Ý Nghĩa Mọi Thứ Trên Đời
Tác giả:
Richard Feynman (1918-1988) là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ được trao giải thưởng Nobel vì những cống hiến quan trọng trong việc xây dựng lý thuyết điện động lực học lượng tử. Tên của ông gắn với phương pháp giản đồ (Feynman diagrams) mà tất cả những người nghiên cứu vật lý lý thuyết đều biết. Feynman được tôn vinh với nhiều giải thưởng và danh hiệu. Ông là tác giả của bộ sách Những bài giảng vật lý của Feynman (Feynman Lectures on Physics) rất nổi tiếng cũng như nhiều tác phẩm về khoa học dành cho những người bình thường. Một trong số đó là tác phẩm Ý nghĩa mọi thứ trên đời (The meaning of it all) – ghi chép ba bài giảng tại Đại học Wasshington (Seattle) năm 1963.
Dịch giả:
Dịch giả Nguyễn Văn Trọng: TSKH Vật lý, dịch giả các cuốn sách Bàn về tự do, Chính thể đại diện của John Stuart Mill.
Tác phẩm (Lời người dịch)
Tôi là người gần như suốt cuộc đời theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học, nhưng luôn băn khoăn với câu hỏi: “Cái công việc nghiên cứu khoa học mình đang làm đây thực chất là gì vậy? Ý nghĩa của nó là gì? Và nói cho cùng thì khoa học là gì?” Khi đã có điều kiện tìm hiểu lời giải đáp cho những câu hỏi ấy tôi mới hiểu rằng mình đã đụng chạm đến lĩnh vực khoa học luận (Philosophy of Science) làm bận tâm trí nhiều nhà tư tưởng lớn và những bài viết của họ không dễ đọc chút nào. Tôi phát hiện ra rằng ở ta khái niệm khoa học bị hiểu sai lệch rất nhiều và thuật ngữ “khoa học” đang bị lạm dụng rất tùy tiện, khiến cho nội hàm của nó trở nên khác biệt với cái mà các dân tộc khác vẫn quy ước cho nó. Dường như bất cứ một công việc có kỹ năng chuyên môn nào cũng được gọi là khoa học, bất cứ hiện tượng nào được quan sát thấy cũng là khoa học. Một mặt thì người ta đồng nghĩa khoa học với chân lý (một khi được gọi là khoa học rồi thì mãi mãi đúng), mặt khác người ta lại không coi trọng giá trị nhận thức của khoa học mà chỉ coi trọng giá trị lợi dụng nó cho các mục tiêu trước mắt. Nhiều người muốn tôn vinh các danh nhân khoa học theo kiểu tôn vinh các thánh nhân “tiên tri tiên giác”, một nhà khoa học nổi tiếng dường như có thẩm quyền phán truyền đủ mọi thứ. Tuy nhiên, việc giải mã những ngộ nhận ấy thực không dễ dàng chút nào.
Một dịp tình cờ được đọc cuốn sách mỏng The Meaning of It All của Richard P. Feynman khiến tôi vô cùng thích thú. Giá trị tuyệt vời của cuốn sách là ở chỗ Feynman đã diễn giải những vấn đề phức tạp của khoa học luận bằng một ngôn ngữ sinh động và giản dị trong ba bài giảng dành cho sinh viên Đại học Washington (Seattle) năm 1963. Ông không chỉ dừng lại ở đó mà còn luận bàn cởi mở về mối tương quan của khoa học với mọi mặt của cuộc sống nhân sinh với những nhận xét rất tinh tế.
Tôi sung sướng được làm công việc dịch tác phẩm này sang tiếng Việt với hy vọng bản dịch sẽ đem lại hứng thú cho các độc giả Việt Nam, đặc biệt là các bạn sinh viên. Điều tôi băn khoăn e ngại là khả năng dịch thuật không chuyên nghiệp của tôi sẽ làm giảm đi giá trị của tác phẩm mà tôi rất yêu thích.
Vì cuốn sách mỏng này tập hợp các bài giảng của Feynman nên có một số câu, đoạn rất đặc trưng của văn nói. Trong khi chuyển ngữ, với những câu đoạn như thế, người dịch xin giữ nguyên văn phong nói của văn bản.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
NGUYỄN VĂN TRỌNG
***
Tôi muốn chú tâm trực tiếp ngay vào tác động của khoa học đến ý tưởng của con người trong những lĩnh vực khác, một chủ đề mà ngài John Danz đặc biệt muốn tôi thảo luận. Trong bài giảng thứ nhất tôi sẽ nói về bản chất của khoa học và sẽ nhấn mạnh đặc biệt tới hiện hữu của hoài nghi và bất xác định. Trong bài giảng thứ hai tôi sẽ thảo luận về tác động của các quan điểm khoa học lên các vấn đề chính trị, đặc biệt là vấn đề những kẻ thù của quốc gia và vấn đề tôn giáo, còn trong bài giảng thứ ba tôi sẽ mô tả xã hội trông cậy vào tôi thế nào – hẳn tôi đã có thể nói xã hội trông cậy vào một nhà khoa học thế nào, nhưng tôi chỉ nói trông cậy vào tôi thế nào mà thôi – và những phát minh khoa học trong tương lai có thể gây ra điều gì về phương diện các vấn đề xã hội.
Tôi biết gì về tôn giáo và chính trị? Nhiều người bạn của tôi trong khoa vật lý ở đây và trong các khoa khác đã phì cười và bảo: “Tôi rất muốn đến nghe xem anh có gì để nói. Tôi không ngờ anh lại quan tâm nhiều đến những chuyện ấy.” Tất nhiên họ biết là tôi có quan tâm, nhưng ý của họ là chắc tôi chẳng có gan nói về những chuyện ấy.
Khi nói về tác động của những ý tưởng trong lĩnh vực này tới những ý tưởng trong lĩnh vực khác người ta luôn dễ tự thấy mình làm chuyện ngu ngốc. Trong thời buổi chia tách chuyên môn này thật có ít người hiểu biết sâu sắc về hai lĩnh vực của tri thức để khiến họ không thấy mình làm chuyện ngu ngốc trong lĩnh vực này hay lĩnh vực kia.
Những ý tưởng mà tôi định mô tả là những ý tưởng xưa cũ. Thực tế chẳng có gì mà tôi định nói buổi tối hôm nay lại không thể dễ dàng được nói ra bởi các triết gia thế kỷ 17. Vậy nhắc lại tất cả những thứ ấy để làm gì? Bởi vì mỗi ngày những thế hệ mới lại sinh ra, và những ý tưởng ấy không thể tồn tại dài lâu trừ phi chúng được truyền lại có chủ ý và thật rõ ràng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nhiều ý tưởng trở thành tri thức phổ biến đến mức không cần phải bàn thảo hay giải thích nữa. Thế nhưng những ý tưởng gắn liền với các vấn đề phát triển khoa học, theo quan sát của tôi, thì không phải là loại ý tưởng mà ai cũng đánh giá đúng được. Quả thực là có số đông người đánh giá đúng những ý tưởng ấy. Và đặc biệt ở trường đại học thì phần đông mọi người đánh giá đúng, nên các bạn có thể không phải là cử tọa của tôi.
Thật khó khi nói về tác động của những ý tưởng trong một lĩnh vực này lên những ý tưởng trong lĩnh vực khác, tôi sẽ bắt đầu từ cái mà tôi biết. Tôi biết rõ về khoa học. Tôi biết những ý tưởng và những phương pháp của nó, thái độ của nó đối với tri thức, ngọn nguồn của sự tiến bộ của nó, kỷ luật tinh thần của nó. Cho nên trong bài giảng thứ nhất tôi sẽ nói về khoa học như tôi biết, và tôi sẽ dành những phát ngôn nực cười của tôi cho hai bài giảng tiếp theo, ở những buổi giảng bài ấy tôi nghĩ rằng theo quy luật thì cử tọa sẽ ít người hơn.
Khoa học là gì? Từ ngữ này thường được dùng để chỉ một trong ba thứ, hoặc là hỗn hợp của những thứ đó. Tôi không cho rằng ta cần phải chính xác – không phải lúc nào việc quá chính xác cũng là tốt. Đôi khi khoa học có nghĩa là một phương pháp để khám phá ra sự vật. Đôi khi nó có nghĩa là một khối tri thức nảy sinh từ những sự vật hay sự việc được khám phá ra. Nó cũng có thể có nghĩa là bạn có khả năng làm ra những cái mới mẻ một khi bạn khám phá ra cái gì đó, hoặc có nghĩa là thực sự làm ra những cái mới mẻ. Lĩnh vực sau cùng này thường được gọi là công nghệ – thế nhưng nếu bạn đọc chuyên mục khoa học trong tạp chí Time bạn sẽ thấy có đến 50% là những phát hiện mới được khám phá và 50% là những cái gì có thể được làm ra hay đang được làm ra. Vậy nên định nghĩa khá phổ biến khác cũng coi công nghệ phần nào là khoa học.
Tôi muốn thảo luận ba phương diện ấy của khoa học theo trình tự đảo ngược. Tôi sẽ bắt đầu với những cái mới mẻ mà bạn có thể làm ra – tức là với công nghệ. Đặc trưng hiển nhiên nhất của khoa học là ứng dụng của nó, quả thực là người ta có năng lực làm ra những đồ vật như một hệ quả của khoa học. Chẳng cần phải nói nhiều về hiệu quả của năng lực này. Toàn bộ cuộc cách mạng công nghiệp chắc hẳn đã không thể xảy ra nếu không có phát triển của khoa học. Những khả năng ngày nay sản xuất được số lượng lương thực đủ cung cấp cho một số đông dân chúng, kiểm soát được bệnh tật – một thực tế hùng hồn chứng tỏ con người không cần tới chế độ nô lệ để sản xuất đầy đủ, và đây chắc chắn là kết quả của phát triển sản xuất bằng phương pháp khoa học.
Ngày nay năng lực thực hiện lại không đi kèm với những chỉ dẫn sử dụng năng lực đó thế nào, sử dụng cho điều thiện hay cho điều ác. Sản phẩm của năng lực này hoặc là thiện hoặc là ác tùy thuộc vào cách thức sử dụng nó. Chúng ta ưa thích cải tiến sản xuất, thế nhưng chúng ta có vấn đề với việc tự động hóa. Chúng ta hạnh phúc với phát triển y tế và rồi chúng ta lo lắng với số lượng sinh đẻ và với thực tế là không còn ai chết vì những bệnh tật mà chúng ta đã loại bỏ được. Hay còn điều này nữa, với cùng một tri thức về vi khuẩn, chúng ta có những phòng thí nghiệm bí mật trong đó người ta ra sức cố tạo ra những vi khuẩn sao cho không ai có thể chữa lành được. Chúng ta hạnh phúc với phát triển của vận chuyển hàng không và rất ấn tượng với những máy bay khổng lồ, thế nhưng chúng ta cũng ý thức được những nỗi khủng khiếp ghê gớm của cuộc chiến tranh trên không, chúng ta vui mừng về khả năng thông tin liên lạc giữa các quốc gia và rồi chúng ta lo lắng về thực tế là chúng ta có thể bị rình mò thật dễ dàng. Chúng ta phấn khởi vì thực tế con người đã có thể đi vào không gian [vũ trụ]; vậy mà chúng ta chắc chắn cũng có khó khăn cả ở đây nữa. Bất cân xứng nổi tiếng nhất trong tất cả những bất cân xứng ấy, chính là phát triển năng lượng hạt nhân và những vấn đề hiển nhiên của nó.
Khoa học có được giá trị gì không?
Tôi cho rằng có năng lực làm được cái gì đó là một giá trị. Kết quả là tốt hay xấu phụ thuộc vào việc sử dụng năng lực ấy thế nào, nhưng năng lực là một giá trị.
Có lần ở Hawaii tôi được đưa đến thăm một ngôi chùa Phật giáo. Trong chùa một người đã nói, “Tôi sẽ nói cho ông nghe một điều mà ông sẽ không bao giờ quên.” Rồi sau đó người ấy bảo, “Mỗi người đều được trao cho một chiếc chìa khóa mở cổng vào thiên đường. Cũng chính chiếc chìa khóa ấy mở được cổng vào địa ngục.”
Khoa học cũng như vậy. Theo cách này thì đó là chìa khóa mở cổng thiên đường, và cũng chính chiếc chìa khóa ấy mở được cổng vào địa ngục, nhưng chúng ta không có được chỉ dẫn để biết cổng nào dẫn đến chỗ nào. Liệu chúng ta có quẳng đi chiếc chìa khóa và chẳng bao giờ có cách đi vào cổng thiên đường? Hay chúng ta sẽ tranh đấu với câu hỏi cách thức nào là tốt nhất cho việc sử dụng chìa khóa? Tất nhiên, đây là vấn đề rất nghiêm túc, nhưng tôi cho rằng chúng ta không thể phủ nhận giá trị của chiếc chìa khóa mở cổng thiên đường.
Tất cả những vấn đề chủ yếu về quan hệ giữa xã hội và khoa học nằm ở chỗ này. Khi một nhà khoa học được nhắc nhở rằng anh ta phải có trách nhiệm với những hậu quả anh ta gây ra cho xã hội, thì đó là nói về việc ứng dụng của khoa học. Nếu bạn làm công việc phát triển năng lượng hạt nhân, bạn cũng cần phải ý thức được rằng năng lượng ấy có thể bị sử dụng để gây hại. Cho nên, bạn phải biết rằng trong việc thảo luận loại này với tư cách nhà khoa học, thì đó hẳn là một chủ đề quan trọng nhất. Nhưng tôi sẽ không nói thêm nữa về chuyện này. Tôi cho rằng sẽ là cường điệu hóa nếu coi những vấn đề này là những vấn đề khoa học. Những vấn đề này mang tính nhân đạo nhiều hơn. Thực tế việc năng lực hoạt động thế nào thì hoàn toàn đã rõ ràng, nhưng kiểm soát năng lực ấy thế nào, thì không rõ – sự kiện này là thứ gì đó không có tính chất khoa học lắm và không phải là thứ mà các nhà khoa học hiểu biết nhiều.
Hãy để tôi minh họa tại sao tôi không muốn nói về vấn đề này. Cách đây ít lâu, khoảng năm 1949 hay 1950, tôi đã tới Brazil để dạy vật lý. Thời đó có một Chương trình Bốn điểm đầy hứng khởi – ai cũng muốn đi giúp đỡ các nước chậm phát triển, cái họ cần tất nhiên là kiến thức công nghệ.
Tại Brazil tôi sống ở thành phố Rio. Rio có những ngọn đồi trên đó có những ngôi nhà được làm bằng những mảnh gỗ tận dụng từ các biển hiệu cũ và những thứ tương tự. Người dân cực kỳ nghèo. Không có cống rãnh và nước. Để lấy nước người ta đội những can xăng cũ trên đầu đi xuống chân đồi. Họ đi đến chỗ đang xây một tòa nhà cao tầng mới, vì ở đây có nước dùng để trộn xi măng. Dân chúng hứng đầy các can và mang lên đồi. Rồi sau bạn sẽ thấy nước thải bẩn chảy xuống chân đồi. Thật tội nghiệp.
Ngay cạnh những ngọn đồi ấy là những tòa nhà cao tầng hoành tráng của bãi tắm Copacabana, những căn hộ xinh đẹp và những thứ tương tự.
Tôi nói với các bạn bè trong chương trình Bốn điểm, “Liệu đây có phải là vấn đề kiến thức công nghệ hay không? Họ không biết cách đưa ống dẫn nước lên đồi hay sao? Họ không biết đặt ống nước trên đỉnh đồi để cho ít nhất người ta cũng có thể đi lên dốc với những cái can rỗng và đi xuống với những can đầy hay sao?”
Cho nên, đây không phải là một vấn đề kiến thức công nghệ. Chắc chắn là không phải, bởi vì tại những tòa nhà cao tầng kế bên có những đường ống nước, có máy bơm. Giờ thì chúng tôi đã hiểu rằng đó là vấn đề trợ giúp kinh tế, và chúng tôi không biết liệu nó có vận hành được hay không? Theo tôi, vấn đề đặt một đường ống nước và máy bơm lên đỉnh mỗi ngọn đồi tốn kém bao nhiêu là không đáng thảo luận.
Dẫu tôi không biết làm sao để giải quyết vấn đề, nhưng tôi muốn chỉ ra rằng chúng tôi đã cố gắng làm hai việc, kiến thức công nghệ và trợ giúp kinh tế. Rồi chúng tôi thấy nản lòng với cả hai việc, và chúng tôi đang cố làm điều gì khác. Rồi các bạn sẽ thấy, tôi cho rằng nó đáng khích lệ. Tôi cho rằng việc liên tục tìm kiếm cách giải quyết mới là phương cách để làm mọi việc.
Đấy là những phương diện thực tiễn của khoa học, những cái mới mẻ mà bạn có thể làm. Những thứ này thật quá hiển nhiên chẳng cần phải nói thêm nữa.
Mời các bạn đón đọc Ý Nghĩa Mọi Thứ Trên Đời của tác giả Richard P. Feynman.
Leave a Reply