Phía Núi Bên Kia
Xuân Sách (4 tháng 7 năm 1932 – 2 tháng 6 năm 2008) tên thật là Ngô Xuân Sách, ngoài ra ông còn bút danh Lê Hoài Đăng, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được biết tới khi là tác giả phần lời các ca khúc nổi tiếng Đường chúng ta đi (dựa trên tứ thơ của Hoàng Trung Thông và Chế Lan Viên), Cùng anh tiến quân trên đường dài (nhạc Huy Du), đặc biệt nổi bật qua tập thơ Chân dung nhà văn.
Cuốn sách Phía Núi Bên Kia nói về câu chuyện của một cậu bé thường nhìn về phía rặng núi xanh mờ của quê mình mà đoán xem phía núi bên kia ấy có những gì. Tác giả viết về những biến cố lịch sử đất nước năm 1945, nhất là nạn đói Ất Dậu, qua con mắt của một chú bé – vừa thương vừa không buồn thảm, lại rất thực. Rồi theo chân bố, cậu cũng đi kháng chiến, phục vụ trong đoàn Văn công thiếu nhi. Hai bố con gặp lại nhau ngày chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
***
Khi có điều gì không bằng lòng về tôi, mẹ tôi thường nói:
– Tao nuôi mày ba sống một chết, qua năm lần bảy bận khốn đốn gian nan.
Tôi sinh năm con hổ. Nhưng tôi ra đời lại như một con mèo ốm. Bà mụ cắt rốn tôi bằng cái lưỡi hái, tắm tôi trong cái bầu đài bằng mo cau. Bà trao cái thằng bé dăn dúm đỏ hỏn cho mẹ tôi: “Trời cho chị một thằng cu, nhưng chị sẽ vất vả vì nó.”
Tôi khóc, khóc ngày này qua đêm khác. Đầy cữ, đầy tháng, đầy năm tôi vẫn khóc. Bú được chút sữa mẹ nào, tôi đều biến thành nước mắt. Khó nói hết nỗi vất vả cực nhọc của mẹ tôi. Sau này khi lớn lên, nhìn những nếp nhăn trên mặt mẹ, vẻ gầy guộc dầu dãi của mẹ, tôi vẫn nghĩ đó là dấu vết những năm tháng mẹ nuôi tôi, những năm tháng mà “nước mắt mẹ dài hơn nước mắt con”.
Tôi sống quặt quẹo cho đến năm lên ba thì bị giáng một trận ốm kịch liệt. Một buổi chiều tháng mười ảm đạm, bệnh tôi đã hết phương cứu chữa. Mẹ bế tôi từ trong buồng ra đặt trên cái chõng kề cửa sổ. Tôi thôi khóc, mắt lờ đờ và mồm ngáp như cá đớp mồi khan, bụng chướng lên như cái trống. Chị Lụa năm ấy lên sáu, thấy tôi há mồm liền cầm củ khoai chấm vào:
– Em ơi dậy chị cho ăn khoai.
Mẹ tôi ngồi canh chừng ủ rũ. Bố tôi lặng lẽ sắp sẵn một manh chiếu, ba cái lạt tre, cái thuổng cái cuốc dựng đầu hè cùng với một bó đuốc. Chờ tôi tắt thở là bố mượn người đưa tôi đi. Trên lớp da bụng căng như mặt trống, ông bác tôi viết vào một chữ “Sát”, chữ nho có nghĩa là giết. Làm vậy là khi tôi chết rồi biến thành ma thì cũng tìm đường cuốn xéo đừng quay lộn về đầu thai vào gia đình làm khổ cha mẹ nữa. Vào thời ấy ở một làng quê hẻo lánh, chuyện thuốc thang thật khó khăn. Bố mẹ tôi đã bán một sào ruộng hiếm hoi của mình để cứu tôi, nhưng lúc này thì coi như tôi sắp vỡ nợ cha mę.
Vào đúng lúc ấy, trời nhá nhem tối, có một người lạ vào nhà tôi. Ông khách kỳ dị mặc bộ quần áo nâu cũ, vai khoác cái bị cói, đầu đội cái nón rách úp sụp xuống mặt. Trông chẳng khác gì một người ăn mày, thuở ấy ăn mày không thiếu. Ông khách vào ngõ là đi sục luôn vào nhà. Bố tôi sửng sốt, nhưng khi chủ khách nhận ra nhau thì lập tức khép kín cửa lại.
Ông khách thăm tôi rồi nói vội:
– Cho tôi cái bát và ít nước. Ông moi trong người ra một khúc gỗ đen bóng bằng đầu ngón tay cái, rồi mài vào bát nước vối. Bố tôi lấy đũa cả ngáng mồm tôi cho ông khách đồ bát nước ấy vào. Ông khách lấy tay xoa nhẹ bụng tôi. Cái bàn tay mầu nhiệm của ông khách bí ẩn đã làm cho cái bụng căng cứng của tôi bỗng chốc mềm ra và sôi lên ùng ục như biển động. Rồi tất cả những thứ gì chứa trong cái bụng ấy được tống ra ngoài làm nồng nặc cả ba gian nhà.
Cái thằng tôi do quá thiết tha với cuộc đời đã cựa mình, mở mắt và cất tiếng khóc. Có lẽ đó là tiếng khóc mà bố mẹ tôi nghe một cách sung sướng kể từ sau tiếng khóc chào đời của tôi. Chị Lụa níu tay mẹ tôi:
– Không chôn em nữa chứ mẹ?
Mẹ tôi mắng chị qua nước mắt:
– Mày chỉ dại mồm dại miệng.
Chị vui lên, em sẽ sống và ăn khoai với chị.
Bố tôi bê nồi cơm nguội và một đĩa thức ăn xoàng xĩnh bày mâm mời ông khách ăn. Ông vừa bỏ nón để lộ cái đầu trọc, ngồi lên giường bê bát cơm thì nghe phía nhà lý trường có hồi trống thúc gọi tuần đinh một cách hối hả, ông khách đặt bát cơm xuống nhìn bố tôi. Bố tôi nói khẽ:
– Để lắng xem thế nào đã anh.
Ông khách ngần ngừ một lát rồi vớ vội cái nón:
– Tôi phải đi.
Bố tôi lo lắng vặn nhỏ ngọn đèn. Ông khách đeo bị, đưa cho bố tôi cục gỗ mài cho tôi uống ban nãy:
– Anh cầm lấy. Đây là miếng kỳ, vị thuốc quí của gia đình tôi còn lại, anh giữ lấy mà dùng cho cháu.
Mẹ tôi xúc động:
– Ơn anh đã cứu cháu.
– Tôi chịu ơn anh chị nhiều, dịp khác tôi lại về.
Bố tôi còn kịp đổ ít cơm nguội vào trong bị và đưa ông khách ra cửa sau. Trước khi từ giã, ông nói:
– Dạo này bọn chó đánh hơi gớm lắm, anh phải cần thận.
Bố tôi mở rào cho ông khách đi ra, xóa vết chân rồi quay vào nhà, chưa kịp nói gì thì lý trưởng đến.
– Chào cụ lý. – Bố tôi lễ phép mời lão ngồi.
– Nhà có chuyện gì đấy ? – Lý trưởng vừa hỏi vừa đảo mắt nhìn khắp nhà. Biết ông khách đã đi thoát, bố tôi bình tĩnh.
– Dạ thưa cụ, nhà có thằng cháu ươn người, đã tưởng là không qua được, nhưng may mà bệnh cháu đã chuyển.
– Thuốc gì mà chuyển?
Mẹ tôi đã bưng lên một đĩa trầu, đỡ lời:
– Thưa cụ, cùng quá cũng vơ nhăng vơ quàng mớ rễ mớ lá, may nhờ phúc cụ lý nó lại hợp với bệnh cháu.
– Tôi làm gì mà phúc với đức. – Lão lý vẫn chân ngồi chân đứng, tai ngóng ra ngoài ngõ, lão vớ miếng trầu nhai rồi nói lúng búng:
– Đêm hôm tôi cũng đi dạo một vòng, thấy nhà có việc tôi ghé vào, thôi tôi về.
Bố tôi tiễn lý trưởng ra ngõ. Lão nói nhỏ:
– Anh phải biết rằng nếu tôi không đánh hồi trống gọi tuần đinh thì sự việc đã khác. Tại sao tôi lại đánh trống, anh hiểu chứ ?
– Đội ơn cụ.
– Ơn huệ gì. Liệu đấy, đầu anh không giữ được đã đành, mà tôi rồi cũng không còn chỗ đội nón vì anh đấy. Quá lắm thì tôi không thể dung được đâu.
– Dạ.
– Dạo này có túng bấn lắm không?
– Sống ra sao mà cụ chẳng biết, cũng cố chèo chống cho qua.
– Này, Nhật vào Đông Dương rồi anh biết không ?
– Dạ.
– Làng trên đã có truyền đơn của Việt Minh rồi đấy, bao giờ thì đến lượt làng này?
– Dạ.
– Ối giời ơi! – Lão lý phát cáu – Anh cứ vờ vờ vịt vịt. Thời buổi rối như mớ bòng bong, chẳng biết đâu mà lần.
– Cụ lại nhà.
Sau trận ốm ấy, tôi thay đổi hẳn. Tôi khỏe lên và ăn trả bữa. Bây giờ thì bố mẹ lại vất vả lo cho tôi ăn. Tôi ăn không biết no, biết chán. Lúc nào cũng ăn được, lúc nào cũng quấy khóc đòi ăn. Lên năm, lên sáu vẫn thế. Ăn ở nhà, rồi mò đi ăn chực hàng xóm. Ăn chực một bát lại đòi hai. Trẻ con trong xóm cho em ăn thường dọa: “Mày không ăn, thằng Đen đến nó ăn hết bây giờ”.
Thằng Đen chính là tôi. Tên tôi là Hòe kia, nhưng vì tôi đen nên người ta gọi như thế. Sau này người ta vẫn gọi tôi là thằng Hòe đen. Bố tôi đi làm thuê, hôm nào làm ở trong làng mà tôi biết, tôi cũng mò đến. Mùa gặt, tối về bố tôi trục lúa cho nhà chủ, tôi đến nằm ở gốc rơm đánh một giấc, và lạ lùng thay khi làm lúa xong, thợ gặt dọn mâm bát ăn cơm là tôi vùng dậy ngay, tỉnh như sáo mon men kiếm một bát cơm. Một lần ăn xong, hai bố con về nhà, tôi nói líu ríu, bố tôi giận:
– Lần sau tao cấm mày đi. – Sao thế bố ?
– Sao nữa, lần sau mày theo đi tao đập chết. – Rồi bất ngờ bố tôi thở dài dịu giọng – miếng ăn nhục nhã lắm con ơi!
Mời các bạn đón đọc Phía Núi Bên Kia của tác giả Xuân Sách.
Chia sẻ ý kiến của bạn