Giải Phẫu Cái Tự Ngã: Cá Nhân Chọi Với Xã Hội

Được giới thiệu cuốn Giải phẫu cái tự ngã với tôi là một đặc quyền. Khi Ts. Doi đề nghị tôi viết lời tựa khiêm tốn này, tôi đã cảm thấy rất vui sướng và vinh dự. Mặc dù tôi thân thuộc và thực tế đã luôn luôn quan tâm sâu xa đến các nghiên cứu của Ts. Doi, nhưng tôi thật bất ngờ với hứng thú mà mình có được khi đọc cuốn sách mới này của ông. Một lần nữa nó giúp tôi hiểu rõ cái bổn phận tuyệt đối của mỗi người chúng ta phải chia sẻ những phát hiện của mình với những người khác – bất kể mọi nguy cơ – và tổn thất lớn lao khi người ta thiếu sự tự tin, nghị lực và can đảm để miêu tả một cách hệ thống những thế giới khái niệm trong đó họ sống.

Cuốn sách của Ts. Doi nói về một chủ đề chưa bao giờ xa lạ với lòng tôi: nghiên cứu tâm trí con người và quan hệ giữa những lĩnh vực mở rộng của con người với tâm trí. Đó là cái, theo một nghĩa hạn chế, được biết đến như giả thuyết Sapir-Whorf, hay là nghiên cứu quan hệ giữa ngôn ngữ và tư tưởng như một công cụ khoa học. Miêu tả cuốn sách này, vì nó kích phát quá nhiều ý tưởng trong đầu người đọc, sẽ đòi hỏi nhiều trang hơn cả bản thân cuốn sách. Vì thế tôi phải bằng lòng nói rằng sự phân tích của Ts. Doi là đa tầng và những phát hiện của ông sẽ còn kích thích các học giả rất lâu sau khi cả hai chúng tôi qua đời.

Vì phần Dẫn nhập của Ts. Doi sẽ thông báo cho người đọc về chiều hướng và nội dung của cuốn sách khác thường này, tôi xin hạn chế vai trò của mình trong việc tập trung – hết mức có thể trong một vài lời – vào ý nghĩa của các khái niệm được đưa ra trong cuốn Giải phẫu cái tự ngã khi nhìn trong bối cảnh giao diện căn bản của hai nền văn hóa Mỹ và Nhật. Nghĩa là tôi đặt nhiệm vụ thảo luận về một ít những sự dính líu tới các bộ môn liên quan đến nghiên cứu ứng xử của con người cũng như tới sự hiểu biết liên văn hóa về các khái niệm tatemae và honne, omote và ura như đã được miêu tả. Hoá ra chúng không hề không đáng kể, và như thường thấy, những cái nho nhỏ, trông cứ tưởng vô thưởng vô phạt, lại có thể – khi được hiểu một cách đúng đắn – dính líu sâu tới hiểu biết của chúng ta về những cơ sở của quan hệ giữa người với người.




Thật là vừa thú vị lại vừa thích hợp, ngay trong ngày nhận được bản thảo cuốn Giải phẫu cái tự ngã (tựa đề tiếng Nhật là Omote to Ura), tôi đang đọc tác phẩm của một nhà tâm thần học khác là Erich Fromm, The Anatomy of Human Destructiveness (Giải phẫu tính phá hoại của con người). Cả hai tác giả đều bắt đầu bằng việc giải thích rằng nhiệm vụ họ đặt ra cho bản thân mình lớn hơn là họ dự kiến, rằng họ bị dính sâu vào chủ đề của mình và họ thấy cần thiết phải vượt khỏi giới hạn các bộ môn nghiên cứu của mình và thăm dò những lĩnh vực khác. Bản thân tôi có kinh nghiệm tương tự vào những năm 1940, khi thấy cần thiết phải báo cáo về (đây là nhờ Ts. Doi) tatemae và ura của các công chức ở Denver liên quan đến những cơ may để định chế cái mà sau này được biết như “Cơ hội bình đẳng” trong công ăn việc làm. Dạo ấy không có những mẫu hình với thuật ngữ đi kèm cho sự khác biệt giữa những phát ngôn công khai của mọi người với cách nhìn riêng tư thực ra là phương châm hướng dẫn của họ. Điểm tôi muốn nhấn mạnh là, căn cứ vào nhiệm vụ của tôi là xác định thái độ liên quan đến “Cơ hội bình đẳng”, tôi biết rằng chính việc nói đến ý tưởng ấy – nhìn từ viễn cảnh không khí của thời đại – chỉ đơn giản gợi ra những phát ngôn rập khuôn của tatemae (lý tưởng công khai) mà không xem xét đến cái thực tế thao tác, mặt trái của đồng xu. Để tới được tận honne (nơi xuất phát của cá nhân), cần thiết phải vượt khỏi những lĩnh vực thông thường của khoa học xã hội và nghiên cứu công luận, và tìm ra một mẫu hình thích hợp có thể giải thích những gì được quan sát trong các buổi phỏng vấn của tôi. Vì biết rằng mình chỉ hiểu được (ở mức ngôn từ) cái mà mình cho là nghe thấy, tôi hướng sự chú ý của mình đến những phản ứng không lời của người được tìm hiểu, như những thời gian chờ đợi trong khu vực tiếp khách của công sở, những lần ngắt quãng được tiếp nhận ra sao (vui vẻ hay không vui vẻ), và những thứ tương tự. Mẫu hình duy nhất tôi thân thuộc hồi ấy là mẫu hình Freud. Tiêu đề nghiên cứu của tôi là “Sự lầm lẫn theo mẫu hình Freud như một sự trợ giúp để xác định các thái độ.” Tôi đã khá ngây thơ khi cho rằng mục tiêu của nghiên cứu công luận là xác định các thái độ thực, rằng mình đang đóng góp vào nghiên cứu công luận với việc bổ sung một chiều kích mới cho lĩnh vực ấy. Như đã tiên đoán, nghiên cứu của tôi bị các tạp chí nghiên cứu công luận hàng đầu ở Hoa Kỳ bác bỏ và cuối cùng được in trong tờ International Journal of Opinion and Attitude Research – Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu dư luận và thái độ (Tập 3, Số 1, 1949).

Giờ đây, nhờ những phát hiện của Ts. Doi, tôi nhận ra rằng, vấn đề là ở Hoa Kỳ, người ta được phép miêu tả những quy ước và biểu hiện bằng lời của tatemae, nhưng sự phân tích của ta không được liên kết cái tatemae của tình huống với cái honne – cái nằm ở phía sau mặt nạ được trưng ra công chúng. Còn ở Nhật, hai cái đó không thể không liên kết với nhau trong tâm trí người ta – ta không thể xem xét cái bên ngoài độc lập với cái bên trong, cửa trước với cửa sau, diện độc lập với tâm là điều đưa tới cấu trúc của Ts. Doi về “lý thuyết hai mặt trong ý thức của người Nhật” của ông. Ở phương Tây, chúng ta biết về honne, cái đề cập những động cơ thực thụ của con người, nhưng chúng ta phải làm như cái đó không tồn tại; khi bàn đến honne, ta liền có cảm tưởng chỉ cần nêu nó ra là một cái gì đó bẩn thỉu dính vào.

Vì vậy, cuốn sách Giải phẫu cái tự ngã soi sáng thêm thái độ của người Mỹ đối với Freud, với tâm lý học nói chung, và với tính dục. Những thái độ như thế được thấy ngay cả trong giới các nhà thực hành khoa học xã hội và có thể giải thích ít nhiều sự phụ thuộc của họ vào các bảng câu hỏi thăm dò những ý nghĩ được phát biểu công khai của mọi người, mà tổn phí là những nghiên cứu sâu hơn, sắc sảo hơn nhưng cũng chủ quan hơn. Thực tế là, theo một số nhà thực hành có tiếng trong lĩnh vực ấy, thậm chí thực hiện việc quan sát hành vi tự nhiên của mọi người ở nơi công cộng nhằm biết được những mẫu hình nằm bên dưới – mà không có sự đồng ý bằng văn bản của họ cái đã – bị coi là sai. Theo các vị học phiệt, trong lĩnh vực ấy, không cách nào nghiên cứu những chiều kích “ngầm” của văn hóa, vì ngay khi câu hỏi được nêu lên, điều xảy ra là cái gì đó giống như đứng trước máy quay phim và được bảo là diễn tự nhiên đi. Thái độ ấy ngăn trở sự quan sát khoa học chính những đặc trưng của văn hóa, và dẫn tới những hiểu lầm lớn nhất khi các đại diện của các nền văn hóa khác nhau gặp gỡ. Điều ta có thể thấy từ đó là cái mặt riêng tư hay cá nhân của đời sống bị coi như đối lập một cách không thể tránh với lợi ích công cộng. Rằng, ở phương Tây, tatemae luôn luôn tha hóa khỏi honne, trong khi ở Nhật, hai cái liên kết với nhau và những chiều kích không lời của văn hóa được chấp nhận là có thật. Và đúng là phải như thế.




Với những ai mong muốn có được những phát hiện mới mẻ về quan hệ giữa nghiên cứu tâm lý học và văn hóa, quan hệ giữa ngôn ngữ và tâm trí, cũng như giữa người Mỹ và người Nhật, cuốn sách này rất cần thiết. Ts. Doi đã cho chúng ta một đặc ân khi viết nó.

Edward T. Hall

Giáo sư Danh dự Khoa Nhân học




Đại học North western (Northewestern)

***

Tôi xin bắt đầu bằng đôi lời về tính chất của cuốn sách này. Như tựa đề của nó gợi lên, cuốn sách này cố gắng nắm bắt hiện tượng nhân sinh nói chung từ viễn cảnh omote và ura, hai khái niệm tiêu biểu cho một lối nhìn sự vật có một không hai trong tiếng Nhật. Như ai cũng thấy, những thuật ngữ trên có thể chuyển gần đúng sang tiếng Anh: Recto-verso, heads and tails (đầu và đuôi), outside-inside (bên ngoài-bên trong), facade-interior (mặt tiền-nội thất) v.v…, tất cả đều cho ta cảm tưởng mang nghĩa của omote và ura. Cũng tương tự như thế, facade and truth (bề ngoài và sự thật), mask and real face (mặt nạ và mặt thật), outward appearance and inner reality (vẻ ngoài và sự thật bên trong), tất cả đều hàm nghĩa của tatemae và honne. Nhưng không có sự tương ứng nào giữa các thuật ngữ tiếng Nhật và tiếng Anh trên là thật chính xác. Vì một lẽ, tiếng Anh sử dụng những cặp đôi trên như những sự đối lập mang tính tôn ti: facade (omote) chọi với inner truth (ura), outside chọi với inside, appearance chọi với reality, và, cuối cùng, evil (xấu xa) chọi với good (tốt lành). Trong mỗi trường hợp, thuật ngữ tương ứng với omote được coi như tiêu cực, như một phức tố của cái nửa “chính hiệu” hơn trong cặp. Trong khi ở tiếng Nhật hiện đại, khuynh hướng ấy chắc chắn là không vắng mặt trong cách sử dụng thuật ngữ trên, tôi cảm thấy ép nó vào tiếng Anh sẽ chỉ làm trầm trọng vấn đề và do đó, tôi quyết định giữ các từ tiếng Nhật gốc trong bản tiếng Anh của cuốn sách.




Trong hoàn cảnh omote và ura chỉ có trong tiếng Nhật, cuốn sách này có cái gì đó mang tính cách của cái gọi là Nihonjinron (các lý thuyết của người Nhật). Cũng đúng với cuốn Amae no Kozo (bản tiếng Anh mang tên The Anatomy of Dependence – Giải phẫu sự phụ thuộc), tuy nhiên mục đích tôi viết cuốn này không chỉ là cung cấp một lý thuyết khác nhằm giải thích tiếng Nhật. Mục tiêu thực của tôi là khảo sát các khái niệm Nhật Bản ấy dưới ánh sáng những ý tưởng có gốc phương Tây và, làm như thế, tôi đào sâu chúng và khám phá một ý nghĩa phổ quát của chúng. Điều đó đã là chiều hướng nghiên cứu của tôi ngay từ lúc khởi đầu.

Chọn đi theo hướng ấy bởi tôi là một chuyên gia trị bệnh tâm thần. Thuật ngữ chuyên môn hầu như là vô dụng trong tình huống lâm sàng. Toàn bộ cuộc chiến, thắng hay bại phụ thuộc vào loại truyền thông mà nhà tâm thân học có khả năng thiết lập với người bệnh. Nhưng chính xác là, đúng như thế, nhà tâm thần học phải luôn luôn mở to mắt nhìn cái nằm bên dưới ngôn ngữ – những sự tinh tế tồn tại ở bề sâu của từ ngữ – và phải có trách nhiệm với những từ ngữ mà bản thân mình sử dụng.

Bởi thế, ngay cả khi tôi thảo luận về sức khỏe hay bệnh tật của tâm trí, đó cũng không phải là cơ sở cho lập luận của tôi. Đúng hơn, vì những lý do đã nói ở trên, sự phân biệt ấy bản thân nó phải được phân tích. Cũng vì những lý do ấy, trong khi thảo luận các vấn đề khác, trước hết tôi luôn luôn tìm cách làm sáng rõ nghĩa của những từ ngữ mà tôi sử dụng. Hơn nữa, chính vì lẽ đó tôi yêu cầu bạn đọc người nước ngoài chịu phiền học một số thuật ngữ tiếng Nhật.




Tôi buộc phải vượt xa khỏi giới hạn môn học của mình ở đại học, đi tìm những phát hiện trong các lĩnh vực xã hội học, triết học, văn học, và tôn giáo. Cuốn sách này là sự tổng hợp những gì tôi thu nhận được trong cuộc tìm tòi ấy, và tôi hy vọng bạn đọc sẽ chấp nhận nó như nó là thế. Tôi đã muốn viết một cuốn sách như cuốn này từ nhiều năm rồi, và tôi rất vui vì cuối cùng đã hoàn thành nó, và thấy nó được xuất bản.

Trong bản tiếng Anh có hai phụ lục. Phụ lục đầu tiên trích từ một cuốn sách tôi in năm 1975, Amae Zakho (Những cảo luận về Amae), phụ lục thứ hai là báo cáo khoa học tôi công bố trên tờ Journal of Mental and Nervous Disease (Tạp chí Bệnh tâm thần và thần kinh) năm 1973.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới nhiều người đã góp sức vào các bản in tiếng Nhật và tiếng Anh. Về bản tiếng Anh, tôi chịu ơn Lisa Oyama và Ichiba Shinji, các biên tập viên của tôi ở Nxb Kodansha International. Tôi rất vừa lòng vì họ đã chọn cái tựa đề bản tiếng Anh là The Anatomy of Self: The Indivdiual versus Society (Giải phẫu cái tự ngã: Cá nhân chọi với xã hội), vì tôi tin là nó thật sự xứng hợp với cái mà tựa đề tiếng Nhật, Omote to Ura, gợi lên cho bạn đọc người Nhật. Dịch giả của tôi, Mark A. Harbison, đã không chỉ dịch riêng cuốn sách này, mà còn chuẩn bị các bản dịch cho những văn bản tiếng Nhật mà tôi nhắc đến và cung cấp chú giải cho bạn đọc phương Tây. Những chỗ dịch từ tác phẩm Das Geheimnis der Liebe của Hans Asmussen là của tôi. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn bạn và đồng nghiệp của tôi là Gs. Edward T. Hall, người đã ân cần bằng lòng viết lời đầu sách cho cuốn sách của tôi.




Doi Takeo

Tháng 12 năm 1985

***




Cuốn sách này là tiếp theo cuốn Giải phẫu sự phụ thuộc (Amae no Kozo).1 Nhưng nó chỉ là cuốn tiếp theo với ý nghĩa rằng lâu mãi về sau tôi mới trở lại một chủ đề mà mình đã quan tâm. Ngay từ khởi đầu, omote và ura đã là trung tâm của lý thuyết về sự phụ thuộc (amae) của tôi.

Sự quan tâm của tôi đối với chủ đề này bắt nguồn từ ấn tượng mạnh mà tôi có được ở một người bệnh mà tôi chữa trị không lâu sau khi trở về từ chuyến đi Hoa Kỳ lần đầu. Người bệnh đã phản ứng rất mạnh trước thực tế là mọi người xung quanh chị, kể cả mẹ chị, có một omote và một ura. Trong phần kết luận báo cáo về người bệnh này, tôi bổ sung một ghi chú có hàm ý: hiện tượng những thay đổi tinh tế trong thái độ ứng xử phụ thuộc vào việc một tình huống được cảm nhận là omote hay ura, là cách thức ứng xử cơ bản của người Nhật, và sự rối loạn tâm thần ấy là kết quả không tránh khỏi nếu thực tế đó bị thách thức.

Sau đó, tôi thảo luận về mẫu ứng xử ấy trong bài viết Seishin Bunseki (Phân tâm học, 1956), chỉ ra rằng đó là một cách hữu hiệu để đối xử với tính nước đôi.2 Thực tế đó chính xác là luận điểm mà bây giờ tôi phát triển trong cuốn sách này, và đôi khi tôi vẫn còn thấy ngạc nhiên là mầm mống của ý tưởng ấy đã có trong đầu mình hơn ba mươi năm về trước, khi tôi là một nhà tâm thần học trẻ tuổi mới trở về sau chuyến đi nghiên cứu đầu tiên ở Hoa Kỳ.




Tuy nhiên, sự quan tâm của tôi đối với omote và ura đã bị gác sang một bên vào lúc ấy, khi tôi gần như hoàn toàn bị hút vào việc phát triển lý thuyết của mình về amae, và phải đến cách đây khoảng mười năm tôi mới chú tâm trở lại vấn đề omote và ura. Điều này có liên quan đến việc tôi trở nên quan tâm đến khả năng nghiên cứu tâm bệnh học bằng cách sử dụng khái niệm các bí mật (himitsu).

Tôi đã nhận ra tầm quan trọng của khái niệm các bí mật từ ít lâu, nhờ ảnh hưởng của Ts. Rudolph Ekstein, người mà tôi cộng tác nghiên cứu trong thời gian lưu trú đầu tiên ở Hoa Kỳ. Thực tế là, trong cuốn sách Seishin Ryoho to Seishin Bunseki (Tâm lý liệu pháp và Phân tâm học),3 xuất bản lần đầu năm 1961, tôi giải thích những phương pháp tâm lý trị liệu khác nhau và những đặc trưng của chúng hoàn loàn từ cách nhìn của khái niệm những bí mật đã nêu trên. Cũng chính vào thời gian ấy tôi bắt đầu cảm thấy, dù là mơ hồ, rằng khái niệm trên thật quan trọng, không chỉ trong việc xem xét tâm lý liệu pháp, mà còn, rộng hơn nhiều, trong việc nắm bắt bản chất của chính bản thân tâm bệnh học.

Cố gắng tiến xa hơn của tôi thể hiện đầu tiên ở một báo cáo ngắn xuất bản năm 1970, “Naze seishinka nit suite henken o motsu ka?” (Vì sao người ta có định kiến chống lại tâm thần bệnh học?)4. Ý chính luân điểm của tôi có thể tóm tắt như sau: Mọi định kiến đều bắt nguồn từ cố gắng hợp lý hóa sự lo âu khi đối diện với cái xa lạ, và định kiến chống lại những người rối loạn thần kinh cũng bắt nguồn từ thực tế là họ khó để được ta quen thuộc. Vì sao điều ấy là đúng? Bởi vì các bí mật của họ cản đường. Tất nhiên, những người khỏe mạnh cũng có các bí mật, nhưng thông thường chúng ta đối xử với nhau mà không đặt những bí mật ấy thành vấn đề. Trong trường hợp những người bệnh tâm thần, bí mật của họ phơi bày ra, khiến cho họ thành những người khó cho ta đối xử.




Những ý tưởng ấy tiêu biểu cho suy nghĩ của tôi trước khi xuất bản cuốn Giải phẫu sự phụ thuộc. Sau đó, suy nghĩ của tôi về khái niệm sự bí mật tiến triển nhanh chóng. Năm 1972, tôi phát triển luận điểm sau đây trong một bài viết nhan đề Seishin byori to himitsu (Tâm bệnh học và các bí mật).5 Trong những ca bệnh tâm thần phân liệt, người bệnh cảm thấy có một mánh khoé nào đó khiến cho bí mật của họ bị phát lộ cho người ngoài và bởi thế, sự tồn tại độc nhất vô nhị của họ bị mất đi. Về điểm này, có sự tương tự với điều kiện của con người hiện đại, là kẻ bị hút hoàn toàn vào những bí mật bên ngoài mà không còn quan tâm đến những bí mật của đời sống bên trong.

Sau đó tôi phát triển xa hơn lý thuyết về bệnh tâm thân phân liệt của mình trong một nghiên cứu nhan đề Bunretsubyo to himitsu (Bệnh tâm thần phân liệt và các bí mật)6, và chính vào khoảng thời gian đó việc khái niệm hóa các bí mật một cách mới mẻ và việc nhận thức những khả năng khác thường của các khái niệm omote và ura bắt đầu gặp nhau trong đầu tôi.

Sau đó không lâu, tôi nêu vấn đề omote và ura trong nhiều cảo luận tư biện7, trong đó tôi nói omote và ura tương tự như cặp khái niệm tatemae và honne, và chúng thể hiện một tâm lý tương ứng với sự phân biệt soto và uchi trong quan hệ giữa người với người của người Nhật mà tôi đã giới thiệu lần đầu trong cuốn Giải phẫu sự phụ thuộc. Tôi cũng đề cập khả năng miêu tả tâm bệnh học bằng cách sử dụng các khái niệm omote và ura.




Thí dụ như, bệnh tâm thần phân liệt phát triển các ảo giác – bản thân những ảo giác ấy có thể được hiểu như những hình thức thể hiện các bí mật của người bệnh tâm thần phân liệt mà người bệnh không thể giữ kín trong lòng – chính xác là bởi họ không có khả năng phân biệt omote và ura, hay sử dụng đúng đắn tatemae và honne.

Năm 1973, tôi công bố một báo cáo bằng tiếng Anh nói về chủ đề ấy trong tạp chí Journal of Nervous and Mental Disease – Tạp chí Bệnh thần kinh và tâm thần (xem Phụ lục II). Cuối cùng, năm 1976, tôi công bố một báo cáo với cố gắng xử lý một cách hệ thống toàn bộ vấn đề tâm bệnh học từ viễn cảnh omote và ura.8

Vào thời điểm ấy, tôi cảm thấy mình đã nói hết mọi điều cần nói về chủ đề trên theo quan điểm nhà tâm thần học chuyên nghiệp, ít nhất là vào lúc ấy, và tôi bắt đầu nghĩ đến việc viết một cuốn sách cho độc giả phổ thông, giống như đã làm với cuốn Giải phẫu sự phụ thuộc. Nhưng đúng là trong tác phẩm nói trên, tôi không có ý định biến những điều tôi viết cho các nhà chuyên môn thành một thứ gì đó “dễ đọc” cho độc giả ngoại đạo. Trái lại, tôi muốn đi sâu hơn vào điều có thể gọi là cốt lõi tư tưởng của chính mình, bổ sung các luận cứ theo những phương pháp vượt ra ngoài những quan tâm có tính chuyên nghiệp của nhà tâm thần học lâm sàng.




Nhưng tôi cũng không có ý định lao ngay vào một dự án như thế, và trong thực tế, tôi chỉ nêu vấn đề một cách tình cờ, như thể tôi có thể viết một cuốn sách như vậy vào một lúc nào đấy. Vậy là, tôi cho rằng chỉ đến mùa xuân năm 1982, tôi mới bắt đầu nghĩ đến cuốn sách một cách nghiêm túc. Nhưng một khi bắt đâu viết, tôi nhận ra rằng nhiệm vụ mà mình tự đặt ra cho mình thực sự là khó khăn. Tôi không biết cấu trúc cuốn sách ra sao. Thoạt tiên, tôi nghĩ mình có thể cứ dựa theo mẫu của cuốn Giải phẫu sự phụ thuộc, nhưng ngay lập tức tôi thấy rõ là điều đó không ổn. Cuối cùng, tôi phải viết lại bản thảo nhiêu lần trước khi nó có hình thức như hiện nay.

Giãi phẫu cái tự ngã là cuốn sách thứ ba tôi viết cho độc giả phổ thông. Cuốn đầu tiên, Thế giới tâm lý học của Natsume Soseki (Natsume Soseki no shinteki Sekai)9, thoạt tiên được công bố làm nhiều kỳ trong thời gian một năm, nhưng bây giờ tôi thấy dường như mình đã viết nó trong một thời điểm cảm hứng cao độ. Cuốn Giải phẫu sự phụ thuộc được đặt cơ sở trên nghiên cứu của chính tôi. Trong khi phải mất một thời gian để đi đến một hình thức vừa ý, tôi không nhớ là mình đã làm việc thật vất vả để hoàn thành nó. Cuốn Giải phẫu cái tự ngã là cuốn khó khăn nhất trong ba cuốn. Ban đầu, tôi nghĩ mình đã già mất rồi. “Đầu óc mình cuối cùng đã chậm rồi sao?” tôi lo lắng nghĩ thế. Nhưng đó dường như không phải là lý do cho sự khó khăn của tôi. Có lẽ đó cũng là một điều liên quan, nhưng vấn đề thực sự, theo tôi, là ở bản thân nội dung và tính chất của những ý tưởng mà tôi muốn thảo luận.

Trong cuốn sách về Soseki, tôi có thể đặt cơ sở tác phẩm của mình trên những ý tưởng và tác phẩm văn học của một trong số những nhà văn nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Trong ba cuốn sách, đó là cuốn dễ viết nhất. Trong cuốn Giải phẫu sự phụ thuộc, tôi phải trình bày những ý tưởng của chính mình, nhưng tôi đứng trên một địa phận chưa từng được thăm dò, và tôi cảm thấy khó cưỡng lại ham muốn viết về những gì mình khám phá ra ở đó. Viết cuốn Giải phẫu cái tự ngã là một kinh nghiệm hoàn toàn khác. Lĩnh vực này đã được nhiều học giả và nhà tư tưởng khác bàn đến trước tôi, và như vậy tôi phải quyết định cho chính mình con đường mà mình sẽ đi.




Liệu trong thực tế tôi có thành công hay không, tất nhiên đó là điều do độc giả quyết định. Còn với chính tôi, tôi không thoả mãn; chắc chắn là không khi mà tôi nghĩ đến khối lượng công việc mình đã làm khi viết cuốn sách. Đôi khi tôi có cảm giác mình chưa làm được gì hơn là phát biểu lại những ý tưởng cũ và những kiến thức thông thường nhưng được sắp xếp khác đi. Nhưng tôi xin trích dẫn ở đây lời của Pascal, coi như lời xin lỗi của chính mình:

Xin chớ ai nói rằng, tôi không nói được điều gì mới; sự sắp xếp nội dung vấn đề là mới. Khi chơi tennis, cả hai người chơi cùng sử dụng một trái cầu, nhưng một trong hai người chơi hay hơn.

Người ta sẽ nói ngay rằng tôi sử dụng những từ ngữ cũ. Nếu như những tư tưởng cũ khi được sắp xếp khác đi cũng không tạo thành luận điểm khác, thì những từ ngữ cũ lại tạo nên những tư tưởng mới khi được sắp xếp khác đi!10




***

Bộ sách Tủ Sách Tri Thức Mới gồm có:

  1. Súng, Vi trùng và Thép
  2. Nghệ Thuật Và Vật Lý
  3. Tại Sao Tình Dục Lại Thú Vị?
  4. Nhận Diện Quyền Lực
  5. Gen Vị Kỷ
  6. Giải Phẫu Sự Phụ Thuộc
  7. Ý Nghĩa Mọi Thứ Trên Đời
  8. Giải Phẫu Cái Tự Ngã: Cá Nhân Chọi Với Xã Hội

Mời các bạn đón đọc Giải Phẫu Cái Tự Ngã: Cá Nhân Chọi Với Xã Hội của tác giả Takeo Doi.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.