Giáo sư tiến sỹ Nguyễn Hoàng Phương nhà khoa học tâm linh đầu tiên của Việt Nam

Trên đỉnh cao toán lý

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương sinh ngày 27/03/1927, mất ngày 24/03/2004, là một hiện tượng trong đời sống văn hóa nước ta.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông là đội viên Đội biệt động dân quân, sau đó là đội viên Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Quảng Nam Đà Nẵng. Ông có tư chất rất dũng cảm, thông minh, và lãng mạn, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng hành trang của ông luôn đầy đủ ba thứ đó là: cây súng, cây sáo và cuốn sách Toán. Năm 1949 chàng thanh niên này được Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu V đặc cách giới thiệu đi học. Chỉ trong một năm, anh hoàn thành xong chương trình Trung học Phổ thông ba năm.




Từ sau năm 1954 ông dạy Đại học Sư phạm Hà Nội, và sau đó là Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên). Ông được đề bạt Chủ nhiệm Khoa Vật lý, là thầy của hầu hết những thế hệ nhà vật lý của Việt Nam sau này. Năm 1961, một đêm thức trắng từ sáu giờ chiều đến sáu giờ sáng để ông hoàn thành bản Luận án: “Vật chất trong không gian sáu chiều”, là luận án tiến sĩ đầu tiên về Vật lý của Việt Nam được bảo vệ thành công tại Đại học Lômônôxốp, Liên Xô.
Cánh chim đầu đàn của khoa học tâm linh Việt Nam

Sau những năm giảng dạy, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương dành hơn 30 năm cuộc đời cho sự nghiệp thứ hai mà có lẽ là thiên mệnh, để nghiên cứu khám phá văn hóa tâm linh của phương Đông.

Từ rất sớm những năm 1970, Giáo sư tham gia nghiên cứu khả năng của nhà thực hành tâm linh, ngoại cảm, chữa bệnh tâm linh Việt Nam, là cụ Nguyễn Đức Cần. Dư luận Hà Nội một thời xôn xao hiện tượng một giáo sư đại học Toán Vật lý lại say mê nghiên cứu những vấn đề tâm linh, trình độ xã hội bấy giờ gọi là mê tín dị đoan. Ông biết rằng mình đã bước vào cuộc phiêu lưu khám phá một vấn đề còn đầy bí ẩn và huyền diệu của nhân loại, một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Nhưng ông không dừng lại. Ông đã viết công trình đầu tiên Đông Y Học Dưới Ánh Sáng của Lý Thuyết Tập Mờ, sau đó là cuốn sách Con Người và Trường Sinh Học (Nxb Đà Nẵng, 1990. Tái bản Nxb Văn hóa Thông tin, 2003). Cuốn sách viết dưới hình thức đối thoại, giới thiệu một vấn đề mới mẻ hấp dẫn với bạn đọc Việt Nam, đó là đời sống tâm linh của con người dưới ánh sáng của khoa học.




Duyên may hay thiên mệnh, đã dẫn dắt Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương tìm đến Kinh Dịch. Một khó khăn cho ông là giỏi tiếng Nga, Pháp, Anh nhưng ông không biết tiếng Hán Nôm. Nhưng không sao, có cả một nền dịch học ở Việt Nam bắt đầu từ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn đến Phan Bội Châu, và nhiều nhà nghiên cứu như Ngô Tất Tố, Nguyễn Mạnh Bảo, Nguyễn Hiến Lê, Lê Văn Quán đã ra sách bằng quốc ngữ. Ông thường xuyên dự các buổi giảng Kinh Dịch của thầy Vũ Xuân Quang, một nhà Hán Nôm lỗi lạc ở Hà Nội. Giáo sư thực sự nhận ra rằng Kinh Dịch là triết học tinh hoa của văn minh phương Đông, một lý thuyết hệ thống tối ưu nhiều mặt (sinh học, y học, quy luật tâm sinh lý và xử thế…) cho con người trong quan hệ với thiên nhiên, với cộng đồng, và với chính mình. Sau hàng chục năm miệt mài, có sự cộng tác và ủng hộ của bạn bè, Giáo sư cho ra đời bộ sách Tích Hợp Đa Văn Hóa Đông Tây Cho Một Chiến Lược Giáo Dục Tương Lai (Nxb Giáo dục, 1995, tái bản 1996).

Lần đầu tiên toàn bộ Kinh Dịch được trình bày và biểu diễn bằng một cấu trúc lô-gích của khoa học phương Tây, đặc biệt việc vận dụng lý thuyết Toán Tập mờ hiện đại của phương Tây để mô tả cấu trúc triết lý của văn minh phương Đông, biểu hiện một tư duy hệ thống hóa cặn kẽ, khám phá một phương pháp tiếp cận mới đối với triết cổ phương Đông thời nay. Tám quẻ Dịch được trình bày trong bảng Đại số Tám chiều, một thuật toán cao cấp, hiện đại. Nhờ thuật toán đại số này, ông giải mã Kinh Dịch, phát hiện những sai lệch của Kinh Dịch do thất truyền qua nhiều thế kỷ, đồng thời khám phá những bài toán đa tiêu của triết học cổ đại phương Đông, phát triển và vận dụng nó trong thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới. Qua các khám phá này ông cố gắng làm sáng tỏ Kinh Dịch là học thuyết siêu thống nhất tất cả các học thuyết nhân văn Đông Tây, một lý thuyết Thiên Địa Nhân, giúp chúng ta hiểu về bản thể nhân loại trong quan hệ vũ trụ, giúp con người sống hòa hợp với thiên nhiên và hòa hợp với nhau.

Giáo sư đặt vấn đề làm sao để mọi người hiểu được và vận dụng được Kinh Dịch. Muốn vậy, cần phải dạy Kinh Dịch trong nhà trường, như “Một chiến lược giáo dục tương lai”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *