các em thiếu niên tiền phong Pêchya và Valentin. Các em đã góp phần không nhỏ vào việc tết vòng hoa chiến thắng cho thành phố Ôđetxa thân yêu.
Tính chất nhân dân trong cuộc chiến tranh giữ nước của Liên-xô là như vậy. Nhiều người đã hy sinh. Những “hầm mộ“ từ bao đời đã trở thành hầm mộ thực sự của những người con bỏ mình vì sự nghiệp vinh quang bảo vệ đất nước xô-viết. Khó khăn gian khổ, nhưng họ vẫn giữ vững một niềm tin tưởng lạ lùng ở chiến thắng. Những ngày cuối cùng ở dưới hầm mộ, nhóm của Secnôivanenkô bị lạc trong cái mê hồn cung trăm ngàn ngõ ngách ấy, họ không tìm được lối lên mặt đất trong khi bi-đông của họ chỉ còn một giọt dầu cuối cùng. Họ đã kiệt sức, hấp hối trong cơn khát, nhưng vẫn tin là “không thể chết được“. Chúng ta hãy nghe Secnôivanenkô truyền niềm tin tưởng say sưa đó cho người bạn chiến đấu Batsây trong hoàn cảnh nguy nan: “Chúng ta sẽ tiêu diệt được bọn chúng, vì chúng ta làm một cuộc chiến tranh chính nghĩa, một cuộc chiến tranh nhân dân, một cuộc chiến tranh kiểu mới. Một cuộc chiến tranh vì tương lai của tất cả nhân loại cần lao, một cuộc chiến tranh vì chủ nghĩa cộng sản!“.
Cuộc chiến tranh nhân dân đã tôi luyện cho họ một nhân sinh quan cách mạng chân chính, một tình đoàn kết sâu sắc, một tinh thần dũng cảm đầy sáng tạo và một lòng tin tưởng vô bờ bến. Đó là những nền tảng không thể thiếu được của chiến thắng.
*
Valentin Kataep có một phong cách nghệ thuật độc đáo khi thể hiện chủ đề của mình. Trước hết là vấn đề nhân vật. Trong các tác phẩm của ông, các em thiếu niên thường đóng một vai trò quan trọng. Một nhà phê bình văn học viết: “Trong tâm hồn nhà văn Kataep, vẫn còn một thằng bé ẩn náu ở đâu đó!“ Đúng. Lần này, “thằng bé“ đáng yêu đó lại xuất hiện và hoạt động dưới hình dạng của chú thiếu niên tiền phong Pêchya Batsây với nhiệm vụ mở đầu và kết thúc cuốn sách. Trong suốt câu chuyện chú bé không phải chỉ là người chứng kiến thời đại mà còn là một thủy thủ trên con tàu thời đại. Hành động tham gia chiến đấu đầu tiên của chú bé là nhận lá cờ đẫm máu của một chiến hạm Liên-xô từ tay anh thủy binh hấp hối Lavrôp. Tác giả đã miêu tả một cách lý thú sự diễn biến tâm lý của chú bé, từ trạng thái rụt rè sự hãi chuyển sang thái độ can đảm, hăng say. Tâm hồn lãng mạn cách mạng của tuổi thiếu niên được miêu tả rất đúng qua cử chỉ giơ tay tuyên thệ trước xác anh thủy thủ Hồng quân. Lá cờ thiêng liêng được cất giấu giữa đêm đoàn xe tăng phát-xít tiến vào chiếm đóng Ôđetxa. Từ đó Pêchya đi vào cuộc chiến đấu, cùng chia nỗi vui, buồn, gian khổ với các bạn đồng đội vào tuổi cha, chú. Cuốn truyện chấm dứt bằng cuộc “khải hoàn” của chú bé từ thành phố Ôđetxa giải phóng trở về Mạc-tư-khoa, với tấm huân chương chiến công chói lòa trên ngực bộ quân phục nhỏ bé. Chú đã giữ đúng lời thề của thiếu niên tiền phong hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu cuối cùng khi tìm ra và trao lá cờ nói trên cho bộ tư lệnh Hồng quân.
Tác giả gắn vào hình tượng thiếu niên tất cả tấm lòng ưu ái và tin tưởng, quí trọng lớp măng non tương lai của đất nước. Trong truyện, chúng ta gặp lại nhiều nhân vật trong các tác phẩm trước của ông. Hai chú bé Pêchya và Gavrick trong Cánh buồm trắng tham gia sôi nổi vào làn sóng Cách mạng từ đầu thế kỷ đã trở nên bác Batsây rất trung thành và đồng chí Secnôivanenkô giàu nghị lực. Thế là lớp trước trưởng thành, lớp sau bước tiếp. Niềm hy vọng nồng nhiệt, thiết tha của thế hệ trước gửi lại thế hệ sau được gói ghém trong bức thư của Đrujinin trước giờ bị hành quyết, ghi trên bức tường của ngục tối gửi cho con gái yêu quí của mình. Sức sống của chủ nghĩa xã hội, của Tổ quốc xô-viết thực là bất diệt.
Tuy cấu trúc và nội dung tác phẩm dành cho tuổi trẻ một địa vị quan trọng, nhưng tác phẩm của ông không phải chỉ viết riêng cho thiếu niên. Pêchya cũng như Valentin đều không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính là cả một tập thể chiến đấu. Tâm hồn, ý chí, cảm nghĩ của mỗi người được ngòi bút sắc sảo của Kataep phân tích tỉ mỉ, đúc thành những dạng điển hình.
Tác phẩm ông không phải chỉ có con người bàng bạc trong thời gian và không gian rộng rãi, ta luôn thấy hình ảnh thành phố quê hương thân yêu của ông, với đường phố, lâu đài, bến cảng, cầu tàu, cần trục, bờ dốc đứng, thảo nguyên… khi ẩn khi hiện, với tất cả buồn, vui, thương, giận. Không phải chỉ có con người xô-viết đánh giặc mà cả thiên nhiên xô-viết cũng vùng lên, tiêu diệt bọn cướp nước hung tàn.
Phong cách sáng sủa, cách bố cục chặt chẽ, chia chương ngắn gọn, khiến câu chuyện tuy dài mà vẫn dễ theo dõi, tiếp thu.
*
Đường hầm Ôđetxa đến với chúng ta giữa lúc cả nước ta đang quyết liệt tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước.
Những hầm ngầm chiến đấu nổi tiếng của thành phố Ôđetxa khiến chúng ta liên tưởng đến hệ thống địa đạo vô cùng vĩ đại của đồng bào miền Nam đánh giặc. Tất nhiên hoàn cảnh lịch sử, địa lý mỗi nơi mỗi khác, phương thức chiến đấu cũng không hẳn giống nhau, nhưng có một khía cạnh có thể cung cấp cho chúng ta nhiều suy nghĩ bổ ích. Ấy là vấn đề con người trong chiến tranh nhân dân.
Con người được giác ngộ sâu sắc, được lãnh đạo tốt, được tổ chức tốt, nhất định sẽ làm nên những sự nghiệp thần kỳ.
Với ý nghĩ ấy, chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc Đường hầm Ôđetxa.
Hà-nội, 16-3-1967
LÊ HUY
Mời các bạn đón đọc Đường Hầm Ôđetxa của tác giả Valentin Petrovich Kataev.
Leave a Reply