“Khi chúng ta đang vươn tới những vì sao, chính bởi những thách thức đặt ra phía trước mà chúng ta có lẽ sẽ phải chung tay để ứng phó: du hành vào vũ trụ không phải với tư cách người Nga, người Trung Quốc hay người Mỹ, mà là những đại diện của nhân loại. Nhưng cho đến nay, mặc dù đã thoát khỏi sự kìm hãm của trọng lực, chúng ta vẫn đang bị giam giữ trong tâm trí của chính mình, bị giới hạn bởi sự nghi ngờ của mình về ‘kẻ khác’, và do đó bởi cuộc cạnh tranh chính yếu về tài nguyên. Phía trước chúng ta còn cả một chặng đường dài.”

Người Nga vẫn sẽ lo âu dõi mắt về phía tây, nơi có dải đất vẫn còn là bình nguyên, dễ bị xâm nhập; Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sẽ bị cách ngăn bởi dãy Himalaya sừng sững, và địa lý sẽ xác định bản chất của những cuộc xung đột giữa hai nước trong tương lai, bất chấp sự phát triển của công nghệ và quân sự; “Đại gia đình châu Âu” đói khát năng lượng, bị phụ thuộc vào những đường ống dẫn dầu từ Nga, và do đó họ không thực sự có nhiều lựa chọn trên bàn đàm phán; sự suy yếu của Hoa Kỳ trong vị thế một siêu cường số một dường như đã bị thổi phồng quá mức, nếu xét tới những lợi thế địa lý mà nước này đã dày công gây dựng…

Và còn rất nhiều dẫn chứng cho thấy vai trò then chốt của các nhân tố địa lý trong bối cảnh chính trị hiện đại. Nhân loại đang trên đường hiện thực hóa giấc mơ vươn vào không gian. Nhưng Tim Marshall vẫn xác quyết rằng: “Các nhân tố địa lý vốn đã góp phần xác định lịch sử đa phần sẽ tiếp tục xác định tương lai của chúng ta”, và rằng: “Địa lý vẫn luôn luôn là một loại nhà tù định nghĩa một quốc gia là gì, hoặc có thể là gì, và là một nhà tù mà các nhà lãnh đạo thế giới thường phải nỗ lực để thoát ra”.




Hay nói cách khác, theo luận điểm của Tim Marshall, thì một thế kỷ nữa kể từ bây giờ, nhân loại vẫn sẽ là “những tù nhân của địa lý”.

“Một suy ngẫm cốt lõi và chi tiết về những động lực địa chính trị tồn tại trên toàn cầu.” – Tiến sĩ Sajjan M. Gohel

TÁC GIẢ:




Tim Marshall là ký giả người Anh với hơn 25 năm kinh nghiệm về tin tức đối ngoại. Ngoài vai trò ký giả và biên tập viên, Marshall còn là nhà bình luận khách mời về các sự kiện thế giới cho BBC, Sky News. Prisoners of Geography là một trong năm cuốn sách của ông đều nằm trong danh sách bán chạy của The New York Times, và được xuất bản ra nhiều thứ tiếng.

“Nói nhanh cho vuông, đây là một trong những cuốn sách hay nhất về địa chính trị bạn có thể tưởng tượng: đọc nó cũng giống như một nguồn ánh sáng rọi vào tâm trí bạn… Marshall có cái đầu mạch lạc, sáng suốt và sở hữu một năng lực gần như thần bí là có thể làm cho bức tranh toàn cảnh trở nên dễ hiểu và mạch lạc… Cuốn sách này, bao quát một chủ đề phức tạp như vậy, thật kinh ngạc là tôi đã không thể buông cuốn sách cho tới khi đọc xong… Tôi không thể tìm ra một cuốn sách nào khác có thể giải thích tình hình thế giới hay hơn.” – Nicholas Lezard, Evening Standard

***




Lời Tựa

Chúng ta đang sống trong một thời đại bất ổn khác thường, chuyện đó không có gì phải bàn cãi. Chúng ta được bảo rằng, thế giới chưa bao giờ bất định như bây giờ. Những phán đoán như vậy gợi nên những phản hồi thận trọng và thậm chí đa nghi hơn. Thế giới vốn dĩ vẫn luôn bất ổn, và tương lai vẫn luôn khó lường ngay chính từ định nghĩa của nó. Những mối lo âu hiện tại của chúng ta chắc chắn còn tệ hại hơn. Dù không nói đến điều gì khác, lễ kỷ niệm một trăm năm của sự kiện 1914 đủ để gợi nhắc chúng ta về điều đó.

Dù sao, chắc chắn những thay đổi căn bản đang diễn ra, và những thay đổi đó có ý nghĩa thực sự đối với tương lai của chúng ta và của con cái chúng ta, dù chúng ta đang sống ở đâu đi nữa. Những thay đổi về kinh tế, xã hội và nhân khẩu học, tất cả đều liên quan tới sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, đều có những hệ lụy toàn cầu, cho thấy sự khác biệt rõ giữa thời đại chúng ta đang sống với những thời đại trước. Hẳn đây là lý do vì sao chúng ta nói rất nhiều về “tình trạng bất định khác thường“ và tại sao việc bình luận về “địa chính trị” lại trở thành một ngành đang phát triển.




Tim Marshall có thừa tư cách, cả về cá nhân và chuyên môn, để đóng góp cho cuộc tranh luận này. Ông đã trực tiếp tham gia vào nhiều quá trình phát triển ấn tượng nhất trong vòng hai mươi lăm năm qua. Như ông nhắc chúng ta trong Lời giới thiệu, ông từng có mặt tại tiền tuyến ở Balkan, Afghanistan và Syria. Ông nhận ra rằng các quyết định và các sự kiện, những mâu thuẫn quốc tế và những cuộc nội chiến, chỉ có thể được thấu hiểu bằng cách xem xét đầy đủ những hy vọng, sợ hãi và định kiến do lịch sử hình thành và đến lượt chúng đã bị thúc ép như thế nào bởi môi trường vật lý xung quanh – tức là địa lý – môi trường mà trong đó các cá nhân, xã hội và quốc gia đã phát triển.

Kết quả là, cuốn sách này chứa đầy những kiến giải sâu sắc có liên quan trực tiếp đến an ninh và đời sống ổn định của chúng ta. Điều gì đã tác động đến hành động của Nga tại Ukraine? Phải chăng (người phương Tây) chúng ta đã không thể lường trước được điều đó? Nếu như vậy thì tại sao? Moscow sẽ còn đẩy sự việc đi xa tới đâu nữa đây? Rốt cuộc, liệu Trung Quốc đã cảm thấy an toàn hay chưa trong phạm vi đường biên giới đất liền mà họ cho là tự nhiên, và điều này sẽ gây ảnh hưởng ra sao đến Hoa Kỳ, đến đường lối tiếp cận quyền lực hàng hải của Bắc Kinh? Điều này có ý nghĩa gì đối với các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Ấn Độ và Nhật Bản? Trong hơn hai trăm năm, Hoa Kỳ đã hưởng lợi từ những hoàn cảnh địa chính trị và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng ưu đãi. Giờ đây, họ có được nguồn tài nguyên dầu khí trái với thông lệ. Liệu điều này có ảnh hưởng đến chính sách toàn cầu của họ hay không? Hoa Kỳ có lực lượng và khả năng phục hồi phi thường, vậy tại sao người ta lại nói về sự suy yếu của Hoa Kỳ nhiều như vậy? Liệu sự chia rẽ sâu sắc và những cảm xúc mãnh liệt tại Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á có là thứ bất trị, hay chúng ta vẫn có thể tìm thấy hy vọng nào đó cho tương lai? Cuối cùng, và có lẽ là điều quan trọng nhất đối với Vương quốc Anh, một trong những nền kinh tế lớn nhất và mang tính toàn cầu nhất: châu Âu phản ứng thế nào với sự bấp bênh, xung đột ở gần và cả ở xa? Như Tim đã chỉ ra, trong bảy mươi năm qua (và đặc biệt là từ năm 1991), châu Âu đã trở nên ấm êm với hòa bình và thịnh vượng. Phải chăng chúng ta đang đứng trước nguy cơ chấp nhận điều đó như một sự hiển nhiên? Liệu rồi đây chúng ta vẫn hiểu được những gì đang xảy ra xung quanh mình chăng?

Nếu bạn muốn suy nghĩ về những câu hỏi trên, hãy đọc cuốn sách này.




Sir John Scarlett KCMG OBE

Cục trưởng Cục Tình báo (MI6), 2004-2009

***




Lời giới thiệu

Vladimir Putin nói mình là người có tín ngưỡng, nhiệt thành ủng hộ Giáo hội Chính thống Nga. Nếu quả thực như vậy, hẳn là mỗi đêm ông thường đi ngủ với lời cầu nguyện và chất vấn Thiên Chúa rằng: “Tại sao Người không tạo thêm chút núi non ở Ukraine? “

Giá như Chúa tạo ra những ngọn núi ở Ukraine, thì vùng bình nguyên mênh mông nay là Bắc Âu đã không phải là lãnh thổ từ đó khuyến khích những cuộc tấn công liên miên vào đất Nga. Nhưng sự thể đã vậy, Putin không còn lựa chọn nào khác: ông ít nhất phải cố kiểm soát đồng bằng này từ phía tây. Quốc gia nào cũng phải như vậy, dù lớn hay nhỏ. Bối cảnh địa lý cầm tù các nhà lãnh đạo của họ, cho họ ít lựa chọn và ít không gian để xoay xở hơn bạn tưởng. Điều này từng đúng với Đế chế Athens, Ba Tư hay Babylon và trước đó nữa; và đúng với mọi thủ lĩnh tìm kiếm một vùng địa thế cao hơn để che chở cho bộ lạc của mình.




Miền đất chúng ta sống vẫn luôn định hình chúng ta. Nó định hình những cuộc chiến tranh, quyền lực, những phát triển về chính trị và xã hội của những dân tộc hiện giờ đang cư trú trên mọi phần của địa cầu. Công nghệ dường như có thể vượt qua khoảng cách không gian tinh thần và vật chất giữa chúng ta nhưng chúng ta dễ quên rằng miền đất nơi chúng ta sinh sống, làm việc và nuôi dạy con cái là vô cùng quan trọng, và sự lựa chọn của những cá nhân lãnh đạo bảy tỉ cư dân của hành tinh này ở một mức độ nhất định sẽ luôn bị định hình bởi sông, núi; sa mạc, hồ và biển, là những thứ ràng buộc tất cả chúng ta – như xưa nay vẫn vậy.

Nói chung, không có chuyện nhân tố địa lý này quan trọng hơn những nhân tố địa lý kia. Núi non không quan trọng hơn sa mạc, cũng như sông ngòi không hơn gì rừng rậm. Trong các phần khác nhau của hành tinh, các đặc điểm địa lý khác nhau là một trong những nhân tố chính quyết định những gì con người có thể và không thể làm.

Nói chung, địa chính trị nhìn vào những cách thức theo đó các vấn đề quốc tế có thể được hiểu thông qua các nhân tố địa lý; không chỉ là cảnh quan tự nhiên – như những rào cản tự nhiên của núi non hoặc sự kết nối của mạng lưới sông ngòi – mà còn cả về khí hậu, nhân khẩu, các khu vực văn hóa và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nhân tố như vậy có thể tác động quan trọng đến nhiều khía cạnh khác nhau của nền văn minh, từ chiến lược chính trị và quân sự cho đến sự phát triển xã hội con người, bao gồm cả ngôn ngữ, thương mại và tôn giáo.




Những thực tế địa lý tự nhiên vốn làm nền tảng cho chính trị quốc gia và quốc tế thường bị bỏ qua trong các cuốn sách về lịch sử cũng như trong các báo cáo về thời sự thế giới. Địa lý học rõ ràng là một phần cơ bản của câu hỏi “tại sao“ cũng như câu hỏi “cái gì”. Lấy ví dụ như Trung Quốc và Ấn Độ: hai quốc gia vĩ đại với các quần thể dân cư khổng lồ chia sẻ một đường biên giới rất dài nhưng không đứng chung hàng về chính trị hoặc văn hóa. Chẳng ngạc nhiên nếu hai gã khổng lồ đó từng gây chiến với nhau vài ba lần, nhưng sự thực, ngoài trận chiến kéo dài một tháng vào năm 1962, họ chưa bao giờ đánh nhau thực sự. Tại sao? Bởi giữa họ là rặng núi cao nhất thế giới, và trên thực tế, việc đưa các binh đoàn lớn xuyên ngang hoặc vượt qua dãy Himalaya là điều không thể. Dĩ nhiên, khi công nghệ trở nên tinh vi hơn ắt sẽ có những cách để vượt qua trở ngại này, nhưng rào cần tự nhiên vẫn còn đó, và vì vậy cả hai quốc gia đều hướng chính sách đối ngoại của mình vào các khu vực khác trong khi vẫn để mắt trông chừng nhau.

Cá nhân các nhà lãnh đạo, các tư tưởng, công nghệ và những nhân tố khác, tất thảy đều có vai trò trong việc định hình các sự kiện, nhưng chúng là tạm thời. Mỗi thế hệ mới vẫn phải đối mặt với những chướng ngại tự nhiên do dãy Hindu Kush và dãy Himalaya tạo ra; những thách thức tạo ra bởi mùa mưa; và những bất lợi trong việc bị giới hạn khả năng tiếp cận các khoáng sản tự nhiên hoặc nguồn lương thực.

Tôi bắt đầu quan tâm đến chủ đề này khi theo dõi để tường thuật các cuộc chiến ở Balkan vào những năm 1990. Tôi đã quan sát tận mắt các nhà lãnh đạo của các sắc tộc khác nhau, ví dụ như Serbia, Croatia hay Bosnia, khi họ cố ý nhắc “bộ tộc” mình nhớ về sự phân chia từ thời cổ đại và, hắn nhiên, cả những mối nghi kỵ từ đời xưa, trong một khu vực tập trung nhiều sắc dân đa đạng. Một khi các nhà lãnh đạo đã chia rẽ các dân tộc, sẽ không mất nhiều công sức để đẩy các dân tộc ấy chống lại nhau.




Dòng sông Ibar ở Kosovo là một ví dụ hàng đầu. Sự cai trị của đế chế Ottoman đối với Serbia đã được củng cố nhờ trận chiến Kosovo Polje năm 1389, diễn ra gần nơi sông Ibar chảy qua thành Mitrovica. Suốt những thế kỷ sau đó, dân chúng người Serb bắt đầu rút lui sang bên kia dòng Ibar, trong khi dân Albania theo đạo Hồi dân dân từ vùng núi Malesija tràn xuống Kosovo, nơi họ trở thành đa số từ giữa thế kỷ 18.

Lướt nhanh tới thế kỷ 20, vẫn tồn tại một sự phân chia sắc tộc – tôn giáo rõ ràng được đánh dấu bằng dòng sông này. Sau đó vào năm 1999, bị vùi đập bởi NATO từ trên không và Quân Giải phóng Kosovo trên mặt đất, quân đội Yugoslav (Serbia) rút lui qua sông Ibar, nhanh chóng theo sau họ là hầu hết số dân cư Serbia còn lại. Con sông trở thành đường biên giới de facto (trên thực tế) của cái mà một số quốc gia hiện nay công nhận là một nhà nước Kosovo độc lập.

Thành Mitrovica cũng là nơi lực lượng tiền phương của lục quân NATO dừng chân. Trong suốt cuộc chiến ba tháng này đã có những đe dọa úp mở rằng NATO có ý định xâm chiếm toàn bộ Serbia. Sự thực thì những sự ràng buộc cả về địa lý cũng như chính trị cũng có nghĩa là các lãnh đạo NATO không bao giờ thực sự có được lựa chọn đó. Hungary đã nói thẳng là họ sẽ không cho phép một cuộc xâm lược phát xuất từ lãnh thổ của họ, vì họ e sợ sự trả thù nhắm vào 350.000 người sắc tộc Hungary sống ở miền Bắc Serbia. Giải pháp khác là xâm chiếm từ phía nam, cách này có thể giúp họ tiến tới sông Tbar nhanh gấp đôi; nhưng nếu vậy NATO sẽ phải đối mặt với những dãy núi chắn ngay trên đầu họ.




Tôi đang làm việc với một nhóm người Serbia tại Belgrade vào thời điểm ấy và hỏi họ chuyện gì sẽ xảy ra nếu NATO tiến vào: “Tim ạ, chúng tôi sẽ bỏ máy ảnh xuống và cầm súng lên”, đó là câu trả lời của họ. Họ là những người dân Serbia theo chú nghĩa tự do, những người bạn tốt của tôi và những người phản kháng chính phủ của họ, nhưng họ vẫn lôi bản đồ ra để chỉ cho tôi thấy nơi người Serbia sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình trong vùng núi non, và nơi NATO sẽ phải dừng bước. Cũng có đôi chút khuây khỏa khi nhận được một bài học địa lý về lý do tại sao những lựa chọn của NATO bị hạn chế nhiều hơn so với những gì cỗ máy tuyên truyền Brussels1 công bố.

Sự hiểu biết về tầm quan trọng mang tính quyết định của cảnh quan tự nhiên trong việc đưa tin tức ở Balkan đã giúp tôi đứng vững trong những năm tiếp theo. Ví dụ, vào năm 2001, vài tuần sau sự kiện ngày 11 tháng Chín, tôi đã chứng kiến một minh chứng về việc khí hậu, thậm chí với công nghệ hiện đại, vẫn đóng vai trò quyết định ra sao đến những khả năng quân sự của thậm chí một đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Tôi đang ở miền Bắc Afghanistan, đã vượt con sông biên giới từ Tajikistan bằng bè, để liên lạc với quân Liên minh phương Bắc (Northern Alliance) khi ấy đang chiến đấu với Taliban.

Các máy bay tiêm kích và máy bay ném bom của Hoa Kỳ bay ngang trên đầu, bắn phá vào các cứ điểm của Taliban và Al-Qaeda trên những đồng bằng và ngọn đồi lạnh lẽo đầy khói bụi ở phía đông Mazar-e- Sharif để dọn đường cho bộ binh tiến vào Kabul. Sau một vài tuần, rõ ràng quân Liên minh phương Bắc đang rục rịch để di chuyển về phía nam. Và rồi cả thế giới thay màu.




Cơn bão cát dữ dội nhất tôi từng trải qua thổi tới, biến tất cả mọi thứ thành màu vàng nhờ nhờ. Tại đỉnh điểm của cơn bão, bạn không thể nhìn xa hơn một vài mét trước mặt, và điều duy nhất rõ ràng là công nghệ vệ tinh ở đỉnh cao của khoa học của người Mỹ đã bất lực, đui mù khi đối mặt với khí hậu của vùng đất hoang đã này. Tất cả mọi người, từ Tổng thống Bush và Hội đồng tham mưu Liên quân cho đến quân đội Liên minh phương Bắc trên bộ, chỉ còn cách chờ đợi. Sau đó trời đổ mưa, còn cát đã phủ lên mọi thứ và ai nấy đều mình mẩy lấm bùn. Mưa rơi nặng hạt đến nỗi những túp lều đóng bùn nơi chúng tôi trú ngụ trông như thể đang tan chảy. Một lần nữa, rõ ràng ý định tiến quân về phía nam đã bị trì hoãn cho đến khi địa lý đã hoàn tất việc cất lên tiếng nói của nó. Các quy luật của địa lý, mà Hannibal, Tôn Tử và Alexander Đại đế đều biết, vẫn thích dụng cho các nhà lãnh đạo ngày nay.

Gần đây hơn, năm 2012, tôi nhận được một bài học địa-chiến lược nữa: trong khi Syria sa vào cuộc nội chiến bùng nổ hết cỡ, tôi đứng trên một đỉnh đôi tại Syria, nhìn xuống thung lũng phía nam thành phố Hama, và thấy một xóm nhỏ đang bốc cháy ở phía xa. Những người bạn Syria chỉ cho tôi ngôi làng lớn hơn nhiều cách đó khoảng một dặm, họ nói đó là nơi cuộc tấn công được bắt đầu. Sau đó họ giải thích rằng, nếu một phe có thể đẩy một số người vừa đủ từ phe kia ra khói thung lũng, khi đó thung lũng này sẽ được sáp nhập vào một vùng đất khác vốn dẫn tới con đường cao tốc duy nhất của đất nước, và như vậy sẽ hữu ích trong việc khoét được một máng từ vùng đất có thể sinh sống tiếp giáp nhau, mà một ngày nào đó có thể tạo nên một nhà nước nhỏ nếu như Syria không thể tái hợp một lần nữa. Nơi trước đó tôi chỉ thấy là một ngôi làng nhỏ đang bốc cháy, thì giờ đây tôi đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của nó và hiểu các thực tế chính trị được định hình ra sao bởi những thực tế địa lý tự nhiên cơ bản nhất.

Địa chính trị ảnh hưởng đến mọi quốc gia, dù trong thời chiến, như trong các ví dụ ở trên, hay trong thời bình. Ở mỗi một vùng đất mà bạn có thể nhớ ra, đều sẽ có vài ví dụ. Trong những trang sách này, tôi không thể khám phá được tất cả: Canada, Úc và Indonesia chỉ được đề cập ngắn gọn, mặc dù tôi có thể dành hẳn một cuốn sách riêng cho Úc và cách thức mà theo đó địa lý của quốc gia này đã định hình mối liên hệ của nó với các vùng khác của thế giới, về vật chất cũng như văn hóa. Thay vào đó, tôi sẽ tập trung vào các thế lực và các khu vực có thể minh họa tốt nhất các điểm chính của cuốn sách này, giới thiệu khái quát di sản địa chính trị từ quá khứ (sự hình thành quốc gia); những tình huống cấp bách nhất mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay (những bất ổn liên tục ở Ukraine, ảnh hưởng bành trướng của Trùng Quốc); và nhìn tới tương lai (sự cạnh tranh ngày càng tăng ở Bắc cực).




Trong chương về Nga, chúng ta thấy sự ảnh hưởng của Bắc cực, và khí hậu băng giá của nó đã hạn chế khả năng để nước Nga trở thành một thế lực toàn cầu thực sự như thế nào. Trong chương về Trung Quốc, chúng ta thấy những hạn chế của một thế lực không có một lực lượng hải quân toàn cầu, và hiện Trung Quốc đang tìm cách thay đổi điều này với sự khẩn trương thấy rõ. Chương về Hoa Kỳ minh họa cho các quyết định khôn ngoan để mở rộng lãnh thổ trong những khu vực trọng điểm cho phép Hoa Kỳ có được vận mệnh hiện đại của mình trong vai trò một siêu cường trên hai đại dương như thế nào. Châu Âu cho ta thấy giá trị của bình nguyên và các con sông tàu thuyền dễ lưu thông trong việc kết nối các vùng miền với nhau và tạo ra một nên văn hóa có khả năng khởi động một thế giới hiện đại, trong khi châu Phi là một ví dụ điển hình về những ảnh hưởng của sự cô lập.

Chương về Trung Đông cho thấy lý do tại sao việc vạch ranh giới trên bản đồ nếu xem nhẹ địa thế, và quan trọng không kém, xem nhẹ các nền văn hóa địa lý trong một khu vực xác định, thì sẽ gây ra hệ lụy bất ốn. Chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến sự bất ổn đó ngay trong thế kỷ này. Chủ đề tương tự cũng được trình bày trong các chương về châu Phi và Ấn Độ – Pakistan. Những cường quốc thuộc địa đã vạch ra các đường biên giới nhân tạo trên giấy, chẳng đếm xỉa gì đến những thực tế địa lý tự nhiên của khu vực đó, kết quả là đã tạo ra một số trong những biên giới nhân tạo nhất mà thế giới từng chứng kiến. Hiện tại, ở Trung Đông một nỗ lực đang được tức hiện để vẽ lại những đường biên giới đó bằng máu.

Nhật Bản và Hàn Quốc rất khác so với trường hợp của Kosovo hay Syria, ở chỗ họ hầu như đông nhất về sắc tộc. Nhưng họ có những vấn đề khác: Nhật Bản là một quốc đảo không có tài nguyên thiên nhiên, trong khi sự chia cắt hai miền Triều Tiên vẫn còn là vấn đề đang chờ được giải quyết. Trong khi đó, châu Mỹ Latin là một trường hợp bất thường. Ở xa về phía nam, Mỹ Latin bị cắt đứt với thế giới bên ngoài khiến việc giao thương quốc tế trở nên khó khăn, và địa lý nội bộ của nó là rào cản đối với việc hình thành một khối thương mại thành công như Liên minh châu Âu.




Sau cùng, chúng ta đến một trong những nơi hoang vu nhất trên Trái đất – Bắc cực. Trong hầu hết lịch sử, con người đã phớt lờ nó, nhưng trong thế kỷ 20, chúng ta tìm thấy nguồn năng lượng tại đây, và nên ngoại giao trong thế kỷ 21 sẽ xác định xem ai là người sở hữu – hay buôn bán – nguồn tài nguyên đó.

Việc nhìn nhận địa lý như một nhân tố quyết định trong tiến trình lịch sử nhân loại có thể bị diễn giải là một cách nhìn ảm đạm về thế giới, đó là lý do tại sao nó không được ưa thích trong một số cộng đồng trí thức. Nó cho thấy tự nhiên có quyền lực mạnh hơn con người, và chúng ta cũng chỉ có thể làm được đến thế trong việc quyết định số phận của chính mình mà thôi. Tuy nhiên, các nhân tố khác rõ ràng cũng có ảnh hưởng đến các sự kiện. Bất kỳ người có lý trí nào đều có thể nhận thấy công nghệ hiện đang bẻ cong các quy tắc thép của địa lý.

Công nghệ đã tìm ra phương cách để vượt lên trên, luồn xuống dưới, hoặc xuyên qua một số rào cản. Máy bay Hoa Kỳ giờ đây có thể bay thẳng một lèo từ Missouri tới Mosul để thực hiện nhiệm vụ ném bom mà không cần phải đáp dọc đường để tiếp nhiên liệu. Việc này có nghĩa là, cùng với các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm lớn, Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn không cần một đồng minh hay một thuộc địa để mở rộng tầm với ra khắp thế giới. Tất nhiên, nếu có một căn cứ không quân trên đảo Diego Garcia, hoặc quyền xuất nhập thường trực vào hải cảng ở Bahrain, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn; nhưng điều đó không nhất thiết cho lắm.




Như vậy, giống như Internet, không lực cũng đã thay đổi các quy tắc [của địa lý], dù theo một cách khác. Nhưng địa lý, và cách thức mà lịch sử của các quốc gia đã tự thiết lập trong địa lý ấy, vẫn rất quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về thế giới hôm nay và tương lai cúa chúng ta.

Xung đột ở Iraq và Syria có nguồn gốc từ việc các cường quốc thuộc địa phớt lờ những quy tắc về địa lý, trong khi sự kiện Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng lại phát sinh từ việc tuân theo những quy tắc này; chính sách đối ngoại toàn cầu của Hoa Kỳ cũng bị định đoạt bởi chúng, và thậm chí sự phát huy quyền lực của vị thế siêu cường mới nhất này cũng chỉ có thể làm giảm nhẹ bớt các quy tắc mà thiên nhiên, hoặc Thiên Chúa, đã an bài.

Những quy tắc đó là gì? Khởi đầu sẽ là vùng đất nơi quyền lực khó bề phòng vệ, và vì thế trong nhiều thế kỉ, các nhà lãnh đạo của nó đã bù đắp điều này bằng cách bành trướng ra bên ngoài. Đó là vùng đất mà phía Tây của nó không có núi non: nước Nga.

Mời các bạn đón đọc Những Tù Nhân Của Địa Lý của tác giả Tim Marshall.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.